Lê Công
Định, tù nhân tư tưởng
Đăng ngày: 02.05.2014
VRNs
(02.05.2014) – Sài Gòn –
Chiều hôm qua, tại hội trường Giêrađô, nhà mục vụ DCCT, bài tham luận Việt
Nam có tự do báo chí? của luật sư Lê Công Định, tù nhân tư
tưởng, đã được linh mục Hoàng Vũ công bố trong hội thảo Tự do thông tin ở
Việt Nam dưới ánh sáng giáo huấn xã hội Công giáo.
Bài tham luận được tất cả các tham dự viên tán
thưởng và đồng tình.
—-
Thế nào là một nền báo chí tự do và độc lập?
Hình lấy từ trang facebook của tác giả
Một nền báo chí tự do và độc lập thực sự là thành tố
quan trọng của một xã hội tự do. Sẽ không có xã hội tự do nếu báo chí chưa độc
lập khỏi chính quyền. Luật lệ về báo chí giúp thiết đặt những quy tắc bảo
đảm sự tự do và độc lập đó, chứ không phải là phương tiện để chính quyền kiểm
soát và áp đặt quan điểm của mình về nội dung thông tin, cũng như cách thức đưa
tin và bình luận các sự kiện kinh tế, chính trị và xã hội.
Thông tin cung cấp cho công chúng không phải là
những sản phẩm đã được nhào nặn và định hướng cách hiểu từ bất cứ ai và thế lực
nào. Tất nhiên không tránh được sự thiên vị và suy nghĩ chủ quan của người cầm
bút và chủ bút một tờ báo khi xử lý và đưa tin. Vai trò của luật lệ về
báo chí do vậy là thiết lập một hệ thống quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nhà
báo nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức trong xã
hội.
Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo không đồng nghĩa với
trách nhiệm đưa tin theo ý chí của chính quyền hoặc quan chức. Một khi
tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, nhà báo không phải sợ hãi khi thông tin mình đã
đưa trái với “định hướng” hoặc đụng chạm đến cơ quan công quyền dù ở cấp nào,
bởi lẽ vai trò mặc nhiên của báo chí là đưa tin và chính quyền phải tôn trọng
điều đó.
Sự thật là tiêu chí tối thượng của một nền báo chí
tự do và độc lập cho dù nhà báo và tờ báo phải trả giá thế nào để bảo vệ sự
thật mà mình biết. Nhà báo phải xác minh sự thật và đưa tin về điều đó.
Báo chí không bao giờ được phép đưa tin sai sự thật khi biết rõ đâu là sự
thật. Đấy chính là trách nhiệm quan trọng nhất của báo giới.
Vậy, với quan niệm phổ biến như vậy, liệu Việt Nam
thực sự có tự do báo chí? Hỏi tức là trả lời.
Ai giám
sát báo chí?
Khác với cách hiểu lâu nay ở Việt Nam, việc giám sát
báo chí không phải của chính quyền, mà của chính báo giới và độc giả.
Như đã nói trên, nhà báo phải tuân thủ các quy tắc
đạo đức nghề nghiệp được ấn định bởi luật pháp và quy tắc riêng của một tờ
báo. Có thể nói, đạo đức nghề nghiệp là cơ chế giám sát tối cao hoạt động
báo chí. Cũng như nghề luật sư, những quy tắc đạo đức nghề nghiệp chủ yếu
giúp giải quyết vấn đề xung đột lợi ích tài chính hay các phân tranh lợi ích
khác. Mọi thiên vị dưới áp lực của tiền bạc hay quyền lực đều bị cấm
đoán.
Ngoài ra, độc giả sẽ dựa vào tiêu chí sự thật để đặt
lòng tin vào một tờ báo, qua đó giám sát cách thức đưa tin và bình luận các sự
kiện kinh tế, chính trị và xã hội của tờ báo. Bình luận sự kiện có thể
thế này thế kia, tùy thuộc vào kinh nghiệm và kiến thức của nhà báo, nhưng cố
tình bỏ sót, bịa đặt hoặc bóp méo sự kiện thực tế sẽ bị độc giả xét đoán nghiêm
khắc.
Sự tự do và độc lập của báo chí không cho phép bất
kỳ sự kiểm duyệt vô lý nào từ phía chính quyền dù dưới danh nghĩa thiết lập và
duy trì ổn định trật tự xã hội. Mọi sự ngụy biện nhằm áp đặt sự kiểm soát
tùy tiện như vậy trên thực tế sẽ thủ tiêu một nền báo chí tự do và độc lập như
có thể thấy ở những thể chế độc tài và toàn trị.
