Ngô Nhân
Dụng
Tuesday, May 06, 2014 6:49:57 PM
Một bạn đọc viết thư phê bình dùng hai chữ “nội chiến” là không thích hợp, trong bài Bình Luận viết nhân ngày 30 Tháng Tư trên báo này, nhắc lại cảnh kết thúc hai cuộc nội chiến ở Mỹ (thế kỷ 19) và tại Việt Nam (thế kỷ 20). Ðây là một đề tài đáng thảo luận cho rõ.
Ðảng Cộng sản Việt Nam xưa nay vẫn từ chối, không
dùng hai chữ “nội chiến.” Họ cấm không ai được dùng hai chữ đó khi nói tới cuộc
chiến tranh Nam Bắc từ năm 1959 đến 1975. Chúng tôi đã dùng chữ “nội chiến.” Lý
do không phải vì muốn khác đảng Cộng sản, mà vì khi nhìn một cách khách quan,
cuộc chiến 16 năm đó, một cuộc chiến giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam, đúng là
nội chiến. Chẳng khác gì những cuộc chiến giữa quân Cộng sản của Mao Trạch Ðông
và quân Quốc Dân Ðảng của Tưởng Giới Thạch, quân Nam Hàn và quân Bắc Hàn, cũng
đều là nội chiến. Không phải chiến tranh chống người nước ngoài, mà giữa người
Việt Nam với nhau.
Ðảng Cộng sản muốn tuyên truyền với dân miền Bắc,
bắt mọi người phải gọi tên cuộc chiến là “chiến tranh chống Mỹ cứu nước;” cho
nên họ không cho phép dùng hai chữ “nội chiến.” Gọi đó là nội chiến tức là cũng
tố cáo đảng Cộng sản gây ra cuộc tương tàn. Một người từng “phạm húy” là Trịnh
Công Sơn. Bài hát Gia Tài Của Mẹ mở đầu bằng mấy câu:
“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu - Một trăm năm đô hộ giặc Tây - Hai mươi năm
nội chiến từng ngày...”
Khi ca khúc trên được phổ biến rộng rãi, dân miền
Nam hát đến hai chữ “nội chiến” thì thấy đó là chữ bình thường. Ðây là một cuộc
nội chiến, quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị đánh nên chống cự. Nhưng đảng Cộng sản
không chấp nhận lối nhìn đó. Các cán bộ nằm vùng đã kết tội Trịnh Công Sơn khi
dùng hai chữ “nội chiến.” Trong đoạn cuối bài hát, Trịnh Công Sơn kể tâm sự của
bà mẹ, kết thúc bằng lời kêu gọi:
“Mẹ mong con mau bước về nhà, Mẹ mong con lũ con đường xa - Ôi lũ con
cùng cha, quên hận thù!”
Gọi tên những người đang giết nhau trên chiến trường
là “lũ con cùng cha” và mong họ hãy “quên hận thù,” tức là bà mẹ của nhạc sĩ
xác định cuộc chiến tranh này là huynh đệ tương tàn. Trước Trịnh Công Sơn, trong
trường ca Mẹ Việt Nam, Phạm Duy cũng kết thúc bài “Những dòng sông chia rẽ” với
lời nhắn nhủ:
“Lũ con lạc lối đường xa - Có con nào nhớ mẹ ta thì về.”
Những lời mẹ nói với “lũ con lạc lối đường xa” và
kêu gọi chúng “mau bước về nhà” bị các cán bộ cộng sản coi là phụ họa theo
chiến dịch “chiêu hồi” của chính phủ miền Nam. Ðề tài Mẹ rất được dân miền Nam
tha thiết. Gia Tài Của Mẹ là tựa đề một cuốn truyện của Dương Nghiễm Mậu xuất
bản cùng thời gian với trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy, mấy năm trước khi
Trịnh Công Sơn viết bài ca cùng tựa đề. Trong thời gian đó, Bộ Chiêu Hồi vẫn
dùng hình ảnh “Tung cánh chim tìm về tổ ấm” khi giới thiệu những cán bộ và sĩ
quan miền Bắc thay đổi ý kiến, buông súng, trở về cuộc sống bình thường, như ca
sĩ Ðoàn Chính, Thượng tá Tám Hà, vân vân.
Hai chữ “nội chiến” khiến Trịnh Công Sơn bị lên án
và bị đe dọa. Một cán bộ cộng sản nằm vùng ở Sài Gòn trong thời gian đó đã kết
tội Trịnh Công Sơn khi gọi cuộc “chiến tranh chống Mỹ cứu nước” của họ là nội
chiến. Anh thề trước mặt mọi người, rằng “khi cách mạng thành công” người đầu
tiên anh sẽ đem xử tội là Trịnh Công Sơn. Chỉ vì hai chữ nội chiến. Ðó là chưa
kể nhạc sĩ còn nhắc nhở đến “ngàn năm nô lệ giặc Tàu” trong khi cộng sản ở
ngoài Bắc và trong Nam mỗi lần nhắc đến Trung Quốc là phải thêm hai chữ “Vĩ
đại!” Và họ dạy dân hát bài Ðông Phương Hồng ca ngợi Mao Trạch Ðông! Bây giờ họ
vẫn còn ôm lấy 16 chữ vàng và bốn tốt, có ai dám nhắc nhở cảnh “nô lệ giặc Tàu”
đâu? Chúng tôi không muốn nêu tên người cán bộ nội thành đã tuyên án Trịnh Công
Sơn, không muốn con cháu anh bị ảnh hưởng, vì gần nửa thế kỷ đã trôi qua, cả
hai đã qua đời cả rồi. Hơn nữa, trước khi từ giã cõi đời chính anh cán bộ này
đã tỉnh ra, công khai tuyên bố rút ra khỏi đảng Cộng sản, hăng hái tham gia
cuộc tranh đấu đòi dân chủ tự do. (Ai muốn biết chuyện này rõ hơn có thể hỏi
họa sĩ Hồ Thành Ðức, người đã nghe lời đe dọa đó, và hiện còn sống rất lâu).
Tại
sao Bộ Chính Trị Cộng sản kiêng kị hai chữ “nội chiến” như vậy? Vì họ cần đưa hàng triệu thanh niên miền Bắc vào chiến trường trong Nam.
Họ biết không thể thúc đẩy người ta đi vào cõi chết chỉ vì muốn theo Liên Xô,
Trung Quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội toàn thế giới. Cho nên phải khích động
tinh thần yêu nước người miền Bắc, kêu gọi thanh niên đi đánh miền Nam để chống
đế quốc Mỹ. Mặc dù những năm từ 1959 đến 63, dân miền Nam chưa thấy bóng lính
Mỹ, trong khi 40,000 quân Mỹ đang đóng ở Nam Hàn, 50,000 nay vẫn đóng ở Nhật
Bản. Suốt những năm chiến tranh, Cộng sản tuyên truyền đồng bào ngoài Bắc rằng
miền dân Nam đang bị Mỹ đô hộ, bị Mỹ bóc lột, dân đói khổ. Sau ngày 30 Tháng Tư
năm 1975, nhiều người từ Bắc vào thăm họ hàng trong Nam đã dành dụm, chắt bóp,
mang theo từng túi gạo, từng chai nước mắm, cho đến mấy đôi đũa và cái bát ăn
cơm, tưởng rằng mình sẽ giúp đỡ anh chị em đói khổ vì bị Mỹ bóc lột. Từ đó tới
này, dân Nam Hàn, dân Nhật Bản đã bị Mỹ bóc lột ra sao?
Sau năm 1975 thì chính đồng bào miền Bắc cũng nhìn
ra sự thật. Nhà văn Dương Thu Hương đã ngồi xuống lề đường Sài Gòn mà khóc. Bây
giờ, bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản không còn nhắc đến khẩu hiệu “chống
Mỹ cứu nước” nữa. Vì ai cũng thấy trong một thế giới chia rẽ, muốn chọn lựa
đồng minh thì chọn nước Mỹ vẫn an toàn và khôn ngoan hơn là chọn Liên Xô và
Trung Quốc.
