Tuesday 2 January 2018

BẢN TIN TỐI 2/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
Bên cạnh quá trình quân sự hóa Biển Đông vẫn đang tiếp diễn, Quân đội Trung Quốc điều chỉnh nhân sự có liên quan đến Biển Đông. Báo Giáo Dục VN dẫn nguồn từ báo Tin tức Bành Bái của Trung Quốc đưa tin, Phó tư lệnh Chiến khu Nam kiêm Tư lệnh Không quân Chiến khu Nam của Trung Quốc, tướng Từ An Tường “vừa có tên trong danh sách Thường vụ Đảng ủy Quân chủng không quân Trung Quốc”.

Đây là viên tướng đã từng “kiểm tra các hoạt động huấn luyện tác chiến đường xa và tác chiến thường xuyên trên Biển Đông của các đơn vị không quân Trung Quốc”. Tướng Từ An Tường bình luận: “Triển khai huấn luyện ở vùng biển xa là nội dung quan trọng trong việc nâng cao khả năng tác chiến quân sự trên biển”. Truyền thông Trung Quốc tuyên bố: “Không quân Trung Quốc cần một người lãnh đạo có hiểu biết chuyên môn sâu và giàu kinh nghiệm chỉ huy trên Biển Đông”.

Tin tức Bành Bái còn cho biết thêm, trong đợt điều chỉnh nhân sự này, Bắc Kinh còn chỉ định Dương Chí Lượng làm Chính ủy Học viện Hải quân Trung Quốc. Viên sĩ quan mang quân hàm Chuẩn đô đốc hải quân Trung Quốc này đã “từng tham gia xâm lược đá Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam năm 1988 và bị bắn gẫy một cánh tay”.

Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Biển Đông có phải điểm nóng bị lãng quên? Nhờ sức nóng từ vấn đề căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã có một năm 2017 tương đối thuận lợi để thúc đẩy quá trình quân sự hóa Biển Đông. “Trong khi theo đuổi việc tiếp cận ngoại giao với các nước Đông Nam Á, Bắc Kinh vẫn tiếp tục hoạt động bồi đắp, xây dựng các tiền đồn ở một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa”.

Tác giả cho rằng, trên bình diện quốc tế, chuyển động của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ quyết định xem Biển Đông có bị “lãng quên” hay không. Những người Việt Nam ý thức được rằng chủ quyền Việt Nam đã bị xâm phạm trên Biển Đông sẽ không bao giờ quên trách nhiệm với lãnh hải. “Biển Đông trong tương lai gần, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sử dụng kế ‘dĩ dật đãi lao’, lấy lực lượng đồn trú trên khắp các căn cứ quân sự họ đã thiết lập ở Biển Đông để phục vụ chiến lược Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.


Tiếp tục chuyện Vũ “nhôm” nơi xứ người
Facebooker Phạm Lê Vương Các bình luận về cơ hội tỵ nạn của Vũ nhôm. Một hiện tượng lạ ở chính trường Việt Nam: Các lãnh đạo thường xuyên tuyên truyền rằng dân chủ của thể chế cộng sản “gấp vạn lần dân chủ tư sản”, nhưng đến khi “ngã ngựa”, họ thi nhau kiếm đường chạy sang các nước phương Tây, “lợi dụng các cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc tế” nhằm “kiếm một suất “tỵ nạn chính trị”. Mới đây, Vũ “nhôm” đã thuê luật sư “làm hồ sơ xin tỵ nạn chính trị” ở Đức.

Bê bối ngoại giao mà an ninh Việt Nam gây ra ở Đức, khi tìm cách bắt Trịnh Xuân Thanh về bằng mọi giá, giờ lại trở thành cơ hội mang tính sống còn với Vũ “nhôm”. Vũ có thể nhân cơ hội này cung cấp thông tin cho phía Đức để đổi lấy đường sống: “Vũ sẽ hợp tác điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh và cung cấp thông tin tình báo mà Vũ đang nắm giữ, phía Đức có thể cấp quy chế tỵ nạn tạm thời cho Vũ đến nước Đức để khai thác các thông tin mà Vũ đang có”.

