Tuesday, 13 May 2014

PHẢI CHỌN LỐI KHÁC THÔI (Blog 5xu / Quê Choa)




14-05-2014

Nhìn vào lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam và bỏ qua tất cả các yếu tố rườm rà, ta sẽ thấy có một điểm cực kỳ đặc biệt.

Tất cả các cuộc chiến chống ngoại xâm mà ta thắng, dù kẻ thù là Nam Hán, Tống, Thanh, Pháp, Mỹ, thì về cốt lõi ta đều khác đối thủ của mình: hoặc ở ý thức hệ, hoặc ở học thuyết và công nghệ chiến tranh, hoặc cả hai.

Lúc nó Nho giáo thì ta Phật giáo, lúc họ tự do thì ta cộng sản, lúc chúng dùng ngựa và cung tên thì ta dùng voi và hỏa hổ.

Lúc khác ý thức hệ mà kém về học thuyết chiến tranh thì chiến thắng phải qua trường kỳ, như Lê Lợi, như Việt Minh. Lúc hơn trội về công nghệ chiến tranh, như Quang Trung, thì kẻ thù nào cũng thắng cũng nhanh như rửa đít em bé.

Phải khác biệt là thì mới chiến thắng.

Nhưng nay thì khó rồi. Ý thức hệ giống nhau. Bộ máy tổ chức từ đảng cầm quyền đến quân đội, chính quyền địa phương hao hao nhau. Định hướng nền kinh tế giống nhau. Phương thức quản lý xã hội cũng giống nhau. Tàu ngầm máy bay cũng giống nhau nốt. Giống cả tên tờ báo Nhân Dân. Haizz
Tàu không phải là nước có tư tưởng ở đẳng cấp đế quốc như La Mã hay Anh Quốc, mà nó chỉ có toán tính kiểu bá quyền. Hành vi của họ suốt mấy ngàn năm có thể chốt ở hai từ: To còi và Thô lỗ.

Mao lúc còn sống nói rất to và thô về chiến lược của Trung Quốc: phải chiếm đóng và khai thác Đông Nam Á, dù có phải trả giá đắt, vì đắt mấy cũng đáng. Một thứ bá quyền con buôn, đổi xác dân lấy lợi nhuận.

Thời phong kiến, và đến cả thời Mao, lối đi duy nhất của Tàu xuống phía nam là đất liền, qua ngả Việt Nam. Khống chế được miền bắc Việt Nam, là mở được cả đường bộ lẫn đường biển đưa quân đi xuống Đông Nam Á.

Đến thời Đặng, công nghệ và hải quân Trung Quốc phát triển. Nó chỉ cần khống chế đường biển là đủ làm Việt Nam nghẹt thở, bó chân bó tay, nó tha hồ lũng đoạn hàng hải. Nước cờ chiến lược đầu tiên là chiếm Hoàng Sa.

Việt Nam thời chiến và hậu chiến tuy nhà nước có lúc này lúc khác, nhưng về cơ bản là giống Tàu. Giống Tàu nhưng không phải là Tàu nên chỉ là bản sao kém cỏi của họ. Kém hơn nên luôn ở sau Tàu, không hiểu được Tàu, không nhìn xa bằng Tàu. Mỗi nước cờ nó đi ta đều bị động mà phải rất vất vả để chống đỡ. Có những nước cờ như Hoàng Sa, không biết bao giờ mới gỡ nổi. Giống về ý thức hệ còn tệ hơn nữa, nó còn kìm nén mình, không cho mình vùng lên mà gỡ lại.

Trong lịch sử chống Tàu, chưa bao giờ Việt Nam phải dựa vào ai, toàn tự mình đánh thắng. Nhưng đó là những lúc mình khác Tàu, không giống nhau đến rùng mình thế này.

Phải chọn lối khác thôi.

Họ không chịu dân sự hóa nhà nước của họ thì mình phải dân sự hóa nhà nước mình. Đây là chỗ yếu nhất của họ. Và là chỗ gần như là duy nhất mình có thể thay đổi để vượt lên họ.
Nếu nhà nước của họ nó là nhà nước công an trị, nhà nước mình phải là dân trị, thì mình mới thắng được họ. Nhà nước họ là đảng phiệt, quân phiệt, mà mình thành nhà nước dân chủ, thì mình thắng họ.
Mình đang có đà và có cơ hội để rẽ qua lối khác. Nhưng chỉ tích tắc ngần ngừ thôi, là đà mất mà cơ hội tiêu tan.

