Đức Tâm - RFI
Thứ bảy 10 Tháng Năm 2014
Gây
hấn, tạo sự cố để chứng tỏ có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hoặc vẫn quan tâm,
làm chủ vùng lãnh thổ có tranh chấp, đó là chiến lược thực hiện các tham vọng
chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc đưa giàn khoan
dầu khổng lồ vào vùng biển có tranh chấp với Việt Nam là nhằm củng cố về mặt
pháp lý đòi hỏi chủ quyền, duy trì tranh chấp, bất chấp cái giá phải trả về
chính trị, ngoại giao, trong ngắn hạn.
Hành động của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi Tổng
thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến công du một số nước Châu Á, vài ngày
trước khi ASEAN họp Thượng đỉnh tại Miến Điện, trong lúc quan hệ giữa Trung
Quốc và Philippines căng thẳng do việc Manila đệ đơn lên Tòa án trọng tài Liên
Hiệp Quốc đề nghị xử lý đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trung Quốc
đã bác bỏ vai trò của Tòa án và chỉ muốn đàm phán trực tiếp với các nước láng
giềng nhỏ yếu hơn.
Các nhà phân tích cho rằng, đối với Trung Quốc,
trong việc di chuyển giàn khoan, vấn đề tìm kiếm khai thác nguồn năng lượng chỉ
là thứ yếu. Qua động thái này, Trung Quốc muốn tìm cách chứng minh là có xẩy ra
cái gọi là « sự cố về tranh chấp chủ quyền » và đây là một phần trong chiến
lược rộng lớn, nhằm chứng tỏ là Bắc Kinh vẫn kiểm soát các lãnh thổ đang có
tranh chấp.
Ông
Barry Sautman, chuyên gia về chính trị Trung Quốc, ở Đại học Khoa
học và Công nghệ Hồng Kông, được AFP trích dẫn, nhận định : « Tôi nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc tìm
cách tỏ ra quyết đoán về các đòi hỏi chủ quyền đối với một hòn đảo này hoặc hòn
đảo kia ở Biển Đông hoặc biển Hoa Đông, nhằm duy trì sự tồn tại của các tranh
chấp », bởi vì, « theo luật pháp quốc tế, tất cả các nước có tranh chấp về lãnh
thổ phải làm một việc gì đó một cách đều đặn, để cho thấy là họ vẫn rất quan
tâm đến vùng lãnh thổ này », còn « hành động này có lợi cho Trung Quốc về mặt
chính trị hay không, thì đó là một chuyện khác ».
Trong vụ giàn khoan, Trung Quốc tuyên bố là hành
động của họ « hoàn toàn hợp lý, hợp pháp và chính đáng » vì nơi mà Bắc Kinh dự
tính đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội khẳng
định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và đã bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974.
Ngày 07/05, Việt Nam họp báo quốc tế tố cáo tàu
Trung Quốc đi hộ tống giàn khoan, đã dùng vòi rồng phun nước tấn công và đâm
thẳng vào tàu của Việt Nam. Trung Quốc chối bỏ điều này và đổ lỗi cho phía Việt
Nam. Đây chỉ là một trong những vụ va chạm hàng hải giữa Trung Quốc với các
nước láng giềng Châu Á.
Trước đó, ở biển Hoa Đông, tàu Trung Quốc và Nhật
Bản cũng đã nhiều lần đối mặt với nhau trong vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư,
nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh. Trong vụ này, lập luận của
Nhật Bản là cho đến tận những năm 1970, không có một giai đoạn đáng kể nào
Trung Quốc tỏ ra quan tâm đến các hòn đảo nói trên. Do vậy, dường như Bắc Kinh
rút kinh nghiệm, tránh phải đối mặt với những lập luận tương tự.
Theo giáo sư Lý Minh Giang (Li Mingjiang),
chuyên gia về an ninh Đông Á, thuộc Học viện nghiên cứu quốc tế ở Singapore,
động thái cứng rắn của Trung Quốc chống Việt Nam có thể là do lãnh đạo Trung
Quốc hiện nay, ông Tập Cận Bình, thiên về « cách tiếp cận mạnh tay » hơn so với
các thế hệ lãnh đạo trước.
Nhưng, phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam cho thấy thái
độ các nước trong khu vực đối với Trung Quốc đã cứng rắn hơn và đây là điều mà
dường như Bắc Kinh không lường trước. Ông nói : « Hầu như chắc chắn là Trung Quốc không tính đến việc Việt Nam có thể
đưa tất cả tàu bè của mình ra nhằm buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan đi ».
Hà Nội tránh đưa ra tín hiệu là ngầm đồng ý với Bắc Kinh, bởi vì « Việt Nam
không thể không lo ngại về hậu quả của việc không phản ứng mạnh mẽ » trước hành
động của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment