Thursday, 18 January 2018

BẢN TIN TỐI 18/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tưởng niệm 44 hăm Hải chiến Hoàng Sa
Chính quyền tưởng niệm 44 năm ngày quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay Trung Cộng bằng màn biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông, Trung Quốc tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Facebooker Hoa Kim Ngô viết: “Ngày 19-1 là ngày mất đảo Hoàng Sa vào tay giặc Tàu xâm lược. Vậy mà tại nhà hát TP Hà Nội có đêm diễn của đoàn nghệ thuật Nội Mông sang để diễn kỷ niệm quan hệ thân thiết hai nước Trung Cộng và VN. Nhà cầm quyền sỉ nhục cả Dân Tộc“.

Tờ bướm quảng bá Đoàn Nghệ thuật Nội Mông, Trung Quốc. Nguồn: FB Hoa Kim Ngô

Liệu buổi tưởng niệm năm nay ở tượng đài Lý Thái Tổ của người dân có bị phá bằng cái màn cưa đá và nhảy múa như nó đã diễn ra 4 năm trước? Theo Facebooker Thạch Vũ, người cưa đá phá rối buổi tượng niệm ngày 19-1-2014, tên Kiên, đã được đeo lon trung tá công an gần một năm trước.

Người Việt ở Boston, Hoa Kỳ, tưởng niệm 44 năm ngày mất Hoàng Sa và lễ truy điệu 75 tử sĩ đã nằm xuống trong trận Hải chiến Hoàng Sa:



Trang Một Thế Giới có bài: Chuyện các binh sĩ VNCH bị Trung Quốc bắt giữ sau hải chiến Hoàng Sa 1974. Bài viết nêu vấn đề, “có nên hay không nên công nhận là người có công với Tổ quốc đối với những chiến sĩ Hải quân của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) lúc bấy giờ đã chiến đấu và bỏ lại thân thể của mình ngoài vùng biển Hoàng Sa?

Về việc trao trả tù binh trong trận Hải chiến Hoàng Sa, tác giả cho biết, “chính quyền VNCH đã chứng minh tính ‘chính nghĩa’ bằng cách khác là tổ chức đón tiếp các chiến sĩ tham chiến khi về Việt Nam và thưởng cho họ một cách nồng hậu, các chiến sĩ trở thành đại diện cho ý chí của Việt Nam trong việc chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc“.

Bài hai trong loạt bài của TS Trần Công Trục trên báo GDVN: Giằng co gay cấn quanh đảo Duy Mộng, Quang Hòa ngày 18/1/1974. Tác giả kể về kế hoạch của Hải quân VNCH đổ bộ tái chiếm đảo Duy Mộng và Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa đúng 44 năm trước. “Nếu phía Trung Quốc sử dụng vũ lực thì phải khai hoả đồng loạt để tự vệ và tiêu diệt chiến hạm đối phương ngay loạt đạn đầu“.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết“Khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ văn hoá cho đình chỉ đêm biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Trung Quốc trong đêm 19/1 tại Hà Nội. Đó là ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, 19/1/1974”.

Facebooker Dang Tuong chia sẻ bài viết của Phạm Thọ, cựu tù chính trị Quảng Nam – Đà Nẵng: Tưởng niệm các Chiến sĩ Hải Quân VNCH Anh Hùng trong trận Hải Chiến Hoàng Sa. Trong Hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974, “74 chiến sĩ Hải quân của Việt Nam Cộng Hòa đã đền nợ nước. Máu của các anh hùng Hải quân VNCH đã đổ cho Quê hương, hoà trong giòng luân lưu của biển trôi dạt vào bờ biển VN, thấm vào lòng đất Mẹ, thấm vào thân thể Mẹ VN”.

Một số chi tiết chính trong trận chiến giữa những người chiến sĩ vị quốc vong thân với tên “cướp biển” hiện đang là “bạn vàng” của Đảng Cộng sản Việt Nam: “4 chiến hạm HQ 4 Trần Khánh Dư, HQ 5 Trần Bình Trọng, HQ 10 Nhật Tảo và HQ 16 Lý Thường Kiệt của VNCH quần thảo với 12 chiến hạm của Tàu cộng. Pháo nổ như sấm sét giữa cơn giông bão kinh hoàng”.

