Monday, 19 May 2014

VÀI ĐÁNH GIÁ BAN ĐẦU VỀ CUỘC XUNG ĐỘT HIỆN NAY GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC (Trần Ngân)




Trần Ngân
viet-studies ngày 18-5-14

Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương vào vùng biển Việt Nam từ ngày 2/5/2014, tới nay đã được hơn 2 tuần và trong hơn 2 tuần đó, đã có quá nhiều sự kiện diễn ra ở Việt Nam, đủ để đưa ra một số nhận định ban đầu về vấn đề lúc đầu có vẻ tưởng như không lớn lắm này. Lý do Trung Quốc đưa giàn khoan vào Việt Nam đã được nhiều người phân tích, ở đây sẽ không nhắc lại nữa. Trong bài này sẽ chỉ tập trung phân tích những ảnh hưởng tới kinh tế xã hội Việt Nam hiện tại và tương lai qua sự kiện này.

1.  Những tác động lớn tới kinh tế xã hội Việt Nam từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào Việt Nam

Từ khi Trung Quốc chính thức thông báo đưa giàn khoan vào Việt Nam ngày 2/5 thì ở Việt Nam đã xảy ra nhiều biến động lớn trên nhiều mặt kinh tế-xã hội, tập trung vào tuần lễ từ 8 – 15/5.

-  Thị trường chứng khoán sụt giảm: Tính chung trong nửa đầu tháng 5/2014 thị trường chứng khoán mất sạch số điểm tăng trong 4 tháng trước đó. Chỉ trong 8 ngày kể từ ngày 8/5, TCCK mất 6 tỷ USD giá trị vốn hóa trong đó chỉ riêng ngày 8/5 mất 3 tỷ USD. Đây là con số sụt giảm lớn nhất trong một ngày từ trước tới nay và ngay lập tức Ủy ban Chứng khoán nhà nước phải ra thông báo trấn an tâm lý nhà đầu tư. (http://www.anninhthudo.vn/Kinh-doanh/Thu-3-den-toi-va-bai-hoc-nhay-lau/551147.antd)

-  Giá USD và và giá vàng biến động mạnh: Giá vàng và giá USD biến động rất mạnh (giá vàng tăng hơn 1 triệu đồng/lượng trong 1 tuần, giá USD cũng tăng kịch trần) do nhiều người dân lo sợ đã đi rút tiền từ ngân hàng để mua vàng và USD. Ngân hàng nhà nước cũng ngay lập tức phải ra thông báo trấn an người dân.

-   Biểu tình gây bạo động ở một số địa phương: Chỉ riêng ở Bình Dương, “theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh Bình Dương, hiện có gần 700 DN bị thiệt hại, trong đó có 365 DN bị thiệt hại nặng. Đặc biệt, 27 DN bị đốt cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Số DN phải tạm ngừng hoạt động là hơn 800; CN bị tạm thời ngừng việc trên 290.000 người. Ông Lê Thành Nhơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết thêm có khoảng hơn 100.000 CN phải nghỉ việc dài hạn hay mất việc do DN bị cháy.”. (http://laodong.com.vn/chinh-tri/binh-duong-hai-ngay-sau-bao-201489.bld). Còn tại Đồng Nai: “Đồng Nai vẫn có khoảng 300 DN Đài Loan, Trung Quốc ngừng hoạt động để xem xét tình hình và tính toán lại khả năng kinh doanh và 140.000 người lao động phải nghỉ việc” (http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/doanh-nghiep-ton-hai-cong-nhan-mat-viec-sau-vu-gay-roi-qua-khich). Bạo động ở Hà Tĩnh làm 2 người chết và gần 150 người bị thương.

