Tuesday 2 January 2018

50 NĂM SỰ KIỆN HUẾ - MẬU THÂN (FB Mạnh Kim)




Trong bài viết trên chuyên san "Indochina Chronicle" số 33 đăng ngày 24-6-1974, Gareth Porter thuộc Đại học Cornell đã cố chứng minh rằng sự kiện thảm sát Mậu Thân 1968 là màn tuyên truyền của VNCH lẫn Mỹ. Tuy nhiên, những gì Porter đưa ra là không chính xác và có nhiều chi tiết mâu thuẫn. Sự kiện thảm sát thường dân tại Huế là có thực, một bi kịch khủng khiếp có thực, một câu chuyện đầy nước mắt bi ai và oan ức với những nhân chứng có thực.

Đó là chiến dịch khủng bố kinh khủng nhất lịch sử chiến tranh Việt Nam. Dường như tất cả căn tính ác độc nhất của con người đều hiện ra trong những ngày tang thương này. Một cuộc “tìm diệt” và tàn sát ghê rợn bao trùm toàn bộ thành phố cổ kính, bình lặng và hiền lành. Dường như mọi người đều trở thành sát thủ vô tri và mọi người khác đều trở thành nạn nhân. Trong quyển “A House in Hue” ấn hành 1968, Omar Eby thuật lại lời kể một nhóm nhân viên thiện nguyện thuộc hệ Tin Lành Mennonite, khi lẩn trốn, đã thấy một số người Mỹ trong đó có một nhà nông học thuộc Cơ quan phát triển quốc tế, bị trói ngoặc trên đường ra “pháp trường”.

Năm 1971, trong quyển “Tet!”, ký giả Don Oberdorfer cũng thuật nhiều chi tiết kinh khủng. Stephen Miller, một nhân viên ngoại giao đoàn Hoa Kỳ (lúc đó) 28 tuổi, đã bị lôi ra khỏi căn nhà người bạn Việt Nam và bị xử tử trên một cánh đồng. Các bác sĩ người Đức Raimund Discher, Alois Alteköster; cùng vợ chồng Horst-Günther Krainick – đều dạy tại một trường y – cũng bị giết tương tự. Hai cha cố Pháp, Urbain và Guy, cũng bị thấy dẫn đi. Thi thể cha Urbain sau đó được tìm thấy, với tay lẫn chân bị trói chặt trước khi bị chôn sống. Thi thể cha Guy có một viên đạn cắm sau đầu, nằm chết cong queo trong một huyệt mộ cùng 18 nạn nhân khác. Linh mục Bửu Đồng, một người hiền lành nho nhã nổi tiếng đất cố đô, cũng bị giết. Xác của ông được tìm thấy vào 22 tháng sau, cùng 300 thi thể khác.

Trong cuộc phỏng vấn Đài truyền hình WGBH vào tháng 3-1981, Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời:

“Tôi xin nói tất cả vấn đề khách quan. Cái thứ nhất, là nói riêng về những người bị giết thì trong số đó hiển nhiên là có những người do du kích, do quân đội cách mạng, do phải thi hành bản án tử hình đối với những kẻ mà khi chúng tôi vào nhà để gọi họ ra thì họ bắn đến cùng. Họ bắn đến độ những người chiến sĩ của chúng tôi đã phải bị thương và những người đó thì phải giết tại chỗ. Đấy, trong trường hợp đó, có một viên phó tỉnh trưởng của Huế. Nó trên lầu nó bắn xuống đến cùng, không đầu hàng. Chỉ có, như vậy là chỉ có một ít trường hợp thôi. Còn một số những trường hợp khác thì chính nhân dân đã căm thù quá lâu… Và đến khi mà cách mạng bùng lên, họ được như là lấy lại cái thế của người mạnh thì họ đi tìm những kẻ đó để trừ, như là trừ những cái con rắn độc mà từ lâu nay, nếu còn sống, thì nó sẽ tiếp tục nó gây tội ác trong chiến tranh… Như vậy là cái giá đó, tôi nghĩ là, nó nhẹ. Nếu ai đã từng theo dõi cuộc chiến tranh thì sẽ thấy từng cái món nợ đó là rất nhẹ. Nó rất gọi là công bằng” (…)