Một số chiến sĩ vị quốc vong thân trong Hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974. Ảnh: FB Dang Tuong

Facebooker Nhân Thế Hoàng viết“Cái bộ mà ông Thiện quản lý vừa cấp phép cho đoàn nghệ thuật Nội Mông (Trung Quốc) vào Việt Nam biểu diễn ngày 19/01/2018, trùng với ngày giặc Trung Quốc nổ súng cướp Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 44 năm (19/01/1974)”.

Tác giả nhắc lại một “thành tựu” của ông Bộ trưởng VHTT: “Ông Thiện cùng ông Nguyễn Văn Cao (chủ tịch TT – Huế) là những người ký cấp phép cho doanh nghiệp Trung Quốc thuê 200 ha đất trong 50 năm tại Cửa Khẻm (đèo Hải Vân)”.

Facebooker Lê Đức Dục đặt câu hỏi“Ngày mai, 19-1, tưởng niệm 44 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm. Ngày mai, đoàn Nghệ Thuật Nội Mông trình diễn ở Nhà hát Lớn! Ngày mai, ai sẽ đi dự cuộc hát hò của những kẻ đã cướp Hoàng Sa ngay giữa thủ đô nước Việt?”

Facebooker Nguyễn Trường Uy viết“Ngày mai, 19/1, chúng ta tưởng niệm 44 năm ngày Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhưng ngày mai, 19/1, Bộ VH-TT&DL phối hợp đại sứ quán Trung Quốc đưa đoàn nghệ thuật của họ sang hát hò nhảy múa ở thủ đô”.

Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà bình luận“Vừa thấy nhiều bác phản ứng và khẩn thiết yêu cầu Bộ VH-TT&DL đình chỉ/hủy các chương trình biểu diễn trên. Nói thiệt, là không tin ông Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dám có hành động gì. Việt Nam đã Bắc thuộc quá lộ liễu”.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân viết“Trung quốc thì khác. Hoàng sa lấy xong, họ thanh toán tiếp Gạc Ma. Gạc ma xong họ chưa và không bao giờ dừng lại. Chính sách ‘hữu nghị’ kiểu lưu manh Tàu ‘hôn má bên này , bật máu má bên kia – Nguyễn Duy’. Không phải vô cớ mà những ngoi đền đức thánh Trần , Thánh Gióng …đều quay mặt về phương Bắc”.

Facebooker Nguyễn Văn Hải chia sẻ bài: Văn tế tưởng niệm 74 chiến sĩ hy sinh bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974, của tác giả Phước Thu – Khắc Mai. Trong bài văn tế có đoạn: “Nay xin truy điệu, 74 chiến sĩ Hoàng Sa, ngậm ngùi bấy: họp trước hương trầm/ Rày đã thương cuộc,40 năm là một chốc, cảm phục thay: ghi trong tim óc/ Cuộc đấu tranh còn đương tiếp diễn, khôn thiêng phò đất mẹ, giữ vững chủ quyền, nền độc lập, cảnh vinh quang chắc chắn sẽ thành…”


Quan hệ Việt – Trung
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin: Kỷ niệm 68 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung tại Bắc Kinh. Trưa nay, “Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 68 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc (18/1/1950-18/1/2018)”. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Trung Quốc, ông Đặng Minh Khôi, khẳng định: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, đều mong muốn duy trì môi trường hòa bình, ổn định để thúc đẩy đổi mới, cải cách mở cửa, xây dựng đất nước”.

Chưa đầy một ngày nữa là đến dịp kỷ niệm 44 năm Hải chiến Hoàng Sa. Trong khi các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông trong ngày 19/1/1974, thì đến ngày 18/1/2018, các quan chức không quên kỷ niệm tình hữu nghị với “bạn vàng”.

Đại sứ Đặng Minh Khôi phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Chiến dịch “đốt lò” vẫn tiếp diễn
“Cánh tay phải” của bác Tổng nhận định tình hình chiến dịch “đốt lò”: Ông Trần Quốc Vượng: ‘Ở bên dưới bắt đầu ấm lên nhưng chưa nhiều lắm’, báo Thanh Niên đưa tin. Trong hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2017 tổ chức sáng nay, ông Vượng phát biểu: “Ở bên dưới bắt đầu ấm lên nhưng chưa nhiều lắm. Tất cả các vụ án vừa qua đều do trên T.Ư làm hết. Cơ quan điều tra Bộ Công an làm, sau đó Viện kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền công tố cho các tỉnh. Số lượng các vụ việc do cấp tỉnh xử lý chưa nhiều”.

