Thursday 11 January 2018

BẢN TIN TỐI 11/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Tuổi Trẻ có bài: Biển Đông nổi sóng ngay từ đầu năm. Các quốc gia có quyền lợi trực tiếp hoặc gián tiếp ở Biển Đông cùng nhau lên tiếng trong tuần thứ 2 của năm 2018: “Philippines cuối cùng cũng phải lên tiếng trước thực trạng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Mỹ đã chính thức bày tỏ thái độ. Còn Indonesia có động thái cứng rắn trở lại”.

TS Zack Cooper từ trung tâm CSIS cảnh báo: “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc sẽ cố gắng cấm việc đánh bắt cá ở Biển Đông, hoặc đẩy các nước có tuyên bố lãnh thổ khác ra khỏi những khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố”. Theo TS Cooper, nếu Trung Quốc tiếp tục “phát triển mạnh hơn”, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tính đến những tham vọng lớn hơn cả mưu đồ bá quyền hiện tại ở Biển Đông.  

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau một năm bị Trung Quốc cải tạo và xây dựng bất hợp pháp – Ảnh: CSIS/TT

Báo Thanh Niên đưa tin: Úc phản đối quân sự hóa ở Biển Đông. Ngày 10/1/2018, Đại sứ Úc tại Philippines, bà Amanda Gorely, nhấn mạnh: “phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ ‘đường lưỡi bò’ ở Biển Đông phản ánh luật pháp quốc tế”. Chính phủ Úc ủng hộ “một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế”.

Bà Gorely cho biết, dù nước Úc không tham gia tranh chấp ở Biển Đông, nhưng quyền lợi của quốc gia này vẫn gắn liền với chuyện duy trì quyền tự do hàng hải ở vùng biển bày. “Chúng tôi phản đối việc đẩy mạnh bồi đắp và quân sự hóa ở Biển Đông. Đó là lập trường của chúng tôi”. Trong khi bao nhiêu nước đã lên tiếng về hành động “cướp biển” của Trung Quốc, chính quyền Việt Nam, mải mê với chuyện “đốt lò”, vẫn im lặng về Biển Đông.


Chính trường Việt Nam những ngày “đốt lò”
Tác giả Phạm Trần viết: Đảng sợ vỡ nên phải đe tự vệ. Nỗi sợ hãi của các lãnh đạo Đảng thể hiện ở ngay “Quy định 102-QĐ/TW, ngày 7/12/2017 để ngăn ngừa làn sóng bỏ đảng”. Quy định 102 có yếu tố “kiểm soát tư tưởng”, cấm tuyệt đối các đảng viên nói, viết về những chủ đề có thể phản biện “tính chính danh” và “học thuyết cầm quyền” của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Sau những khống chế như thế, cán bộ, đảng viên chỉ còn là những con cá nằm trên thớt”.

Báo Dân Trí nêu ra hai câu hỏi người dân đang chờ Bộ Nội vụ. Câu hỏi thứ nhất bàn về chuyện thất lạc hồ sơ vụ Trịnh Xuân Thanh, câu thứ 2 hỏi về khái niệm “đúng qui trình” trong vụ bổ nhiệm “thái tử Đảng” Lê Phước Hoài Bảo. Hai câu hỏi này gặp nhau ở vấn đề: Trách nhiệm của Bộ Nội vụ.

“Trách nhiệm của Bộ Nội vụ đối với cả hai vụ việc trên, cho đến nay hình như vẫn dậm chân tại chỗ”. Về chuyện “thái tử” Hoài Bảo, ông Vũ Quốc Hùng, cựu Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương đề nghị: “Bộ Nội vụ cần kiểm điểm những cá nhân trong đoàn đi kiểm tra vụ việc này. Trước tiên những cá nhân trong đoàn kiểm tra đó phải giải trình vì sao đi đến kết luận đó”.