Mình có thể bắt đầu từ chỗ dang dở. Đó là giết hẳn cái định hướng xã hội chủ nghĩa thị trường cho nền kinh tế thị trường. Cái thành phần khủng long quái ghở là kinh tế quốc doanh, Tàu họ dùng làm vũ khí kinh tế để thuần dưỡng các nước nghèo phải phụ thuộc vào họ, như nước Cambodia, rồi chọc vào nách mình. Nay nhà nước đừng ôm kinh tế nữa, để dân làm nốt đi, làm nốt cả việc buôn bán có lợi cho Cambodia, nhà nước chỉ tập trung vào lo luyện quân cho tốt.

Rồi đến xã hội dân sự . Tàu họ ngăn cản xã hội dân sự, mình phải cho dân làm việc quản lý xã hội. Bắt đầu từ hội bóng đá liên đoàn, đến hội nhà thơ, hội nhà báo, hội nọ hội kia. Nhà nước không cần phải ôm mấy cái hội ngớ ngẩn tốn tiền ăn hại như bóng đá, nhà văn nữa. Để nhân dân làm. Để nhân dân làm việc dân sự của xã hội thật nhiều vào, nhà nước sẽ rảnh tay lo việc chống Tàu cho hiệu quả.
Đại khái phải là như thế. Người dân nhìn nhà nước như ếch ngồi đáy giếng nhìn trời, không biết gì hơn. Bầu trời nào cũng là cái vung cả. Nhưng có cái vung trong hơn và xanh hơn.

* * *

Anh Gấu Phạm: Trung Quốc với Việt Nam có một điểm yếu chung tên là chế độ. Vì chế độ hai nước sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ. 

Trong xung đột giữa hai nước lâu nay Trung Quốc lợi dụng điểm yếu này của Việt Nam để đạt được mọi phần tiện lợi trong khi Việt Nam chưa đả động gì đến điểm yếu này và vẫn dùng chiến thuật quen thuộc là lăn xả vào ôm chân Trung Quốc để chờ thời cơ thuận lợi sẽ cắn mà thực chất là nhường việc khó nhằn lại cho bọn đi sau. 

Nếu Việt Nam biết lợi dụng điểm yếu tương tự của Trung Quốc thì khỏi cần mua sắm nhiều vũ khí mà vẫn gìn giữ được toàn vẹn lãnh thổ, khéo léo ra còn chiếm thế thượng phong, lấy lại được những gì đã mất. 

Cách đó là đẩy mạnh đẩy nhanh quá trình dân chủ hoá đất nước (hoặc giả vờ cũng tạm được). Một nước Việt Nam mang hoài bão dân chủ, có các thực hành dân chủ, thân phương Tây, ở ngay sát đít là nỗi sợ lớn vô cùng của Tầu, và Tầu sẵn sàng nhượng bộ để Việt Nam không xuất khẩu mô hình dân chủ sang Tầu. 

Tình huống đó dẫu giờ không tưởng trong hoàn cảnh nhân sự cao cấp Việt Nam giờ cũng phải có ý kiến của Tầu nhưng về lâu dài là cách thức duy nhất Việt Nam có thể đối chọi với Tầu. Người ta chỉ có thể khuất phục Tầu bằng lòng quả cảm, tính cương cường chứ không phải bằng sự bả lả nhễu nhại của gái điếm. 

Vào lúc này và có lẽ từ lúc này trở đi Việt Nam sẽ luôn luôn dưới cơ Tầu về mọi mặt và vì thế lại càng phải sớm đe dọa sự tồn vong của chế độ ở Tầu để bất chiến tự nhiên thành thay vì cứ để Tầu lợi dụng sự phụ thuộc của chế độ ta lên họ để muốn lấy gì của ta, làm gì ta thì làm. Không đánh nhau vì yếu hơn không có nghĩa là ngồi yên chịu nhục.



No comments:

Post a Comment

View My Stats