Báo VnExpress đưa tin: Phó chủ tịch Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn bị cách chức. Theo đó, “Thủ tướng vừa quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Ngô Văn Tuấn, do trước đó ông này đã bị Ban bí thư kỷ luật về Đảng”. Quyết định này có hiệu lực từ hôm nay.

Từ trường hợp của ông Ngô Văn Tuấn, báo chí trong nước đã phải nghĩ ra khái niệm lạ: “nâng đỡ không trong sáng”. Ông Tuấn đã “tiếp nhận, điều động bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp về làm công chức chuyên môn; trong một thời gian rất ngắn bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng, Trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh Phó giám đốc Sở”.

Quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Ngô Văn Tuấn. Ảnh: PLTP


Lỗi hệ thống
Tác giả Trực Ngôn đặt câu hỏi: Vì sao Ủy ban kiểm tra tỉnh Hưng Yên chưa dứt điểm vụ hiệu trưởng đánh bài? Trước đó, báo Giáo Dục Việt Nam đã đưa tin về sự kiện: Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Hưng Yên tham gia đánh bài khi đi công tác. Tuy nhiên, “người tố cáo cho rằng quá trình thanh tra và đưa ra kết luận của Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hưng Yên là thiếu khách quan, có sự dung túng, bao che”. Đến nay, chuyện ông hiệu trưởng đánh bài vẫn chưa được giải quyết.

Tác giả cho biết: “khi người tố cáo cung cấp bằng chứng cho Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hưng Yên, ông Phạm Lê Bình lại cung cấp lại cho Trường Cao đẳng sư phạm Hưng Yên để ông Ngô Văn Tuấn và thuộc cấp tìm cách bưng bít, ép buộc, mua chuộc những người làm chứng báo cáo sai sự thật”.

Báo Đất Việt bàn về hiện tượng: Lạm phát lãnh đạo do lịch sử để lại: Thương lịch sử. Bộ KHĐT giải thích chuyện Vụ KTĐN “tồn tại hai vụ trưởng và lạm phát cấp phó với 6 phó vụ trưởng”: do lịch sử để lại!? “Trước đó, nhiều tỉnh, thành cũng mượn lý do này để giải thích cho tình trạng thừa cấp phó ở địa phương mình”. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng chính hiện tượng “lạm phát lãnh đạo” đã dẫn đến hậu quả: “lãnh đạo năng suất thấp”.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, nhận xét: “Họ lảng tránh trách nhiệm của mình và sợ đụng chạm đến người khác, do đó đổ cho lịch sử, nơi đẹp đẽ nhất, là yên tâm”. Đúng là tính “ưu việt” của thể chế chính trị đơn nguyên, tạo điều kiện cho lãnh đạo lạm phát giống như hàng hóa trong siêu thị!?


Khoảng lặng giữa “phiên tòa lịch sử”
Báo Dân Trí nhìn lại toàn cảnh 10 ngày xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm. Một số tình tiết trong “phiên tòa lịch sử”: “Ông Thăng và một số bị cáo trình bày trước tòa rằng không biết hợp đồng EPC số 33 được ký thiếu cơ sở pháp lý”“Trịnh Xuân Thanh cho rằng mình không quanh co chối tội, ngay cả trong quá trình điều tra”“theo đại diện VKS, trong vụ án này, đóng vai trò chủ mưu xuyên suốt là bị cáo Đinh La Thăng”.

Hiện tại, “HĐXX nghỉ nghị án. Sáng 22/1, tòa sẽ tuyên án”.

Nhà báo Song Chi bàn về: Bi hài kịch quanh những phiên tòa xử các quan tham. Gương mặt thật của những lãnh đạo từng “hét ra lửa”: “hầu hết đều ‘nhũn như chi chi’ trước tòa. Người thì khóc lóc, kể lề hoàn cảnh cha già vợ dại con thơ, người thì đem nhân thân gia đình có công với cách mạng, cả đời cống hiến cho cách mạng v.v…để kêu gọi lòng thương cảm của Tòa”.

