Thursday 31 October 2013

TIẾNG MỸ KỲ CỤC (Trần Văn Giang)




Trần Văn Giang
Orange County
10/30/2013 

Lời giới thiệu

Tuần qua, tôi được bạn bè “pho quộc” (forward) trong vài lần khác nhau đến hộp thư của tôi một bài viết mà họ đã nhắc nhở tôi là “bài đọc rất lý thú” của tác giả Nguyễn Văn Luận với tựa đề “Tiếng Việt Kỳ Diệu.”  Trong bài viết dài 12 trang này, tác giả đã viết 5 câu chuyện với cùng một chữ bắt đầu:

Chữ B: “Bà Ba Bán Bún” (tổng cộng 522 chữ B).
Chữ C: “Chuyện Cậu Chính” (720 chữ C).
Chữ H: “Hẹn Hò” (404 chữ H).
Chữ T: “Tiểu Truyện Tòan T” (2216 chữ T).
Chữ V: “Viết Văn” (378 chữ V).

Tôi đọc mới hết hai chuyện thì đã thấy chán ngấy, phải đành dừng lại.  Tuy nhiên tôi cũng đồng ý với các bạn của tôi là 5 câu chuyện đều bắt đầu với cùng một chữ kể ra rất lý thú; nhưng gọi là kỳ diệu thì cũng hơi quá…  Bởi vì các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt họ cũng có cái kỳ diệu, độc đáo riêng của của họ chứ chẳng riêng gì tiếng Việt.  Nếu tất cả các ngôn ngữ đều cùng loạt cho tiếng của mình là kỳ diệu thì chữ “kỳ diệu” không còn ý nghĩa gì nữa!?   Y hệt như ở trong một tiệm phở, nếu mọi người đểu ăn tô phở “đặc biệt” thì tô phở “thường”(nhỏ) mới đúng nghĩa là tô đặc biệt (vì nó số ít, không giống những tô khác với số nhiều).

Tiện đây, tôi xin giới thiệu đến quý vị sự kỳ cục riêng của tiếng Mỹ (Anh ngữ / English) để quý vị đọc rồi so sánh cho biết kỳ cục ta và kỳ cục tây khác nhau bao nhiêu?…
TVG

*


Trong Anh ngữ, rất nhiều người đã đồng ý “E” là mẫu tự (alphabet) thông dụng nhất bởi vì “E” theo thống kê đã được dùng bốn hay năm lần nhiều hơn các mẫu tự khác.  Quý vị cứ thử viết một vài câu ngắn bằng Anh ngữ thì sẽ thấy điều này.  Chỉ một vài câu đơn giản Anh ngữ thôi mà đã thấy chữ “E” xuất hiện lai rai rồi…  Bây giờ nói đến chuyện thử viết nguyên một cuốn tiểu thuyết dài vài trăm trang giấy mà không dùng chữ “E” đến một lần (lối viết tránh chữ như thế này người Mỹ họ gọi là “Lipograms”) xem có dễ không?  Chuyện tưởng như tin không nổi (incredible!)

Từ năm 1937, một nhà văn Hoa kỳ tên là Ernest Vincent Wright đã làm cái chuyện không thể tin được như vậy.  Ông viết tiểu thuyết tựa đề “Gadsby” dầy 267 trang có tổng cộng 50,110 chữ (word) mà không hề dùng một chữ  (one word) nào có mẫu tự “E” trong đó (!)  Nên biết, “Gadsby” không phải là cuốn sách duy nhất của ông ta.  Trước đó ông Ernest Vincent Wright đã viết ba cuốn sách: “The Wonderful Fairies of the Sun” (1896), “The Fairies that Run the World and How They Do It” (1903), “Thoughts and Reveries of an American Bluejacket” (1918).

Đầu tiên, có người quen biết với ông Ernest Vincent Wright cắc cớ hỏi ông tại sao ông lại làm chuyện quái đản như vậy?  Ông ta trả lời là:

“Sau khi đọc 4 bài thơ vớ vẩn nào đó không dùng một chữ “E” nào (không rõ tác giả vào thập niên 1930’s), tôi cũng muốn chứng minh cho mọi người, nhất là thanh niên, biết là: ‘ Nếu cho con người một cơ hội, không có chuyện gì mà con người không làm được.’ ”

