Sunday, 21 January 2018

BẢN TIN SÁNG 21/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Trung Quốc cáo buộc tàu chiến Mỹ vi phạm chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục lên giọng “cướp biển”, cho rằng “Mỹ vi phạm chủ quyền của họ” sau khi chiến hạm USS Hopper “đi vào phạm vi 12 hải lý (22 km) của Bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là Đảo Hoàng Nham vào ngày 17 tháng 1” 

“Dù Mỹ không có tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông và nói rằng họ không có lập trường về các tranh chấp, song Mỹ nói họ lo ngại Trung Quốc đang tìm cách quân sự hóa vùng biển quốc tế tự do và rộng mở”. Trong khi đó, Việt Nam có “quyền lợi sát sườn” ở ngay Biển Đông, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam cũng có đầy đủ tài liệu cổ chứng minh chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng Đảng Cộng sản đã im lặng trong suốt 44 năm, với lập trường: “Lợi ích lớn hơn bất đồng”.

Tàu chiến Mỹ USS Hopper. Ảnh: DOD/Zing

Về sự kiện: Sợ dân phẫn nộ, CSVN hoãn chương trình nghệ thuật của Trung Quốc, BBC có bài: Lẽ ra ngành ngoại giao ‘phải tư vấn’ cho Bộ Văn hóa. TS Vũ Cao Phan, cựu Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt – Trung, bình luận: “Rõ ràng việc mời một đoàn như thế này không phải chỉ liên quan đến cơ quan văn hóa, mà liên quan đến cơ quan ngoại giao nữa”.

Theo TS Phan, “tối biểu diễn của đoàn Nghệ thuật Trung Quốc nhằm đánh dấu 68 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt – Trung mà lại được sắp xếp vào đúng ngày 19/01, vốn là ngày Trung Quốc tấn chiếm Hoàng Sa 44 năm trước (19/01/1974) từ tay chính quyền và binh sỹ Việt Nam Cộng Hòa là một vấn đề hết sức ‘nhạy cảm’.”

                           https://www.youtube.com/watch?v=RUARK8Ny1ek


Quan hệ Việt – Trung
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin: Kỷ niệm 68 năm thiết lập quan hệ Việt-Trung tại Quảng Châu. Phát biểu tại buổi chiêu đãi kỷ niệm 68 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, ông Đặng Thế Hùng “nêu lại dấu mốc Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao 68 năm trước, nhấn mạnh đây là sự kiện trọng đại của hai nước Việt-Trung”.

Dù Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, các lãnh đạo Việt Nam vẫn phải duy trì tình hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Bởi vì, “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ và ủng hộ quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam”.

Có lẽ các cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản tính cả chuyện Trung Quốc thâu tóm Hoàng Sa là “sự giúp đỡ và ủng hộ quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc”, nên họ đã hỗ trợ “bạn vàng” về mặt pháp lý trong quá trình Bắc Kinh thực hiện âm mưu bá quyền ở Biển Đông.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại Lễ kỷ niệm 68 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc. Ảnh: ĐCSVN

Báo điện tử của Đảng Cộng sản cho biết: Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cùng với Bộ VHTT-DL, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, UBND TP Hà Nội tổ chức “Lễ kỷ niệm 68 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc (18/1/1950 – 18/1/2018) và biểu diễn văn nghệ chào mừng Xuân Mậu Tuất 2018” tại Cung hữu nghị Việt – Trung.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định: “việc hai nước Việt Nam – Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao đã ghi dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra thời kỳ mới cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam – Trung Hoa. Quan hệ láng giềng hữu nghị Việt – Trung là tài sản chung quý báu của hai Đảng”.

Hồng Tiểu Dũng, Đại sứ nước Tàu tại Việt Nam, phát biểu tại lễ kỷ niệm 68 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Trung. Ảnh: ĐCSVN


Chính trường Việt Nam
Báo Người Việt có bài: CSVN loay hoay ‘kiểm soát quyền lực’. Theo tác giả, “những gì ông Trọng ‘chỉ đạo’ cũng chỉ là lặp lại những gì từng được các kẻ trước ông lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua chứ chẳng có gì mới. Từ trên xuống dưới, các quy định của đảng CSVN, các luật lệ, pháp lệnh, nghị định đầy rẫy những rào cản”, nhưng tất cả những quy chế, quy trình này không thể ngăn được hiện tượng lạm quyền, vượt quyền trong thể chế.