Tác giả nhớ đến “những phiên tòa xử những người yêu nước, chỉ vì nói lên sự thật về hiện tình đất nước và mong mỏi một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước, cho dân tộc mà bị khép vào tội “phản động”, “tuyên truyền, chống phá nhà nước”, và bị kêu án rất nặng”. Hầu như không một ai khóc nhận lỗi hoặc xin tòa lượng hình, “họ ngẩng cao đầu, họ mỉm cười bình thản hoặc nói những lời đanh thép”.

Nhà báo Bùi Ngọc Hải cho rằng màn khóc nhận lỗi của ông Thăng và đồng phạm là “màn trình diễn tập thể của lời cầu xin và nước mắt”. Kỷ lục trong “phiên tòa lịch sử”: “Cả phiên tòa xử ông Thăng, ông Thanh chỉ có một bị cáo duy nhất đại diện cho phái yếu. Nhưng lạ thay, đó lại là phiên tòa trình diễn nhiều nước mắt nhất, nhiều lời cầu xin nhất và nhiều hoàn cảnh éo le nhất”.

Các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Anh Minh, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt đều phát biểu “lời sau cùng” trong tiếng khóc, với trình tự luận điểm tương tự nhau: trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, bày tỏ niềm “hối hận”, xin lỗi, xin khoan hồng.

Về chuyện ông Thăng khóc nhận lỗi, tác giả Phạm Xuân Cần nói thẳng: Xin đừng khóc mướn, thương vay! Thực tế, đây chỉ là khởi đầu của giai đoạn cao trào trong chiến dịch “đốt lò”, “chỉ là khởi đầu của một trong một số vụ án hình sự mà ông Đinh La Thăng bị khởi tố. Hơn nữa, ngoài những hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng được hình sự hóa, ông Đinh La Thăng còn gây ra những tổn hại to lớn, sâu sắc khác”.  

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Ông Thăng ơi, đời không có “nếu như, giá mà… Về chuyện ông Thăng khóc, xin lỗi nhân dân, tác giả viết: “Hóa ra chức tước mũ mão, oai phong “hùm”, “cáo” chẳng là gì so với đức độ, phẩm giá. Hỡi ai mang trong mình mầm mống tha hóa hãy mau mau phản tỉnh, quay đầu là bờ. Khi trên đỉnh quyền lực đừng chà đạp nhân dân để mai sau nỡ sa cơ còn có nơi quay về”.

Facebooker Trần Quốc Quân viết: Này thì khóc thương cho Đinh La Thăng này! Một trong nhiều “thành tựu” của ông Thăng: “trực tiếp chỉ định cho nhà thầu để ăn chênh lêch khủng cho các nhà thầu “lạ” 2 gói thầu có giá trị hơn 32.000 tỉ đồng tại dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Các đơn vị thành viên chỉ định 4 gói thầu có giá trị hơn 110 triệu USD, 602.000 EURO và trên 743 tỉ đồng”. Nhà máy lọc dầu Dung Quất giờ đã trở thành một gánh nặng nghìn tỷ.

Bác sĩ Đinh Đức Long bàn về văn hóa khóc của những người cộng sản. Không phải chỉ đến khi bác Tổng tổ chức “phiên tòa lịch sử”, người dân mới được chứng kiến quan chức khóc nhận lỗi. “Này nhé, cải cách ruộng đất giết oan hơn trăm ngàn người, chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ cần khóc lóc xin lỗi quốc dân đồng bào, thế là xong ngay, có ai dám đòi truy cứu trách nhiệm hình sự kẻ giết người đâu”.

Facebooker Lê Văn Sơn viết: Chân dung và bản lĩnh. Tác giả so sánh màn khóc nhận lỗi, xin tòa lượng hình của ông Thăng và đồng phạm, với khí tiết của ông Ngô Đình Cẩn: “Trước khi xử tử, tội nhân phải được bịt mắt, nhưng ông Cẩn đã không chịu bịt mắt, vẫn ngang nhiên, dõng dạc nói: ‘Không, khỏi cần bịt mắt tôi, để tôi đưọc nhìn quê hương tôi lần chót’.”