“Phiên tòa lịch sử”: Ngày thứ 4
“Tình đồng chí” càng lúc càng phai nhạt: ‘Tôi phải ký hợp đồng sai trái vì sức ép từ lãnh đạo PVN’. Trong phiên xử sáng 11/1/2018, bị cáo Vũ Hồng Chương khai rằng, “bản thân đã phát hiện ra nhiều bất cập của hợp đồng EPC số 33”, nhưng do sức ép từ lãnh đạo PVN nên buộc phải thực hiện. Bị cáo Chương nói thêm: “Tôi chỉ là mắt xích nhỏ, trên đe dưới búa, sức ép và chỉ đạo quyết liệt của PVN dẫn tới việc làm sai trái”.

Kịch bản “tôi biết sai nhưng cấp trên ép quá nên phải làm” đang dần trở nên quen thuộc trong lời khai của các bị cáo thuộc đường dây “củi tẩm dầu”. Cho nên suốt 4 ngày xử, ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh liên tục bị cấp dưới đổ tội.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Truy vấn ông Đinh La Thăng về ‘sử dụng mệnh lệnh’ tại PVN. Sau khi bị cáo Vũ Hồng Chương đổ trách nhiệm lên lãnh đạo PVN, đến lượt ông Thăng ngầm quy trách nhiệm cho cựu Thủ tướng Việt Nam giai đoạn 2006 – 2016: “Tôi lắng nghe ý kiến của bị cáo khác. Nhưng khi lãnh đạo PVN khi triển khai chỉ đạo của Thủ tướng thì cũng phải làm theo đúng căn cứ pháp luật”.

Phản ứng của ông Thăng trước trò đổ tội của cấp dưới: Ông Đinh La Thăng nói PVPower có trách nhiệm về hợp đồng 33. Trả lời thẩm vấn của các luật sư, ông Đinh La Thăng cho rằng: “Trách nhiệm sai phạm của hợp đồng 33 thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thuộc về Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower)”, bởi vì “khi ký hợp đồng thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư”.

Đã có mức án đề nghị trong phiên xử chiều nay: Đề nghị tuyên ông Đinh La Thăng 14-15 năm tù, Trịnh Xuân Thanh án chung thân. “Phiên tòa lịch sử” đã bước sang phần tranh luận. Trong bản luận tội, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX “tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 14 – 15 năm tù về tội ‘Cố ý làm trái…’;… tổng hình phạt đối với Trịnh Xuân Thanh là án chung thân”.

Đại diện VKS cho rằng: “Các bị can trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng”. Cho nên ông Thăng và đồng phạm cần được “xét xử nghiêm minh trước pháp luật” để khôi phục “niềm tin” của nhân dân với Đảng.
Trong quá trình công bố bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định: Đủ cơ sở truy tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh. Mặc dù truyền thông nhà nước mấy ngày nay đã ghi nhận thái độ thành khẩn, chấp nhận trách nhiệm của ông Thăng, VKS vẫn tuyên bố: “Ông Đinh La Thăng không thừa nhận cáo buộc… Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu thu thập được, biên bản họp và lời khai của bị cáo, có thể khẳng định hành vi phạm tội của ông Thăng”.

Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, đại diện VKS cho biết: “Dù bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận hành vi, nhưng dựa vào lời khai của các bị cáo khác, lời khai của nhân chứng, các tài liệu chứng cứ khác, có đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo”.




Ngày thứ 4 tòa xử vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê
Trả lời luật sư trong phiên xử sáng nay, bị cáo Trầm Bê khẳng định: không biết VNCB đang bị giám sát đặc biệt. Về chuyện ông Phạm Công Danh gặp ông Trầm Bê để “đề xuất vay ngàn mấy, hai ngàn tỉ đồng”, luật sư hỏi ông Bê, “có biết lúc này VNCB đang bị giám sát đặc biệt?”, ông Trầm Bê trả lời: “Tôi không biết chứ nếu biết thì đã không cho vay”.
Phần xét hỏi sáng nay tiếp tục lý giải các công ty “ma” lập hồ sơ khống vay 1800 tỷ đồng như thế nào. Bị cáo Phan Huy Khang, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank, bị quy kết “về hành vi giúp sức cho Phạm Công Danh có được tiền, sử dụng trái phép, gây thiệt hại cho VNCB”.  

