Posted by chepsuviet
on 01/05/2014
Một trong những quyết định mạnh bạo, đáng ghi nhận
và cũng hiếm có vị lãnh đạo cộng sản nào làm được ở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
khi ông mới nhận chức, là ra bản Quyết
định Về việc bàn giao đất khu vực nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh
Bình Dương – Số 1568/QĐ-TTg, ngày 27/11/2006. Khi đó nó được gọi nôm
na là quyết định “dân sự hóa Nghĩa trang Biên Hòa”.
Thế nhưng, cần phải nhìn nhận một cách công bằng,
chính xác các lý do của hiện tượng này, cũng như một số cử chỉ khác của ông
Nguyễn Tấn Dũng được coi là mạnh bạo, đổi mới, ví như định giải tán các doanh
nghiệp công an, quân đội, cũng ngay sau khi ông nhận chức thủ tướng (nhưng rồi
đã sớm “quên”, có lẽ là sau khi được vào WTO). Đó là ngoài tư tưởng khá “cấp
tiến” có trong ông, thì chủ yếu những động thái đó là nhằm đáp ứng nhu cầu, chủ
trương chung của Đảng, đang rất cần phải tranh thủ Mỹ, phương Tây để gia nhập
WTO, khi đã quá chậm do lực lượng bảo thủ bên trong cản trở làm lỡ một nhịp, đi
sau Trung Quốc.
Ngoài ông Dũng, cũng còn những Võ Văn Kiệt, Phan Văn
Khải, Nguyễn Minh Triết, … đều có ý kiến, tham gia ít nhiều vào “thiện ý” hòa
giải hòa hợp này. Nhưng thực tế cho thấy họ cũng chỉ là những thực thể nhỏ nhoi
bên trong cơ thể con quái vật khổng lồ, mà câu
chuyện tệ hại không chịu trả nhà cho bà quả phụ Trịnh Văn Bô – ân nhân
số một của chế độ, đã cho thấy rất rõ bản chất của nó.
Cho
nên, lại phải nhớ tới câu nói để đời của cố TT Nguyễn Văn Thiệu “Đừng tin
những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Và không những cần nhớ, mà còn phải hiểu một cách sâu sắc ý nghĩa của
lời nhắc nhở này, trong tâm trạng tỉnh táo, có hiểu biết thấu đáo thực tế. Nếu
không, sẽ lại như vài ông bà người Việt hải ngoại mấy ngày nay, trở về trong
“gánh xiếc” của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn. Thấy ông ta xì xụp hương
khói, xỉa ra 2 chục triệu phúng viếng, thế là đã vội nức nở sụt sùi, chịu gục
đầu như những kẻ tội đồ nay muốn hoàn lương, mà nghe những lời lẽ đay nghiến,
dạy bảo, vừa như ban phát ân huệ, mà lại miệt thị trịch thượng, rằng:
“Chân lý ở đâu, sự thật ở chỗ nào khi các anh cứ hô
hào, kêu gọi chống cộng, nói rằng cộng sản không làm gì cho nghĩa
trang. Trong khi đồng đội quý vị nằm đây, một cent quý vị cũng không đóng
góp.”
“Quý vị hãy dũng cảm nhìn vào sự thật để thấy rằng,
những người nằm đây đã bị chính đồng đội của họ lãng quên chứ nhân dân địa
phương không quên họ”.
Vòng tròn lịch sử đã lặp lại quá nhanh, trong một
chu trình chỉ chưa tới 10 năm, chạy vạy để vào WTO, giờ thì chạy vạy để vào
TPP.
Tiếc là, trong những nỗ lực của một số giới chức,
trong đó có Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, thì sự thiếu thực tâm, cùng bản
chất rất không thống nhất (trong đảng) và kém cỏi nên đã đưa câu
chuyện nghĩa trang Biên Hòa vào mớ bùng nhùng. Họ không chịu thừa nhận, lại còn
che đậy thực tế đó, để chỉ khoe khoang vài cử chỉ muốn hòa giải hòa hợp
của mình. Và đặc biệt là họ không chịu nhận cái lỗi, mà như trong bài
phỏng vấn cựu Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh đăng hôm qua đã nêu. Giờ cần
(bày tỏ thái độ) xin lỗi đồng bào trong, ngoài nước, để tìm cách sửa sai lầm
quá khứ, chứ không phải lên mặt trịch thượng của kẻ ban ơn.