Ngày thứ 10 tòa xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2
Trong phiên xử sáng nay, Luật sư “bác” đề nghị của Viện Kiểm sát. Về vấn đề “lãi suất dự kiến và là thiệt hại của vụ án này”, LS Trần Minh Hải nhận định: “đây là vấn đề rất mới, luật sư cần làm rõ cơ sở thực tiễn pháp lý liên quan vấn đề này”.

Đối với vấn đề hậu quả mà người dân phải chịu khi một ngân hàng sử dụng tiền dân gửi để đầu tư gây nợ xấu, bị cáo Mai trả lời: “ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng chi trả tiền cho người gửi tại ngân hàng”.

Báo Người Đưa Tin bàn về đại án VNCB: Thấy được gì sau khi kết thúc phần xét hỏi? Khái niệm “đúng quy trình” quen thuộc tiếp tục xuất hiện trong lời trình bày của các bên liên quan, như đã hiện diện nhiều lần trước đó trong những sai phạm trăm tỷ, nghìn tỷ: “Sacombank, BIDV, TPBank đều khẳng định việc xét duyệt cho vay là đúng quy trình, các ngân hàng này không bị thiệt hại do cấn trừ nợ từ số tiền VNCB đã gửi để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay”.

Tác giả cho biết: “Sáng nay (18/1), HĐXX TAND TP.HCM tuyên bố kết thúc phần xét hỏi phiên tòa này. HĐXX quyết định tạm nghỉ, và sẽ quay trờ lại làm việc vào thứ Hai tuần tới (22/1) với phần phát biểu quan điểm đề nghị giải quyết vụ án của đại diện VKSND”.


Khi cán bộ làm kinh tế
Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Cán bộ sa ngã, tù tội… thiệt hại quá lớn cho dân, cho nước. Tác giả nhắc chuyện ông Đinh La Thăng để bàn về những bất ổn đã tồn tại từ lâu trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước. “Nếu như chủ trương cổ phần hoá không chùng chình; nếu như Nhà nước đừng quá ôm đồm trong quản lý kinh tế mà chỉ đóng vai trò “kiến tạo” như Thủ tướng Chính phủ vẫn thường xuyên nhấn mạnh trong những năm gần đây”.

Trong Hội nghị của Chính phủ triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước năm 2014 – 2015, ông Phan Đăng Tuất, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco, đã cảnh báo: “Mâu thuẫn trong các doanh nghiệp Nhà nước không bao giờ hết. Nếu Vinashin, Vinalines cổ phần hóa sớm thì quản lý nhà nước cũng đỡ vất vả”.

TS Nguyễn Đình Cung thừa nhận: Việt Nam vừa thích, vừa sợ kinh tế thị trường. Ông Cung nói thêm về hiện thực của tiến trình “tăng trưởng kinh tế” ở Việt Nam: “mỗi cuối năm đều đạt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng đặt ra nhưng cứ 10 năm lại có xu hướng giảm dần”. Về bản chất, “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” hầu như đi ngược lại nền kinh tế thị trường thực chất ở các nước tư bản.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KHĐT, cho biết: “doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có đầu tư lớn, có vốn cao nhưng năng suất, hiệu quả lại thấp. Đầu tư lại thiên về gia tăng tài sản hơn là đầu tư về khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng tài sản”. Cho nên, nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền “kinh tế thị trường méo mó”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Về sự kiện tài năng dương cầm Việt xin tị nạn tại Canada, Linh mục Lê Ngọc Thanh đặt câu hỏi: Việt Nam đang thời bình hay thời loạn mà dân chúng lại kéo nhau đi tị nạn chính trị? “Trong vài năm trở lại đây, hàng ngàn người VN đã tiếp tục đi du lịch, du học, làm việc và cả vượt biên rồi xin tị nạn chính trị ở lại các quốc gia, mà các công dân VN cho rằng an toàn hơn về mặt chính trị. Trong đó có cả nhiều quan chức đảng cộng sản”.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh viết“Không phải tất cả đảng viên đảng cộng sản VN đều tham lam, đê tiện, hèn hạ và xấu xa như đang thể hiện. Vẫn có một số đảng viên rất tốt, rất ngang cường như Anh Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí”.

