Saturday 24 May 2014

ĐƯỜNG BIÊN GIỚI (Đặng Hồng Nam)




Đặng Hồng Nam
Viet-studies  ngày 24-5-2014

Mỗi lần lên biên giới tôi đều không khỏi mang một cảm giác buồn. Sự chênh lệch quá rõ giữa một bên dường như rất giàu có và văn minh và một bên nghèo nàn và lạc hậu. Một mái nhà liêu xiêu, trơ trọi giữa một cánh đồng, cạnh đấy là người phụ nữ Dao đỏ với thân hình gầy gò, gương mặt tiều tuỵ. Bên kia là những ngôi nhà ba, bốn tầng uy nghi, bề thế…

*
Ông Hoàng Kiền, thiếu tướng, Giám đốc dự án 47 của Bộ Quốc phòng, một người yêu văn thơ, có nhã ý giúp một số anh em văn nghệ sĩ thâm nhập, tìm hiểu tuyến biên giới phía bắc. Biết tin ấy, tôi xin theo.

Ngồi lên xe rồi tôi mới biết, ông từng làm trung đoàn trưởng hải quân, từng chỉ huy bộ đội xây đá ở Trường Sa, là người đưa một số thợ xây ở  thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh quê hương ông ra xây nhà trên Trường Sa. Tôi nhớ ra là đã từng xem một phóng sự hay gì gì đấy trên truyền hình về chuyện này. Thôn Bỉnh Di tôi đã từng qua, cách đây có đến hai mươi năm, ở gần nhà thờ Thức Hoá. Buổi tối ở lại đấy, tôi đi lang thang trong làng ngắm những căn nhà lợp mái bổi còn sót lại. Tôi mới biết rằng, từ nhiều năm nay người ta đang xây dựng một tuyến đường tuần tra biên giới chạy suốt từ mỏm đầu Móng Cái đến tận chót mũi Hà Tiên.

Cái tuyến đường này không phải chạy theo đường chữ S từ Bắc xuống Nam men theo bờ biển như ta vẫn quen hình dung về chiều dài đất nước, nó chạy từ đông sang tây, từ miền cực bắc giáp Trung Quốc rồi xuôi xuống nam, giáp Lào và Campuchia. Con đường có độ dài hơn mười ngàn ki lô mét và người ta dự kiến năm 2030 sẽ hoàn thành. Dự án 47 là đơn vị được nhận nhiệm vụ đó.

Chuyến đi bắt đầu từ Lạng Sơn. Cửa khẩu Chi Ma. Tôi đã qua đây năm 1989, cũng nhờ một chuyến xe của bộ đội Biên phòng, thăm mỏ than Na Dương và đỉnh Mẫu Sơn. Hồi ấy nơi đây còn rất hoang sơ. Giờ nó vẫn còn hoang sơ. Bên phía đất ta vẫn chỉ là những bãi đỗ xe. Bên Trung Quốc có một cái nhà to như một khối đá lớn đè từ phía trên. Tôi từng tới thăm một số cửa khẩu như Hữu Nghị, Tân Thanh…Tôi nhận thấy người Trung Quốc luôn chiếm giữ vị trí cao, từ trên sườn dốc, thế tràn xuống. Đằng sau khối nhà hộp của cửa khẩu Chi Ma là thị trấn Ái Điểm, nghe nói cũng khá đông đúc, sầm uất. Xế ngang, cách ngôi nhà đó vài chục mét là cột mốc 1224. Cây cột mốc đứng bình lặng ngay lối đi lên một cánh rừng thường có nhiều vết chân qua lại. Cạnh nó có một cây lim nhỏ xoè ra một tán lá. Tôi không chắc đó có phải là lim không. Cành cây màu đen, lá nhỏ và xanh sậm, người ta vẫn hay gọi là lim, thường thấy rất nhiều ở các khu rừng miền đông bắc.

Tôi không biết có ở đâu không, đường biên giới cũng là một con đường. Thường nó chỉ là một đường ngắm từ cột mốc này tới cột mốc khác. Tôi đã từng nghe kể rằng hồi trước và sau năm 1979, quân Trung Quốc nhiều lần lén bê cột mốc về phía ta. Những cột mốc có từ thời nhà Thanh.

Tôi đã đến Móng Cái năm 1978. Cái thị trấn này nhỏ bé và êm đềm. Con sông Ka Long nước chảy lặng lờ. Tôi đứng trên đầu cầu Bắc Luân nhìn sang thị trấn Đông Hưng. Một cái đình lục giác nằm trên một vị trí cao trong công viên bên bờ sông, người ta bảo rằng nó được dựng lên để lưu nhớ lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đấy. Liền với chân cầu, bên bờ sông bên này, có một dãy phố nhỏ. Năm 1990 tôi mới có dịp thăm lại nơi đây. Dãy phố xưa đã hoàn toàn đổ nát trong chiến tranh, hai bên đã bình thường hoá quan hệ từ lâu, bờ sông bên này vẫn còn là bãi gạch vụn nằm chìm trong cỏ và dây thép gai. Bờ sông bên kia, cái đình lục giác không còn thấy đâu, công viên xưa được xây kè, đổ bê tông kiên cố, liền ngay đấy là một toà nhà cao lớn, trắng toát đứng nghễu nghện, người ta kê ghế ra sát bờ sông, có vẻ như là để cho khách ngồi uống giải khát. Mới ba giờ chiều, không có một bóng người, các loa đài mở hết cỡ. Thứ âm nhạc sôi động và đơn điệu. Đứng ở bên này mà tôi cũng còn cảm thấy tức ngực. Một người lính biên phòng đi đến bên  bảo tôi phải đi ra nơi khác.