Ai là “những cái con rắn độc”? Các bác sĩ người Đức, nhà nông học người Mỹ hay các vị cha đạo người Pháp? Hay là ông Phạm Văn Tường, nhân viên gác cổng bán thời gian cho Phòng thông tin Huế? Khi bị “phát hiện”, ông Tường, như mọi người dân hoảng hốt chạy lánh chiến sự, đang trốn cùng đứa con gái 3 tuổi, con trai 5 tuổi và hai đứa cháu. Cả nhà ông đều bị bắn sạch. Một trường hợp khác: vào ngày thứ năm sau khi chiếm Huế, Việt Cộng “lùa” khoảng 400 đàn ông và thanh niên đến Nhà thờ Phú Cam. Vài người trong số đó đã nằm trong danh sách “có nợ máu với nhân dân”. Họ được nhìn thấy dẫn đi về hướng Nam. Sau đó, thi thể họ chất đống tại Khe Đá Mài… Một số sách, trong đó có “America in Vietnam” (ấn hành 1980) của Gunther Lewy và “Giap” (1993) của Peter MacDonald, đều trích dẫn một tài liệu của Việt Cộng bị tịch thu được đã “thống kê thành tích” việc “trừ khử 1.892 nhân viên chính quyền, 38 cảnh sát và 790 tên ác ôn”. Ai trong số những người bị giết tại Khe Đá Mài nằm trong bảng thống kê này, và ai “ác ôn”, ai vô tội?

Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, Hoàng Phủ Ngọc Tường nói:

“Sau này, trong năm 75, 76, 77, chúng tôi đi làm thủy lợi đó, làm dẫn nước sông Hương đó, tôi đã đào lên những cái nấm mồ mà trong đó gọi là “thảm sát Mậu Thân” thì đầy những người đội mũ tai bèo và mặc áo quần quân giải phóng. Thì đấy là cái sự, tôi nói rằng đấy là cái, cái gọi là cái ranh mãnh của thực dân mới. Nó bắn một mũi tên và được hai mục tiêu. Cái thứ nhất là che giấu tất cả những tội ác mà nó đã làm. Và cái thứ hai, nó đổ tất cả những cái đó cho quân đội cách mạng” (…)

Ở góc nhìn khác, cũng thấy một điều, có “tất cả những tội ác mà nó đã làm” cũng đã được che giấu. Hãy tua lại một đoạn phim tài liệu gần đây:

“Đầu tháng 3, hai tuần sau khi chiếm được Huế, thiếu úy Phil Gioia thuộc Sư đoàn 82 Không Vận đã dẫn trung đội mình dọc bờ sông Hương để tìm vũ khí địch có thể chôn lại sau khi rút lui. Trung sĩ Reuben Torres thấy một vật thò lên khỏi mặt cát. Đó là một cái khuỷu tay. “Bọn tôi nghĩ chắc đây là một cái huyệt” – Phil Gioia kể – “mà địch chôn người chết của họ sau khi rút lui khỏi Huế. Trung sĩ Torres nói, “ta đào chỗ này lên xem”. Chúng tôi thấy thi thể đầu tiên là một phụ nữ, mặc áo trắng, quần đen, hai tay bị trói ngoặc ra sau và bị bắn vào gáy. Bên cạnh là đứa bé, con bà ấy, cũng bị bắn. Thi thể tiếp theo cũng là một phụ nữ. Lúc đó thì đã rõ, đây không phải là xác quân Bắc Việt hay Việt Cộng” (The Vietnam War-Ken Burns, tập 6, xem từ phút 58:14).

