Tue, 05/27/2014 - 11:33 — tuongnangtien
Không đánh đổi chủ quyền lấy ngoại giao viển
vông.
T.T. Nguyễn Tấn Dũng
*
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay
bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: "Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể
thế giới". Câu nói nghe tuy hơi cường điệu (và cũng có phần hợm hĩnh)
nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền
tác quyền hậu hĩ dành cho hai tác giả này, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều
những cây viết lừng lẫy cùng thời.
Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng điệp viên
James Bond vẫn 007 sống mãi trong sự nghiệp của ... giới làm phim và trong ...
lòng khán giả. Tương tự, nhiều nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung
sẽ tiếp tục là những "chiếc bóng đậm màu" trong tâm tư của vô số
người Việt, kể cả giới lãnh đạo cộng sản hiện nay. Ngôn ngữ hàng
ngày của họ (nghe) có “mùi” tiểu thuyết Kim Dung thấy rõ:
- Sau nửa
tháng im lặng, ngày16
tháng 5 năm 2014: “Trong cuộc gặp cử tri Sài Gòn ... ông Sang nhìn
nhận Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, cần phải bình tĩnh, có bình tĩnh
mới sáng suốt. Bên cạnh sự cương quyết phải hết sức kiên nhẫn, song không ‘thay
đổi mục tiêu’ là bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời chăm lo phát triển kinh
tế, nâng cao nội lực quốc gia.”
- Trước đó
không lâu, T.T
Nguyễn Tấn Dũng cũng kêu gọi “phải phát huy nội lực để tăng
cường thu hút đầu tư nước ngoài hay “phát
huy nội lực để đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền
vững.”
Và người vận dụng nội lục đều đều là TBT
Nguyễn Phú Trọng:
- Hôm 11
tháng 7 năm 2013, ông khuyến cáo nhân dân Hải Phòng “cần phát huy
nội lực để phát triển.”
- Qua ngày 21
tháng 8 năm 2013, ông chỉ thị nhân dân Bắc Giang cũng “phải phát huy
nội lực địa phương để vươn lên phát triển, không thua kém các tỉnh bạn.”
- Bữa 18
tháng 3 năm 2014 vừa rồi, trong chuyến đi công tác miền Trung, TBT
lại nhắc nhở giới công nhân địa phương “tiếp tục phát huy truyền thông
thi đua lao động sản xuất và tích cực ... phát huy nội lực.”
Người tiền nhiệm của Nguyễn Phú Trọng – bác
Lê Khả Phiêu – cũng hễ mở miệng ra là đòi ... “phát huy nội
lực” liền liền. Ông còn giải thích (một cách văn hoa) rằng đó là "sức
mạnh văn hóa của dân tộc Việt Nam, đạo đức trí tuệ Việt Nam... để chúng ta vượt
mọi khó khăn trong những thời điểm gian nguy nhất..." – khi trả
lời phỏng vấn của báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày 16 tháng 6 năm 2000.
Dù nghe có hơi kiếm hiệp, kêu gọi dân chúng
“phát huy nội lực” – nói nào ngay – là chuyện phải làm khi hữu sự. Ðiều
đáng phàn nàn là giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam rất hiếu sự nên đất
nước “hữu sự” hoài hoài. Kể từ khi giành được quyền bính đến nay,
họ luôn luôn tìm mọi cách để đưa dân tộc này vào những hoàn cảnh “khó khăn”
hay những “thời điểm gian nguy.” Nếu không phải đấu tố lẫn nhau cho
đến chết thì người dân cũng bị nhà nước Việt Nam lôi kéo, lê lết
hết từ trận chiến này qua trận chiến khác. Không tử thương thì cũng
bị thương vô số kể.
Thôi tạm gác lại chuyện đã cũ đi, và chỉ
nhìn lại vài những sự kiện nho nhỏ vừa mới xẩy ra – trong thời
gian cầm quyền của bộ ba Sang, Trọng, Dũng mà coi:
- Khi kêu gọi người dân Hải Phòng “cần phải phát huy
nội lực để phát triển,” họ quên bẵng đi rằng sau vụ cầm tù anh em
Đoàn Văn Vươn (cùng với chuyện thăng tướng của ông đại tá Đỗ Hữu Ca)
người dân nơi đây đã gần tiêu ma nội lực, và đã mất ráo niềm tin vào
chính quyền – từ địa phương tới trung ương – rồi.
- Nếu biết qua về mức sống khốn cùng ở Bắc Giang, chắc
chắn, họ cũng sẽ không đủ mặt dầy mày dạn kêu gọi người dân miền
núi “phát huy nội lực để vươn lên” đâu.
- Hãy nhìn qua hình ảnh một góc chợ ở địa phương này, qua ghi
nhận của nhà văn Nguyễn Ngọc
Tư: “Người ta nói, đi qua một khu chợ sẽ biết đời sống của cư dân ở đó.