Chuyện Vũ “nhôm” bị câu lưu ở Singapore, báo chí trong nước vẫn im hơi lặng tiếng. Thấy mạng xã hội và báo độc lập lại tiếp tục dẫn trước trong vụ Vũ “nhôm” mấy ngày qua, tối nay truyền thông trong nước vội lên tiếng: Sự thật Vũ nhôm bị giữ ở Singapore. Mặc dù báo chí Đức và Singapore đã xác nhận tình trạng hiện tại, và đơn xin tỵ nạn của Vũ “nhôm”, nhưng Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, vẫn khẳng định, “chưa nhận được thông tin Vũ ‘nhôm’ đang bị giữ ở Singapore”.

Còn nhớ, trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, chỉ vài ngày trước khi Trịnh Xuân Thanh “đầu thú” trên truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Công an Tô Lâm vẫn “hồn nhiên” tuyên bố: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì”. Trong khi mạng xã hội đã đưa tin gần như chính xác thời điểm và lý do Trịnh Xuân Thanh về nước từ trước đó. Đấy là lý do lãnh đạo ngành tuyên giáo phải thừa nhận: Báo chí tụt hậu với mạng xã hội là nguy cơ hiện hữu.

BBC đưa tin: Truyền thông nói gì vụ Phan Văn Anh Vũ?Bên cạnh những thông tin đã được báo chí Đức và Singaporekhẳng định, tác giả ghi nhận một bài viết của hãng tin Reuters tựa đề: “Gia đình lo sợ cho doanh nhân Việt Nam đào tẩu bị bắt giữ tại Singapore” trong ngày 2/1/2018. Theo Reuters, “mặc dù Singapore không có hiệp ước dẫn độ với Việt Nam, cơ quan xuất nhập cảnh của nước này có quyền trả người về nước theo những hoàn cảnh đặc biệt, theo Luật Di trú của Singapore”.

Trong khi mạng xã hội và một số hãng tin lớn trên thế giới đã đưa tin về tình trạng Vũ “nhôm”, truyền thông trong nước vẫn im lặng. Sự im lặng này không chỉ đi ngược lại quyền tự do báo chí mà còn chứng minh rằng, cách làm truyền thông được dẫn dắt bởi một Ban Tuyên giáo sẽ không thể nào cạnh tranh được với các trang tin tự do, độc lập.


“Củi” Thăng vào lò, củi khác rời lò
Về sự kiện hai sếp lớn bị ông Đinh La Thăng cách chức về lại ‘ghế’ cũ, Facebooker Nguyễn Tiến Tường đánh giá: Không thể như thế được! Tội của ông Đinh La Thăng không phải là lý do để phủ nhận sai phạm rành rành của ông Nguyễn Viết Hiệp, với quyết định “nhập 160 toa tàu cũ của Trung Quốc về VN gây lãng phí tiền tấn”, và ông Phạm Tuấn Anh, người được làm lãnh đạo nhờ ông bố ra “quyết định vượt thẩm quyền và trái các quy định”.

Vào thời điểm ông Thăng kỷ luật 2 người này, “sai phạm của các cá nhân là rất rõ ràng và ông Thăng khi đó chỉ đạo là với tư cách người đứng đầu một bộ. Không phải nhân danh cá nhân ông ta”.

Các lãnh đạo liên tục tuyên truyền rằng chiến dịch chống tham nhũng “không có vùng cấm”. Diễn biến thực tế cho thấy rõ khái niệm “không có vùng cấm” ấy cần được hiểu theo ngữ cảnh đặc biệt của một cuộc thanh trừng nội bộ. “Đừng để dân hỏi miết một câu hỏi đầy bất nhẫn: Ông đó ở phe nào?”.



“Bàn tay che trời” của Bộ Chính trị
Báo VnExpress thống kê: Bộ Chính trị, Ban bí thư quyết định các chức danh nào? Trong các chức danh lãnh đạo giờ thuộc quyền kiểm soát của Bộ Chính trị, có một số chức danh đáng chú ý: Ủy viên “Bộ Chính trị” và “Ban chấp hành Trung ương”“Phó chủ tịch nước”“Phó chủ tịch Quốc hội”“Phó thủ tướng”, Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm “Ủy ban Kiểm tra Trung ương”“Tổng Thư ký Quốc hội”“Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”“Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”“Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Bộ Chính trị còn có quyền “xem xét, quyết định việc phong hoặc thăng quân hàm đối với các nhân sự giữ chức vụ nêu trên và phong hoặc thăng quân hàm Đại tướng, Thượng tướng, Đô đốc Hải quân cho các nhân sự giữ chức vụ thấp hơn”. Theo lý thuyết chính trị hiện đại, Quy định 105 của bác Tổng và Bộ chính trị đã phủ nhận hầu như toàn bộ tính chính danh của các cơ chế bầu cử, các quy chế dân chủ cơ sở, các cơ chế đảm bảo “công khai, minh bạch” do chính Đảng Cộng sản Việt Nam xác lập.


Chính trường Việt Nam những ngày đầu năm
Vế vấn đề tài sản tham nhũng, trang VOV bình luận: “Tài sản tham nhũng đâu phải là cây kim, sợi chỉ mà không biết”. Ông Lê Như Tiến, cựu quan chức Quốc Hội cho rằng, những quan chức, lãnh đạo sai phạm đã “chuyển dịch tài sản cho người thân trong gia đình hoặc chuyển dịch tài sản ra nước ngoài bằng nhiều con đường” khiến “việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp không ít khó khăn trong thời gian qua”.

Ông Tiến nói được phần ngọn, nhưng không dám nói đến phần gốc là những kẻ tham nhũng đã biết thông tin điều tra nội bộ từ trước, nên họ mới có đủ thời gian tẩu tán tài sản.

“Thực tế cho thấy, hàng năm đều công khai số liệu cán bộ công chức kê khai tài sản nhưng số được xác minh rất ít và số bị phát hiện thiếu trung thực càng ít hơn”. Vậy nên, chỉ có cấu trúc nhà nước pháp quyền đúng nghĩa mới có khả năng thiết lập và vận hành những cơ chế giám sát và hạn chế quyền lực, cơ chế kiểm tra chéo với sức mạnh thực chất để chống tham nhũng. “Giải pháp” trông chờ vào “tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm của người kê khai” chỉ thúc đẩy tham nhũng.

Vẫn chưa tìm thấy lãnh đạo “đi lạc”: PGĐ Công an Hà Nội: Chưa tìm thấy Chủ tịch huyện Quốc Oai. Trao đổi với báo giới trong nước, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết rằng ông đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự vào cuộc tìm kiếm Chủ tịch huyện Quốc Oai đang “mất tích”. Phía công an vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao ông Lâm “mất tích” gần 1 tuần nay. Lãnh đạo huyện Quốc Oai đã “giao cho Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Đỗ Lai Luật tạm thời điều hành phần việc của ông Lâm”.


Bất cập chuyện BOT và “lời hứa” của lãnh đạo
Về chuyện lãnh đạo BOT Nam Bình Định không giảm đúng mức phí như đã tuyên bố trước đó: Đại diện Bộ GTVT lên tiếng vụ giảm phí BOT Nam Bình Định. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng Bộ GTVT không “lật kèo” chuyện giảm giá vé qua trạm BOT Nam Bình Định, “mức giảm cụ thể ra sao thì phải căn cứ vào việc tính toán phương án tài chính của dự án để thoả thuận với nhà đầu tư dự án”.

Theo thông tin từ báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, các mức phí qua trạm BOT Nam Bình Định do Bộ GTVT vừa công bố “không đúng với phương án giảm giá trước đó đã thống nhất với chính quyền địa phương và các nhà đầu tư”.