Trong cuộc nội chiến Việt Nam, bên nào cũng có đồng
minh. Vì cuộc chiến tranh đó chỉ là một bộ phận trong cuộc tranh chấp giữa hai
khối tư bản và cộng sản. Nước Việt Nam không may bị lôi cuốn vào cuộc chiến
quốc tế đó, vì chính trong nước mình đã chia rẽ. Từ năm 1930 trong phong
trào chống Pháp đã phát sinh hai khuynh hướng: quốc gia và quốc tế. Ðảng
Cộng sản chọn theo đường quốc tế, theo ông Stalin, ông Mao Trạch Ðông làm cách
mạng giải phóng cả nhân loại. Các đảng phái như Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt, và các
nhà ái quốc từ Phan Bội Châu đến Nguyễn Thái Học; rồi sau này tới giáo chủ
Huỳnh Phú Sổ, các nhà văn Khái Hưng, Nhượng Tống, Nguyễn Tường Tam, Phan Văn
Hùm, đều đặt dân tộc, quốc gia lên trên các chủ nghĩa. Ðảng Cộng sản không thể
chấp nhận các đảng phái quốc gia tồn tại, vì trái với đường lối chuyên chính vô
sản của Stalin và Mao Trạch Ðông. Cho nên một cuộc “nội chiến” đã bắt đầu gây
mầm từ 1930, đã đổ máu từ trước năm 1945.
Sau khi Ðại Chiến Thứ Hai chấm dứt, hai khối tư bản
và cộng sản cạnh tranh khắp thế giới, một bên là Nga Xô, bên kia là Mỹ và các
nước Tây Âu. Trong nhiều dân tộc cũng chia rẽ thành hai khuynh hướng quốc tế và
quốc gia, ngay trong lúc còn đang tranh đấu đuổi thực dân, giành độc lập.
Indonesia, Philippines, Ấn Ðộ, Miến Ðiện, Mã Lai, vân vân, đều có đảng Cộng
sản. Các đảng cộng sản khác yếu thế, chỉ có đảng ở nước ta đủ mạnh và đủ nhẫn
tâm, tàn bạo, sẵn sàng tiêu trừ các người không cùng ý kiến. Cuộc tấn công miền
Nam nhắm biến toàn thể đất nước thành một phần của thế giới cộng sản. Các nước
Nga, Tàu thì chỉ muốn chống Mỹ, bất cứ cách nào, cho tới người Việt Nam cuối
cùng.
Cũng trong thời gian đó, nhiều nước cũng chia đôi.
Nhưng Trung Cộng không tấn công Ðài Loan, Ðông Ðức không đánh Tây Ðức. Chỉ có
chiến tranh ở Cao Ly và Việt Nam mà thôi. Kim Nhật Thành đánh Nam Hàn vì được
Stalin khuyến khích, sau khi đã phong tỏa vùng Tây Berlin nhưng thất bại. Gây
chiến ở Hàn Quốc sẽ buộc Mỹ phải lo hai mặt trận, ở Châu Âu sẽ yếu đi. Cộng sản
Việt Nam gây ra cuộc chiến, biết chắc sẽ được cả Nga và Trung Cộng ủng hộ; vì
lúc đó cả hai nước đều đang muốn Mỹ gặp khó khăn khắp nơi, để giúp các đảng
cộng sản ở thế giới thứ ba phát triển mạnh hơn. Trong thập niên 1960, hàng
trăm “mặt trận giải phóng” được Nga và Trung Cộng giúp nổi lên khắp thế giới.
Cuộc chiến giữa hai khối tư bản, cộng sản diễn ra ở
nước ta, cũng vì trong nội bộ người Việt Nam đã chia ra hai khuynh hướng, từ
thập niên 1930. Nếu người Việt không bất đồng ý kiến, hoặc nếu tất cả mọi người
Việt chấp nhận sống chung với những người có ý kiến khác mình, không ai muốn
chiếm độc quyền cai trị, thì không nước ngoài nào xúi giục giết lẫn nhau được.
