Tuesday, 20 May 2014

TRẢ LỜI MỘT SỐ Ý KIẾN về THƯ YÊU CẦU LÃNH ĐẠO VIỆT NAM ĐƯA TRUNG QUỐC RA TÒA (Lê Trung Tĩnh & Nguyễn Quang A)




Lê Trung Tĩnh & Nguyễn Quang A
Tác giả gửi đến Dân Luận
Thứ Tư, 21/05/2014

Sau khi công bố được 4 ngày, Thư yêu cầu lãnh đạo Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa đã nhận được trên 3000 chữ ký. Đây là một con số lớn, nhất là việc công bố chỉ qua mạng xã hội và một vài trang web. Con số này thể hiện ước vọng của người dân trong việc giải quyết vấn đề HD981 bằng luật pháp quốc tế.

Người ký tên bao gồm nhiều thành phần, từ công nhân đến trí thức, từ doanh nhân đến tu sĩ. Có thể kể tên một số người ký tên sau: ông Phạm Hoàng Quân (nhà nghiên cứu lịch sử), bà Phạm Chi Lan, ông Lê Đăng Doanh, ông Hà Sĩ Phu, ông Lê Công Định, ông JB Nguyễn Hữu Vinh…
Có một số ý kiến ngần ngại ký tên và phổ biến lá thư. Đây là điều bình thường.

Như những người ký tên đầu tiên chúng tôi xin trình bày ngắn gọn một số điểm sau:

1. Có ý kiến không đồng ý với câu "Trọng tài trên sẽ phán quyết rằng Trung Quốc đã triển khai giàn khoan Hải Dương 981 tại địa điểm có tranh chấp" vì cho rằng lá thư biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp.
Ý kiến này không để ý là bản thân vùng đó đã là vùng chồng lấn (hay tranh chấp nếu chưa phân định), và không để ý rằng câu đó trong lá thư nói về phán quyết có thể trong khả năng giới hạn của tòa. Và ngay cả trong giới hạn đó, HD981 cũng phải ngừng hoạt động, máy bay tàu chiến Trung Quốc phải rút khỏi vùng biển Việt Nam.

2. Có ý kiến không đồng tình với câu "Việt Nam nên yêu cầu chính thức Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra giải quyết tại Toà án Công lý Quốc tế" trong thư. Ý kiến đó cho rằng "mình bị cướp thì phải đưa kẻ cướp ra tòa chứ không thể yêu cầu kẻ cướp đưa hành động ăn cướp ra trước công lý".
Trình tự giải quyết tranh chấp Hoàng Sa bằng Tòa án Công lý Quốc tế yêu cầu các bên trong tranh chấp cùng chấp nhận đưa tranh chấp ra tòa. Việt Nam không thể đơn phương đưa Trung Quốc ra tòa, mặc dầu chúng tôi cũng muốn đưa ngay và đưa sớm kẻ cướp ra tòa như ý kiến trên.
Do đó lá thư đề nghị Nhà nước Việt Nam chính thức yêu cầu Trung Quốc ra tòa. Nói cách khác là thách Trung Quốc ra tòa. Việc này có các tác dụng mà lá thư đã chỉ ra.

3. Có ý kiến cho rằng việc ký tên lá thư lúc này là không cần thiết vì trước sau gì thì Việt Nam cũng đưa Trung Quốc ra tòa, lãnh đạo Việt Nam đang suy tính thời điểm thích hợp.
Chúng tôi nghĩ khác. Đưa Trung Quốc ra tòa không chỉ là một quyết định pháp lý, kỹ thuật mà là một quyết định chính trị. Người lãnh đạo đi đến quyết định chính trị khi có hậu thuẫn hay khi thấy sự đòi hỏi rõ ràng từ quần chúng. Một trong những mục đích của lá thư này góp phần làm điều đó.
Mặt khác, đây không phải lần đầu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền Việt Nam. Những lần trước đều trôi qua không có một phản ứng rõ ràng bằng công pháp quốc tế, và Nhà nước Việt Nam lại tiếp tục con đường "kiên trì đàm phán hòa bình" với một nước không muốn đàm phán và không tôn trọng hòa bình. Lá thư này làm những điều đó không tái diễn bằng cách yêu cầu dứt khoát: Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa.
Ngoài ra, lá thư này cũng góp phần chấm dứt lập luận sau: vấn đề đã có "Đảng và Nhà nước lo", nhân dân cứ bình tĩnh.