Nghịch lý trong cách chọn cán bộ, lãnh đạo ở Việt Nam: “Trong tất cả các trường hợp, ‘trí tuệ’ được xếp hạng chót trong thứ tự ưu tiên được đề bạt, cất nhắc trong guồng máy cai trị CSVN. Cái ghế ngồi đẻ ra quyền lực, quyền lực đẻ ra tiền nhiều ngập mặt nên nạn mua quan bán tước trở thành cái chợ ngầm sôi sục không lúc nào ngừng nghỉ”.

Trang VNTB có bài dịch: Đằng sau chiến dịch đánh tham nhũng chưa từng có ở Việt Nam là gì. GS Carl Thayer bình luận về “động cơ chính” của chiến dịch “đốt lò” đó là, “nhằm phá vỡ các mạng lưới tham nhũng hình thành dưới quyền của ông Dũng, và khía cạnh này đã khiến chiến dịch mang một màu sắc chính trị”.

GS Thayer tổng kết về bản chất chính trường Việt Nam: “Việt Nam là một nhà nước độc đảng, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không thừa nhận cải cách chính trị – vốn liên quan đến phát triển nền dân chủ đa đảng, hay quyền lực nhà nước tách thành ba nhánh riêng biệt như Hành pháp, tư pháp, lập pháp; hoặc tạo sự tự do về ngôn luận và báo chí độc lập, tự do tôn giáo và tuân thủ các công ước quốc tế về dân sự, chính trị và nhân quyền”.

Khi quan chức Đảng làm kinh tế
Blogger Phương Thơ có bài: Bắt chước đặc khu kịnh tế Thượng Hải, Thẩm Quyến thì cần gì. Các lãnh đạo Việt Nam tiếp tục “noi gương” quan chức ở Bắc Kinh: “VN hiện nay đi theo mô hình sao chép cái gọi là ‘Special administrative regions of China’ (Các đặc khu hành chính đặc biệt của Tàu), họ đang thí điểm cái kiểu mẫu đặc khu hành chính đặc biệt như khẩu hiệu ‘One country, two systems’ (Một quốc gia, hai hệ thống)”.

Tác giả cho rằng, lộ trình thành lập 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc “là một sự ảo giác mơ hồ, là cái bánh vẽ quá to để người ta diễn trò hài, thậm chí tôi nghi ngờ là các đặc khu kinh tế này nó lại là nơi làm hao mòn tài sản quốc gia là nơi thu hút tiền bạc để rửa tiền tẩu tán ra ngoài của nhóm lợi ích và quan chức tham nhũng”.

Blogger Phương Thơ bình luận thêm“Làm Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN thì quá dễ nhỉ? Đó là khỏi cần học hành mà chỉ cần biết nói, biết viết và biết ký tên văn bản công văn là được nhỉ… Tôi rất khó có thể tưởng tượng nổi là có thật sự ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc này đã học qua Đại học Kinh tế Quốc dân hay chưa?”

Về sự kiện Bình Định tha thiết kiến nghị thu hồi cảng Quy Nhơn về cho Nhà nước, TS Chu Mộng Long bình luận“Bán một cái cảng chiến lược (cả về kinh tế lẫn quân sự) cho tư nhân với một cái giá rẻ mạt như vậy khác nào bán nước? Với sự sở hữu vô pháp vô thiên như vậy, nay mai nó bán rẻ lại cho giặc ngoại xâm thì sao? Tôi cũng lạ là ông Tùng, ông Dũng thời điểm đó có chân trong thường vụ tỉnh ủy mà không đấu tranh quyết liệt”.