2.  Một số đánh giá từ những sự kiện này

Dưới đây là một số đánh giá sơ bộ của tác giả từ những sự kiện này:

-  Những sự biến động mạnh kể trên chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy Việt Nam hiện có quá nhiều điểm yếu và quá nhiều mầm mống bất ổn nghiêm trọng đang tiềm ẩn trong các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Những điểm yếu và những mầm mống bất ổn này đã được nhận diện và nhắc tới nhiều nhưng chắc nhiều người cũng không nghĩ rằng nó có thể bộc lộ ra một cách mạnh mẽ thế chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn như vậy. Kinh tế chưa thoát khỏi suy thoái kéo dài khiến tâm lý người dân bất ổn, thiếu niềm tin vào nền kinh tế và khả năng điều hành của chính phủ (thị trường vàng, USD và chứng khoán là nơi biểu thị niềm tin rõ ràng nhất). Đời sống công nhân thường được đảng tôn vinh như “giai cấp tiên phong” thì chỉ ở mức gần như dưới đáy xã hội. Thu nhập của đại đa số công nhân, đặc biệt là ở các doanh nghiệp FDI chỉ giúp họ tồn tại một cách chật vật chứ không phải là một cuộc sống đúng nghĩa và có tương lai để hy vọng. Họ cũng không có người đại diện là “công đoàn” đúng theo nghĩa của nó để nói lên tiếng nói và đấu tranh cho nguyện vọng của mình. Cuộc bạo động vừa qua, dù có tác nhân quan trọng là bị kích động và bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông cũng không che giấu được một điều rằng công nhân cũng rất bức xúc về đời sống của họ. Rõ ràng là ý thức “giác ngộ” về “vai trò lịch sử của giai cấp công nhân” của họ không hề cao như đảng vẫn tuyên truyền.

- Trong những bất ổn toàn diện vừa qua, người được hưởng lợi lớn nhất tất nhiên là Trung Quốc. Việc đưa giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam đối với Trung Quốc chỉ là một động tác nhẹ nhàng nhưng đã gây chấn động nhiều mặt tới tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam. Chỉ qua bài test nhẹ nhàng này, Trung Quốc đã làm lộ ra quá nhiều điểm yếu ở Việt Nam và chắc chắn sắp tới nếu cần, Trung Quốc sẽ biết cần tập trung vào đâu để gây bất ổn cho Việt Nam. Trung Quốc là bậc thầy trong việc này. Trung Quốc đã hiểu rằng họ có thể dễ dàng tác động gây mất ổn định tình hình nội bộ để làm chính quyền Việt Nam không thể dồn toàn lực đối phó với họ được. Khi đã biết điểm yếu và khả năng của đối thủ thì Trung Quốc sẽ càng có những bước đi mạnh dạn trong việc xâm phạm chủ quyền. Đây chính là nguy cơ ngắn hạn nổi bật nhất.

- Một vấn đề nữa dù mới chỉ là nghi vấn nhưng có lẽ Trung Quốc đã cài cắm được nhiều người vào Việt Nam, không loại trừ cả các vị cao cấp trong lực lượng an ninh. Nhiều người cảm thấy rất khó hiểu là tại sao an ninh Việt Nam thường rất hiệu quả trong việc chống biểu tình của các thành phần đối lập lại tỏ ra quá lơi lỏng trong các vụ bạo động lần này. Khởi đầu cho cuộc bạo động đầu tiên ở Bình Dương còn có thể biện minh được là do xảy ra bất ngờ nhưng nó kéo dài trong tới 2 ngày và ở quy mô rất lớn, đốt phá tới 700 doanh nghiệp mà sự can thiệp lại rất yếu ớt. Qua ngày hôm sau, đáng lẽ cơ quan chức năng phải thừa hiểu rằng nó sẽ có thể lan qua các KCN ở Đồng Nai nhưng họ cũng không có biện pháp nào đủ mạnh để ngăn cản nó lan sang đó. Rồi sau khi bạo động đã xảy ra ở Bình Dương, Đồng Nai mà vẫn để biểu tình xảy ra ở Hà Tĩnh dù lúc đầu chỉ là một nhóm nhỏ khoảng 40 người là điều hết sức khó hiểu. Rất có thể trong đám biểu tình bạo động có sự giật dây của Trung Quốc vì biểu tình lan rất nhanh và khá chuyên nghiệp nhưng bản thân cơ quan an ninh cũng có thể đã bị tác động nên phản ứng rất thiếu hiệu quả.