Những phụ nữ này, cùng con cái họ, có nằm trong “thành phần” mà “nhân dân đã căm thù quá lâu”? Vì sao họ bị giết? Họ có tội gì? Đây không phải là cái chết giữa những người cầm súng ở hai bên chiến tuyến mà là sự giết chóc thường dân. Một cuộc thảm sát man rợ và tàn ác. “Cái giá” mà Huế phải trả trong Mậu Thân không hề “nhẹ” và rất không “công bằng”. Nó là tội ác chống lại loài người và những kẻ gây ra phải gọi là tội phạm chiến tranh. Nó cũng chẳng thể gọi là “điều đương nhiên... đã tự động để mà cái lòng căm thù đã đẩy cái mức đó”, như lời Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nó là một cuộc say sưa giết chóc có hệ thống và có tổ chức.

Kỳ sau: Ai tham gia và ai chịu trách nhiệm?



*
*

Trong cuộc phỏng vấn ngày 20-5-2017 (*), Nguyễn Đắc Xuân kể: “Họ lập ra một cái đoàn, gọi là “Đoàn sinh viên quyết tử”, mà tôi là trưởng cái đoàn đó… Tôi tổ chức học quân sự, thành ra ba đại đội, làm thành một tiểu đoàn… Thì trong cái đội đó, cái đoàn sinh viên quyết tử đó, chả bắn được ai, mà cũng chả làm cái gì ai, nhưng nó gây ra một cái tinh thần sinh viên, mà dám vũ trang để mà chống Mỹ, để mà chống Thiệu-Kỳ…”.

Dù không biết “Đoàn sinh viên quyết tử” của Nguyễn Đắc Xuân có “bắn được ai” hoặc “làm gì ai” không, nhưng có điều chắc chắn rằng chiến dịch Mậu Thân là một kịch bản được chuẩn bị chu đáo với những kế hoạch cụ thể và phân công cá nhân cụ thể. Những bài báo miêu tả chi tiết “chiến công Mậu Thân” đã thuật rõ điều này. Việc tiêu diệt cho bằng hết “ngụy quân, ngụy quyền” để “xây dựng” một chính quyền mới sau “giải phóng” là một “chủ trương” của Ba Đình. Như được Lê Duẩn phác thảo, Mậu Thân không chỉ là chiến dịch quân sự. Mục tiêu lớn nhất là cướp chính quyền. Điều đó đã dẫn đến chiến dịch khủng bố và cuối cùng đưa đến cuộc thảm sát. Giết ai và ai đi giết đã nằm trong kế hoạch được soạn từ nhiều tuần hoặc nhiều tháng trước khi chiến dịch nổ ra. Việc Huế bỗng đốt pháo nhiều hơn để người dân không phân biệt được tiếng súng với tiếng pháo đã cho thấy kế hoạch được lên chi tiết như thế nào.

Trong “Hue 1968: A Turning Point of the American War in Vietnam” (ấn hành 2017), tác giả Mark Bowden đã ghi lại một phần trong danh sách 22 trang đánh máy (mà ông tìm được trong Kho lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ), liệt kê các mục tiêu cần “tiêu diệt”:

– Nhà thờ Phú Cam

– Khoa Luật Đại học Huế

– “Xa”, một cảnh sát Quảng Trị sống ở đường Thống Nhất gần giao lộ chữ Y cách đường Lê Văn Duyệt vài căn

– “Soi”, trung sĩ nhất Sư đoàn 1 Bộ binh ngụy, ở đường Thống Nhất, gần căn nhà bằng đá và tiệm may

– Cao Thọ Xá, ác ôn, dân Phú Ổ, làng Hương Chu, thị trấn Hương Trà. Bỏ làng, về sống ở đường Thống Nhất gần cửa Chánh Tây. Đêm đêm, bọn chính quyền từ các làng kế bên về nhà hắn đánh bài và ngủ lại

– Tiệm sửa đồng hồ đường Thống Nhất, đối diện xéo Phòng tuyển quân. Bọn chính quyền từ các làng kế bên tụ tập về đây ngủ

– Hồ Thị Kim Loan, làm cho Cơ quan Phát triển Nông thôn. Nhà ở đường Trịnh Minh Thế gần trạm xe bus Nguyễn Hoàng