Trong phiên xử chiều nay, bị cáo Phạm Công Danh ‘bênh’ Trầm Bê. Luật sư tiếp tục thẩm vấn các bị cáo về “khoản tiền Sacombank cho vay và gây thiệt hại hơn 1.800 tỉ cho VNCB”. Về chuyện bị cáo Trầm Bê và bị cáo Phan Huy Khang biết hay không biết nội tình các khoản vay, ông Danh trả lời: “Thưa, tôi không biết họ có biết hay không nhưng tôi xác nhận lời khai của họ là đúng”.

Phần xét hỏi cuối phiên xử buổi chiều tập trung vào chuyện ông Phạm Công Danh vay BIDV 4.700 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ. Về lý do vay 4.700 tỷ đồng, bị cáo Phan Thành Mai giải thích: “Do áp lực tăng vốn điều lệ, tăng trưởng tín dụng, trong khi vốn Ngân hàng Xây dựng lúc đó có 3.000 tỷ đồng, nên các bị cáo đã vay BIDV tổng số 4.700 tỷ đồng”.

HĐXX gửi giấy triệu tập 2 lần, nhưng “đại gia” Trần Bắc Hà vẫn vắng mặt. Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Tại sao không thể dẫn giải ông Trần Bắc Hà ra tòa?LS Nguyễn Đức Chánh phân tích: “Trường hợp áp giải, dẫn giải chỉ áp dụng đối với người làm chứng; người bị hại; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án”.


“Củi mạ nhôm” trong lò
Diễn biến mới trong vụ Vũ “nhôm”: Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ lần đầu nói về vụ Vũ ‘nhôm’ bị bắt. Zing tường thuật, phát biểu trong cuộc họp báo do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng nay, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết: “Trước đây, Thanh tra Chính phủ đã làm và bây giờ họ đang tiếp tục xác minh. Diễn biến vụ việc như thế nào thì phải hỏi Bộ Công an. Chúng tôi cũng phải chờ kết luận mới trả lời được”.

Ông Thơ nói thêm: “Vụ án của ông Phan Văn Anh Vũ liên quan đến tố tụng nên phải làm chặt chẽ, đúng các quy định của pháp luật. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan chức năng”.

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Ông Huỳnh Đức Thơ nói về vụ điều tra Vũ “nhôm“. Đường dây của Vũ dần lộ diện: “Bộ Công an, trong quá trình điều tra vụ việc liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ, đã có văn bản tạm ngừng các giao dịch liên quan tài sản của 4 cá nhân”. Các cơ quan chức năng chưa công khai danh tính 4 người này.

Khi Việt Nam cố gắng… đuổi kịp Lào
Báo Dân Việt có bài: Chuyên gia “ngoại” hiến kế giúp Việt Nam bắt kịp Lào(DV). Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, “năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia và 36,5% của Thái Lan. Mỗi lao động của Việt Nam chỉ có năng suất bằng 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và đặc biệt là chỉ bằng 87,4% năng suất lao động của Lào”.

À mà ta bắt kịp Lào để làm gì, vì khi tới “thiên đường XHCN” cũng sẽ phải trở lại “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” mà. Sao không để các nước đó quay đầu lại cho bằng ta, mà ta phải đuổi theo kịp họ chi cho cực?

Chính sách đất đai và nghịch cảnh của người nông dân
Trang Thiên Nhiên có bài: “Lấp” lỗ hổng trong quản lý đất đai. Tác giả nhắc lại sự kiện: “Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị khẩn về quản lý đất đai”, với ưu tiên “lấp” lỗ hổng “trong cơ chế thu hồi đất”, và thừa nhận: “Trong các dự án, khi thu hồi đất, chúng ta luôn gặp phải sự phàn nàn của dân. Gần như 90% ý kiến người dân nói rằng số tiền nhận được đi mua một mảnh đất ở vị trí, điều kiện tương tự là không thể”.

Sai phạm trong chính sách đất đai không chỉ tạo nên nghịch cảnh của người nông dân, mà còn đẩy người nông dân vào cảnh phải trở thành “tội phạm” để giữ đất. Gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn trong vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, ông Đặng Văn Hiến trong vụ nổ súng ở Đắk Nông,chỉ là hai trong số nhiều trường hợp người nông dân phải dùng vũ khí tự tạo để giữ đất.

Báo Dân Trí đưa tin: Vụ nổ súng ở Đắk Nông: TAND tỉnh lên tiếng về án tử hình. Đáp lại sự sự bất bình của người dân trước bản án thiếu công bằng, TAND tỉnh Đắk Nông đưa thông tin sai sự thật để ngụy biện cho bản án tử hình đối với ông Hiến: “Bị cáo Hiến vẫn tiếp tục uy hiếp, bắt cởi hết quần áo ra mới cho về. Một số người không chấp nhận mệnh lệnh vô cớ của Hiến nên đã bị đối tượng này dùng súng bắn tử vong”.

Trước đó, các tin, bài của chính báo chí trong nước thừa nhận rằng ông Đặng Văn Hiến đã nổ súng vì bị đẩy đến cảnh khốn cùng. Khi lực lượng bảo vệ của Công ty Long Sơn tiến hành cưỡng chế đất, ông Hiến đã nổ súng chỉ thiên để cảnh cáo, nhưng những người này vẫn không dừng, nên ông Hiến buộc phải bắn thẳng để giữ đất.   

Nhân quyền ở Việt Nam
Trang Thanh Niên Công Giáo đưa tin: Cùng hướng về phiên tòa xử người yêu nước. Tác giả cho biết: “Nhà cầm quyền Nghệ An sẽ đưa TNLT Nguyễn Văn Oai ra xét xử Phúc thẩm vào ngày 15 tháng 1, 2018 tới đây tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An”.

Facebooker Đoàn Huy Chương cho biết tình hình của ba anh, Mục sư Đoàn Văn Diên: “Sáng nay gia đình tôi có đến trại giam B5 công an tỉnh Đồng Nai. Họ cho gia đình tôi gặp ba tôi. Thì ba tôi vẫn bình an. Nhưng họ không thả. Vì lý do họ đưa ra là. Chưa làm việc xong”.

Theo ông Chương, công an tỉnh Đồng Nai đang làm sai luật, vì: “họ đã giữ ba tôi 19 ngày mà không có bất cứ một lệnh nào của toà”“họ ép ba tôi phải làm việc mà không có lý do”“họ đang khủng bố tinh thần của ba tôi”.


“Lời hứa” và “trách nhiệm” trong chuyện ông Đoàn Ngọc Hải
Báo Thanh Niên đưa tin: Vừa nộp đơn từ chức, ông Đoàn Ngọc Hải tạm đình chỉ 48 bãi xe trung tâm. Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1 TP.HCM cho biết: “Ngay sau khi nhận chỉ đạo của UBND TP việc rà soát lại tất cả các bãi giữ xe trên vỉa hè địa bàn Q.1 chiếm không gian người đi bộ, ông quyết định tạm đình chỉ lập tức 48 bãi giữ xe ngay hôm nay”.

Về lý do các bãi xe vẫn tồn tại, ông Hải giải thích, “do lãnh đạo các phường buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực”. Tác giả cho biết: “Những ngày qua ông vẫn làm việc bình thường sau khi nộp đơn từ chức và chờ quyết định của cấp trên”.


BOT tạm “lùi bước”
Báo Lao Động đưa tin: BOT Sóc Trăng không giảm giá cho tất cả xe mang biển số Sóc Trăng như tin đồn. Bộ GTVT công bố thông tin chính thức về BOT Sóc Trăng: “Đồng ý cho BOT Sóc Trăng giảm giá cho những xe vùng phụ cận của dự án. Không giảm giá cho tất cả xe mang biển số Sóc Trăng như tin đồn”.

Bên cạnh chuyện giảm giá vé qua trạm, Bộ GTVT vẫn đề phòng người dân: “Lực lượng chức năng xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tránh hiện tượng cản trở, lôi kéo, kích động gây rối, phá hoại tài sản trạm thu giá làm mất an ninh trật tự xã hội”.