- Trong hơn một tuần đầy biến cố vừa qua đã làm lộ ra một điểm yếu chết người trong bộ máy lãnh đạo chóp bu của Việt Nam là sự phản ứng quá chậm, quá kém hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp. Việc các lãnh đạo cấp cao chậm lên tiếng khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông còn có thể được biện minh là vì lý do chính trị. Tuy nhiên, khi bạo động lan rộng đã gây rúng động xã hội mà cũng không thấy lãnh đạo chính phủ cấp bộ trưởng nào lên tiếng. Ông TBT thì thản nhiên đọc một bài diễn văn bế mạc dài lê thê của Hội nghị TW 9 về những vấn đề hết sức xa xôi như “xây dựng con người văn hóa XHCN” rồi “chống diễn biến hòa bình”.  Rõ ràng bộ máy lãnh đạo cao cấp đã đã thiếu chuẩn bị trước nguy cơ thù trong giặc ngoài và đối phó với sự bất ổn về kinh tế-xã hội trên diện rộng. Nếu nhìn vào cơ cấu Bộ Chính trị có thể thấy trong 16 Ủy viên BCT khóa XI thì có tới 5 người: Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh, Phạm Quang Nghị, Tòng Thị Phóng, Tô Huy Rứa là xuất thân từ lĩnh vực tuyên truyền, dân vận. Ai ở Việt Nam cũng hiểu những người làm việc trong những lĩnh vực này nói chung bảo thủ, kiến thức cũ kỹ, nhìn thế giới theo cách đơn chiều địch-ta,… Nói chung là tầm tri thức của họ tụt xa so với mức trung bình của xã hội Việt Nam chứ đừng nói là so với những chính trị gia lão luyện của Trung Quốc. Điều này cho thấy ban lãnh đạo tối cao của Việt Nam hiện nay đặt ưu tiên cho việc tuyên truyền và giữ ổn định chính trị nội bộ hơn là có khả năng đối phó với các bất ổn mang tính chiến lược từ bên ngoài.

Việc tê liệt về mặt chính trị ở Việt Nam trong thời gian gần đây không phải là vấn đề mới. Trong quản lý kinh tế, trong vài năm gần đây, lãnh đạo đã gần như tê liệt trong các cải cách cấu trúc mang tính dài hạn. Phe bảo thủ đã thành công trong việc kéo lùi lại quá trình đổi mới bằng những việc như đưa qui định Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo vào trong Hiến pháp 2013. Nhưng trong những tình huống khẩn cấp thì đòi hỏi một cơ cấu lãnh đạo hiệu quả hơn cơ chế lãnh đạo tập thể hiện nay rất nhiều.

3.  Con đường của Việt Nam sắp tới

Như vậy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề hết sức nan giải:

- Nền kinh tế èo uột, mất động lực tăng trưởng. Các cải cách tái cấu trúc, đặc biệt đối với khu vực DNNN rất chậm chạp[1]. Khu vực làm ăn tốt nhất là khu vực FDI lại bị giáng một đòn chí tử trong cuộc bạo động vừa qua. Sự “ổn định chính trị” mà Việt Nam bấy lâu nay tự hào và coi đó như một lợi thế lớn để thu hút đầu tư nước ngoài đã bị chứng tỏ chỉ là một ảo tưởng qua mấy ngày bạo động vừa qua;

- Tình hình mất niềm tin có xu hướng càng lan rộng và tăng cao nếu nguy cơ xung đột vũ trang với Trung Quốc và tình hình bất ổn trong nước kéo dài;

-  Các đòi hỏi của chủ nghĩa dân tộc, nhiều khi là cực đoan trong nước trong việc đòi hỏi có các hành động chống lại Trung Quốc mạnh mẽ hơn;

-  Nguy cơ gây bất ổn từ phía Trung Quốc. Trung Quốc có dư tiềm lực và kinh nghiệm để gây mất ổn định tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam, đặc biệt sau kinh nghiệm của giai đoạn vừa qua. Qua những bất ổn vừa rồi, rõ ràng Trung Quốc đã rất thành công trong việc “dạy cho Việt Nam một bài học” khi Việt Nam muốn đối đầu với mình.

Như vậy tương lai sắp tới của Việt Nam sẽ như thế nào và Việt Nam nên làm gì để giữ được toàn vẹn lãnh thổ? Đây là một câu hỏi rất khó trả lời vì phụ thuộc vào nhiều biến số khác nhau.

