Tác giả gửi đến Dân Luận
Thứ Ba, 20/05/2014
Dàn
khoan HD-981
Ngày 2 tháng Năm vừa qua, Công ty dầu hoả quốc doanh
Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation, CNOOC) đã đặt giàn khoan
trị giá 1 tỉ dollars, mã số HD -981, ngoài khơi Biển Đông, tại toạ độ
15°29’58’’ vĩ độ Bắc và 111°12’06’’ kinh độ Đông, cách đảo Hải Nam, của Trung
Quốc (TQ) chừng 180 hải lý, và cách đảo Lý Sơn của Việt Nam (VN) khoảng 120 hải
lý. Có nghĩa rằng vị trí dàn khoan nằm gần với thềm lục địa của Việt Nam, thuộc
trong phạm vi Khu vực Độc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone, EEZ) 200 hải
lý của Việt Nam theo luật biển quốc tế, United Nations Convention on the Law of
the Sea, UNCLOS. Vị trí đó cũng ở về phía của Việt Nam, nếu tính từ một trung
tuyến giữa đảo Hải Nam (TQ) và đảo Lý Sơn (VN).
Nhưng nhà cầm quyền TQ lại lấy đảo Hoàng Sa, mà họ
đã cưỡng đoạt năm 1974, cách giàn khoan HD-981 chỉ chừng 17 hải lý, làm căn cứ
để tính vùng EEZ của họ, và cho rằng dàn khoan hoàn toàn nằm trong vùng EEZ đó.
Theo luật UNCLOS, mỗi quốc gia có chủ quyền
(sovereignty) 12 hải lý tính từ đường duyên hải (coastal boundaries), gọi là
territorial waters. Vùng nằm trong cự ly 24 hải lý được gọi là vùng tiếp cận
(contiguous zone), nơi mà quốc gia liên quan chỉ được hành xử các quyền về thuế
quan, di dân hay vệ sinh môi trường. Còn vùng EEZ, như đã nêu là 200 hải lý, là
vùng độc quyền về ngư nghiệp và khai khoáng của mỗi quốc gia. Cũng theo UNCLOS,
nếu hai quốc gia có vùng EEZ trùng chồng lên nhau thì hai bên phải thương lượng
một trung điểm. Nhưng TQ và VN lại chưa bao giờ chịu thương lượng với nhau về
một trung điểm như vậy, mà TQ ngang nhiên dùng bản đồ 9 vạch hình lưỡi bò để
tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông.
Mặt khác, điểm đáng chú ý là dàn khoan HD-981 lại
nằm sát cạnh hai lô dầu khí đã được phía VN khảo sát và chuẩn bị để cho khai
thác. Nó cũng nằm gần hai lô dầu số 118 và 119 là những lô mà VN đã cùng hãng
Exxon Mobil của Mỹ hợp tác thăm dò và khám phá một trữ lượng dầu và hơi đốt khá
lớn vào những năm trước, và hiện nay hai bên đã có kế hoạch đặt giàn khoan trị
giá tới gần 20 tỉ dollars để khai thác.
Phản
ứng từ phía VN
Nhà cầm quyền VN công khai phản đối, cho rằng TQ đã
đặt giàn khoan trong vùng thềm lục địa của mình, và đã gởi chừng gần 30 tàu
Cảnh Sát Biển và tàu Kiểm ngư, đến định ngăn cản hoạt động của giàn khoan.
Nhưng TQ cũng đã gởi gần 80 tàu đến, trong đó có 7 chiến hạm và một số chiến
đấu cơ. Theo giới chức của phía VN, các tàu TQ đã húc vào tàu VN nhìều lần
trong suốt tuần qua, gây thiệt hại và khiến nhiều thuỷ thủ VN bị thương.
