Thursday 31 October 2013

MÙA THU VIRGINIA (Viên Linh)




Viên Linh
Wednesday, October 23, 2013 3:17:47 PM

Ðã lâu lắm, những giọt mưa nhẹ nhàng của mùa Thu mới lại rơi trên đôi vai một kẻ bộ hành tới từ miền gió cát. Hôm nay vào giữa Tháng Mười, từ California tôi trở lại Arlington, một quận hạt của tiểu bang Virginia, bên này cầu Key, nơi tọa lạc ngôi nhà đầu tiên gia đình chúng tôi cư ngụ tại Hoa Kỳ.

Cầu Key trong mùa Thu nhìn từ Virginia qua khu Georgetown, Washington, D.C. (Hình: Wikipedia)

Bên kia là khu Georgetown của thủ đô Washington, D.C. - chỉ cần hai chục phút đi bộ qua cầu là tới. Cây cầu không có gì hùng vĩ, tuy nhiên Francis Scott Key (1779-1843) - tên ông được đặt cho cây cầu, là người có những lời ca ngợi nước Mỹ mà không một ai trong chúng ta, không từng nghe, hay không từng hát lên: lời ca của bản Quốc ca Hoa Kỳ chính là lời ông viết vào năm 1814:

Oh, say can you see by the dawn's early light
What so proudly we hailed at the twilight's last gleaming?
Oh, say does that star-spangled banner yet wage
O'er the land of the free and the home of the brave.

Khi nghe hát hay hát theo những lời ấy, khi đứng nghiêm chỉnh hướng tầm mắt lên cao, hay nhìn thẳng vào lá cờ sao và sọc, màu đỏ pha đen của lửa và thép, và màu xanh da trời ánh khói của kỹ nghệ, nhiều người trong chúng ta hẳn đã từng nghẹn ngào, biết đến bao giờ nước mình được gọi là đất nước tự do, biết đến bao giờ quê hương mình trong thế kỷ này có được một vị quốc trưởng dũng cảm và khoan dung? Và đến bao giờ màu cờ sắc áo của dân tộc mới hết là màu máu huyết, giết chóc hung tàn, thay vào đó là thanh thiên lưu thủy, dương khí trần hoàn, nhẹ nhàng êm đềm như bóng thiên nga, với vẻ hạo nhiên, dáng thái hòa và hồn linh khí? Ôi, giấc mộng giản dị ấy của gần trăm triệu người vẫn chỉ thấy là sự phỉ nhổ của một lá cờ dơ bẩn, dính máu oan cừu, kể từ máu của bầy chó bị giết trộm những đêm đầu tiên cho mã tấu du kích tự do thủ tiêu ám sát dân lành ngay trong xóm làng mình, vì những kẻ mê muội nghe theo những đề cương và huấn dụ và cương lĩnh gian xảo từ phương Bắc xuống, từ quần đảo ngục tù sang? Qua biết bao ngôn ngữ ì ồ dịch thuật ngỡ là cao nhã, tiếng nói the thé nhức óc trau chuốt bằng vần điệu ca dao nơi chó ăn đá, gà ăn muối, được cay độc hiển dương thành máng cỏ của chúa hang, linh địa của ngao chủ, ngỡ là sự thật.

Tháng Mười ở Miền Ðông Hoa Kỳ đã mang cho tôi nhiều cảm xúc tuyệt vời, từ lùm cây lá phong đỏ màu rượu chát tới cái lạnh vừa đủ thấy ấm qua một chiếc áo len nhẹ nhàng. Mùa Thu Virginia đã khởi sự nơi tôi một cuộc đời mới, còn tiếp diễn không ngừng. Sung sướng thay, nó diễn ra từ định hướng văn chương, công sức học hỏi, và sự may mắn.

Về thăm lại Arlington, Virginia, nơi từ lâu người viết bài này tự coi là quê hương thứ hai của mình, trong khi quê hương chính đã không còn, cho tôi viết ít dòng riêng tư, nhất là về Tháng Mười của tôi, năm 1975.