Facebooker Nguyễn Lai chia sẻ: Thư của cô Tuyết Lan Nguyễn viết cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Trong thư có đoạn: “tâm trí của con không dừng lại ,con vẫn quyết đi tìm sự thật đất nước của chúng ta thế nào, ra sao, cho nên ngày 2/9/2009 đúng 12h đêm. Công an trùng trùng lớp lớp đã vào nhà đọc lệnh bắt con, khi con đang còn ngủ ngon ôm Nấm trong tay vì tội in và mặc áo ‘Hoàng Sa –Trường Sa là của Việt Nam’.”

Facebooker Phạm Lê Vương Các viết: Hoàng Bình ra tòa vì “Hành trình nộp đơn khởi kiện Formosa hôm 14/2/2017”. Nhà chức trách tỉnh Nghệ An cho rằng anh Hoàng Đức Bình có hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Tuy nhiên, “xe của Hoàng Bình gây ra ùn tắc giao thông hay chính Công an và lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An tràn ra chặn đường không cho xe lưu thông?”

Đối với tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”, có phải anh Hoàng Bình “nói sai sự thật, bình luận của Hoàng Bình đang bôi nhọ uy tín, danh dự của lực lượng Công an Nghệ An hay chính Công an Nghệ An không ngần ngại phô trương ra một hình ảnh vô cùng tệ hại trước máy quay được tường thuật trực tiếp?”


Người dân vs hệ thống BOT
Báo Trí Thức Việt Nam lưu ý về ‘nỗi sợ nhân dân’ trong quy định cấm dừng xe quá 5 phút tại trạm BOT. Ngay đầu năm, lãnh đạo ngành giao thông đã bày tỏ lập trường đứng về phía BOT: “Vậy là tiền phí BOT vẫn thu, còn thời gian trả tiền bị giới hạn. Động thái chủ động đầu tiên từ phía chính quyền trước vấn đề BOT trong năm 2018, đáng tiếc thay, lại không mang dáng hình của giải pháp”.

Lãnh đạo càng cố đặt ra quy định, biện pháp để ngăn chặn người dân đấu tranh, thì nỗ sợ hãi của họ càng hiện rõ: “Sợ phản kháng, sợ ùn tắc, sợ phải xả trạm. Dù sao Tết cũng là thời điểm nhạy cảm. Nhưng thay vì nhìn từ góc độ giảm bớt chi phí xã hội, giải pháp mà cơ quan quản lý nhà nước đưa ra lại nhằm đối phó với việc phản ứng của người dân trước những bất cập đặt trạm thu phí BOT”.

Trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 của Bộ GTVT sáng nay, Phó Thủ tướng cảnh báo nguy cơ: Nhiều trạm BOT thành điểm nóng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị. Tác hại dây chuyền từ hệ thống BOT: “Trạm bị ách tắc thì mạch máu giao thông không lưu thông được, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Nếu kinh tế không phát triển thì tất cả người dân chịu thiệt trong khi chỉ một vài trạm gây ra”.

Tuy nhiên, ông Trịnh Đình Dũng vẫn bảo vệ hệ thống BOT đang “hút máu” người dân hằng ngày: “Các cơ quan thông tin truyền thông vào cuộc, ủng hộ những cái đúng để lập lại trật tự tại các trạm BOT, đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông bằng nguồn lực xã hội hóa và đáp ứng được lợi ích hài hòa giữa nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp”.

Báo Đất Việt có bài: Cắm biển cấm đỗ quá 5 phút: Đừng chống lưng BOT. Bài viết dẫn lời ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Tĩnh, hỏi rằng: “Bây giờ phải chỉ rõ vì sao hiện nay 100% các doanh nghiệp, các nhà vận tải xe, các Hiệp hội vận tải ô tô trên đất nước đang phản đối một số trạm thu phí BOT, gây ra ùn tắc giao thông như vậy?”

Các tài xế đã phản đối quyết liệt ở BOT Cai Lậy từ cuối năm 2017, và tiếp tục phản đối BOT trên khắp miền Trung, miền Nam từ đầu năm 2018, vì hệ thống BOT là một công cụ “tận thu” đang “hút máu” từ thu nhập của họ.  “Tình huống bắt buộc, họ đấu tranh vì quyền lợi của mình, dù việc làm này cũng ảnh hưởng đến năng suất làm việc của họ”.