Trước đó, trong buổi làm việc giữa Chính phủ với lãnh đạo tỉnh Bình Định trưa 20/1/2018, Ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đã phát biểu: “Tôi xin thay mặt cho cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Định tha thiết đề nghị Thủ tướng làm sao cho cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của tỉnh, của Nhà nước, không cổ phần hóa gì hết”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: “Nhà nước sẽ xem xét vấn đề về cổ phần hóa tại cảng Quy Nhơn sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận”.


Quỹ BHXH gặp khó, dân phải làm nhiều hơn
Báo Người Lao Động có bài: Cần xem xét cẩn trọng khi tăng tuổi nghỉ hưu. Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết: “Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam trước đây là vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu là vấn đề hết sức phức tạp, phải đánh giá hết sức thận trọng với nhiều yếu tố từ vấn đề kinh tế, xã hội, việc làm, điều kiện lao động, sức khỏe của NLĐ”.

Ông Bảng bàn thêm về những thiệt thòi NLĐ phải gánh chịu nếu tăng tuổi nghỉ hưu: “Nếu bây giờ nâng tuổi nghỉ hưu nữa thì tỷ lệ phần trăm lương hưu bị trừ của người lao động sẽ lớn thêm lên, người lao động sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Chưa kể việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động đến vấn đề việc làm, bởi mỗi năm chúng ta có khoảng 1 triệu người bước vào tuổi lao động”.


Nhân quyền ở Việt Nam
LS Nguyễn Văn Miếng đưa tin: Vụ án sinh viên Trần Hoàng Phúc đã có Quyết định xét xử sơ thẩm“Thời gian mở phiên toà: 8:30 ngày 31/01/2018 (Dự kiến xét xử trong một ngày). – Địa điểm mở phiên toà: Trụ sở Toà án nhân dân TP. Hà Nội (43 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội)”.

LS Miếng cho biết: “Đây là vụ án ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ theo Điều 88 Bộ luật hình sự 1999, được nhiều người biết đến qua tên gọi quen thuộc là ‘Phong trào Chấn Hưng Nước Việt’ hay ‘Chấn Hưng TV’.” Tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” là một tội rất mơ hồ đã được chính quyền, công an, an ninh tận dụng triệt để nhằm cầm tù rất nhiều người đấu tranh ôn hòa.

Quyết định xét xử sơ thẩm vụ án “Phong trào Chấn Hưng Nước Việt”. Ảnh: FB Nguyễn Văn Miếng

Trong phiên xử sắp diễn ra ngày 31/1/2018, ông Vũ Quang Thuận và ông Nguyễn Văn Điển sẽ ra tòa “về hành vi làm, đăng tải 17 video clip lên mạng Internet, tàng trữ tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN”. Sinh viên Trần Hoàng Phúc chỉ vì giúp đăng tải 3 trong 17 video này nên bị kết tội.

Trang Thanh Niên Công Giáo cho biết: Nỗi đau của người dân làng chài Nam Lộc khi muốn lên bờ nhưng mất đất. Năm 2011, chính phủ có quyết định “cấp đất miễn phí tái định cư cho dân Làng Chài Tân Lam. Quyết định đã được phê duyệt và triển khai thực hiện gần chục năm nay… đến nay có 26 hộ gia đình vẫn chưa được cấp”. Các lãnh đạo cấp xã, huyện, tỉnh không những không giải quyết vấn đề giúp dân, mà còn “chia lô số đất của 26 hộ dân để bán đấu giá”.

Tâm trạng của người dân khi được biết về cách “giải quyết” của chính quyền: “Chúng tôi làm đơn đã lâu, đợi mãi, đợi mãi cán bộ cứ hẹn lần này lượt khác mà không giải quyết, trong cuộc họp với dân Làng Chài cán bộ hứa sẽ giải quyết nhưng giờ họ đem phần đất đó đi bán với giá cắt cổ, chúng tôi bây giờ không biết làm sao”.

Mời đọc thêm: Những nghịch lý ở Việt Nam (FB Hoàng Thế Nhân/TD).