Trong những ngày ở trại tị nạn Indiantown Gap, Pennsylvania, từ đầu Tháng Sáu tới hết Tháng Bảy, 1975, trên giấy tờ xin định cư, và trong các cuộc phỏng vấn chọn nơi rời trại, là chủ gia đình, tôi chỉ xin rời trại nếu được tới định cư ở Washington, D.C., hay New York City. Gia đình một giáo sư Mỹ ở Pittsburg muốn bảo trợ, tôi đã khổ tâm để từ chối, không rời trại. Một hôm, một mình tôi được mời lên văn phòng một cơ quan thiện nguyện, nhớ hình như là The Tolstoy Foundation, người đối diện tôi có khuôn mặt của một người điền chủ xứ băng tuyết, hàm râu rậm, cái nhìn lạnh lẽo. Ông hỏi tôi rất nhẹ nhàng: ông có thể cho chúng tôi biết, vì sao gia đình ông chỉ chịu đi định cư ở một trong hai thành phố đó? Trại rất đông người rồi, gia đình ông đã ở đây hơn 2 tháng. Chúng tôi cần đón tiếp thêm những đồng bào khác của ông càng ngày càng đông nơi các trại tị nạn ở Ðông Nam Á.

Tôi cố sắp xếp ngôn ngữ để nói thật ngắn gọn và thật hợp lý. Nói cho thật đúng, tôi đã viết sẵn xuống cuốn sổ cầm trong tay, và tay kia cầm cái bút, để viết ra những chữ cần viết, nếu cần thì đưa họ thấy. Tôi nói, tôi là nhà văn, nhà báo. Hai chục năm qua tôi mưu sinh bằng ngòi bút. Tôi nghe nói ở New York có Thư Viện Ðại Học Cornell và ở Washington, D.C. có Thư Viện Quốc Hội, là hai nơi có hai thư viện lớn nhất nhì thế giới có đầy đủ sách báo của nước tôi, cho tôi về một trong hai nơi đó thì sự mưu sinh của tôi sẽ dễ dàng hơn, sự tái tạo cuộc đời tôi và gia đình sẽ dễ dàng hơn, và tôi biết trong hai thư viện đó có một số tác phẩm của chính tôi và mấy tờ báo do tôi làm chủ bút, vậy nếu ông giúp được tôi, là ông đã giúp tôi dễ dàng làm lại cuộc đời ở Mỹ. Tôi vô cùng nhớ ơn.

Ngày mồng 3 Tháng Tám 1975, chiếc xe buýt Trailways dừng lại tại bến. Tôi sửa sang lại cái cà vạt to bản, chiếc sơ mi sọc xanh, mái tóc dài phủ gáy, vì cả ba bốn tháng chưa cắt, và chậm rãi đặt chân xuống mặt đường. Tôi bước rất chậm rãi, tuy không bao phủ trên người bộ áo màu bạc cồng kềnh như phi hành gia Armstrong khi đặt chân xuống mặt trăng năm 1960, nhưng trong đầu tôi văng vẳng một câu nói, câu nói của chính tôi.

“Mình sắp đặt bước chân đầu tiên xuống thủ đô Hoa Kỳ, hãy nhớ lấy lời ước nguyện.”

Tôi bước xuống lề đường, nhìn quanh, có một cặp vợ chồng người Mỹ tóc bạc, nhìn tôi với nét mặt tươi cười. Tôi bước lui vài bước để vợ cùng ba con bước xuống.

Người đàn ông Mỹ tự giới thiệu, vợ ông bên cạnh đây, và ông, tên là Charruth, đại diện cho nhà thờ The Mount Vermont Place Church tại đường East 9th Street, Washington, D.C., là nhà thờ đứng ra bảo trợ gia đình chúng tôi. Ông chào mừng chúng tôi. Rồi nhanh nhẹn lấy hành lý của chúng tôi từ ngăn đáy của xe buýt chất lên chiếc xe hơi wagon station của ông.

