Saturday, 3 May 2014

VẬN ĐỘNG CHO MỘT NỀN BÁO CHÍ ĐỘC LẬP TẠI VIỆT NAM (Thanh Trúc - RFA)




Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-05-02

Để đánh dấu ngày Thế Giới Tự Do Báo Chí, một buổi hội thảo tựa đề Hướng Đến Một Nền Báo Chí Độc Lập Cho Việt Nam đã diễn ra tại đài Á Châu Tự Do ở thủ đô Washington hôm thứ Năm ngày 1 Tháng Năm vừa qua.

ông Scott Busby, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động phát biểu tại buổi hội thảo ngày 1 tháng 5, 2014 tại đài RFA

Một trong các diễn giả buổi hội luận, ông Scott Busby, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động, nói lên những suy nghĩ của ông về tình trạng báo chí và nhân quyền ở Việt Nam:

Kể từ lúc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam hai chục năm trước thì đã có những tiến bộ về quyền con người ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam chấp thuận cho phép một số nhà thờ được ghi danh hoạt động, chấp nhận nói chuyện với các NGOs, tôi muốn nói các tổ chức ngoài chính phủ quốc tế, đồng thời tỏ thái độ cởi mở hơn cũng như ủng hộ quyền lợi của giới đồng tính.
Thế nhưng trong lãnh vực tự do ngôn luận thì Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề đáng nói. Nghị Định 72 chẳng hạn mà chúng tôi không đồng ý, là thí dụ điển hình nhằm siết chặt sự kiểm soát Internet. Chúng tôi không nghĩ sự kiểm soát này có thể liên tục bởi đây cũng không phải một dạng tương lai mà Việt Nam muốn hướng tới.
Sự quan tâm của chúng tôi sẽ tiếp tục được nêu lên trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên sắp tới đây. Chúng tôi muốn nhấn mạnh với nhà cầm quyền Việt Nam rằng tự do ngôn luận và tôn trọng nhân quyền là những điều tối cần cho sự bình ổn, thịnh vượng và an ninh của một đất nước.

Thanh Trúc: Đối với chính phủ Việt Nam, sự can thiệp từ bên ngoài luôn là đề tài nhậy cảm, trong lúc Bộ Ngoại Giao Mỹ trước giờ vẫn chủ trương thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền qua đường lối ngoại giao và đối thoại. Theo ông, tính đến lúc này, Washington thực sự đã làm tròn trách nhiệm ấy chưa hay là vẫn là chưa đủ?
Ông Scott Busby: Về mặt thăng tiến nhân quyền cho Việt Nam tôi nghĩ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã cố gắng rất nhiều. Chúng tôi đã thành công trong việc thuyết phục Việt Nam trả tự do cho một số người bất đồng chính kiến, và như tôi đã trình bày lúc nãy, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã thành công khi thuyết phục được Việt Nam nâng con số những điểm nhà thờ ghi danh hoạt động để người dân của họ được quyền thờ phượng theo đức tin.
Bên cạnh những tiến bộ vừa nói thì lãnh vực tự do bày tỏ ý kiến lại không mấy được cải tiến, vì thế chúng tôi phải tiếp tục nhấn mạnh rằng để bước hẳn sang thiên niên kỷ thứ 21 trong tư cách một đất nước ổn định và một xã hội an bình, Việt Nam phải biết tôn trọng những quyền căn bản của con người trong đó có quyền tự do phát biểu, quyền tự do lập hội và nhiều quyền cơ bản khác nữa.

Thanh Trúc: Thưa ông Scott Busby, theo RSF Phóng Viên Không Biên Giới Việt Nam là quốc gia thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, bắt bớ và giam cầm những công dân mạng. Mặt khác, theo CPJ Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả, trong lãnh vực đàn áp và đe dọa giới bloggers hay giới báo chí thì Việt Nam là một trường hợp khó đương đầu nhất. Ông nghĩ thế nào về nhận xét của các NGOs đó?
Ông Scott Busby: Đúng thế, chúng tôi cũng lấy làm quan ngại trước sự việc quá nhiều bloggers bị bắt giữ ở Việt Nam. Trong phúc trình thường niên về nhân quyền các nước mà Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố hàng năm , Việt Nam là một trong những quốc gia gây cho chúng tôi nhiều mối quan tâm nhất. Phúc trình của Bộ Ngoại Giao ghi rõ rằng cấm đoán quyền tự do ăn nói và bắt giam bloggers là vi phạm quyền con người. Đúng là chúng tôi đã từng trao đổi rằng quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam không được tôn trọng đúng mức như cách chúng tôi nghĩ nó phải được tôn trọng.

Thanh Trúc: Thưa vẫn bằng con đường đối thoại và trao đổi với Việt Nam, theo ông, Bộ Ngoại Giao nên làm thế nào để Việt Nam nghĩ rằng Mỹ đang giúp Việt Nam cải thiện nhân quyền, lãnh vực mà Việt Nam cho là chuyện nội bộ, chứ không phải Mỹ cố ý xen vào nội tình của Việt Nam?
Ông Scott Busby: Tôi cho rằng cần thuyết phục để Việt Nam hiểu là để có được lợi ích về lâu về dài không chỉ phia chính phủ mà cả đối với người dân thì nhà cầm quyền phải tôn trọng nhân quyền của công dân trước hết. Trong quan điểm của Hoa Kỳ, quyền con người là điều kiện tiên quyết cho một đất nước trên đà phát triển. Nếu có thể chứng minh điều này là đúng cho Việt Nam, tôi nghĩ Hoa Kỳ sẽ thành công trong việc thúc đẩy Việt Nam tiến thêm nhiều bước nữa để có một hồ sơ nhân quyền tốt đẹp hơn.

Thanh Trúc: Để kết thúc buổi nói chuyện này, ông nghĩ còn điều gì ông muốn bày tỏ thêm?
Ông Scott Busby: Đúng ra điều tôi quan tâm nhất vẫn là báo chí Việt Nam. Truyền thông Việt Nam đang bị kiểm soát bởi một đảng cộng sản Việt Nam. Với niềm tin mãnh liệt như đã thấy ở các xã hội khác, chúng tôi tin tưởng một nền báo chí độc lập là nhu cầu tối thượng và cần thiết cho một xã hội như Việt Nam, bởi nó phản ảnh mọi tình hình, mọi thử thách cũng như mọi vấn đề mà một đất nước phải đối diện.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì có thể hầu thuyết phục nhà nước Việt Nam là hãy để cho một nền báo chí tự do và độc lập thực sự hiện hữu.

Thanh trúc: Xin cảm ơn ông Scott Busby, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân Chủ, Nhân Quyền Và Lao Động thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.



No comments:

Post a Comment

View My Stats