Đa số những người có hiểu biết thật sự đều hiểu rằng chỉ có cách tách ra khỏi “quỹ đạo Trung Quốc”, dân chủ hóa đời sống chính trị, tự do hóa nền kinh tế để làm đất nước mạnh lên, hội nhập hơn nữa vào các chuẩn mực chung của văn minh nhân loại để tìm thêm những người bạn mới trên thế giới thì mới là cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, điều này lại vấp phải một trở lực quá lớn là ý thức hệ của đảng cầm quyền.

Tác giả tin rằng phần nhiều đảng viên, nhất là những người ở tầng lớp thấp vẫn là người “yêu nước” thực sự nhưng họ cũng lại thật lòng tin rằng cách làm như hiện nay, tức là duy trì sự độc tôn tư tưởng, hạn chế dân chủ, hạn chế tự do ngôn luận, hạn chế xã hội dân sự, duy trì ý thức hệ cũ… lại chính là cách tốt nhất để bảo vệ đất nước một cách có hiệu quả. Đây có lẽ là bi kịch lớn nhất của những người cộng sản trung kiên. Họ tưởng rằng việc duy trì đàn áp nội địa để giữ “ổn định” chính trị, hạn chế tự do ngôn luận để có sự “đồng thuận ý kiến” và tăng chi cho quốc phòng sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ trước Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đã quên bài học của Hồ Quý Ly khi chống nhau với giặc Minh. Nhà văn Hoàng Hải, một người nghiên cứu chuyên sâu về giai đoạn có nói:
“Ngôi thành đá kiên cố, hơn 600 năm xem ra vẫn còn chắc vững lắm. Thế mà cái thời đại đẻ ra ngôi thành đó, tức nhà Hồ, lại sụp đổ nhanh chóng đến bất ngờ.

Xét Hồ Quý Ly lấy ngôi nước từ nhà Trần trên cơ sở điêu trá và tàn bạo. Vốn liếng chính trị ông gây dựng trên cái nền của lòng dân chán ghét, nội bộ chia lìa. Tất cả những yếu tố khiến cho sức mạnh quốc gia dần đi vào thế bại liệt, đều do một tay Hồ Quý Ly bày xếp cả. Và cái thế nước lụi tàn ấy, làm sao mà che bịt được những đôi mắt gian giảo của bầy ác thú phương Bắc.

Chính cha con Hồ Quý Ly chứ không phải ai khác, đã tiến hành những cuộc tàn sát khủng khiếp đối với những người chống đối, hoặc chỉ có ý nghĩ không tùng phục mà có kẻ tố giác, cũng bị rơi đầu. Quân lính của ông luôn luôn bận mải hành quân đàn áp nhân dân nổi dậy từ khắp mọi nơi. Cả nước tràn ngập không khí tang tóc và tù ngục. Lòng dân oán hận triều đình đến cùng cực, chia rẽ đến tột cùng, đói khổ đến tột cùng. Để cho đất nước rơi vào thảm cảnh đó, cũng có nghĩa tự mình tạo điều kiện tốt nhất cho giặc ngoài vào xâm lấn, và cũng có khác chi tự mình đem nước dâng cho giặc. Nhà Hồ sụp đổ nhanh chóng như vậy, chỉ có một nguyên nhân duy nhất có thể cắt nghĩa là bởi khinh dân, chống lại nguyện vọng chân chính của toàn dân, và vì thế cả dân tộc không hợp tác với nó, khiến nó bị diệt vong.

Nhớ câu nói nổi tiếng của Hồ Nguyên Trừng khi Hồ Quý Ly hỏi: "Ta ước sao có được một trăm vạn quân để chống lại người Minh". Trừng đáp: "Thưa cha, quân không sợ thiếu, chỉ sợ lòng dân không theo". (http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/tulieuvanhoa/2010/8/57286.cand )

Việc mua sắm các thiết bị quân sự hiện đại sẽ đặt gánh nặng rất lớn lên ngân sách quốc gia. Mua đã tốn tiền nhưng chi phí duy tu, bảo dưỡng những thiết bị hiện đại như tàu ngầm sẽ ngốn những khoản ngân sách khổng lồ. Một quốc gia yếu kém về kinh tế không thể đủ tiềm lực lâu dài để chạy đua quân sự mà không ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân.