Chúng tôi nghĩ lá thư đề ra một cách giải quyết hợp lý và công bằng cho Việt Nam nhất hiện nay bằng công pháp quốc tế trước sự xâm lăng và ngang ngược của Trung Quốc. Yêu cầu thẳng thắn lãnh đạo làm một việc mình cho là đúng là một việc bình thường, thể hiện tinh thần và trách nhiệm công dân trước tình hình hiện tại của đất nước.
Đó là lý do chúng tôi ký tên lá thư và mong muốn chia sẻ việc đó với mọi người.

Đường dẫn để đọc thư và ký tên:

Lê Trung Tĩnh, Nguyễn Quang A
_____________________________________________________________

Phụ lục:

Thư yêu cầu lãnh đạo Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa

Ngày 14 tháng 05 năm 2014

Kính gửi:

Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ngày 2/5, Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Khi lực lượng kiểm ngư Việt Nam thực hiện công việc quản lý vùng biển thuộc quyền chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc đã cho tàu và máy bay bao vây, dùng vũ lực gây nhiều thiệt hai.
Hành động này đi ngược lại các nguyên tắc của Công pháp quốc tế điều chỉnh các hành vi của các quốc gia liên quan đến các lãnh thổ đang có tranh chấp, chà đạp lên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên Biển Đông năm 2002 giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc, và Thỏa thuận về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển năm 2011 giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trung Quốc khăng khăng không đàm phán với Việt Nam về Hoàng Sa. Trung Quốc phá vỡ mọi quan hệ hữu nghị, đối đầu toàn diện, gây thương tổn cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Trung Quốc một lần nữa khẳng định rõ ràng tham vọng xâm chiếm vùng biển của Việt Nam.
Việt Nam cần kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên thực địa, nhất quyết không cho Trung Quốc đặt được giàn khoan của họ trên Biển Đông.
Đồng thời, Việt Nam cần đưa tranh chấp Hoàng Sa và vùng biển Hoàng Sa ra một cơ quan tài phán quốc tế:
-Việt Nam cần phải đưa việc Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 ra cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.
Trọng tài trên sẽ phán quyết rằng Trung Quốc đã triển khai giàn khoan Hải Dương 981 tại địa điểm có tranh chấp. Trên cơ sở đó, luật quốc tế đòi hỏi Trung Quốc không được khoan dầu khi đơn phương, và phải giải quyết tranh chấp với Việt Nam.
- Song song, Việt Nam nên yêu cầu chính thức Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra giải quyết tại Toà án Công lý Quốc tế. Đây là một cách thức đấu tranh hoà bình được Điều 33.1, Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định.
Nếu Trung Quốc đồng ý giải quyết tranh chấp thông qua Toà án Công lý Quốc tế, Việt Nam có hy vọng lớn để đòi lại Hoàng Sa một cách công bằng và hòa bình.
Nếu Trung Quốc tiếp tục từ chối ra tòa, tranh chấp Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc mặc nhiên được quốc tế biết đến nhiều hơn nữa. Thế giới sẽ thấy rằng Việt Nam là nước tôn trọng các giá trị tốt đẹp và văn minh của nhân loại còn Trung Quốc là nước trốn tránh những giá trị đó.

Trước tình hình hiện nay, chúng tôi, những người đứng tên dưới đây, khẩn thiết và mạnh mẽ kiến nghị các ông, những người lãnh đạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện công việc quan trọng sau ngay lập tức:
1.    Nộp đơn kiện Trung Quốc theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS.
2.    Chính thức đề nghị Trung Quốc cùng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa tại Tòa án Công lý Quốc tế.

Quyết định này sẽ ngăn chặn việc Trung Quốc đang càng ngày càng lấn tới trên Biển Đông, bắt buộc họ phải kiềm chế khi hành xử trên Biển Đông. Trung Quốc không thể tiếp tục đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam, không thể ngang ngược khoan dầu trong vùng biển Việt Nam.
Quyết định này vì những thế hệ cha ông người Việt đã đổ mồ hôi, nước mắt và máu để khẳng định chủ quyền trên Hoàng Sa, vì những chiến sĩ hy sinh năm 1974, và, ngay giờ phút này đây, vì những người thủy thủ đang dấn thân và xương máu bảo vệ vùng biển của Việt Nam.

Trân trọng,



No comments:

Post a Comment

View My Stats