Chiếc xe dừng lại tại một tiệm ăn Trung Hoa. Chúng tôi ăn mì vịt hay các thứ khác, và ngay sau đó, xe qua cầu Key, dừng lại trước một ngôi nhà hai tầng. Ông Charruth nói đây là ngôi nhà có 3 phòng ngủ, có lò sưởi điện và bếp ga, có đủ giường nệm, thực phẩm trong tủ lạnh và 47 Mỹ kim cho một tuần đi chợ dành cho gia đình 5 người chúng tôi. Ðây là đường... thuộc hạt Arlington, tiểu bang Virginia. Trong gara bên cạnh có 3 cái xe đạp ba bánh cho các cháu, đứa lớn nhất mới 6 tuổi. Từ đây tới Thư Viện Quốc Hội chỉ khoảng 20 phút xe buýt.

Ông Charruth, vào Tháng Mười 1975, đã là người giúp tôi một việc vĩ đại. Số là khi còn trong trại tị nạn, tôi đọc một mẩu tin ngắn một cột, dài cỡ 6, 7 cm, nói rằng hàng năm tổ chức The Ford Foundation vẫn phát học bổng nghiên cứu cho các học giả và các chuyên gia trong Chương Trình Nghiên Cứu Ðông Dương, nay cả ba nước Lào-Miên-Việt Nam Cộng Hòa đã lần lượt mất vào tay cộng sản, còn hơn hai trăm ngàn Mỹ kim, họ sẽ phát ra lần cuối cùng, và dẹp bỏ chương trình ấy.

Tôi trình bày vấn đề với ông Charruth và bà Roberts, hai đại diện của nhà thờ, giúp tôi xin giấy tờ cần thiết để biết phải làm gì. Giấy gửi về: Ðiều kiện: phải có Ph.D., hay ít ra, đang soạn thi tiến sĩ. Tôi lộ vẻ thất vọng. Bà Roberts nói một câu như một cú sét, một ngọn lửa thiên lôi:

“Nếu cứ chọn tiến sĩ, cao học để trao học bổng [khoảng 12 ngàn và 50 ngàn bảo hiểm y tế cho người trúng giải trong một năm], thì phải trao cho vài vạn tiến sĩ kia kìa. Trong hai thư viện Quốc Hội và Cornell, có 11 cuốn sách của ông và 3 tờ báo văn học do ông làm chủ nhiệm chủ bút [Nghệ Thuật, Khởi Hành, Diễn Ðàn, Thời Tập] tôi tin ông sẽ được trao học bổng.” Ông Carruth và tôi, với hai cuốn Từ Ðiển Anh Việt, Việt Anh của Nguyễn Văn Khôn, trong hai ngày đã hoàn tất cái “summary 2000 chữ” gửi đi đúng vào ngày chót, Tháng Mười 1975.

Hơn mười người nhận được The Ford Foundation Research Award, tôi còn nhớ có các vị như giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, LM Lương Kim Ðịnh, Tướng Lào Vang Pao, anh Dohamid dân tộc Chàm, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Kim Phượng [?], các anh Vũ Khắc Khoan, Cao Thế Dung, và tôi; không kể vài học giả Âu Mỹ khác. Tiến Sĩ Charles Benoit của Ford Foundation trong thư chúc mừng tôi, cho biết lẽ ra tôi đã tuột sổ, vì gửi quá trễ. Nhưng tôi hiểu trong các dự án xin bảo trợ, tất cả viết về chính trị, đảng phái, tôn giáo, nông nghiệp (anh Cao Thế Dung viết về Hoa kiều và thị trường lúa gạo Việt Nam) chỉ có anh Vũ Khắc Khoan (viết về Chèo Cổ Việt Nam) và tôi viết về Văn Học Miền Nam 1954-1975. Kiến thức của một người tự học như tôi mà được đãi ngộ như thế, thật là quá điều mong ước.

Tháng Mười ở Arlington đối với tôi, là mùa Thu trên thiên đường, ngày nào cũng đẹp, nhất là ngày chót cuối tháng, nếu Tháng Mười không có ngày 31, tôi đâu có được may mắn như thế?





1 comment:

View My Stats