Không giữ được lời hứa với dân, nhưng ông Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn khẳng định Bộ GTVT đã tính toán để giảm sao cho “có lợi nhất cho người dân”. Đây là một logic kỳ lạ thường xuất hiện trong hành ngôn của lãnh đạo, họ không giảm được các loại thuế, phí như nguyện vọng của dân, nhưng liên tục tuyên bố rằng làm vậy thì “có lợi  cho người dân”!?

Nhân sự kiện Bộ GTVT “hứa một đằng, làm một nẻo”, báo Người Lao Động bình luận: Bộ GTVT chữa cháy nhưng sợ tốn nước! “Thay vì giảm 10.000 đồng cho tất cả các phương tiện loại 1 khi lưu thông qua đây thì giờ chỉ giảm 5.000 đồng”. Tác giả cho rằng đó là hành động “tận thu”, bất chấp mọi sự phản đối từ người dân, “mặc sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của mặt đường, tiềm ẩn đầy rủi ro gây tai nạn cho người và phương tiện khi tham gia lưu thông”.

Đầu năm, các tài xế tiếp tục “bất tuân dân sự” ở Khánh Hòa: BOT Ninh An: Dàn xe ô tô gây tắc trạm thu phí 1 tiếng. Sáng ngày 2/1/2018, các tài xế dàn phương tiện thành hàng ngang tại trạm BOT Ninh An, “thời gian và phương thức giống hệt hôm qua là không trả tiền phí vé qua trạm”. Đến lúc chủ đầu tư trạm BOT Ninh An quyết định xả trạm, các tài xế vẫn không chịu di chuyển. Được khoảng một tiếng, “các chủ xe tự động di chuyển và trạm đã trở lại hoạt động bình thường”.

Trước đó, Công ty BOT Đèo Cả và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất giải pháp giảm 50% giá vé qua các trạm BOT ở 15 xã, phường, thị trấn đối với các tài xế ở Ninh Hòa. Tuy nhiên, cánh tài xế chỉ chấp nhận mức giảm 100%.


Nhân quyền ở Việt Nam
Facebooker Nguyễn Xuân Nghĩa viết: Đầu năm, xót xa cho một bạn tù già. “Bạn tù” đó là tù nhân lương tâm, cựu Trung tá Trần Anh Kim. Ông Kim là cựu chiến binh Bắc Việt từng tham chiến “tại chiến trường miền Nam từ năm 1968 đến 4/1975”, từng “chỉ huy một đơn vị nhỏ giữ chân quân xâm lược Trung quốc tại một cao điểm biên giới phía bắc”. Đến lúc hòa bình, ông Kim bị tòa án Quân khu 3 “kết tù oan 24 tháng”. Ra tù, ông tiếp xúc với dân oan, đứng về phía giới đấu tranh.

Ông Kim đang chịu án tù 12 năm, 5 năm quản chế, và bị giam tại trại 5 ở Yên Định, Thanh Hóa. Facebooker Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết: “Ông Trần Anh Kim đang bị viêm tiền liệt tuyến cấp độ cuối cùng”.

Ba tháng trước, ông Kim đã viết đơn gửi Ban giám thị trại giam xin được chữa bệnh. Ban giám thị nói rằng bệnh của ông phải chữa trị ở bệnh viện cấp tỉnh, nên họ phải “thỉnh thị” lệnh cấp trên, là Tổng cục thi hành án hình sự (Hà Nội). “3 tháng trôi qua… ông Kim vẫn phải nằm chờ trong xà lim với mang căn bệnh đái rắt, đái buốt, có lần tắt đái…Có khả năng chuyển sang ung thư”.

Trang Hội Sinh Viên Nhân Quyền đưa tin: Thăm nhà sinh viên bất đồng chính kiến Phan Kim Khánh. Sinh viên Phan Kim Khánh đã bị kết án 6 năm tù và 4 năm quản chế với tội danh mơ hồ, “Tuyên truyền chống phá nhà nước”. Anh Khánh từng chia sẻ, “làm chính trị không phải để đạt được cái gì to tát như Đại biểu Quốc hội, bộ trưởng, chủ tịch này nọ…! Với tôi, làm chính trị đơn giản là san cho con đường của các em nhỏ tới trường được dễ dàng, cho đất cày của Bà con Nông dân quê tôi được mền lúa cấy lên tươi tốt”.


Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
Như một nhân vật giải trí, TT Trump “sảy miệng”cho rằng Pakistan “lừa dối Washington và chứa chấp những kẻ khủng bố” và đe dọa cắt viện trợ với quốc gia này. Ngay lập tức phía Pakistan đáp trả, đầu tiên là Pakistan triệu đại sứ Mỹ vì phát biểu của Tổng thống Donald Trump. Theo VOV, Đại sứ Mỹ David Hale đã được triệu tới Bộ Ngoại giao Pakistan để nước này đưa ra những phản đối mạnh mẽ.

Vẫn là chủ đề này, báo Người Đưa Tin có bài Pakistan dọa phơi bày sự thật về Mỹ sau tuyên bố đầu năm của TT TrumpTác giả dẫn lời Ngoại trưởng Pakistan, ông Khawaja Asif nói “Chúng tôi sẽ phản ứng với động thái của Tổng thống Trump ngay lập tức. Sẽ khiến thế giới biết về sự thật… và sự khác biệt giữa thực tế và hư cấu”.

Trong khi đó, báo Dân Việt trích dẫn lời ông Khurram Dastgir-Khan, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan nói “Mỹ đã nhận miễn phí đất đai, cơ sở thông tin, căn cứ quân sự và thông tin tình báo để diệt khủng bố al-Qaeda. Đáp lại, Pakistan chỉ nhận được ‘sự chỉ trích và ngờ vực‘”. Bài viết cũng đưa ra ý kiến của Bộ trưởng Thông tin, ông Marryum Aurangzeb “Mỹ không nên chỉ trích về lỗi của Pakistan trong thất bại của chiến dịch diệt khủng bố ở Afghanistan”và “Mỹ hãy tự chịu trách nhiệm cho thất bại của mình”.

Liên quan đến vụ xả súng vào cảnh sát đêm giao thừa ở Mỹ, TTXVN có tin Mỹ: Hé lộ thông tin về nghi can xả súng vào cảnh sát ở ColoradoTheo các giới chức Mỹ, kẻ xả súng là  Matthew Riehl, 37 tuổi, một luật sư và cựu quân nhân từng tham chiến tại Iraq. Trước đó, các nhà chức trách đã cảnh báo về tình trạng tâm thần của Matthew Riehl.


Nước Mỹ và thế giới
Về mối quan hệ luôn trong thế “đối đầu” giữa Mỹ và Nga, Báo Đất Việt có bài phân tích Mỹ tự suy đoán Nga không ra đòn trướcTheo bài viết, hiện nay căng thẳng giữa Mỹ và Nga được đẩy lên quanh các vấn đề như: Mỹ cấp vũ khí hạng nặng cho Ucraine; Mỹ không kích Syria; Siết chặt trừng phạt Bắc Hàn; tăng cường lực lượng Mỹ và NATO tại vùng Đông Âu và việc Mỹ đưa Nga thành “đối thủ chiến lược”  mới đây.

Tác giả phân tích, trong hầu hết các “điểm đối đầu”, phía Nga thường tỏ ra  nhún nhường, bất chấp các chính sách ngoại giao cứng rắn của TT Trump. Các nhà phân tích Mỹ cho rằng, Nga sẽ e ngại các đòn trả đũa của Mỹ. Bài báo kết luận “nguy cơ bất ổn chính trị trong nước xung quanh cuộc bầu cử tổng thống có thể sẽ buộc Nga phải “hướng nội” hơn và mềm dẻo hơn với Mỹ”.

Trên Dân Việt có bài Vũ khí “ngày tận thế” của Trung Quốc khoan thủng hệ thống tên lửa MỹTheo bài viết, Trung Quốc đã tiến hành hai vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo DF-17 gắn HGV (thiết bị siêu thanh), thứ vũ khí được gọi là “vũ khí ngày tận thế“. Vũ khí mới này có khả năng tấn công nước Mỹ trong chưa đến 1 giờ.