***


Tin quốc tế

Chính trường Mỹ 
Trên báo Một Thế Giới có bài: Cựu chiến lược gia Nhà Trắng chấp nhận bị thẩm vấn. Ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia của TT Donald Trump, đã chấp nhận trả lời thẩm vấn nhóm điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Muller, về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Trước đó, trong cuộc điều trần kéo dài 10 giờ tại Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, ông Bannon đã không hợp tác. Công tố viên đặc biệt Muller đã đưa cho Bannon hai lựa chọn: Hoặc trả lời thẩm vấn của các nhà điều tra, hoặc sẽ phải ra tòa. Bannon đã chấp nhận trả lời các nhà điều tra trong nhóm của ông Robert Muller, về nghi án Nga can thiệp bầu cử 2016 ở Mỹ.


Donald Trump- Kẻ thù của báo chí
TT Donald Trump tiếp tục thể hiện hành động của một người, được mệnh danh là “Kẻ thù của báo chí”. Mới đây, Trump chỉ thẳng mặt, đuổi phóng viên CNN ra ngoài, khi phóng viên này nêu câu hỏi mà Trump không thích. Phóng viên Jim Acosta một gương mặt nổi bật của CNN, người thường xuyên lên tiếng chỉ trích đội ngũ của ông Trump có thành kiến với truyền thông, là nạn nhân của Trump lần này.

Sự việc xảy ra trong cuộc họp báo giữa TT Kazakhstan Nursultan Nazarbayev và Trump tại Nhà Trắng. Khi Jim Acosta nhắc lại lời bình luận khiếm nhã của Trump về dân Haiti và các nước châu Phi, Trump đã chỉ thẳng mặt phóng viên CNN và nói “Ra ngoài”.

Chưa dừng lại ở việc đuổi phóng viên ra ngoài, ngày 17/1 trên Twitter, TT Trump đã công bố Giải đưa tin giả mạo (Fake News Awards). Danh sách Trump đưa ra là các nhà báo hay những người viết bài cho CNN, The New York Times và The Washington Post. Trong 10 nhân vật bị Trump “trao giải”, hầu hết là những cá nhân thường xuyên viết bài, hay bình luận về những thói hư tật xấu của Trump.

Ông Trump vốn rất ghét các cá nhân hay cơ quan truyền thông chỉ trích mình. Giải “Fake News” này ông ta đã có dự định từ lâu. Trump cũng thường xuyên đả kích báo chí, nhất là những báo không nói theo ý ông. Rất may, Mỹ không có những điều luật mơ hồ như 258 hay 88 để Trump “khép tội” các cá nhân đả kích ông ta. Nếu có luật và hệ thống luật pháp làm theo đảng như Việt Nam, có lẽ Trump không tha cho báo chí, phóng viên chỉ trích thói hư tật xấu của mình.


Mỹ và các điểm nóng trên thế giới
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters, TT Trump đã lên tiếng về vấn đề Triều Tiên cũng như thái độ của Trung Quốc, Nga về tình hình trên bán đảo này. Về vấn đề tên lửa- hạt nhân của Bắc Hàn, ông Trump cho rằng: Triều Tiên chưa có tên lửa với tầm bắn đến Mỹ, nhưng nước này đang tiến nhanh và đang rất gần tới mục tiêu. Ông Trump nói: “Họ chưa đạt được, nhưng họ đang rất gần. Và họ tiến đến mỗi ngày một gần hơn”.

TT Trump lên tiếng chỉ trích các cựu TT Mỹ như Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama, vì không giải quyết được vấn đề Triều Tiên. Ông Trump hoan nghênh đàm phán liên Triều, nhưng ông không tin tưởng vào hiệu quả cuộc đàm phán đó. Trump cũng ngỏ ý, muốn đàm phán trực tiếp với Kim Jong-un, tuy nhiên không tin vào kết quả thu được.

