Được đăng ngày Thứ năm, 08 Tháng 5 2014 22:29
Tin tốt lành mà thế giới nhận được ngày hôm nay đó
là sự “xuống thang” của tổng thống Nga Putin liên quan đến cuộc khủng hoảng tại
Ukraina. Tin cho biết sau cuộc gặp gỡ với tổng thống Thụy Sĩ kiêm Chủ tịch Tổ
chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), ông Putin thông báo rằng quân đội Nga
đã rút khỏi biên giới sát với Ukraina, ông cũng phản đối chuyện “trưng cầu dân
ý” ở Donesk và Lugansk (thuộc miền Đông) Ukraina trong ngày 11/5 tới đây, đồng
thời ông cho rằng cuộc bầu cử tổng thống tại Kiev ngày 22/5 là “bước đi đúng
hướng”…Thật ra sau những gì ông Putin đã làm ở Krưm và Ukraina thì mọi lời nói
hay tuyên bố của ông ta cần được kiểm chứng trước khi đặt niềm tin. Tuy nhiên
theo đánh giá của chúng tôi thì lần này ông Putin sẽ …nói thật.
Có một câu chuyện hài hước trên mạng rằng, sau khi
Obama đặt bút ký lệnh trừng phạt một loạt quan chức và các công ty của Nga thì
có người hỏi Obama rằng: Ông không sợ Putin trả đũa sao? Obama cười và trả lời
rằng: “Putin giàu có hơn tôi rất nhiều lần nên ông ta phải sợ tôi chứ tôi không
việc gì phải sợ Putin”. Có thể Putin không sợ Mỹ hay Châu Âu nhưng giới tài
phiệt và nhóm cận thần của Putin thì lại khác. Họ có quá nhiều tài sản ở nước
ngoài và có nhiều quan hệ làm ăn với giới tài chính quốc tế. Các tỉ phú Nga đều
có nhà cửa và tài sản ở khắp thế giới đặc biệt là ở London (Anh quốc), điển
hình là tỉ phú Abramovich, tỉnh trưởng vùng Chukota, ông chủ của đội bóng
Chelsea, một người thân cận của Putin. Với họ chuyện Ukraina thân Nga hay thân
Mỹ không quan trọng bằng việc họ không thể về London thăm con cái và nhà cửa
của họ ở đó. Và họ đã tìm mọi cách để Putin hạ hỏa. Dù gì đi nữa thì Putin cũng
đã xuống giọng, ông ta không thể nào nuốt lời mãi được. Chỉ đáng thương cho
những kẻ ly khai bị Putin bỏ rơi, họ đã cưỡi lưng hổ, giờ có xuống cũng khó, có
thể họ phải chơi bài liều. Nếu điều đó xảy ra thì một kết thúc bi thảm sẽ đến
với họ. Chính quyền Kiev dù muốn dù không thì sau ngày 9/5 (ngày kỷ niệm 69 năm
chiến thắng phát xít Đức) cũng phải ra tay trấn áp lực lượng ly khai đang chiếm
giữ những công sở của chính quyền tại các tỉnh Miền Đông. Muốn hay không chính
quyền cũng phải ổn định tình hình để cuộc bầu cử có thể diễn ra như ý muốn.
Làn sóng dân chủ lần thứ tư đã tràn qua Ukraina và
nhất định nó sẽ thắng.
Tình hình Ukraina chưa kịp lắng dịu thì biến cố do
Trung Quốc gây ra trên Biển Đông lại dậy sóng. Như chúng ta đã biết, Trung Quốc
vừa đem giàn khoan khổng lồ đặt vào sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của
Việt Nam, cách bờ biển nước ta 120 hải lý, tức là đã cách vùng đặc quyền kinh
tế của Việt Nam 80 hải lý. Điều nghiêm trọng hơn cả là khi tàu kiểm ngư Việt
Nam xuất hiện để yêu cầu phía Trung Quốc rút lui khỏi vùng lãnh thổ của Việt
Nam thì tàu chiến Trung Quốc đã chủ động tấn công các tàu của Việt Nam. Ít nhất
là hai tàu kiểm ngư của Việt Nam đã bị hư hại và 6 người bị thương. Lý do để Trung
Quốc ra tay với Việt Nam trong lúc này, theo chúng tôi thì đó là nhằm mục đích
khiêu khích Mỹ, sau khi Obama vừa kết thúc chuyến thăm bốn nước Châu Á. Chúng
tôi đồng với nhận xét của giáo sư Keith Johnson rằng đây là một “cái tát vào mặt ông Obama”.