Theo các chuyên gia, HGV được phóng ra từ tên lửa đạn đạo và có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5). Với tốc độ đó, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ bị vô hiệu hóa. Theo ông Antony Wong Dong, chuyên gia quân sự “HGV của Trung Quốc có thể phá hủy hệ thống radar THAAD nếu xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên nổ ra“. Trung Quốc phản đối rất quyết liệt việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc.


Tình hình Triều Tiên
Phản ứng trước phát biểu “mềm mỏng” rất bất ngờ của Kim Jong-un, hôm nay  Tổng thống Hàn Quốc lên tiếng về thiện chí của lãnh đạo Triều TiênTheo đó, trong cuộc họp nội các ngày 2/1, TT Moon Jae-in hy vọng cải  thiện mối quan hệ liên Triều liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ông  Moon Jae-in cũng yêu cầu các cơ quan của Hàn Quốc giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho Triều Tiên khi tham gia Thế vận hội Mùa đông, diễn ra vào tháng 2/2018 tại Hàn Quốc. TT Hàn Quốc cũng cho biết, ông và cộng đồng quốc tế “sẽ phối hợp trong việc theo đuổi các cuộc thương lượng hòa bình“.

Trên báo Đời Sống & Pháp Luật có bài tổng hợp Triều Tiên sẽ tiếp tục “đốt nóng” bàn cờ chính trị châu Á năm 2018?. Bài viết đưa ra cái nhìn đa chiều về khủng hoảng hiện nay ở bán đảo Triều Tiên, từ những chính sách hành động của Mỹ và các quốc gia liên quan như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tác giả cũng không quên đánh giá vai trò luôn khiêu khích và leo thang của chính quyền Kim Jong-un.

Với hàng loạt lời nói và hành động của các bên liên quan, hầu như quốc gia nào cũng đang cố “lên gân”, bài báo kết luận “Với những diễn tiến phức tạp trên bán đảo Triều Tiên trong năm qua, vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng được dự báo sẽ vẫn là chủ đề nóng, nhận được nhiều chú ý từ dư luận khu vực và quốc tế trong năm 2018“.


Biểu tình ở Iran
Các cuộc biểu tình ở Iran ngày càng lan rộng, BBC có bài tổng hợp Iran: Biểu tình sang ngày thứ 5Theo bài viết, cuộc biểu tình chống chính phủ đã lan sang ngày thứ 5với 13 người thiệt mạng và hơn 400 người bị bắt giữ. TT Iran Hassan Rouhani cho rằng các cuộc biểu tình là “cơ hội, chứ không phải là mối đe dọa“, nhưng cũng đe dọa thêm “sẽ trấn áp những kẻ phạm pháp”.

Trong khi Hoa Kỳ tăng cường ủng hộ “cuộc phản kháng táo bạo” của người biểu tình, thì  Ayatollah Sadeq Amoli-Larijani, Thẩm phán Tòa án Tối cao kêu gọi “đàn áp ‘những kẻ nổi loạn’ và ‘phá hoại’“.


Tình hình Trung Đông: 

Bá quyền Trung Quốc
Báo Tuổi Trẻ cho biết, ngay trong những ngày đầu của năm mới 2018, hàng ngàn người dân đảo quốc Hong Kong đã biểu tình hòa bình, yêu cầu Bắc Kinh “không can thiệp sâu vào chính quyền tự trị của họ.” Được biết trong cuộc biểu tình lần này, “ngôi sao” phong trào “dù vàng” Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) cũng có mặt tham gia, đã tuyên bố: “Chúng tôi ở đây để nói với chính phủ là chúng tôi sẽ không đầu hàng. Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn năm ngoái, trong đó có cả việc một số người chúng tôi bị khởi kiện và bị bắt, nhưng chúng tôi sẽ vẫn đồng hành với người Hong Kong. Chúng tôi sẽ chiến đấu vì luật pháp, vì Hong Kong, vì tương lai và vì các thế hệ sau này“.


Các tin quốc tế khác: 










No comments:

Post a Comment

View My Stats