Tài xế vs BOT
Báo Tiền Phong bàn về cách tài xế phản đối trạm BOT Sóc Trăng ngày 20/1/2018: Xe chạy lòng vòng, những ‘gương mặt thân quen’ xuất hiện nhiều lần. Một số tài xế đã điều khiển xe quay lại trạm nhiều lần, liên tục tạo ra ùn tắc giao thông: “Khoảng 9h50 phút ngày 20/1, trạm thu phí BOT Sóc Trăng buộc phải xả trạm lần thứ nhất… Đến khoảng 11h lại tiếp tục xả trạm lần thứ hai. Cứ như thế, khi trạm thu phí trở lại thì lại tiếp tục bị kẹt và lại xả, cho đến cuối ngày 20/1 phải có thêm 5 lần xả trạm nữa”.

Đại tá Thái Văn Đợi, Phó giám đốc Công an Sóc Trăng, cho biết: “Những xe quay đầu qua lại trạm BOT nhiều lần trong ngày là của một nhà xe ở Sóc Trăng. Vài ngày trước, ông đã mời chủ xe này 2 lần để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và lý do tài xế không mua vé qua trạm thu phí”.

Trang Bất Động Sản Việt Nam có bài: Khi nào sẽ không còn vướng mắc về BOT giao thông. Bài viết nêu cho biết, “mâu thuẫn xảy ra ở các trạm BOT là hai bên đầu tư và tài xế chưa tìm được sự đồng thuận, dù trước đó đã đối thoại. Cụ thể là tài xế phản đối việc đặt trạm sai vị trí, thu phí tuyến không hợp lý, việc miễn giảm phí tại một số trạm làm chưa tốt”.

Nhân dịp Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc vụ gây rối BOT, Facebooker Lê Văn Sơn bình luận: Nguyễn Xuân Phúc – Một Thủ tướng thất tín? Có lẽ ông Phúc tự biết mình không đủ lý lẽ để đối thoại với các tài xế phản đối BOT, nên ông nhờ an ninh “đối thoại” giùm: “Ông Phúc yêu cầu công an vào cuộc để xử lý những người phản kháng chính đáng trước sự thu phí vô lý của BOT là một hành động bán đứng lời hứa của một nguyên thủ đứng đầu đất nước”.


***

Tin quốc tế

Một năm cầm quyền của TT Trump
Về chủ đề này, RFI có bài: Donald Trump: Một năm cầm quyền đầy sóng gió. Bài viết đã liệt kê hàng loạt những chính sách đối nội, đối ngoại của chính quyền TT Donald Trump trong năm qua. Đánh giá chung, đó là những chính sách gây sóng gió.

Về đối nội: ông Trump đã thành công trong việc thông qua luật thuế mới, mà theo giới phân tích là “lấy của người nghèo chia cho người giàu”. Trump cũng xóa bỏ các gói phúc lợi y tế dành cho người nghèo qua chương trình Obamacare. Trump và các cộng sự cũng dính nghi án: thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, hiện vẫn đang bị điều tra bởi Công tố viên đặc biệt Robert Muller. Việc bãi bỏ DACA, làm chính phủ phải đóng cửa mới đây cũng là “thành tựu” của Trump.

Về đối ngoại:  Đầu tiên là việc chính phủ của Trump muốn xây tường biên giới với Mexico, sau đó đến các chính sách khác như: Mỹ rút khỏi TPP, ra khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Mỹ cũng chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, cũng như cách giải quyết khủng hoảng Bắc Hàn… tất cả đều tạo ra nhiều bất ổn cho thế giới, đã làm “vị thế” của TT Donald Trump tụt một cách thảm hại.

Cũng trên RFI là bài điểm báo: Năm I của nước Mỹ thời Donald Trump: Dấu ấn của sự thái quá. Bài viết đặt ra câu hỏi: “Làm sao để sống ở một đất nước đã bầu lên một tổng thống như thế?”. Với những chính sách không giống ai của một vị TT không giống ai, người Mỹ đang phải sống với “thực tế hàng ngày thời tổng thống Trump là một sự xúc phạm đến cử tri Mỹ, đến hình ảnh nước Mỹ“.

