Ngô Nhân
Dụng
Friday, May 09, 2014 6:40:31 PM
Ðảng
Cộng sản Trung Hoa mang giàn khoan tới ngự giữa vùng biển nước ta, khi bị phản
đối thì họ làm như không nghe, không hiểu; rồi chính họ lại la làng. Trong một
cuộc nói chuyện ở cấp cao nhất, giữa các bộ trưởng ngoại giao; khi ông Phạm
Bình Minh gọi điện thoại cho ông Dương Khiết Trì than phiền về việc công ty
CNOOC chiếm ngự vùng biển Việt Nam, Dương Khiết Trì đã “kêu gọi phía Việt Nam
ngừng quấy nhiễu các hoạt động của các công ty Trung quốc ở khu vực quần đảo
Tây Sa,” theo bản tin Tân Hoa Xã. Người Việt Nam gọi đó là “Vừa cướp vừa la
làng;” hoặc “Vừa đánh trống vừa ăn cướp.”
Trung Cộng đã chiếm Hoàng Sa từ năm 1974, người
Trung Hoa đặt tên là Tây Sa. Ông Dương Khiết Trì còn dạy dỗ ông Phạm Bình Minh
rằng: “Quần đảo Tây Sa là một phần lãnh thổ Trung Quốc và không có tranh chấp ở
đó.” Trong khi ông Dương Khiết Trì trách mắng người Việt Nam “quấy nhiễu” công
việc làm ăn của công ty CNOOC thì Hoàn Cầu Thời Báo, một cơ quan ngôn luận của
Cộng sản Trung Hoa lên tiếng đe dọa sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học” nếu cản
trở chuyện tìm kiếm dầu của CNOOC.
Năm 1979, Trung Cộng đã “dạy cho Việt Nam một bài
học” một lần rồi; sau khi ông Lê Duẩn dại dột theo Nga chống Tàu. Không những
thế, Lê Duẩn còn dại dột sửa Hiến Pháp, hung hăng xác nhận ngay trong lời nói
đầu rằng Trung Quốc (cùng với Pháp, Mỹ) là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt
Nam. Trên thế giới chưa có một quốc gia nào ngu ngốc đến mức kể tên các quốc
gia thù nghịch công khai ngay trong bản Hiến Pháp như vậy.
Nhưng đám con cháu của ông Lê Duẩn bây giờ thì ngược
lại, lúc nào cũng nhún nhường, nếu không phải là khúm núm khi đối diện với
thiên triều. Trước cảnh vùng biển nước mình bị xâm phạm trắng trợn, ông Phạm
Bình Minh vẫn còn xác định “...luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết
thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác
theo đúng nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước...” Ðàm phán, đối thoại
thế nào được khi người đối diện hoàn toàn không nghe mình nói gì cả? Trước cảnh
chiến thuyền Trung Cộng kèm sát hai bên, đâm thẳng vào tàu cảnh sát biển của
nước mình, ông Phạm Bình Minh vẫn còn nhấn mạnh đến những chữ “tin cậy, hợp
tác;” chỉ dám than phiền rằng hành động cướp biển này “ảnh hưởng tiêu cực đến
sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước!” Trong lúc toàn dân phẫn
nộ, hô nhau đi biểu tình, thì ông bộ trưởng ngoại giao chỉ dám nói đến mối lo
“tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam.” Còn công an của chế độ thì vẫn lo
bắt giam Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Ðối với dân thì đàn áp, với ngoại bang
thì run rẩy.
Thái độ nhún nhường, rụt rè như “gà phải cáo” này
chắc chắn không có hiệu quả. Không những thế, còn làm cho đối phương khinh
thường và làm tới nữa. Ðảng Cộng sản Việt Nam đã chịu nhịn nhục như vậy từ năm
1992, khi Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Ðồng kéo nhau sang Thành Ðô xin quy phục,
mong được tha thứ cho những lầm lỗi đã phạm thời Lê Duẩn.
Trong các vụ tranh chấp ở Biển Ðông, thay vì liên
kết với các nước Ðông Nam Á khác để đối phó với Trung Cộng, Cộng sản Việt Nam
lại hoàn toàn theo đường lối của Bắc Kinh là chỉ thương thuyết giữa hai nước mà
thôi. Trong hai năm qua, Trung Cộng đã cướp những hòn đảo của Philippines và
Malaysia; thay vì phản ứng tập thể cùng hai quốc gia đồng hoạn nạn, hoặc ít
nhất lên tiếng bày tỏ mối quan tâm, chính quyền Hà Nội hoàn toàn im tiếng. Năm
nay, khi Philippines làm đơn kiện “Ðường Chín Ðoạn” của Trung Quốc trước tòa án
quốc tế, Manila yêu cầu hỗ trợ nhưng Hà Nội vẫn làm ngơ! Thái độ “cháy nhà hàng
xóm bình chân như vại” này đưa tới hậu quả bây giờ. Không một nước nào lên
tiếng bênh vực nước ta khi bị Trung Cộng bắt nạt trắng trợn. Không những “bình
chân như vại” khi các nước láng giềng bị Trung Cộng đè nén, chính quyền cộng
sản còn cúi đầu nhịn nhục ngay cả khi ngư dân Việt mình bị người Trung Quốc
cướp, phá. Thay vì rút đại sứ của mình về nước và gọi đại sứ Trung Quốc đến
mắng vào mặt, chính quyền Hà Nội lại chỉ phản đối nhẹ nhàng ở cấp thấp nhất,
làm như các hành động cướp bóc, xâm lấn đó chỉ là những xung đột địa phương.