Như chúng ta đã biết, để vươn ra bành trướng khắp
năm châu thì con đường duy nhất của Trung Quốc là qua ngã Biển Đông. Có hai
nước án ngữ ở Biển Đông, đó là Philippines và Việt Nam. Để thông thương con
đường huyết mạch bắt buộc Trung Quốc phải đối đầu với hai nước này. Philippines
đã khôn ngoan khi kết ước đồng minh với Mỹ để bảo vệ mình. Duy nhất chỉ có Việt
Nam là “tứ cố vô thân”, vừa yếu vừa không có đồng minh, ngay cả với nhân dân
Việt Nam thì chính quyền Việt Nam cũng không có được sự hậu thuẫn cần thiết khi
các cuộc biểu tình tự phát chống Trung Quốc đều bị chính quyền Việt Nam đàn áp
thẳng tay. Đồng minh của Việt Nam hiện nay chính là Trung Quốc vì vậy khi
Trung Quốc tấn công Việt Nam sẽ không có ai chống lưng. Nước chống lưng cho
Việt Nam chỉ có thể là Nga hoặc Mỹ. Nga thì không dại gì hy sinh quan hệ với
Trung Quốc để đổi lấy Việt Nam. Mỹ thì không thể nào là đồng minh với Việt Nam
khi một bên là thể chế tự do dân chủ còn một bên là độc tài toàn trị.
Để cân bằng tương quan lực lượng giữa Việt Nam và
Trung Quốc thì muốn hay không Việt Nam cũng phải dựa vào một cường quốc khác,
cường quốc duy nhất có thể giúp Việt Nam đó là Mỹ. Tuy nhiên quan hệ giữa Việt
Nam và Mỹ sẽ không thể nào tiến triển được mỗi khi Việt Nam vẫn còn chế độ độc
tài cộng sản.
Một lý do khiến Trung Quốc mạnh tay trong vụ này là
để hướng dư luận Trung Quốc ra khỏi mối loạn do người Tân Cương chủ xướng,
Trung Quốc đang có loạn chứ không hề bình yên. Thêm một lý do nữa khiến Tập Cận
Bình ra tay với Việt Nam là để trấn an nội bộ Trung Quốc sau khi ông Tập tấn
công vào đại gia đình Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc, là Chu Vĩnh
Khang. Vụ việc này đã gây bất bình lớn trong giới lãnh đạo Trung Quốc.
Việt
Nam đã phản ứng ra sao? Có lẽ đây là lần đầu tiên
chính quyền Việt Nam có phản ứng mạnh mẽ qua lời tuyên bố của Phó thủ tướng
kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Bình Minh rằng Việt Nam sẽ có hành động đáp trả
thích ứng nếu Trung Quốc không dừng lại. Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc (Úc) đã từng
nói rằng Việt Nam thiếu nhiều thứ nhưng cái thiếu nghiêm trọng nhất là “thiếu
lãnh đạo”. Điều này hoàn toàn đúng khi chúng ta nhìn vào thực tế Việt Nam,
không ai biết được hiện tại Việt Nam ai là người lãnh đạo thực sự? Có lẽ ông
Nguyễn Văn An (cựu chủ tịch quốc hội) đã đúng khi cho rằng Việt Nam là do một
ông “vua tập thể” lãnh đạo, đó là 16 vị Ủy viên Bộ Chính trị mà đại diện là bộ
tứ: Hùng, Dũng, Sang, Trọng. Rất tiếc là trong những lúc “dầu sôi lửa bỏng” như
thế này thì lại không thấy ông nào trong bộ tứ có ý kiến gì? Duy nhất chỉ có
ông Trần Bình Minh là lên tiếng, vì vậy chúng tôi đành xếp ông ta vào hàng
lãnh đạo tối cao của Việt Nam bên cạnh Putin (Nga) và Tập Cận Bình (Trung
Quốc). Rất tiếc cho một người có bản lãnh và tư chất thủ lĩnh nhưng lại không
thấy lên tiếng gì trong vụ này là tướng Nguyễn Chí Vịnh. Vốn dĩ ông ta
rất hùng hồn và mạnh miệng trong những vụ việc tương tự.