Theo tác giả, trong thời gian tới, tầng lớp lãnh đạo Việt Nam sẽ vừa muốn tiếp tục duy trì quyền lực tuyệt đối nhưng cũng không còn dám thân thiết quá với Trung Quốc như thời gian vừa rồi. Những ngôn từ ca ngợi bạn “4 tốt, 16 chữ vàng” chắc sẽ ít hoặc không còn được sử dụng công khai. Tuy nhiên, họ sẽ lợi dụng chính những bất ổn xảy ra từ các cuộc bạo động để củng cố cơ sở quyền lực của mình. Các chính quyền toàn trị rất giỏi trong việc này. Nhãn tiền có thể thấy là nhà nước đã tung ra các đợt tuyên truyền nói rằng Việt Tân đang giật dây cho biểu tình “trái pháp luật” nên họ sẽ mạnh tay ngăn cản các cuộc biểu tình không do nhà nước tổ chức, bất kể vì lý do gì[2]. Họ cũng sẽ lợi dụng tinh thần dân tộc đang dâng cao, yêu cầu người dân “đoàn kết” xung quanh chính phủ đấu tranh chống Trung Quốc để che giấu những bất ổn nội bộ bên trong như tham nhũng, bất bình đẳng, khiếu kiện đất đai…

Đảng cũng thấy rằng không thể dựa vào giai cấp công nhân vì trình độ “giác ngộ” của họ quá kém, nếu thả lỏng thì rất có thể xảy ra một dạng nào đó của “Mùa xuân Ả rập”. Như vậy, lực lượng duy nhất mà đảng có thể tin cậy được là lực lượng công an và phần nào đó là quân đội. Tuy nhiên, rất có thể sắp tới sẽ có điều tra để thanh trừng những nhân vật bị coi là “cơ sở của Trung Quốc” có trách nhiệm trong bạo loạn vừa rồi.

Tóm lại, khả năng lớn nhất là sẽ có sự tránh xa dần Trung Quốc nhưng không phải tránh xa mô hình và ý thức hệ của Trung Quốc mà là tránh xa “quốc gia” Trung Quốc. Nhưng một phiên bản lỗi của Trung Quốc, cô đơn lạc lõng trong thế giới văn minh làm sao có thể kháng cự lại Trung Quốc một cách hiệu quả đây[3]?



[1] Có thể thấy từ đầu năm thủ tướng Dũng có vẻ rất tích cực trong việc thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, một vấn đề mà ông này không hào hứng trong suốt hơn một nhiệm kỳ qua. Điều này có thể liên quan tới động cơ chính trị là thủ tướng Dũng sẽ chạy đua vào chức TBT và không muốn thủ tướng kế nhiệm mình có được một bệ đỡ quyền lực quan trọng là hệ thống các DNNN hay tập đoàn khổng lồ như trong nhiệm kỳ của thủ tướng Dũng.

[2]  Mấy ngày gần đây trên mạng có lan truyền các câu chuyện là sau khi diễn ra bạo động ở các KCN, vẫn có nhiều nhóm người đi thuê người dân biểu tình. Điều này rất hoang đường nhưng lại được rất nhiều người tin, kể cả những người có học. Nếu có lý trí sẽ thấy ngay điều này là không thể vì nhiều người thế sao công an không bắt được ai và Việt Tân cũng chả dại gì mà dính vào việc kích động bạo lực để bị xử theo luật chống khủng bố của Mỹ.

[3] Một điều dễ nhận thấy là trong lịch sử Việt Nam, ngay cả những triều đại đánh thắng Trung Quốc thì rồi cũng lại cũng lại sao gần như y nguyên thể chế, luật pháp, cách tổ chức nhà nước của Trung Quốc. Sau này Nhật Bản và Hàn Quốc đã thoát ly được mô hình Trung Quốc nhưng Việt Nam thì gần chưa bao giờ thoát được. Ngay cả hiện nay, trong những người đảng viên “dân tộc” nhất, hô hào “chống Trung Quốc” nhất thì cũng vẫn học y nguyên theo mô hình Trung Quốc vô thức hoặc có ý thức. Theo tác giả, hiện nay khái niệm “độc lập dân tộc” tức là thoát được việc lệ thuộc về kinh tế, tư tưởng, thể chế, ý thức hệ chứ không chỉ là độc lập về “lãnh thổ”.

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 18-5-14




No comments:

Post a Comment

View My Stats