Tôi đã đến thác Bản Giốc. Phần cao nhất cũng là phần chính của thác giờ đã thuộc về Trung Quốc. Người ta bảo tôi nếu có bơi thì chớ có bơi ra quá giữa dòng sông.

Nhờ con đường tuần tra mà chúng tôi có thể tới gần nhất được với con đường biên giới. Con đường rộng hơn ba mét trải bê tông nhựa  đủ thoải mái cho một làn xe chạy. Từ Lạng Sơn sang Quảng Ninh nhiều đoạn còn đang thi công. Có đoạn trèo lên tận dãy núi cao, có đoạn chạy qua những con sông, con sưối hoặc những vực sâu. Chúng tôi dừng lại ở cột mốc 1288. Nó nằm trên một ngọn đồi ở độ cao chừng 500 mét. Nhìn sang phía sau cột mốc, cũng đồi, cũng núi, cũng rừng, cũng một con đường ngoằn ngoèo chạy qua, đấy là con đường tuần tra của nước láng giềng. Tôi tự hỏi, những người lính biên phòng của hai bên, họ nói với nhau những gì khi vô tình gặp nhau trên hai con đường chỉ cách nhau có vài bước chân?

Trên những sườn núi của hai huyện Lộc Bình và Đình Lập, ở độ cao tám, chín trăm mét, con đường đi bên những vách đá khô không khốc. Chỉ có cây cỏ lơ thơ. Đi hàng tiếng đồng hồ không gặp lấy được một cái cây ra hồn. Nhìn xuống dưới, chỉ những lớp sườn núi kế tiếp nhau. Không hề có nhà cửa hay một dấu hiệu nào của dân cư. Cứ đi miệt mài, đến một lúc chúng tôi nhận thấy mình đã để lại phía sau cả một con đường trắng phớ với không biết cơ man nào là những chỗ gấp khúc rồi chăng ngang trên một nền màu xanh xám. Tôi nghĩ tới biển. Tôi thấy mình gần biển hơn bao giờ hết. Biển Đông đang dậy sóng. Ông Hoàng Kiền chắc là biết rõ những cơn sóng biển hơn tôi rất nhiều. Nhưng ông liệu có biết những cơn sóng nổi lên ngay bên hồ Hoàn Kiếm, ngay giữa lòng Hà Nội?

Tôi bảo hay là tổ chức một tuyến du lịch theo đường biên, để cho những đoàn lữ hành đến đây khám phá, những tay cua rơ trổ tài trên những con dốc dài, những trang thiếu niên rủ nhau đi “phượt”. Ông Kiền không nói gì. Về sau tôi mới biết rằng có những qui định khá nghiêm ngặt đối với khu vực biên giới, không phải hễ cứ ai muốn đến là được.

Sang tỉnh Quảng Ninh có nhiều sông, suối hơn. Từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh đi lên, chúng tôi được thưởng thức một phong cảnh rất đẹp. Mây trắng bay ngang đầu, núi non trùng điệp, cây cối xanh ngút ngát. Rồi lại đến những cánh đồng màu mỡ với một con sông hiền hoà chảy giữa. Những con sông không sâu, đôi khi có thể nhìn thấy cả đá nổi lên ở giữa dòng. Phía bờ bên kia, tôi nhìn thấy rất nhiều đoạn kè đá rất dày, có khi mặt kè choán ra tận giữa dòng sông. Tôi nhận ra sự ti tiện của một đất nước vĩ đại.

Chúng tôi đến thăm đồn Pò Hèn, thắp hương trong nghĩa trang liệt sĩ. Tám mươi sáu người đã ngã xuống nơi này. Tất cả cán bộ, chiến sĩ của đồn biên phòng cùng với một cô gái đã chiến đấu đến cùng chống lại cuộc tập kích bất ngờ của quân Trung Quốc sáng sớm ngày 17-2-1979.

Mỗi lần lên biên giới tôi đều không khỏi mang một cảm giác buồn. Sự chênh lệch quá rõ giữa một bên dường như rất giàu có và văn minh và một bên nghèo nàn và lạc hậu. Một mái nhà liêu xiêu, trơ trọi giữa một cánh đồng, cạnh đấy là người phụ nữ Dao đỏ với thân hình gầy gò, gương mặt tiều tuỵ. Bên kia là những ngôi nhà ba, bốn tầng uy nghi, bề thế.

Ngẫu nhiên tôi được xem một đoạn quay trên tivi. Một nơi trên biên giới Đức-Ba Lan, có một con sông nhỏ, nhỏ như một cái lạch chảy qua làng. Một cái cầu nhỏ. Những người dân, người già, trẻ em, người đi bộ, người đạp xe, họ đi qua cầu một cách ung dung, bình thản như đi giữa làng quê của mình vậy.

Liệu có bao giờ không, cũng có một cảnh như thế trên biên giới Việt-Trung?

Hà Nội 10-7-2013
ĐHN




No comments:

Post a Comment

View My Stats