Phản ứng tự phát từ phía dân chúng VN rất mãnh liệt,
nhiều cuộc biểu tình phản đối hành vi xâm lấn của TQ đã xảy ra nhiều nơi: Hà
Nội, Bình Dương và Hà Tĩnh. Ngoài những cuộc biểu tình ôn hoà ở Hà Nội, các
cuộc biểu tình ở Bình Dương và Hà Tĩnh đã trở nên bạo động. Một số nhà máy và
cơ sở của người ngoại quốc như Đài Loan, Singapore, Nam Hàn đã bị đốt, và cướp
phá. Hiện có hơn 400 người biểu tình ở Bình Dương đã bị bắt. Ở Hà Tĩnh đã có xô
xát gây tử vong, số người chết, cả Việt lẫn Hoa chưa được ghi nhận chính
xác,nhưng số thương vong thì có thể đã lên đến hàng trăm. Các cuộc biểu tình
bạo động đó, và khả năng can thiệp rất kém, một cách bất thường, của các cơ
quan an ninh, đang gây nhiều thắc mắc. Một số dư luận trong Nước hoài nghi rằng
có thể một số giới chức của nhà cầm quyền đứng đằng sau các vụ biểu tình bạo
động đó. Nếu dư luận đó đúng, thì quả thật là một điều rất đáng lo ngại, bởi
nhiều lý do.
Trước hết, những bạo động như vậy gợi nhớ về trường
hợp gần đây nhất ở Indonesia vào cuối thập niên 1990s. Chính phủ và gia đình
Shuharto, dựa vào thiểu số người Hoa, thu vén của cải lo làm giàu, gây ra tình
trạng tham nhũng rộng khắp, không khác gì VN hiện nay. Công luận Indonesia hết
sức bất mãn. Năm 1998, Suharto phải từ chức, chính quyền Shuharto sụp đổ, và
lập tức bạo động kỳ thị người Hoa bùng ra. Khắp nơi ở Indonesia người Hoa bị
tàn sát, hãm hiếp, nhà cửa bị đốt phá, của cải bị cướp đoạt. Người Hoa phải
tháo chạy ra các nước, chuyển hầu hết vốn qua Singapore và qua các ngân hàng
ngoại quốc. Ước tính sự ra đi của người Hoa gây ra một sự tháo khoán vốn khỏi
Indonesia tương đương hàng mấy trăm tỉ dollars. Sự kiện đó khiến kinh tế
Indonesia rơi vào đình trệ nhiều năm sau đó.
Ở VN, do sự vụng về của nhà cầm quyền, vấn đề
"nạn kiều" xảy ra vào cuối thập niên 1970s cũng xảy ra tình trạng
tháo chạy của người Hoa tương tự như trên. Kết quả ra sao thì đã rõ. Điều mỉa
mai là chỉ chừng hơn chục năm sau lại cũng chính nhà cầm quyền đó, do nhu cầu
của cái gọi là "Đổi Mới", đón rước số người Hoa kia trở lại để kinh
doanh. Hiện nay theo Gabriel Kolko và Amy Chua thì người Hoa chiếm chừng 3% dân
số VN, tập trung phần lớn ở Sài Gòn, kiểm soát khoảng 50% doanh nghiệp của
thành phố đó, trong các lãnh vực xuất-nhập cảng, ngân hàng tư, trung tâm mua
bán và công nghiệp nhẹ.
Với ảnh hưởng của người Hoa về mặt kinh tế như vậy,
một sự tái diễn lại cảnh "nạn kiều" như trước đây, nếu xảy ra vào lúc
này, sẽ gây ra hậu quả như thế nào cho VN? Hơn nữa, danh nghĩa là biểu tình
phản đối TQ, nhưng sao lại đốt phá cơ sở của người Singapore, Đài Loan và Nam
Hàn? Không lẽ người dân VN muốn giới đầu tư của những quốc gia đó rời khỏi VN
lúc này? Mặt khác những cuộc bạo động đó còn sẽ gây ra những hậu quả khó lường
khác, làm tổn hại thanh danh của người Việt trước công luận quốc tế, và bôi bẩn
chính nghĩa của VN. Người hưởng lợi duy nhất từ những cuộc biểu tình bạo động
như vậy là nhà cầm quyền TQ và bọn tay sai.
Kế đến, vì kẻ hưởng lợi duy nhất của các cuộc biểu
tình bạo động là TQ, nên khi những cuộc biểu tình ấy không gặp một sự can thiệp
mạnh và hữu hiệu từ các cơ quan an ninh thì điều đó cũng có thể được suy diễn,
mà không sợ sai, rằng khả năng chi phối của TQ đối với giới lãnh đạo VN hiện
nay là rất lớn, nếu không muốn nói rằng trong nội bộ đảng cầm quyền VN có những
kẻ ở chức vụ lớn làm nội ứng cho TQ. Kể từ hội nghị Thành Đô năm 1990, có nhiều
dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo cao nhất trong đảng CSVN đã chịu sự chi phối
của TQ. Việc loại ông Nguyễn Cơ Thạch là một trường hợp điển hình. Ngoài ra dư
luận không khỏi thắc mắc tại sao một chính đảng với hơn 70 năm hoạt động và có
3 triệu đảng viên lại bầu vào chức Tổng Bí Thư những con người hết sức tầm
thường về mọi mặt, nếu không nói là bất tài, như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông
Đức Mạnh, và nay là Nguyễn Phú Trọng. Phải chăng ngay cả sự bầu bán chức vụ
lãnh đạo cao nhất ấy của VN cũng bị TQ ảnh hưởng?
Một khiá cạnh khác cũng đáng chú ý về phiá VN là sự
xâm lấn của TQ trên Biển Đông xảy ra cùng lúc với hội nghị Ban Chấp HànhTrung
ương Đảng CSVN lần thứ 9, khoá XI. Vậy nhưng trong diễn văn bế mạc, Tổng Bí Thư
Nguyễn Phú Trọng chỉ có những phát biểu rất chung chung về tình hình Biển Đông,
ngay cả không dám xác định đích danh kẻ thù đang xâm lấn chủ quyền của quốc
gia. Phần lớn bài diễn văn của ông Trọng chỉ bàn về nghị quyết xây dựng và phát
triển văn hoá, trong đó Ông nói: "Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến là một
nền văn hóa yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh và tinh hoa văn hóa nhân loại nhằm mục tiêu tất cả vì con người, tất cả vì
tự do, hạnh phúc và sự phát triển phong phú, toàn diện cho mỗi con người trong
mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và tự
nhiên." Nghĩa là, trong lúc ngoài kia, một kẻ cũng tôn thờ chủ nghĩa
Mác-Lênin đang xâm lấn vùng biển của tổ quốc thì ở đây ông Trọng kêu gọi mọi
người cùng tiếp tục tôn thờ chủ nghĩa ấy; tức là một cách gián tiếp vẫn xem kẻ
xâm lược là đồng chí, và xem ý thức hệ của Đảng cao trọng hơn cả chủ quyền quốc
gia.
Bối
cảnh chính trị quốc tế
Dư luận không khỏi chú ý rằng vụ giàn khoan HD-981
của TQ chỉ xảy ra vào ngày sau chuyến công du bốn nước Á Châu của Tổng Thống
Obama kết thúc. Nhiều người cho rằng việc TQ xâm lấn vùng biển VN trong những
ngày này, phần nào đó là để phản ứng lại những thoả thuận giữa Mỹ với
Philippines và Nhật Bản sau chuyến đi của TT Obama, hoặc cũng để trắc nghiệm
mức quyết tâm can thiệp của Mỹ vào Khu vực. Bốn quốc gia trong chuyến công du
là Nhật Bản, Malaysia, Philippnes và Nam Hàn. Ít quan trọng nhất trong 4 nước là
Malaysia; Obama thăm quốc gia này chỉ với tính cách ngoại giao tượng trưng, vì
kể từ thời Lyndon Johnson, đây là lần đầu có một TT Mỹ đến thăm Malaysia.
Quan trọng nhất là Nhật Bản xung quanh đề tài TPP và
yêu cầu của phía Nhật Bản về một sự cam kết chính thức từ Mỹ trong việc mở rộng
hiệp ước phòng thủ hỗ tương cho hòn đảo nhỏ Senkaku. Việc đàm phán TPP giữa Mỹ
và Nhật diễn ra rất gay go, bởi các quyền lợi kinh tế của hai bên có nhiều điểm
không tương đồng. Nhiều thành phần xã hội Nhật chống lại những điều kiện gia
nhập TPP của Mỹ; nhất là giới nông dân. Dù vậy, Nhật lại cần sự bảo trợ của Mỹ
trong vấn đề quốc phòng để đương đầu với áp lực từ phiá TQ. TT Obama đã chấp
thuận yêu cầu của Nhật về đảo Senkaku, là nơi mà Nhật-Trung đang tranh chấp.