Sẽ không có cuộc chiến tranh 1959-1975. Cho nên phải gọi đó là một cuộc nội
chiến. Ở nhiều nước, như Ấn Ðộ, đảng Cộng sản vẫn hoạt động nhưng họ không đủ
lực gây chiến tranh. Họ vẫn tranh cử, thắng cử tại nhiều tiểu bang, và ganh đua
trong việc cai trị cho dân khá giả hơn. Khi thất cử, họ trở về với thế đối lập.
Cộng sản Ấn Ðộ chấp nhận luật chơi dân chủ, cho nên nước họ không có nội chiến.
Ðảng Cộng sản Nhật Bản cũng giống như vậy.
Từ năm 1930, ý kiến bất đồng chính yếu giữa hai phe
quốc gia và quốc tế là xây dựng đất nước sau khi đuổi được thực dân Pháp theo
cách nào. Ðảng cộng sản chọn theo lối Nga, Trung Cộng, còn các đảng phái quốc
gia chỉ muốn tổ chức một xã hội bình thường, học hỏi dần dần từ kinh nghiệm của
các nước tiến bộ. Riêng Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã chọn chủ nghĩa của Tôn Trung
Sơn. Lựa chọn quan trọng nhất là chọn các mô hình kinh tế và chính trị. Ðảng
Cộng sản muốn theo Stalin, Mao Trạch Ðông làm kinh tế tập trung, chỉ huy; về
chính trị thì chủ trương độc tài chuyên chính. Các đảng phái quốc gia không
đồng ý. Từ năm 1945 khi giành được độc lập cho tới 1975, một quyết định quan
trọng khác là chọn đồng minh. Ðảng Cộng sản chọn Nga và Tàu. Phía quốc gia chọn
các nước dân chủ Tây phương. Các nước đồng minh cũng chỉ lo quyền lợi của chính
họ. Nhưng giữa hai nước Mỹ với Tàu, nước nào là mối đe dọa nguy hiểm cho dân
tộc Việt Nam hơn? Ðến nay, chúng ta đã thấy lựa chọn nào là khôn ngoan. Từ 1954
đến 1975, không ai ở miền Nam tự coi mình đóng vai “chiến đấu để thực hiện chủ
nghĩa tư bản,” mà chỉ đánh vì phải tự vệ. Không ai tự khoe mình cùng với một
nước khác (như Cuba) thay phiên“canh gác cho hòa bình thế giới.” Chấp nhận cuộc
chiến tranh là bất đắc dĩ, vì phải tự vệ. Chỉ có đảng Cộng sản, theo một chủ
nghĩa quốc tế, cuồng tín như theo một tôn giáo, mới bắt dân Việt đóng vai trò
“tiên phong” trong cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới.
Trong thời chiến tranh, đảng Cộng sản Việt Nam đưa
ra chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” che đậy mục đích chính là đưa cả nước “tiến
lên chủ nghĩa xã hội.” Vì họ coi đó chính là cứu nước. Ðể đánh lừa người dân,
họ giải thích bằng khẩu hiệu “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.” Không ai được
yêu nước theo cách nào khác. Ðó chính là thảm họa của dân tộc.
Cuộc nội chiến Việt Nam đã chấm dứt. Không ai muốn
tái diễn. Cuộc chiến đấu hiện nay còn diễn ra giữa dân Việt Nam và một nhóm
băng đảng chiếm độc quyền tham nhũng, thối nát và bất tài. Những người tranh
đấu dân chủ ở nước ta hiện nay đang thực hiện giấc mộng của những chiến sĩ quốc
gia thời xưa, từ Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh, Huỳnh Phú
Sổ, Nguyễn Tường Tam. Cuộc nội chiến đã qua, bây giờ là một cuộc chiến đấu
của người Việt Nam đòi được sống tự do dân chủ.
No comments:
Post a Comment