– Nhà hàng Lạc Thành ở đường Đinh Bộ Lĩnh, bên ngoài cửa Thượng Tứ. Bọn mật vụ và cảnh sát thường đến đây ăn uống

– Tiệm sửa radio ở số 3 đường Trần Hưng Đạo. Chủ là Tôn Thất Vũ, con của Tôn Thất Kế, đảng viên Đại Việt…

Cầm danh sách trong tay, những “anh hùng ngã tắt”, như cách nói của ông Phan Nhật Nam, đã tổ chức các cuộc lùng sục gieo rắc kinh hoàng. Những kẻ “hối hả hưởng cho hết cái uy quyền què cụt trong giây lát” không chỉ là những thanh niên “sớm giác ngộ” hoặc Việt Cộng nằm vùng. Có cả dân giang hồ. Một trong những người như vậy là Mai Văn Ngụ, ở Thới Lai, vốn khét tiếng với “nghề” ăn cướp; tống tiền; đâm thuê chém mướn. Từng xộ khám nên Ngụ hận thù cảnh sát. Khi “giải phóng về”, Ngụ “lột xác”, đổi tên thành Mai Văn Hòa. Được “cách mạng tin tưởng” giao nhiệm vụ, Ngụ hăm hở lập thành tích truy tìm những kẻ “có nợ máu với nhân dân”, nhân tiện “xử” luôn những kẻ thù của mình, trong chính quyền lẫn giới giang hồ. Trong vài vụ, đích thân Ngụ đứng xem cuộc hành quyết ngay trước nhà nạn nhân… (sau sự kiện Mậu Thân, Ngụ trốn theo “quân giải phóng” nhưng sau đó bị bắt và bị đày Côn Đảo; sau 1975, đương sự trở về Huế và được xem như một “anh hùng cách mạng” – dẫn từ “Hue 1968”, Mark Bowden).

Vì “chỉ đạo ở trên” là tiêu diệt sạch chính quyền “cũ” để “giải phóng hoàn toàn” Huế nên đã xảy ra các vụ bắt bớ tràn lan và giết chóc vô tội vạ. Cứ là “thành phần ngụy quyền” thì bắt hoặc giết, bất luận có “ác ôn” hay không. Trường hợp gia đình bà Nguyễn Công Minh là một ví dụ. Bà kể, lúc 2g sáng sau Giao thừa, một nhóm Việt Cộng cầm AK đến gõ cửa. Bố bà sợ hãi kêu anh cùng chú của bà lẻn cửa sau đi trốn. Việt Cộng đòi xem căn cước và hỏi bố bà làm gì. Ông là phó quận trưởng quận Triệu Phong ở Quảng Trị, sắp nghỉ hưu. Sáng mùng một, họ quay lại, dẫn ông đi “thẩm cung”. Sáng mùng hai, họ lại đưa ông đến Trường tiểu học Vỹ Dạ để tra hỏi. Đến mùng ba, họ yêu cầu ông gói ghém đồ dùng cá nhân và đi “học tập cải tạo 10 ngày”. Ông mất biệt từ đó.

Một năm sau, một Việt Cộng chiêu hồi khai với tỉnh trưởng Thừa Thiên rằng ông ta tận mắt chứng kiến một cuộc thảm sát, tất cả đều bị chôn sống, và ông biết chính xác hố chôn. Đến Xuân Ổ, người ta tìm thấy một hầm có 7 xác, tất cả đều bị trói và đều bể sọ. Việc tìm kiếm được mở rộng sang các vùng lân cận. Mùa hè khô hanh chỉ toàn cát phủ nhưng cứ chỗ nào có cỏ tươi thì nơi ấy có xác. Lên Phú Tứ, sau một tháng, tìm được thêm 250 xác. Hầu hết đều bị bể đầu, trói cánh khuỷu, với tư thế quỳ và chết chụm vào nhau. Gia đình bà Minh vẫn cố gắng tìm xác người thân. Tìm cho đến tháng 9-1979… Bố bà Minh bị bắt đi đâu và bị giết ở đâu? Không ai biết.