***

Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
Báo Một thế giới có bài: Ông Trump khám sức khỏe, nhưng không kiểm tra tâm thần. Bài viết cho biết, ngày mai ông Trump sẽ đi khám sức khỏe lần đầu tiên, trong vai trò tổng thống. Theo các quan chức Nhà Trắng, ông Trump sẽ không phải kiểm tra sức khỏe tâm thần.

Dân chúng Mỹ, nhiều chuyên gia y khoa và các đối thủ của Trump đều quan tâm đến sức khỏe tâm thần của Trump. Nhất là sau cuốn sách “Lửa và cuồng nộ: Bên trong Nhà Trắng của ông Trump” được phát hành. Ông Trump cũng đã tự nhận mình là “thiên tài ổn định”, sau các nghi ngờ được đưa ra.

Quanh chuyện TT Trump có thể sẽ bị thẩm vấn bởi ông Robert Mueller, công tố viên điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Hôm 10/1, Trump tuyên bố thẳng thừng “không thể” có chuyện ông sẽ bị thẩm vấnÔng Trump phát biểu: “Khi họ không thông đồng – và không ai thấy có sự thông đồng ở bất kỳ cấp độ nào – thì dường như không thể có chuyện bạn sẽ có một cuộc thẩm vấn“.


Quan hệ Mỹ-Nga: Moscow cố tìm lại hào quang 
Ngoài chuyện Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ hàng thập kỷ nay như Giám đốc CIA, Mike Pompeo nói hôm 8/1, Nga cũng đang tiến hành nhiều biện pháp để đối đầu với Mỹ, trong nỗ lực tìm lại vị trí siêu cường, nhằm mục đích khơi lại hào quang thời “chung mâm” với Mỹ.

Quanh vấn đề Syria, Nga – Mỹ đang tranh cãi về vụ tấn công căn cứ quân sự của Nga ở SyriaTuy không khẳng định, nhưng phía Nga đưa ra những thông tin về việc máy bay trinh sát Mỹ, bay sát các căn cứ bị tấn công. Phía Mỹ đã bác bỏ những cáo buộc của Nga là, “không có căn cứ và vô trách nhiệm“.

Trong vấn đề Iran, Nga và Mỹ cũng xung đột về chính sách ngoại giao. Trang VOV có bài: Thỏa thuận hạt nhân Iran: Nga cam kết ủng hộ khi Mỹ muốn xóa bỏTrong khi chính quyền TT Trump đang xem xét việc xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, phía Nga lại cam kết ủng hộ.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 giữa nhóm P5+1 với chính phủ Iran. Việc Mỹ xóa bỏ thỏa thuận này và gia tăng trừng phạt Tehran, tình hình Trung Đông sẽ trở nên rất khó lường. Và một khi, thỏa thuận hạt nhân Iran bị Mỹ xóa bỏ, vai trò của Mỹ sẽ bị cộng đồng quốc tế xem nhẹ. Nguy hiểm hơn, khi đó chắc chắn Iran sẽ ngã vào “vòng tay” Nga hoặc Trung Quốc để tìm kiếm sự che chở.

Quanh vấn đề Nga xâm chiếm Crimea, báo Đất Việt (có lẽ đây là báo thân Nga nhất ở Việt Nam), có bài viết: Đòn trời giáng nếu động vào Crimea của NgaNgay từ tiêu đề đã thấy sự thân Nga quá mức và rất lộ liễu của Đất Việt. Theo bài viết, lời đe dọa trên được Phó Thủ tướng Crimea, Georgy Muradov đưa ra trong một phát biểu trước truyền thông.

Chỗ dựa để ông Muradov hùng hồn tuyên bố như vậy là Nga. Điện Kremlin cũng đã đưa ra lời đe dọa với những ai “đụng đến” Crimea. Trước đó vào tháng 12/2017, Nga đã điều S-400 trực chiến ở bán đảo mà Nga mới xâm lược này, nhằm đối phó với máy bay do thám của Mỹ.