Câu
hỏi mà có lẽ mọi người Việt Nam đều quan tâm là: Việt Nam sẽ làm gì để đối phó
với Trung Quốc?
Đánh nhau với Trung Quốc không phải là thượng sách
vì tương quan lực lượng đã thấy rõ.
Kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là việc làm cần
thiết và khả dụng nhất trong lúc này nhưng có lẽ chính quyền Việt Nam sẽ không
làm. Lý do: Chính quyền Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Từ chính trị,
kinh tế, văn hóa…
Rồi sẽ như bao lần khác, chính quyền Việt Nam sẽ kêu
cho có lệ rồi sau đó sẽ tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc cho dù sự thỏa hiệp
đó có gây thiệt hại thế nào đi chăng nữa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt
Nam.
Đảng cộng sản Việt Nam chưa và sẽ không bao giờ biết
đặt quyền lợi của tổ quốc và nhân dân lên trên hết. Với họ thì chỉ có sự tồn
tại của đảng là quan trọng nhất. Người dân Việt Nam đã rất có lý khi cho rằng “đi
với Mỹ thì mất đảng nhưng còn tổ quốc, nếu đi với Trung Quốc thì đảng còn nhưng
nước sẽ mất” và ai cũng đồng ý rằng “đảng ta” thà “mất nước” còn hơn
“mất đảng”. Vì vậy đừng ngây thơ khi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam sẽ có
phản ứng mạnh vì không còn đường lùi, rằng nếu tiếp tục nhân nhượng thì Trung
Quốc sẽ làm tới và nếu làm tới thì may ra Trung Quốc sẽ lùi.
Điều đáng tiếc (và đáng thất vọng) là một số nhân
sĩ, trí thức Việt Nam vẫn còn (chỉ biết) kêu gọi chính quyền Việt Nam nên hồi
tâm, quay về với chính nghĩa, với nhân dân để cùng chống Trung Quốc… Đây là một
ảo tưởng vì sinh mệnh chính trị của đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là
một. Trước sau gì họ cũng sẽ tìm được “tiếng nói chung” để “bảo vệ đại cục”,
duy trì sự “ổn định và tin cậy chính trị” cho cả hai nước.
Điều cần làm nhất trong lúc này của giới trí thức,
văn nghệ sĩ cũng như mọi người dân Việt Nam yêu nước là hãy đóng góp công sức
và trí tuệ cho các tổ chức chính trị dân chủ đối lập. Hãy cùng nhau tạo dựng
một lực lượng dân chủ hùng mạnh và có tầm vóc để làm đối trọng với đảng cộng
sản Việt Nam. Chính lực lượng dân chủ này sẽ tạo sức ép, bắt buộc chính quyền
Việt Nam thay đổi về hướng dân chủ thực sự. Và chỉ có một nhà nước Việt Nam dân
chủ thật sự mới đủ sức kêu gọi sức mạnh của toàn dân và gắn kết mọi người lại
với với nhau trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước cũng như việc đối
phó với sự đe dọa từ Trung Quốc. Cũng chỉ một nhà nước Việt Nam dân chủ thật sự
mới có thể kết ước đồng minh với Mỹ và các nước dân chủ khác trên thế giới để
bảo vệ hòa bình cho Việt Nam và khu vực.
Chính sự lựa chọn dứt khoát của chính quyền mới tại
Ukraina khi đứng về phía dân chủ đã khiến cho Mỹ và Châu Âu tích cực can thiệp
và đẩy lùi nguy cơ xâm lược của quân đội Nga và Putin.
Việt Nam đang đứng trước một sự lựa chọn sống còn.
Quyền quyết định không còn nằm ở phía chính quyền mà đang nằm ở phía nhân dân
Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức tinh hoa Việt Nam.
Việt
Hoàng
No comments:
Post a Comment