Mình tin điều đó. Và nhìn món hàng bày trước mặt những người phụ nữ vùng cao,
mình hình dung được nồi cơm, căn bếp, cuộc
đời... ”
Hình :
Ảnh:
Nguyễn
Ngọc Tư
Hình ảnh vài “bó củi co ro,” hay “nụm nịu hai
ba nải chuối,” và “lèo tèo mấy bó rau xanh” – ở một phiên chợ ở Bắc
Giang – chỉ khiến cho tôi muốn rơi nước mắt, và không thể nghĩ đến
chuyện họ có thể “phát huy nội lực để vươn lên.” Vươn lên gì
nổi, mấy cha? Tôi cũng không tin rằng giới công nhân Việt Nam còn có
nội lực để phát huy sau những ngày làm việc tăng ca (liên tục) mà
đồng lương chưa chắc đã đủ mua một cái bánh kẹp thịt ở cửa tiệm
McDonalds.
Vắt cạn kiệt sức dân, đẩy trăm họ tới mức
khốn cùng rồi vẫn thản nhiên kêu gọi vận dụng “nội lực” của mọi
người khi đất nước lâm nguy chắc (chắn) không phải là điều khôn ngoan,
nếu chưa muốn nói là bất nhẫn. Bởi vậy, khác với nhà báo Huy
Đức, tôi không "bảo đảm" là dân chúng sẽ đứng sau giới
lãnh đạo Việt Nam trong tình cảnh hiện nay:
“Giàn khoan 981 xuất hiện trước thềm Hội nghị ASEAN
ở Myanmar và Diễn đàn kinh tế Manila như một trái banh được đặt vào chân Thủ
tướng khi ông đang ở gần khung thành nhất. Những tuyên bố đúng lúc, ngang tầm
nguyên thủ, đã khiến ông trở thành một người hùng. Thưa Thủ tướng, ông đã cùng
bước, cùng dùng một ngôn ngữ sục sôi với người dân Việt Nam. Ông đã đi một đoạn
đường khá xa. Đừng quay lại vì phía sau là dân chúng.”
Huy Đức, có thể, vì may mắn chưa thấy quan
tài nên chưa đổ lệ. Người Việt, thuộc những thế hệ trước ông (hẳn)
không mấy ai lạc quan như vậy. Trong cuốn Hồi
Ký Vi Đức Hồi, tác giả đã nhắc đi nhắc lại (đến chục lần) rằng
“Đảng luôn luôn nói một đằng,làm một nẻo.” Có gì bảo đảm là ông TT
sẽ không tiếp tục cái “chiến thuật” cố hữu và vô liêm sỉ này của
Đảng?
Tuyên bố đúng lúc, ngang tâm nguyên thủ (e) chưa đủ đâu. Dân Việt ở cả ba miền, cũng như miền ngược –
hiện nay – đều đã thuộc nằm lòng: Đừng tin những gì cộng sản nói
hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm. Yêu cầu ông Dũng thử làm
vài việc trong tầm tay, và ngay trước mắt coi:
- Nếu không thể
phóng thích tất cả những tù nhân lương tâm tức khắc, và cùng lúc,
ít nhất hãy trả tự do cùng với lời xin lỗi cho hai người tù Nguyễn
Văn Hải và Tạ Phong Tần. Họ không có tội gì ngoài tội thấy sớm hơn
các ông cái thứ “ngoại giao viển vông” Hoa-Việt.
- Ngưng ngay
cái chủ trương lớn (và ngu) của Đảng về chuyện khai thác bauxite Tây
Nguyên.
- Trả lại
quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân, quyền tự do ngôn luận cho những
người cầm bút, và quyền thành lập công đoàn cho công nhân. Đến đón
Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương tại cửa
nhà tù để ôm xin họ tha lỗi. Cùng lúc, cũng phải công khai về chuyện
“mất tích” của Lê Trí Tuệ (Phó Chủ Tịch Công Đoàn Độc Lập Việt Nam) người
đã bị “bắt cóc” ở Cambodia vào từ hôm 16 tháng 5 năm 2007.
- Trả lại
tài sản và quyền tự do tín ngưỡng cho tất cả những giáo hội và
giáo phái.
- Xin làm
hoà với người Việt nước ngoài bằng cách xin phép xây lại Bia Tưởng
Niệm Thuyền Nhân ở Mã Lai và Nam Dương. Vứt cái Nghị Quyết rẻ tiền
36 vào thùng rác, đuổi việc những nhân viên ngoại giao lấc xấc và
lấc cấc như Nguyễn Thanh Sơn đi cho thiên hạ đỡ bực mình.
- Nếu chưa
có thể công bố thời điểm chính xác để huỷ bỏ điều bốn hiến pháp
và tổ chức tổng tuyển cử tự do vào lúc này thì ít nhất cũng phải
ngưng ngay cái cung cách cầm quyền như một đạo quân chiếm đóng như
hiện nay, để người dân toàn quyền tự do làm những gì mà luật pháp
không cấm, và trừng phạt nghiêm khắc mọi hành vi lộng quyền hay lạm
quyền của viên chức các cấp.
Những điều trên trước sau gì cù̃ng phải được
thực hiện ở Việt Nam thôi nhưng nếu không làm ngay hôm nay thì trước
mặt ông T.T. là kẻ thù, và sau lưng sẽ chả có ai đâu. Hai bên
cũng không có bạn bè đồng minh nào ráo. Nhân loại văn minh tiến bộ
giờ đây không ai muốn làm bạn với những kẻ độc ác, trí trá, giáo
dở lươn lẹo, ngu (lâu) và ngoan cố. Hãy chứng tỏ thiện chí và nỗ
lực muốn thoát cộng đi thì mới có hy vọng thoát Tầu. Nếu không là
đi tầu suốt.
No comments:
Post a Comment