CNN có clip chiếu cảnh phụ nữ khắp nước Mỹ xuống đường phản đối Trump hôm nay, nhân một năm ngày ông ta nhậm chức:

Women are marching on Trump's one-year anniversary in office
CNN   -   Published on Jan 20, 2018


Chính phủ Mỹ đóng cửa
VOA có bài: Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần, Trump đổ lỗi cho phe Dân chủ. Nguyên nhân chính phủ Mỹ phải đóng cửa, có nhiều bài báo và các nhà phân tích chỉ ra, nhưng ông Trump vẫn đổ lỗi cho phe Dân chủ, dù đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả hai đảng ở Quốc hội và cả chính phủ thuộc đảng Cỗng hòa.

Ảnh minh họa chính phủ Mỹ đóng cửa.

Trump viết trên Twitter: “Phe Dân chủ lo cho người nhập cư bất hợp pháp hơn là cho quân đội hay sự an toàn của chúng ta tại biên giới phía Nam nguy hiểm của chúng ta. Họ có thể dễ dàng đạt thỏa thuận nhưng thay vào đó quyết định chơi trò đóng cửa“.

Báo An Ninh Thủ Đô có bài: Tổng thống Trump phản ứng ra sao sau khi chính phủ Mỹ phải đóng cửa? Theo đó, ông Trump đã coi việc chính phủ phải đóng cửa là “món quà đặc biệt của Đảng Dân chủ nhân dịp kỉ niệm 1 năm ngày nhậm chức“.

Theo bài viết, ông Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Dân chủ khối thiểu thiểu số tại Thượng viện, tiết lộ: Ông đã đề xuất đưa vấn đề xây tường dọc biên giới Mexico vào bàn luận tại Quốc hội, đổi lại Nhà Trắng tiếp tục trợ cấp cho những người nhập cư theo diện DACA, tuy nhiên, TT Trump nhất quyết không đồng ý.


Tin Trung Quốc
Soha có bài viết: Tư tưởng sẽ được đưa vào hiến pháp, ông Tập Cận Bình gặp bài toán khó từ người tiền nhiệm. Mới đây, ĐCS Trung Quốc đã sửa đổi điều lệ, khi đưa vào đó “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới“. Việc này nhằm mục đích đưa những tư tưởng mới của Tập “áp đặt” vào Hiến pháp Trung Quốc.
Theo bài viết, Tư tưởng Tập Cận Bình, nếu muốn đưa vào Hiến pháp, sẽ vướng học thuyết chính trị của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.  Các nhà phân tích đưa ra câu hỏi: “Nếu tư tưởng của ông Tập được đưa vào hiến pháp thì Trung Nam Hải sẽ làm gì với Quan điểm phát triển khoa học của ông Hồ Cẩm Đào?

Tình hình Trung Đông
Viet Times có bài về tình hình Syria: Giao chiến ác liệt giữa người Kurd và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở tây bắc Aleppo. Theo đó, giao tranh đã nổ ra ở miền Bắc Syria giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd ở đây. Thành phố Afrin là tâm điểm của các cuộc giao tranh. Nhiều nguồn tin cho biết, đã có 6 binh sĩ Thổ thiệt mạng trong các cuộc đấu súng giữa 2 bên.

Cũng tin về Syria, Tiền Phong có bài: Xung đột Thổ Nhĩ Kỳ-Kurd leo thang, Nga ‘vạch trần’ ý định của Mỹ. Các cuộc pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực người Kurd kiểm soát đã diễn ra ngày 19/1. Cũng thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ quân vào khu vực biên giới Syria. Trong khi đó, Nga đổ lỗi cho Mỹ về diễn biến mới này.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng: Chính việc Mỹ thành lập Lực lượng An ninh Biên giới, với thành phần chủ yếu là các chiến binh người Kurd, là nguyên nhân gây ra căng thẳng. Ngoài ra, ông Lavrov tố cáo: Mỹ muốn lập thêm chính phủ ở Syria. Hiện cả Nga và Mỹ đều có vai trò rất lớn trong các bất ổn ở Syria. Cả 2 nước đều lớn tiếng chỉ trích chính sách của nhau ở khu vực rất nóng này.


***

***







No comments:

Post a Comment

View My Stats