Wednesday, 7 May 2014

HOA KỲ : TRUNG QUỐC ĐƯA GIÀN KHOAN VÀO BIỂN VIỆT NAM LÀ HÀNH ĐỘNG KHIÊU KHÍCH (Người Việt Online)




Người Việt
Wednesday, May 07, 2014 12:09:02 AM

WASHINGTON DC (NV) .- Hoa Kỳ hôm Thứ Ba lên án việc Trung quốc loan báo đưa dàn khoan tới vùng biển tranh chấp với Việt Nam là hành động khiêu khích.

“Trung Quốc quyết định đưa dàn khoan tới hoạt động ở vùng biển tranh chấp là khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì ổn định và hòa bình ở khu vực.”

Bà Jen Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói như vậy trong cuộc họp báo chiều Thứ Ba 6/5/2014 tại Hoa Thịnh Đốn.

Theo bà, Hoa Kỳ đang theo dõi sát các diễn biến liên quan đến vụ việc một cách cẩn thận. Bà kêu gọi các bên tranh chấp phải xác định rõ rệt tuyên bố chủ quyền dựa trên luật lệ quốc tế và phải cùng nhau thỏa thuận những loại hoạt động nào thì được phép ở những chỗ còn tranh cãi.

Nhà cầm quyền Hà Nội sau khi phản đối hành động của Trung Quốc bằng một công hàm, đã cho hay, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh, chiều ngày 6/5/2014, gọi điện thoại trực tiếp cho ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc Vụ Trung Quốc phụ trách ngoại giao

“Tại cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.” TTXVN thuật lại lời ông Phạm Bình Minh.

Hãng thông tấn chính thức của Hà Nội thuật lại lời của ông Phạm Bình Minh là “Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam.”

Qua đó, Việt Nam “không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này.”

Trên bản tin của TTXVN, người ta còn thấy phía Hà Nội tuy nói “Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình” nhưng lại vội vàng cho biết “Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, phù hợp với các quy định và thực tiễn Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, không để vấn đề này tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa hai bên.”

TTXVN và các tờ báo ở Việt Nam không hề cho biết ông Dương Khiết Trì trả lời ra sao, nhưng hôm 6/5/2014, Tân Hoa Xã có bản tin tường thuật lại lời của ông ta đối đáp với ông Phạm Bình Minh. Trong đó, ông Dương Khiết Trì được thuật lời “kêu gọi phía Việt Nam ngừng quấy nhiễu các hoạt động của các công ty Trung quốc ở khu vực quần đảo Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Tân Hoa Xã thuật lại lời ông ta nói với ông Phạm Bình Minh là “quần đảo Tây Sa là một phần lãnh thổ Trung quốc và không có tranh chấp” tức trái hoàn toàn với quan điểm của Việt Nam. Ông ta đe dọa rằng hành động “quấy nhiễu các hoạt động bình thường của các công ty Trung Quốc là vi phạm trầm trọng chủ quyền Trung Quốc và đi ngược lại các sự đồng thuận giữa hai bên về sự ổn định an ninh trên biển”.

Tân Hoa Xã còn nói rằng ông Dương Khiết Trì kêu gọi ngừng ngay lập tức các hành động quấy nhiễu và sửa sai hành động vì mối quan hệ chung giữa hai nước. Tân Hoa Xã còn nói rằng thứ trưởng Ngoại giao Trung quốc Lưu Chấn Minh cũng cho triệu tập đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, ông Nguyễn Văn Thọ, tới để đưa ra các lời phản đối tương tự.

Tại Hongkong, nơi ông đang có mặt ở đây trước khi đến Việt Nam vào ngày 7/5/2013, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cho hay Hoa Kỳ đang theo dõi vấn đề và kêu gọi các phía liên quan nên thận trọng.

“Chúng tôi tin rằng các nước tranh chấp cần kềm chế và thận trọng.” Ông Russel nói với hãng thông tấn Reuters. “Nền kinh tế thế giới đang còn quá yếu, sự ổn định khu vực vô cùng quan trọng nên đừng vì lợi ích kinh tế ngắn hạn mà làm cho nguy hiểm”.

Khu vực mà Công ty Dầu Khí Hải Dương Trung quốc dự trù đặt dàn khoan nằm giữa hai lô 142 và 143 của Việt Nam, đối diện với tỉnh Quảng Ngãi. Tọa độ loan báo cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý (hay 221 km) và nằm sâu trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam 80 hải lý (hay 148 km).

Giáo sư Carl Thayer, chuyên viên các vấn đề về Việt Nam của Học viện quốc phòng Hoàng gia Úc, cho rằng khi dàn khoan Trung Quốc hoạt động tại đó, rất khó cho Việt Nam thay đổi được tình hình. Ông cho rằng Việt Nam cần dựa vào luật lệ quốc tế và cũng phải rút các bài học từ cách đối phó của Philippines trước hành động bá quyền của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam không nên phản ứng ngay là sẽ làm gì và cũng phải vận dụng sự đồng thuận của một số nước, kêu gọi họ tham gia vào vấn đề tranh chấp này cũng như tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình.

Ông Carl Thayer cảm thấy bất ngờ vì vụ việc xảy ra ở giai đoạn mà ông thấy mối quan hệ giữa hai nước Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc “những năm gần đây rất tốt, thậm chí là ở mức cao”.

Năm 2011, Việt Nam và Trung quốc đã ký một bản cam kết giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình như đã giải quyết trước đây về các tranh chấp phân định vùng biển Bắc bộ. Năm ngoái, khi ông chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang tới Bắc Kinh, bản tuyên bố chung ông ký với chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình cũng nhắc tới những lời đẹp đẽ ôn hòa cũ.

Giờ sự việc đang diễn ra mà Việt Nam phản đối, dư luận quần chúng sôi sục. Nhà cầm quyền Bắc Kinh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo bắn tiếng “cho Việt Nam bài học” nếu cản trở chuyện tìm kiếm dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (TN)



No comments:

Post a Comment

View My Stats