Chính quyền thường lập luận rằng báo chí không bao
giờ được phép đặt mình cao hơn pháp luật. Có vẻ đúng, nhưng đó là “pháp
luật” gì? Xin thưa, đó là loại “pháp luật” được đặt ra theo hướng che đậy
và cho phép sự can thiệp của nhà cầm quyền vào hoạt động báo chí. Tất
nhiên, mỗi nước có quy tắc pháp lý và đạo đức khác nhau, song điều đó không có
nghĩa rằng nhà cầm quyền tại một nước có quyền phớt lờ những chuẩn mực văn minh
chung được toàn thế giới công nhận để biện minh cho sự kiểm duyệt báo chí một
cách võ đoán của mình nhân danh luật pháp và trật tự công.
Giáo sư Jane Kirtley (người Mỹ) đã viết: “Một nền
báo chí tự do cũng có thể có khiếm khuyết và đôi khi không đáp ứng được hết những
gì người ta kỳ vọng về nó. Nhưng những nền dân chủ đang phát triển khắp thế
giới vẫn hàng ngày chứng tỏ rằng họ có đủ dũng khí và tự tin để chọn sự hiểu
biết hơn là ngu dốt, chọn sự thật hơn là những thông tin tuyên truyền, bằng
cách chấp nhận và áp dụng lý tưởng về báo chí tự do. Sống với tự do báo
chí không dễ. Nhưng tôi biết rằng tôi sẽ không thể sống nếu không có điều
đó.”
Luật
pháp quốc tế và quốc gia về tự do ngôn luận và tự do báo chí
Nền tảng của một nền báo chí tự do và độc lập là
quyền tự do ngôn luận của công dân. Quyền tự do ngôn luận là một quyền
hiển nhiên của những ai có tư cách làm người, được hiến pháp quốc gia công nhận
và ghi nhận, chứ không phải được ban phát. Khác với Việt Nam, luật pháp
các nước dân chủ nghiêm cấm quốc hội hay chính quyền thông qua các đạo luật hay
đặt ra các quy định hạn chế hoặc vi phạm tự do ngôn luận và tự do báo chí, dù
dưới hình thức công nhiên hay ngụy trang nào.
Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền của Đại hội đồng
Liên hợp quốc năm 1948 đã khẳng định như sau tại Điều 19: “Mọi người đều có
quyền tự do có chính kiến và tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do giữ các
quan điểm mà không bị can thiệp, tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ thông tin
và ý tưởng thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không bị giới hạn.”
Điều 10 của Công ước Châu Âu về Nhân quyền ghi nhận:
“Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do được giữ
các quan điểm, tiếp nhận và chia sẻ thông tin mà không bị can thiệp bởi chính
quyền và không bị giới hạn. […]”
Ngoài ra, Công ước Châu Âu về Nhân quyền còn nêu rõ:
“Việc thực hiện các quyền tự do này, do chúng bao hàm cả quyền lợi và nghĩa vụ,
có thể phải chịu sự chi phối của các thủ tục, điều kiện, hạn chế hoặc hình phạt
do luật pháp quy định và là điều cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích
an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, hay an toàn xã hội, nhằm ngăn ngừa tội
phạm, mất trật tự xã hội, nhằm bảo vệ sức khỏe, tinh thần, bảo vệ thanh danh
hay quyền của những người khác, nhằm ngăn ngừa việc phát tán thông tin mật, bảo
đảm thẩm quyền và tính không thiên vị của ngành tư pháp.”
Như vậy, luật pháp quốc tế bảo đảm quyền tự do ngôn
luận dù cũng thừa nhận một số cơ sở pháp lý để nhà nước hạn chế tự do ngôn luận
nhằm bảo vệ các lợi ích xã hội và cá nhân chính đáng.
Nhiều công ước, hiệp ước và tài liệu quốc tế khác
đều công nhận tương tự về quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là Công ước Quốc tế
về Quyền Dân sự và Chính trị. Dù có thể khác nhau về ngôn ngữ cụ thể song
tất cả đều thừa nhận tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người.
Hiến pháp của các quốc gia cũng công nhận quyền tự
do ngôn luận. Chẳng hạn, Điều 25 của Hiến pháp Vương quốc Bỉ năm 1831 ghi
rõ: “Báo chí được tự do; không bao giờ được thiết lập sự kiểm duyệt nào; không
được yêu cầu an ninh từ các tác giả, các nhà xuất bản và các nhà in. Khi tác
giả của một tác phẩm báo chí được biết rõ và đang cư trú ở Bỉ, không được truy
tố nhà xuất bản, nhà in hay nhà phát hành.”
Luật
pháp quốc tế và quốc gia về tự do thông tin
Bên cạnh tự do ngôn luận, các công ước, hiệp ước và
tài liệu quốc tế cũng công nhận tự do thông tin như là quyền cơ bản của con
người. Tự do thông tin là quyền hợp hiến tại khoảng 80 quốc gia trên thế
giới. Tất nhiên, tại nhiều nước, đặc biệt là Việt Nam, các nhà báo vẫn gặp khó
khăn trong việc thực hiện quyền tự do thông tin của mình.