Ai trực tiếp “chỉ đạo” và “duyệt” các kế hoạch “giải phóng” Huế? Ai lên danh sách “tìm diệt” và tổ chức “tìm diệt”? Phải có một hoặc nhiều người nào đó. Và (những) người đó phải là dân địa phương. Những thông tin này đã bị giấu nhẹm. Những bài báo “ca ngợi chiến công” hoặc các hội thảo từ hàng chục năm nay, mà mới nhất là “Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”, tổ chức ngày 29-12-2017, đã không bao giờ dám nhắc đến điều này. Bên cạnh sự hoan lạc chiến thắng là một sự hèn hạ rợn người.

Ai chịu trách nhiệm lớn nhất với vai trò đầu não trong kế hoạch “xóa sổ” toàn bộ hệ thống chính quyền địa phương để xây dựng chính quyền mới là một bí ẩn lớn nhất của sự kiện Huế-Mậu Thân. Những bàn tay vấy máu đồng bào đã vội vã được chùi. Những “chứng cứ ngoại phạm” hấp tấp được bày ra. Lê Khả Phiêu, người mà hồi chiến dịch Mậu Thân là chính ủy kiêm trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, có trách nhiệm gì không?

Một bài báo mang tựa “Gặp lại cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu” (Tiền Phong, 11-11-2012) có đoạn: “Đêm 24-2-1968, quân ta được lệnh rút khỏi Huế. Khi rút phải đưa hết thương binh ở phẫu tiền phương lên rừng để tiếp tục điều trị… Đồng chí (Lê Khả Phiêu) nhận trách nhiệm trước Quân khu rằng, không riêng Trung đoàn 9 mà cần phối hợp với các trung đoàn bạn khác… cùng với nhân dân thành nội Huế làm nhiệm vụ vận chuyển anh em thương binh vượt vòng vây lên căn cứ. Chính sách thương binh là đây. Tình người, tình đồng chí đồng đội là đây”… Ừ thì đây: một bài báo khác, đề tựa “N. Vietnamese Die Chained to Their Gun Posts” của ký giả Fred Emery đăng trên Times of London ngày 16-2-1968, viết rằng ông thấy hai thi thể lính Bắc Việt đã bị xích vào cột điện với khẩu súng máy (“Hue 1968”, Mark Bowden).

Những câu chuyện bi thảm về chiến tranh Việt Nam đáng lý không được nhắc lại. Nhưng, khi mà những oan hồn chiến tranh còn chưa được giải và những bàn tay nhuốm máu còn chưa được rửa với sự thành khẩn ăn năn để chắp lạy nén nhang trước vô số cái chết oan ức thì liệu mọi thứ có thể bỏ quên đi hoặc để vùi lấp vào bụi lịch sử? Chúng ta sẽ nói gì với thế hệ trẻ, để giải thích tại sao hôm nay cả thành Huế lại chít khăn tang để làm giỗ cho hàng trăm oan hồn, trả lời sao với con cháu rằng lý do gì ông bà cha mẹ anh chị cô chú mình bị giết và ai giết? Cho đến giờ, vẫn còn có màn vỗ tay cười cợt trước những dải khăn tang.

Nếu người ta tiếp tục khạc nhổ những bãi đờm nhơ nhớp vào lịch sử và giẫm đạp lên xác chết chiến tranh trong đó có cả chiến sĩ đồng đội mình thì những câu chuyện này vẫn cần được nhắc lại, không phải để khinh bỉ, không đáng và cũng chẳng cần, mà để cho thế hệ trẻ hiểu được cuộc chiến “giải phóng dân tộc” nó đầy dãy tội ác như thế nào, để họ hiểu dối trá và bưng bít cũng là một tội ác, và để họ nhận thức rằng những hành động kinh tởm đó đừng bao giờ được lặp lại với đồng bào và dân tộc mình.













No comments:

Post a Comment

View My Stats