Ông Ernest Vincent Wright đã giải thích cách thức làm sao để đánh máy ra nguyên con cuốn tiểu thuyết này (dĩ nhiên, thời đó làm gì đã có bác Bill Gates và Microsoft Word Doc hiện diện trên mặt hành tinh này đâu nhe quý vị!) là ông ta lấy dây cột chặt cái “key” có chữ “E” xuống bàn máy chữ…  có nghĩa là chữ “E” bất khả dụng - mỗi khi gõ phải chữ “E” thì phải khựng lại (vì chữ “E” không mổ vào giấy được); bắt buộc phải tìm một chữ đồng nghĩa để thay thế.  Việc tìm chữ đồng nghĩa nghe có vẻ dễ mà làm rất khó.  Thứ nhất, trong Anh Ngữ, các động từ ở thể quá khứ đa số thường tận cùng bằng hai chữ “ed;” Thứ hai các đại danh từ phần lớn đều có “E” như: He, she, they, them, theirs, hers, herself, me, myself, yourself, himself, themselves… Thứ  ba các con số đếm (numeric numbers) liền tù tì từ số Bảy (7) đến số  Ba mươi mốt (31) trong Anh ngữ đều có “E” trong đó.  Các chữ thay thế phải được tìm để dùng mà chữ thay thế lại không có nhiều đâu nhá!  Vả lại các chữ thay thế được dùng nhiều lần thì người đọc sẽ nhìn thấy ngay!  Tài tình nhất là việc Ông Ernest Vincent Wright còn tránh cả những chữ viết tắt dù không thấy có chữ “E” nhưng khi phát âm vẫn có âm của chữ “E” như chữ Mr., Mrs., Ms… Dùng các chữ thay thế sẽ làm cho lời văn bị khập khiễng, đui chột, mất đi vẻ tự nhiên…  Nhưng đối với ông Ernest Vincent Wright thì không phải như vậy.  Cuốn “Gadsby” được ông Ernest Vincent Wright bắt đầu viết và hoàn tất trong vòng 167 ngày (nhưng thực ra ông Ernest Vincent Wright đã sửa soạn bản thảo của cuốn sách này trong nhiều năm trước đó).  Sau cái tên tác giả và 9 trang giới thiệu (có chữ “E”), câu chuyện chính của cuốn sách dầy 267 trang không hề lẫn vào một chữ “E” nào mà lời văn vẫn giản dị, trong sáng, dễ đọc; chữ dùng đánh vần rất đúng, văn phạm rõ ràng; đọc mà không thấy là có sự dấu hiệu gì của sự cố gắng, gượng gạo nào trong đó.  Sau này, nhiều đoạn của cuốn sách còn được xem là bài mẫu cho chương trình viết luận văn (English composition) cho học sinh bậc trung học…

Tôi “Googling (*)” cầu may trên mạng thì tìm ngay thấy trang “Amazon.com” có bán bản in lại (re-print) của cuốn sách này với khổ lớn hơn và giấy tốt hơn với giá vỏn vẹn chỉ có $7.00 (cộng thêm thuế và tiền Shipping / Handling).  Cũng nên biết rằng bản gốc (original copies) của cuốn sách này hiện nay bán với giá trên $4,000.00 một cuốn trên thị trường.  Cuốn sách này rất hiếm bởi vì ngay sau khi vừa in xong thì nhà kho chứa sách mới in bị phát hỏa.  Chỉ có một số ít được dời ngay ra khỏi chỗ cháy kịp thời an toàn.

Ngay sau khi viết xong cuốn sách có một không hai này, ông Ernest Vincent Wright bị báo chí và truyền thông Mỹ (Associated Press chẳng hạn) đả kích rất nhiều.  Một Bình luận gia của một tờ báo ở New York muốn biết tại sao ông Ernest Vincent Wright với cái tên đã có sẵn hai chữ “E” trong đó rồi lại có thể vượt qua những trở ngại khi viết…  Ông Wright trả lời là:

“Cái tên và lời giới thiệu không phải là một phần của câu chuyện tôi viết.  Chuyện tưởng không thể làm được, tôi đã làm xong.  Cũng không cần phải giải thích nhiều…”

Ngoài ra còn có chuyện ly kỳ hơn là, có lẽ vì cố gắng tránh chữ “E” quá sức, ông Ernest Vincent Wright qua đời ngay đúng ngày cuốn “Gadsby” của ông được phát hànhvào tháng 2 năm 1939 (?) hưởng thọ 66 tuổi.

Thử đọc vài đoạn trong cuốn sách này xem chữ nghĩa loại “English without character “E” xem sao – (“Gadsby” là tên họ của ông John Gadsby đắc cử Thị Trưởng và cứu vãn tình trạng đang xuống dốc của một thành phố tưởng tượng tên Branton Hills):

As soon a Gadsby’s inauguration had put him in a position to do things with authority, his first act was to start things moving on that big auditorium plan, for which many capitalists had bought bonds.  Again public opinion had a lot to say how such a building should look, what it should contain; how long, how high, how costly; with a long string of ifs and buts. (Trang 16)

Một đoạn khác, dĩ nhiên không có “E”:
Oh, how Youth crawls tip on you!  Flow a tiny girl “almost instantly” shoots up into a tall, charming woman!  How a top-spinning, ball-tossing, racing, shouting boy looms up into a manly young chap in Military School uniform!  Gadsby was happy; for, wasn’t this a tonic for his spinal column? (Trang 145)

Lời kết

Sự đóng góp của các ông Nguyễn Văn Luận cũng như ông Ernest Vincent Wright là chuyện ly kỳ…. nhưng sau đôi phút tỉnh táo lại, chính bản thân tôi cũng thấy thắc mắc là:

“Tại sao lại có người thích làm những chuyện vô bổ như vậy? Có lẽ họ phải có rất nhiều thời giờ (cũng vô bổ) mới làm được?”

Vấn đề tôi mạn phép gọi là “vô bổ?”  (hay “hữu ích” như sẽ có vị thức giả phản đối) cũng còn tùy hoàn cảnh và thẩm định mỗi người…

Hết ý kiến.

________
Ghi Chú:
(*) Tôi xin làm một phùa quảng cáo miễn phí, không công cho Amazon.com:
Quý vị có thể “Googling”  hai chữ “Amazon, Gadsby” để mua (order) cuốn sách này (với giá $7.00 – giá một tô phở thường, không phải tô xe lửa)  để đọc cho biết.
Reading is believing.

Trần Văn Giang
Orange County
10/30/2013




1 comment:

View My Stats