Ngoài ra, dư luận cũng chú ý rằng chỉ vài tuần sau chuyến viếng thăm của TT
Obama, cách đây hai hôm chính phủ Nhật chấp thuận đề nghị của một hội đồng tư
vấn quốc gia về việc tu chỉnh điều 9 Hiến pháp của Nhật, là điều khoản cấm Nhật
Bản tái vũ trang. Tuy phải đợi ít lắm đến cuối năm nay, kết quả chính thức của
việc sửa đổi điều 9 đó mới hy vọng được quốc hội Nhật thông qua, giới quan sát
đều xem đây là một biến chuyển quan trọng, không chỉ riêng đối với nước Nhật,
mà còn cho cả chính trị ở Á Châu và trên thế giới. Bởi vì việc Nhật Bản tái vũ
trang chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong tương quan lực lượng ở Á
Châu.
Một sự kiện khác của chuyến viếng thăm của TT Obama
cũng có thể đã ảnh hưởng đến thái độ của TQ; đó là việc Mỹ-Philippines ký kết
hiệp ước tăng cường phòng thủ chung trong thời hạn 10 năm (US-Philippines
Enhanced Defence Co-operation Agreement). Chỉ 2 ngày sau khi ký hiệp ước đó,
Philippines đã bắt giữ 9 ngư phủ TQ vì đã đánh bắt rùa trái phép trong vùng
biển đang có tranh chấp giữa hai bên. Nhà cầm quyền TQ đã phản đối quyết liệt
việc bắt giữ.
Nhưng Malaysia lại không có lập trường chống TQ, và
ngả theo Mỹ, như Philippines. Trong một cuộc phỏng vấn với Richard Quest của
CNN, thủ tướng Malaysia, ông Nazib Rajak đã cho biết rằng Malaysia muốn được
thân thiện với cả Mỹ lẫn TQ, bởi vì quốc gia của Ông cần cả hai siêu cường: Mỹ
về khoa học kỹ thuật, TQ về thị trường. Vắn tắt thì Malaysia không muốn đứng
hẳn về bên nào giữa Mỹ và TQ.
Có vẻ như quan điểm của thủ tướng Malaysia phản ảnh
lập trường của nhiều quốc gia khác trong khối ASEAN. Bằng chứng là trong những
ngày này, khi sự căng thẳng giữa TQ-VN xảy ra trên Biển Đông, trong hội nghị
của ASEAN tại Myanmar, không quốc gia thành viên nào tỏ thái độ hưởng ứng với
bài diễn văn của Thủ Tướng VN Nguyễn tấn Dũng phản đối việc đặt giàn khoan của
TQ. Trong thông cáo chung bế mạc hội nghị đã không có lấy một chữ đề cập đến
cuộc tranh chấp đang nóng bỏng trên Biển Đông. Trừ Philippines ra, có vẻ như VN
hoàn toàn đơn độc trong khối ASEAN khi đương đầu với TQ lần này. Nói cách khác,
TQ đã thành công trong việc gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN và tách được khối
này ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Đây quả là điều đáng chú ý với những ai còn nhớ
đến vai trò của Mỹ đối với khối Liên Phòng Đông Nam Á (South East Asia Treaty
Organizaton, SEATO) vào những thập niên 1950s-1960s. Phải chăng đó là dấu hiệu
cho thấy ảnh hưởng của TQ đang bắt đầu đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi Đông
Nam Á?
Phản
ứng của Mỹ
Theo Washington Free Baecon, ngoại trưởng Mỹ, ông
Kerry trong điện đàm với bộ trưởng ngoại giao TQ đã bày tỏ mối quan tâm mạnh mẽ
của chính phủ Ông đối với tình hình trên Biển Đông và cho rằng "việc TQ
đưa dàn khoan dầu và nhiều tàu bè nhà nước vào vùng biển tranh chấp với VN là
khiêu khích" (China’s introduction of an oil rig and numerous government
vessels in waters disputed with Vietnam was provocative) và Ông cũng "thôi
thúc hai bên làm giảm sự căng thẳng, bảo đảm các tàu bè của mình giữ được hành
vi an toàn trên biển, và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù
hợp với luật quốc tế" (He urged both sides to de-escalate tensions,
ensure safe conduct by their vessels at sea, and resolve the dispute through
peaceful means in accordance with international law).