Tình hình bán đảo Triều Tiên
Liên quan đến cuộc đàm phán 2 miền Triều Tiên vừa kết thúc với những thành công nhất định, HĐBA đã lên tiếng hoan nghênh kết quả tích cực của đàm phán liên TriềuTuy nhiên, ông Kairat Umarov, Đại sứ của Kazakhstan tại Liên Hiệp quốc, là người đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, cho biết: Hội đồng Bảo an giữ nguyên biện pháp trừng phạt Triều Tiên

Về phía Bắc Hàn, hôm nay nước này kêu gọi Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận sắp tới với MỹBình Nhưỡng cho rằng, các cuộc tập trận Mỹ-Hàn, là nguyên nhân thực sự gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của  đảng Lao động Triều Tiên viết: “Nếu chính quyền Hàn Quốc thật sự muốn cải thiện mối quan hệ và hòa bình, trước hết họ cần dừng mọi hoạt động quân sự tiến hành (với Mỹ) để chống lại người anh em của mình“. Trước đó, Mỹ và Hàn Quốc đã hoãn tập trận chung, cho đến sau khi Thế vận hội Mùa đông kết thúc.


Bá quyền Trung Quốc
Thanh Niên có bài viết: Căng thẳng mới trong quan hệ Úc-Trung QuốcBắc Kinh gia tăng cho vay, viện trợ các đảo quốc ở Thái Bình Dương, và người Trung Quốc tràn ngập các công trường xây dựng ở đó.

Trước những hành động đầy tham vọng đó của Trung Quốc, bà Concetta Fierravanti-Wells, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Úc cho rằng “…bạn sẽ bất ngờ khi thấy đội ngũ người Trung Quốc xây một con đường không dẫn tới đâu cả“. Bà  Fierravanti-Wells còn cảnh báo: “Tôi không biết hậu quả như thế nào khi (các đảo quốc) phải trả lại một số khoản vay từ Trung Quốc“.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng lên tiếng chỉ trích những phát biểu của bà Fierravanti-Wells là “sự thiếu hiểu biết và có thành kiến“. Theo giới phân tích, căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc sẽ có những diễn biến mới.

Cũng trên báo Thanh Niên cho biết, hôm nay Trung Quốc đã ký 19 thỏa thuận viện trợ và đầu tư với CampuchiaNhững thỏa thuận chưa rõ giá trị này, được ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc và người đồng cấp Campuchia, Hun Sen ký tại Phnom Penh.

Hiện Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, nhà tài trợ lớn nhất cho chính phủ Hun Sen. Có thể nói, Trung Quốc đã chi phối và “mua đứt” quốc gia này. Việc Campuchia bị Trung Quốc thao túng dẫn đến nhiều hệ quả rất nghiêm trọng với Việt Nam. Từ chuyện an ninh quốc gia, đến vấn đề hàng vạn người Việt đang định cư ở đất nước này.


Tin Trung Đông
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra‘ad al-Hussein, ngày 10/1 đưa ra cáo buộc: Quân đội Syria sát hại 85 người gần Damascus. Theo đó, trong các cuộc giao tranh với quân nổi dậy ở Đông Ghouta, quân đội Syria và các đồng minh đã cướp đi sinh mạng của ít nhất là 85 dân thường kể từ ngày 31/12/2017.

Chính phủ Iran bắt đầu các chiến dịch trấn áp và trả thù, nhắm vào các cuộc biểu tình chống chính phủ mới đây. Trên trang Việt Nam & Thế Giới có tin: Iran bắt giữ các phần tử khủng bố kích động bạo loạnTheo bài viết, Bộ Tình báo Iran đã “nhận dạng và bắt giữ một số phần tử khủng bố có dính líu đến những vụ bạo loạn xảy ra mới đây ở Iran“.

Các cáo buộc với những người biểu tình được đưa ra từ Bộ Tình báo Iran, rằng “những phần tử khủng bố phản cách mạng đã được giao nhiệm vụ biến những cuộc biểu tình hòa bình phản đối những vấn đề về kinh tế thành những vụ bạo loạn chống chính quyền có tổ chức“.


***
Các tin thế giới khác










No comments:

Post a Comment

View My Stats