Tội cho những cố gắng của nhiều bà con kiều bào hải
ngoại, trong đó đáng kể là tổ chức VAF (trong bài dưới đây), họ đã làm được rất
nhiều trong những năm qua, giờ lúng túng khi tưởng chừng như đã tới ngày hoàn
tất. Họ không hiểu nhiều, hoặc khó tìm ra cách “lách” được qua những rối rắm
của hệ thống đảng, chính quyền trong nước.
Vấn đề ở đây, thuộc bản chất của hệ thống cộng sản,
đó là bởi …”thằng cơ chế”. Nếu không dẹp được nó, thì sẽ uổng công lao bao
người.
Cụ thể, đã có Quyết định “giải phóng” nghĩa trang
khỏi tay Quân đội NDVN từ 8 năm trước, nhưng “giải phóng” rồi thì làm gì, chưa
rõ ràng gì trong cái văn bản còn sơ sài đó. Giờ rất cần phải có một văn bản
Quyết định khác tiếp theo của thủ tướng, để tổ chức một bộ máy rõ
ràng, trong đó phải nêu được những nguyên tắc mang tính pháp lý, nhiều chi tiết
cần có để không bị tình trạng mơ hồ như lâu nay, thì mới thực hiện được việc
tôn tạo dứt điểm Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa.
Có thể từ bộ máy này sẽ cho một gợi ý để suy nghĩ về
một Hội đồng hòa giải – hòa hợp Dân tộc trong tương lai, mới may ra
tìm thấy đường thoát khỏi tình trạng cứ mãi đối đầu, nghi kỵ và phân biệt đối
xử.
Còn nếu như tất cả những gì diễn ra gần đây, từ thả
tù nhân chính trị cho tới tranh thủ kiều bào, cũng vẫn là diễn lại màn kịch
“chạy chọt vào WTO” ngày nào, xong rồi đâu lại vào đấy, thì cũng chẳng ngạc
nhiên. Quá dễ hiểu khi chuyện nghĩa trang Biên Hòa này được xới lên 8 năm trước
rồi diễn ra trong âm thầm, chậm chạp, giờ lại được khơi lên rộn rã. Nếu thực
tâm, hãy có một Quyết định nữa của Thủ tướng.
Từ đây, lại có lời khuyên cho Thứ trưởng Nguyễn
Thanh Sơn, rằng khi ông chưa xử lý được “thằng cơ chế”, thì đừng làm kiểu nửa
vời, tổ chức “gánh xiếc rong” cho xong chuyện, chỉ để khoe với đồng bào,
với Tây, Mỹ, “thu hoạch” xong là hạ màn. Mấy năm qua, ông chạy đôn chạy đáo, rồi
khoe là đã dám vượt qua cả những lời phản đối mà ông ám chỉ là “giáo điều
bảo thủ”, thậm chí cả đe dọa ở trong nước. Kiểu đó chỉ có thể đề cao cá
nhân ông, nhưng ngược lại thành ra … bêu xấu chế độ, chứng tỏ nó chỉ như một
thứ hội kín, chẳng có quy định gì rõ ràng, toàn những quyết định, chỉ đạo miệng
nhăng nhít và mờ ám, thử hỏi làm sao kiều bào tin được.
-
*
Mời tham khảo:
- Kiều bào viếng nghĩa trang nhân dân Bình An: Đối diện với sự
thật, chúng tôi thấy xấu hổ (PLTPHCM, 28/4/2014).
- ‘Bỏ qua thôi, gần 40 năm rồi!’… (Thanh niên, 30/4/2014).
- Tính nhân văn và tinh thần đại nghĩa của dân tộc luôn được kế
thừa (VOV5, 30/4/2014). -
-----------------------
THỨ TƯ 30 THÁNG TƯ 2014
Dự án trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa
No comments:
Post a Comment