VOA News tường trình là hôm qua 16/5, một ngày sau
khi viên Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội TQ viếng thăm Ngũ Giác Đài tuyên bố rằng
TQ sẽ không rút lui giàn khoa HD-981, phát ngôn viên White House, ông Jay
Carney nói rằng: "Chúng tôi xem đó là hành động khíêu khích, xói mòn
mục tiêu chung giữa chúng ta là giải quyết một cách ôn hoà các tranh chấp này
và sự ổn định chung trong vùng" ((We consider that act provocative and
we consider it one that undermines the goal that we share, which is peaceful
resolution of these disputes and general stability in the region.). Phó TT
Biden cũng trực tiếp bảo vị tướng Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội TQ là nên
"ngưng những hành động nguy hiểm trong vùng tranh chấp".
Phía lập pháp, lên tiếng phản đối TQ chỉ có Thượng
Nghị Sĩ John McCain, và mạnh mẽ nhất là Dân biểu Eni Faleomavaega của Tiểu ban Đối
ngoại Hạ viện. Ông này đồng ý với ông McCain rằng việc đặt giàn khoan HD-981
của TQ là vi phạm luật pháp quốc tế; Ông kêu gọi giới lãnh đạo TQ làm giảm căng
thẳng ở Biển Đông, cho rằng Bộ Ngoại Giao phản ứng chưa đủ mạnh, và thúc giục
chính phủ Mỹ tích cực hơn trong việc làm dịu tình hình ở Biển Đông.
Ngoài ra, Hãng Reuters cho biết là hôm thứ Năm 15/5,
trong một e-mail gởi cho hãng này, phát ngôn viên của Đệ Thất Hạm Đội nhắn gởi
với phía VN mong muốn của Hạm đội được ghé thăm cảng của VN và hợp tác chặt chẽ
hơn với hải quân VN. Phiá VN chưa trả lời chính thức đối với đề nghị này.
Tóm lại, phản ứng của Mỹ, đối với tình trạng căng
thẳng giữa TQ-VN trên Biển Đông, cho đến nay chính yếu vẫn chỉ mang tính chất
ngoại giao với ngôn từ ôn hoà, chưa thấy có sự lên án một cách mạnh mẽ và chính
thức từ cả hai giới hành pháp cũng như lập pháp.
Phản ứng yếu ớt của Mỹ như vậy gây e ngại trong công
luận thế giới rằng sẽ càng khiến TQ trở nên quyết tâm hơn trong nỗ lực thực
hiện tham vọng bành trướng bằng sức mạnh. Sự lo ngại đó có phần hợp lý, vì TQ
bằng vào việc thiết lập giàn khoan HD-981 này, đã thách thức Mỹ ít nhất ở 3
điểm mà lâu nay các giới chức Mỹ luôn công khai tuyên bố, xem như gắn liền với
quyền lợi của Mỹ. Một là tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông (free and safe
navigation), hai là giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình, ba là việc
không được dùng sự cưỡng ép hay đe doạ trong các tranh chấp (non-use of
coercion and intimidation in disputes). Khi lập giàn khoan, TQ ngay lập tức tự
ấn định một khu vực với bán kính 5km, không cho các tàu bè khác qua lại; đó là
một vi phạm trắng trợn quy tắc tự do lưu thông hàng hải. Việc TQ dùng tàu chiến
hỗ trợ cho các tàu Hải giám cố tình húc vào tàu Cảnh sát Biển của VN rõ ràng là
một hành vi công khai dùng sự cưỡng ép. TQ cũng đã từ chối đề nghị từ phiá VN
về một cuộc gặp ở cấp cao nhất nhằm giải quyết tranh chấp, điều đó có nghiã
rằng TQ không muốn giải quyết tranh chấp một cách hoà bình. Ngoài ra, như đã
nêu ở đoạn trước, sự kiện rằng TQ đã có đủ ảnh hưởng khiến đa số quốc gia trong
khối ASEAN hoàn toàn không có một phản ứng nào đối với vụ giàn khoan này cho
thấy rằng uy tín, và cùng với nó là quyền lợi, của Mỹ ở Đông Nam Á, đang bị TQ
lấn lướt.
