Monday, 19 May 2014

NHỮNG NGƯỜI BỊ ĐÀN ÁP KHI BIỂU TÌNH LÊN TIẾNG (Gia Minh - RFA)




Gia Minh, biên tập viên RFA
2014-05-19

Vào ngày chủ nhật 18 tháng 5, nhiều người dân bất bình về chuyện Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam tiếp tục xuống đường biểu tình. Tuy nhiên họ đã bị một lực lượng đông đảo công an, an ninh … trấn áp, bắt giữ và ngay cả hành hung để không thể tiến hành biểu tình.

Một blogger trẻ được nhiều người biết đến trong các hoạt động vì dân chủ- nhân quyền và chống hành động gây hấn, xâm lược của Trung Quốc là Blogger Gió Lang Thang, tên thực Trịnh Anh Tuấn, là một trong những thanh niên bị bắt tại Sài Gòn trong ngày 18 tháng 5 vừa qua.

Sau thời gian bị bắt giữ và trở về anh cho biết lại sự việc như sau:
"Ngày hôm qua khi tôi vừa ra khỏi chỗ gần Nhà Thờ Đức Bà, nhiều người đang tụ tập đứng đó và chưa có biểu tình gì hết, tôi đã bị phía Công an mời lên xe và giam tại Công an Quận 1. Họ thẩm vấn hỏi rất nhiều thứ và giữ đến hơn 30 giờ đồng hồ đến 6 giờ chiều hôm nay họ mới thả tôi ra.
Ước lượng bị bắt vào đồn Công an Quận 1 khoảng 50 người. Một số người mới đi biểu tình thì họ làm việc chung và đến chiều thả hết, nhưng tôi và ba người bạn nữa, tổng cọng 4 người bị họ giữ qua đêm đến tận ngày hôm sau họ mới thả.
Tôi bị một số vào đánh đập, tát. Tài sản cá nhân của tôi họ xâm phạm. Họ dùng máy móc thiết bị tháo tung máy tính của tôi ra, giờ máy tính của tôi bị hư. Họ yêu cầu mở password điện thoại và một số đồ dùng cá nhân khác, nhưng tôi không đồng ý thì họ dùng bạo lực với tôi. Tôi rất cương quyết phản đối hành động, việc làm của họ vi phạm trắng trợn pháp luật vì họ là những người thực thi pháp luật mà họ không thi hành đúng pháp luật, ngược lại hành động và thái độ của họ rất côn đồ và hung hãn. Tôi nói thẳng với họ rằng những việc làm của họ rất côn đồ."

Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng ở Hà Nội cũng nằm trong số bị bắt trong ngày 18 tháng 5 do xuống đường biểu tình chống Trung Quốc. Ông trình bày lại việc bị bắt giữ đối với bản thân ông:
"Hôm qua tôi có đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Khi mới đến Đại sứ quán Trung Quốc đoạn Điện Biên Phủ cắt nhau với Hoàng Diệu, tôi xuống xe buýt và mới đi được mấy chục mét, xe công an lao tới và mấy người xuống chặn đường tôi nói ‘mời anh đi với chúng tôi’. Tôi nói ‘sao lại có chuyện thế này?’. Họ nói mời tôi đi để tránh chuyện bọn xấu lợi dụng.
Tôi bảo tôi từng tuổi đầu này rồi mà ai lợi dụng được tôi! Các anh ấy bảo trong tình huống bất ngờ xảy ra thì trở tay không kịp. Thế là mấy người xốc tôi lên xe. Họ chở đi loanh quanh một số phường xong rồi về phường Kim Mã. Tôi ở đấy đến khoảng 6,7 giờ tối thì có mấy người đến làm biên bản. Tôi nói không có biên bản gì cả vì mấy anh mời tôi về đây để tránh ‘bọn xấu’ lợi dụng, đến khi nào hết bọn xấu lợi dụng thì các anh trả tự do cho tôi. Còn nếu không trả tự do cho tôi, thì không có bất cứ biên bản nào cả. Sau đó, các anh xin ý kiến cấp trên và đưa tôi về số 7 Thuyền Quang. Về đó tôi thấy có một số anh em bị bắt giữ ở đó . Có chị Dương thị Xuân và 5 người trẻ đi biểu tình yêu nước bị đưa về đó.
Đến nửa đêm họ đưa ra một biên bản Vi phạm Hành chính. Tất cả chúng tôi đều không ký bởi vì mọi người đều có lý do. Riêng tôi, tôi nói các anh mời tôi để tránh bọn xấu lợi dụng, về đây các anh lại đưa biên bản phạt Vi phạm Hành chính. Tôi vi phạm hành chính gì mà các anh phạt tôi; nên tôi không bao giờ ký vào biên bản đó cả. Hai nữa gọi mấy anh mời tôi đến đây. Chứ các anh giao cho cơ sở để cơ sở làm chuyện này, tôi rất bất bình!
Cho đến sáng nay, khoảng 9 giờ, Cơ quan An ninh Điều tra đến làm việc. Họ đưa camera quay và thẩm vấn tôi, tôi nói thế này: tôi là người đàng hoàng, tôi cho các anh quay; thế nhưng trước hết việc này tôi cảm thấy không đúng và gây bức xúc cho tôi. Lý do vì các anh mời tôi đến nhà và vác camera thẩm vấn tôi. Tất nhiên tôi không sợ, tôi sẵn sàng trả lời cho các anh quay. Còn về biên bản tôi không ký bất kỳ gì cả. Các anh cũng cần mở camera ra cho tôi xem tôi nói những gì trong đó, thế thôi!
Đến chiều họ muốn chúng tôi về nhưng phải làm biên bản, tức cam kết không đi biểu tình nữa. Chúng tôi cũng không đồng ý. Họ lại ghi thông điệp của thủ tướng, và nói chúng tôi thống nhất và ký vào. Tôi nói rằng ‘thông điệp bảo không được biểu tình trái pháp luật’, chứ không cấm biểu tình. Còn trái pháp luật thế nào thì cho tôi biết cụ thể. Nếu thủ tướng không muốn cho nhân dân biểu tình thì thủ tướng ra quyết định cấm biểu tình, tôi sẽ sẵn sàng chấp hành. Tôi nói thực ra luật biểu tình chưa có, mà trong Hiến pháp có quyền tự do về biểu tình, nhưng luật chưa có nên tôi không thể ký cam kết của các anh được. Nếu chúng tôi cam kết vào đó, thì luật ‘mù mờ’ khi chúng tôi ra khỏi nhà có thể bị các anh mời và làm đối với chúng tôi như những ngày hôm nay. Chúng tôi cương quyết không ký nên họ phải chịu. Đến lúc khoảng 3 giờ 15 phút, họ trả tự do cho tôi và chị Dương Thị Xuân. Khoảng một tiếng sau, họ trả tự do cho thêm 3 thanh niên trẻ nữa, đến khoảng 5 giờ họ trả tự do nốt cho một thanh niên cuối cùng."

Những người như blogger Gió Lang Thang và thầy giáo Vũ Mạnh Hùng lâu nay sử dụng các mạng xã hội như facebook, blog để bày tỏ chính kiến của bản thân. Họ lên án tham nhũng, đòi hỏi chính quyền phải cải cách triệt để nhằm giúp đất nước phát triển, cũng như phải cương quyết chống sự bành trướng của Trung Quốc.

Dù bị bắt do đi biểu tình nhưng những người như thầy giáo Vũ Mạnh Hùng cho biết nếu phía Trung Quốc không thay đổi thái độ, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì họ vẫn tiếp tục biểu tình và yêu cầu chính quyền Hà Nội đưa vụ việc ra quốc tế.



No comments:

Post a Comment

View My Stats