Trong cuộc phỏng vấn này, ông Trump đã lên tiếng hoan nghênh Trung Quốc hạn chế cung cấp dầu và than sang Triều Tiên. Đối với Nga, ông “phàn nàn Nga đang giúp Triều Tiên lẩn tránh các lệnh trừng phạt quốc tế“. Ông Trump nói “Nga chẳng giúp chúng ta chút gì về Triều Tiên. Nga còn làm giảm hiệu quả những cái Trung Quốc đang giúp chúng ta. Nói cách khác, Nga đang phung phí những gì Trung Quốc đang làm”.

Trong vấn đề Jerusalem, ông Trump nói: Mỹ không có ý định chuyển đại sứ quán tới Jerusalem năm nay. Theo đó, Mỹ phủ nhận thông tin chuyển đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv sang Jerusalem trong năm nay. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng cho biết, việc di dời đại sứ quán “không thể sớm hơn ba năm, và điều đó khá tham vọng”.

Ngày 17/1, ông Rex Tillerson đã công khai ý định duy trì quân đội Mỹ ở Syria để chống Tổng thống Assad, Iran. Trong bài phát biểu tại Đại học Stanford, ông Tillerson cho biết: Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria để chống lại IS, hỗ trợ người dân Syria lật đổ chế độ của TT Assad và ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Iran.

Mỹ hiện có 2000 quân ở Syria, mới đây có tin Mỹ và liên quân đang thành lập lực lượng An ninh biên giới, với nòng cốt là các chiến binh người Kurd. Thông tin này đã làm Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran rất giận dữ. Tuy nhiên mới đây, Ngoại trưởng Rex Tillerson phủ nhận việc Mỹ giúp xây dựng lực lượng an ninh biên giới Syria.


Tình hình Trung Đông
Tại Hội nghị quốc tế của Liên đoàn Arab về Jerusalem, Palestine tiếp tục lên án Mỹ đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. TT Palestine Mahmoud Abbas, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị đã tiếp tục lên án và nói Mỹ “không còn đủ tư cách tiếp tục là trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Palestine và Israel“.

Về tình hình Syria, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Vladimir Shamanov nói với báo Sputnik: Nga sẽ đáp trả xứng đáng với ý định lập Lực lượng An ninh Biên giới. Nga đã phản ứng dữ dội khi có tin, Mỹ và liên quân giúp thành lập Lực lượng An ninh Biên giới ở miền Bắc Syria.

Shamanov nói “Hành động của liên quân do Mỹ dẫn đầu là đối lập hoàn toàn đối với lợi ích của Nga. Chúng tôi cùng các đối tác chắc chắn sẽ có những biện pháp thích đáng nhằm ổn định tình hình ở Syria“. Không chỉ Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản ứng mạnh mẽ về tin Mỹ thành lập lực lượng người Kurd ở Syria.


Tin bán đảo Triều Tiên
 Reuters đưa tin ngày 18/1, Hàn Quốc và Triều Tiên khôi phục đường dây nóng quân sự. Thông tin trên nêu rõ “Vào lúc 11 giờ 02 hôm qua (17/1), dây cáp đồng của đường dây liên lạc quân sự tại vùng Biển Tây (Hoàng Hải) đã được khôi phục hoàn toàn và đã hoạt động bình thường“.

Trong khi đó, bàn cờ chính trị ở Triều Tiên phải tính đến Trung Quốc, về vấn đề này Tiền Phong có bài viết: Tính toán của Trung Quốc sau các cuộc hội đàm liên Triều. Theo bài viết, Trung Quốc hiện đang có nhiều toan tính ở Triều Tiên. Với vị trí của Bắc Hàn trong vấn đề an ninh của Trung Quốc, hay quan hệ Mỹ -Trung, Bắc Kinh sẽ phải tính toán nhiều và không hề “dễ đi” trong bàn cờ trên bán đảo Triều Tiên.

Bài viết nêu rõ: Trung Quốc hy vọng giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, và muốn Mỹ dừng các cuộc tập trận với Nam Hàn, đồng thời Bình Nhưỡng sẽ dừng chương trình hạt nhân- tên lửa. Hiện nay, Trung Quốc không ưu gì chế độ Bình Nhưỡng vì ngày càng “khó bảo”, nhưng Trung Quốc không thể buông tay để Mỹ chiếm lợi thế ở “vùng đệm” này.


Tin Trung Quốc: 

Các tin thế giới khác: 










No comments:

Post a Comment

View My Stats