Có dư luận cho rằng sỡ dĩ phản ứng của Mỹ chưa đủ
mạnh là vì VN vẫn chưa quyết định có một quan hệ đồng minh thật sự với Mỹ, chưa
chính thức kêu gọi sự can thiệp và giúp đỡ của cộng đồng thế giới và Mỹ. Có vẻ
như giới lãnh đạo của nhà cầm quyền VN vẫn còn bị giằng co giữa một bên là sự
ràng buộc ý hệ với TQ và bên kia là chủ quyền quốc gia. Dư luận đó có thể đúng
phần nào, nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng hơn trong phản ứng của Mỹ nằm ở
mối quan hệ tương thuộc Mỹ-TQ.
Quan
hệ tương thuộc giữa Mỹ-TQ
Khác với mối quan hệ tương tranh (rival relation)
giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến Tranh Lạnh, mối quan hệ Mỹ-TQ ngày nay phức tạp
hơn, vừa có tương tranh, vừa có tương thuộc (interdependent relation).
Về mặt tranh chấp, Đài Loan vẫn còn là mối bất đồng
chính giữa Mỹ-TQ. Tuy nhiên, dường như TQ đang có những kế hoạch khác để thâu tóm
Đài Loan mà không cần phải trực tiếp đụng độ với Mỹ. Một trong những kế hoạch
ấy là làm sao làm chủ được dãy đảo từ phía Nam Nhật Bản kéo dài cho đến tận
phía Bắc của Philippines và Biển Đông. Nếu TQ thành công trong kế hoạch đó, thì
Đài Loan xem như hoàn toàn bị TQ bao vây. Có lẽ vì đang nỗ lực cho một kế hoạch
như vậy nên lâu nay tình hình tương tranh Mỹ-TQ về Đài Loan đang lắng dịu.
Nhưng cũng chính do nỗ lực đó mà sự tương tranh Mỹ-TQ ngày càng tăng ở ĐNA nói
riêng và cả Á Châu nói chung.
Ngoài ra Mỹ-TQ còn có nhiều tương tranh khác về kinh
tế; như vấn đề hối suất đồng nhân dân tệ, về quyền sỡ hữu trí tuệ (Intellectual
Property Rights), về Cyber Hacking, về bí mật thông tin kinh tế, v.v...
Nhưng ngoài các tương tranh, đôi bên cần đến nhau trong nhiều vấn đề quốc tế khác.Chẳng hạn Mỹ cần TQ hợp tác trong các vấn đề Bắc Hàn, Iran và Trung Đông. Sự hợp tác Mỹ-TQ cũng cần thiết trong vấn đề môi trường và khí hậu toàn cầu (Global Climate Change), và vấn đề ổn định kinh tế thế giới (Stable global economy). Về mặt này, TQ với tổng GDP gần 8.3 ngàn tỉ dollars, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ (gần 15.7 ngàn tỉ dollars), sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết định một hệ thống kinh tế-tài chánh thế giới mới, sẳn sàng thay cho hệ thống Bretton Wood đang ngày càng lỗi thời. Mỹ cần sự hợp tác của TQ trong một hệ thống mới như vậy để Mỹ vẫn giữ được tư thế quốc tế như hiện nay. Có thể nói sự tương thuộc Mỹ-TQ thể hiện rõ nhất trong quan hệ kinh tế. Một vài số liệu sau đây của Congressional Research Services (CRS) của Mỹ năm 2013 chứng minh điều vừa nêu.
Nhưng ngoài các tương tranh, đôi bên cần đến nhau trong nhiều vấn đề quốc tế khác.Chẳng hạn Mỹ cần TQ hợp tác trong các vấn đề Bắc Hàn, Iran và Trung Đông. Sự hợp tác Mỹ-TQ cũng cần thiết trong vấn đề môi trường và khí hậu toàn cầu (Global Climate Change), và vấn đề ổn định kinh tế thế giới (Stable global economy). Về mặt này, TQ với tổng GDP gần 8.3 ngàn tỉ dollars, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ (gần 15.7 ngàn tỉ dollars), sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết định một hệ thống kinh tế-tài chánh thế giới mới, sẳn sàng thay cho hệ thống Bretton Wood đang ngày càng lỗi thời. Mỹ cần sự hợp tác của TQ trong một hệ thống mới như vậy để Mỹ vẫn giữ được tư thế quốc tế như hiện nay. Có thể nói sự tương thuộc Mỹ-TQ thể hiện rõ nhất trong quan hệ kinh tế. Một vài số liệu sau đây của Congressional Research Services (CRS) của Mỹ năm 2013 chứng minh điều vừa nêu.