Luật Báo chí Thụy Điển năm 1766 được xem là bộ luật
đầu tiên về tự do thông tin. Nhiều nền dân chủ đang phát triển ở Đông Âu
và Mỹ châu La Tinh cũng đưa quyền tự do thông tin vào hiến pháp của mình.
Cũng như ở hầu hết các nước trên thế giới, tại Mỹ
mọi công dân đều có thể yêu cầu tiếp cận thông tin theo Đạo luật Tự do Thông
tin năm 1966, theo đó mọi người trên thế giới đều có quyền truy cập thông tin
tại Mỹ theo luật pháp Mỹ, mà không cần phải là công dân Mỹ hay thường trú nhân
ở Mỹ.
Tất nhiên, dù công nhận quyền tự do thông tin, luật
về tự do thông tin tại các quốc gia đều ấn định các trường hợp ngoại lệ, theo
đó một số loại thông tin mật không thể công bố rộng rãi. Chẳng hạn, những thông
tin liên quan đến đời sống riêng tư của người khác thuộc loại mật mà báo chí
phải tôn trọng.
Luật
pháp Việt Nam về tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định tại Điều 25
rằng: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin,
hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy
định.” (Nhấn mạnh phần gạch chân)
Tuy nhiên, hành xử thực tế của chính quyền thường
lệch lạc so với những tuyên bố hoa mỹ. Nhà nước Việt Nam thường bào chữa
cho việc áp dụng những nguyên tắc quốc tế theo cách riêng của mình nhằm hạn chế
quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Tuy vẫn dẫn chiếu những điều khoản
trong các công ước, hiệp ước và tài liệu quốc tế khác mà Việt Nam tham gia ký
kết, nhưng họ luôn tìm cách giải thích theo ý riêng và tự đặt ra những quy định
hạn chế và tước đoạt các quyền của người dân theo những điều ước quốc tế đó.
Quả thật, câu cuối của Điều 25 Hiến pháp Việt Nam
năm 2013 (ghi rằng “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”) là
minh chứng cho cách sử dụng những quy định luật pháp, dưới Hiến Pháp, để hạn
chế và tước đoạt quyền tự do ngôn luận của công dân.
Tệ hại hơn, Bộ Luật Hình Sự Việt Nam, đặc biệt là
các Điều 88 (quy định về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ Nghĩa Việt
Nam”), Điều 258 (quy định “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi
ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”), Điều 263
(quy định về “Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”) và Điều 264 (quy định về “Tội vô
ý làm lộ bí mật Nhà nước”), từ nhiều năm nay được sử dụng làm công cụ pháp lý
để chính quyền bắt giam những ai công khai thực thi quyền tự do ngôn luận của
mình bằng cách đưa và bình luận các tin tức mà chính quyền không muốn công
chúng biết.
Mặt khác, luật tiếp cận thông tin vẫn chưa có nên dự
án luật đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo và có thể được trình vào năm
2016. Tuy nhiên, một văn kiện pháp quy là Nghị Định số 72/2013/NĐ-CP ngày
15/7/2013 được Chính phủ ban hành năm vừa rồi đã bị chỉ trích kịch liệt bởi dư
luận trong và ngoài nước, bởi đó là văn kiện pháp lý đầu tiên công khai ấn định
những rào cản đối với quyền trao đổi và tiếp cận thông tin của mọi thành phần
trong xã hội.
Kết luận
Bài xã luận mang tựa đề “Điều trần … một phía, làm
sao khách quan?” đăng trên báo Quân đội Nhân dân Online số Chủ nhật, ngày
27/04/2014, có đoạn viết: “Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
tiếp tục khẳng định, mở rộng hơn quyền tự do báo chí. Xét cả về số lượng và
chất lượng, Việt Nam đang có một nền báo chí phát triển và thực hiện tốt tự do
báo chí.”
Quả thật, các bản Hiến pháp Việt Nam trải qua các
thời kỳ đều ghi nhận quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Tuy nhiên,
điều đó chỉ có ý nghĩa nếu nhà cầm quyền thực tâm tôn trọng quyền hiến định này
mà không cố tình tạo ra những giới hạn về phương diện pháp lý nhân danh “an
ninh quốc gia” (mà kỳ thực là an ninh của đảng cầm quyền).
Số lượng tờ báo trên cả nước hoàn toàn không có giá
trị gì khi tất cả đều chỉ đưa tìn theo định hướng của chính quyền. Biện
minh về tự do báo chí nếu chỉ dựa trên số lượng và chất lượng các tờ báo, thì
đơn thuần là sự ngụy biện không hơn không kém. Vấn đề chính của quyền tự
do ngôn luận là người dân có được tự do “mở miệng” mà không bị bộ máy công an
quấy nhiễu hay không mà thôi.
Lê
Công Định, tù nhân tư tưởng
No comments:
Post a Comment