TQ là đối tác kinh tế lớn thứ hai của Mỹ, chỉ sau
Canada. TQ xuất cảng qua Mỹ hơn 426 tỉ dollars; nhập của Mỹ khoảng 111 tỉ
dollars. Lượng nhập cảng từ TQ chiếm khoảng 19% tổng lượng nhập cảng của Mỹ. TQ
là quốc gia đang giữ một lượng lớn nhất công khố phiếu Mỹ (US treasury
securities), trị giá 1.32 ngàn tỉ dollars. (Xin lưu ý rằng giá cả của các công
khố phiếu đó trên thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất dài hạn, như
lãi suất địa ốc chẳng hạn.). Với số lượng đó TQ chiếm khoảng hơn 23% tổng số
công khố phiếu Mỹ sỡ hưũ bởi ngoại quốc, và chiếm gần 8% tổng số nợ của Mỹ. Vắn
tắt thì TQ đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Tổng số đầu tư của Mỹ vào TQ khoảng
chừng 70 tỉ dollars; ngược lại TQ đầu tư vào Mỹ chừng 20 tỉ.
Tóm lại, mối quan hệ Mỹ-TQ mang một tính chất rất
đặc biệt, hoàn toàn khác hẳn với mối quan hệ thuần tương tranh giữa Mỹ-Liên Xô
trước đây. Nhận ra sự khác biệt đó là điểm cần để lượng định phản ứng của đôi
bên trước các vấn đề quốc tế theo một phương thức khác với những phương thức đã
áp dụng trước đây trong thời Chiến Tranh Lạnh. Cũng do mối quan hệ đặc biệt,
vừa tương tranh vừa tương thuộc, của Mỹ-TQ, các nước nhỏ yếu ngày nay sẽ gặp
khó khăn hơn nhiều trong việc thăm dò phản ứng các siêu cường cũng như việc
hình thành chính sách đối ngoại của mình đối với các siêu cường đó. Riêng
trường hợp VN, thì ngoài những giằng co ý hệ của giới lãnh đạo, mối quan hệ đặc
biệt Mỹ-TQ chính là nguyên nhân gây ra sự chần chừ, thiếu quyết đoán trong
chính sách hiện nay đối với hai siêu cường.
Lựa
chọn nào cho VN?
Trước mắt, VN không có chọn lựa nào hơn là phải đặt
ngoại giao lên mặt trận ưu tiên, đồng thời phải tránh không để mình là người
bắn phát súng khai hoả cho một cuộc đụng đầu quân sự. Về mặt ngoại giao cần
thiết phải vận động cho một giải pháp quốc tế hoá Biển Đông và các tranh chấp ở
đó; đặc biệt là lôi cuốn sự dính líu của Mỹ và các cường quốc khác như Nhật Bản
và Ấn Độ. Sự có mặt của Mỹ tất nhiên là yếu tố quan trọng, nhưng VN cũng đừng
nên quên thái độ của Mỹ năm 1974 khi TQ xâm chiếm Trường Sa.
Đối nội, biện pháp trước mắt là phải đạt được sự
thống nhất về quan điểm-tư tưởng giữa từng lớp lãnh đạo, giữa lãnh đạo và toàn
dân. Cần công khai xác định đích danh kẻ thù và kiên quyết đoạn tuyệt mối quan
hệ về tư tưởng với họ. Sẽ không thể nào chiến thắng được đối phương khi về mặt
tư tưởng người Việt, nhất là giới lãnh đạo, vẫn còn bị đối phương ràng buộc và
chi phối. Ngày xưa Ngô Quyền trước khi ra quân đánh Nam Hán, đã diệt trừ kẻ nội
thù là Kiều Công Tiễn trước. Ngày nay kẻ nội thù chính là sự ràng buộc ý hệ với
TQ, vì vậy cần phải loại trừ kẻ nội thù ấy.
Trong trường kỳ, VN cần phải hùng mạnh lên về mọi
mặt, nhưng để được vậy cần phải có một thể chế chính trị đoàn kết được và vận
dụng được tiềm năng của mọi thành phần dân chúng. Thể chế ấy phải đặt trên căn
bản của chủ nghiã dân tộc. Chủ nghĩa Mác-Lê, ngoài tính cách ngoại lai, còn là
nguồn của nội chiến làm suy yếu nguyên khí của Dân tộc. Chủ nghĩa ấy, với học
thuyết đấu tranh giai cấp và độc tài vô sản, không thể dung hoà được với "tinh
hoa văn hóa nhân loại" một cách tốt đẹp như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú
Trọng đã nêu trong bài diễn văn của mình; nó cũng không dung nạp được hai trào
lưu phổ quát của thời đại là Dân Chủ và Nhân Quyền. Chính vì sự bất tương dung
ấy mà ngày nay, trừ Bắc Hàn, TQ và VN ra, không còn quốc gia nào trong số hơn
180 nước trên thế giới còn áp dụng chủ nghĩa ấy. Ngay ở Nga là cái nôi của chủ
nghĩa Mác-Lê thì người ta đã hạ tượng Lénine xuống cách đây cả mấy chục năm
rồi. Đã đến lúc mọi người VN nên hảy vì sự tồn vong của Tổ Quốc mà cùng đồng
lòng hạ bệ cái thây ma chủ nghĩa Mác-Lê xuống khỏi vũ đài chính trị, xây dựng
một ý hệ dân tộc lành mạnh hơn làm nền tảng cho một VN hùng cường luôn đứng
vững, với sự toàn vẹn chủ quyền, mà không còn lo sợ mối hiểm hoạ ngàn đời TQ.
16/5/2014
Khương
Việt
http://csis.org/publication/critical-questions-china-vietnam-tensions-high-over-drilling-rig-disputed-waters
https://www.youtube.com/watch?v=9eTljlkBmII
http ://www.cnn.com/2014/05/12/world/asia/south-china-sea-drilling-duplicate-2/
https://www.danluan.org/tin-tuc/20140515/mot-thanh-phan-trong-noi-bo-dang-csvn-la-chu-muu-dang-sau-nhung-
hanh-vi-dot-pha-hoi#comment-117973
Gabriel Kolko, Vietnam: Anatomy of Peace.
Amy Chua (2003). World on Fire. Anchor Bơok.
http://www.nytimes.com/2014/05/15/world/asia/foreign-factories-in-vietnam-weigh-damage-in-anti-china-
riots.html?_r=0
http://www.baomoi.com/Toan-van-phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-be-mac-Hoi-nghi-lan-thu-9-
BCH-Trung-uong-Dang-khoa-XI/122/13807146.epi
http://freebeacon.com/national-security/tensions-mount-in-south-china-sea-dispute-over-chinese-oil-drilling/
http://www.voanews.com/content/us-warns-china-on-oil-rig-in-disputed-waters/1916440.html
http://faleomavaega.house.gov/media-center/press-releases/faleomavaega-condemns-china-for-violating-
vietnams-sovereignty-in-south
http://www.reuters.com/article/2014/05/15/us-vietnamusa-navy-idUSBREA4E06R20140515
http://www.fas.org/sgp/crs/row/R41108.pdf
https://www.youtube.com/watch?v=9eTljlkBmII
http ://www.cnn.com/2014/05/12/world/asia/south-china-sea-drilling-duplicate-2/
https://www.danluan.org/tin-tuc/20140515/mot-thanh-phan-trong-noi-bo-dang-csvn-la-chu-muu-dang-sau-nhung-
hanh-vi-dot-pha-hoi#comment-117973
Gabriel Kolko, Vietnam: Anatomy of Peace.
Amy Chua (2003). World on Fire. Anchor Bơok.
http://www.nytimes.com/2014/05/15/world/asia/foreign-factories-in-vietnam-weigh-damage-in-anti-china-
riots.html?_r=0
http://www.baomoi.com/Toan-van-phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-be-mac-Hoi-nghi-lan-thu-9-
BCH-Trung-uong-Dang-khoa-XI/122/13807146.epi
http://freebeacon.com/national-security/tensions-mount-in-south-china-sea-dispute-over-chinese-oil-drilling/
http://www.voanews.com/content/us-warns-china-on-oil-rig-in-disputed-waters/1916440.html
http://faleomavaega.house.gov/media-center/press-releases/faleomavaega-condemns-china-for-violating-
vietnams-sovereignty-in-south
http://www.reuters.com/article/2014/05/15/us-vietnamusa-navy-idUSBREA4E06R20140515
http://www.fas.org/sgp/crs/row/R41108.pdf
No comments:
Post a Comment