Chắc chắn giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng như dân chúng Trung Hoa coi thái độ chịu
nhịn nhục nhã này là dấu hiệu yếu ớt, yếu ớt và hèn hạ. Tự nhiên, họ phải tiếp
tục “được đằng chân lân đằng đầu;” đưa tới cảnh CNOOC lộng hành.
Phải chấm dứt thái độ cúi đầu, ngậm miệng nhục nhã
đó.
Hành động đầu tiên mà chính quyền Hà Nội có thể làm
được là chấm dứt không tuân theo đường lối thương thuyết song phương, một chiến
thuật chia rẽ các đối thủ của Bắc Kinh. Phải xin tòa án thế giới xét xử các vấn
đề tranh chấp do công ty CNOOC mới gây ra. Dù Bắc Kinh không chịu ra tòa đối
chất, nhưng hành động này sẽ đặt họ vào thế yếu. Nhất là khi cuộc tranh chấp
diễn ra ở mức độ căng thẳng hơn, có thể đổ máu, thì trước dư luận thế giới Việt
Nam sẽ ở thế mạnh hơn.
Ðưa đơn kiện chính quyền Bắc Kinh và công ty CNOOC
là một cách phủ nhận lời nói của ông Dương Khiết Trì, khi ông ta nói rằng
“không có tranh chấp” ở quần đảo Hoàng Sa. Ðây là một câu nói rất quan trọng,
cần phải bác bỏ ngay, và bác bỏ một cách cương quyết; để đặt trên bàn một căn
bản pháp lý có lợi cho nước mình.
Dương Khiết Trì nhấn mạnh rằng, “Quần đảo Tây Sa là
một phần lãnh thổ Trung Quốc và không có tranh chấp ở đó,” vì một lý do: Luật
biển quốc tế xác định khi một vùng biển đang ở trong tình trạng tranh chấp giữa
nhiều quốc gia thì không nước nào được phép khoan dầu khí trong đó.
Bây giờ, người Việt Nam phải chứng tỏ cho cả thế
giới thấy và hiểu rằng quần đảo Hoàng Sa, bản đồ thế giới gọi là Paracels, đã
là một vùng “có tranh chấp” từ năm 1974 đến nay. Cho nên, việc công ty CNOOC
đem giàn khoan tới đó là bất hợp pháp.
Chứng minh Paracels đang nằm trong vòng tranh chấp
không phải là việc khó. Trung Cộng đã đem chiến thuyền tới chiếm quần đảo này
vào Tháng Giêng năm 1974. Các nhân chứng vẫn còn sống. Các tờ báo quốc tế loan
tin này vẫn còn đầy trong các thư viện. Phim ảnh cũng sẵn đó, đầy trên các
mạng, kể cả phim chiếu cảnh những tù binh Việt Nam Cộng Hòa được Trung Cộng trả
về nước. Dù chính quyền Bắc Kinh không chịu ra trước tòa, Việt Nam vẫn có thể
trình bày tất cả các bằng chứng trên trước tòa án và trước dư luận thế giới. Dù
các trọng tài không xác định ngay rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước ta, thì ít
nhất cũng phải công nhận đây là một vùng biển đang có tranh chấp. Một khi đã
xác định tính chất tranh chấp rồi, thì mọi hành động của CNOOC hay các công ty
Trung Quốc khác ở vùng này đều bất hợp pháp.
Không những thế, trước tòa án và dư luận quốc tế,
địa điểm mà CNOOC đang bố trí giàn khoan HD-981 trong “lô 143” ở vùng biển
Paracels rõ ràng là bất hợp pháp, ngay cả khi giả thiết rằng quần đảo Paracels
có thể thuộc quyền của Bắc Kinh. Vì “lô 143” này hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa 120 hải lý từ bờ biển tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam.
Trong khi đó, giàn khoan HD-981 cách đảo Tri Tôn hơn 18 hải lý. Mà theo Quy ước
Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UN Convention on the Law of the Sea) thì “hải
phận” của các hòn đảo nhỏ không người ở như thế chỉ được kể là bao gồm vùng
biển chung quanh cách hòn đảo 12 hải lý mà thôi. Nghĩa là dù Bắc Kinh cố bám
lấy ý kiến “Quần đảo Tây Sa là một phần lãnh thổ Trung Quốc” thì việc khai thác
HD-981 cũng bất hợp pháp, vì nó ở xa hòn đảo tới 18 hải lý.
Tóm lại, trước khi bàn tới những hành động khác nhằm
bảo vệ vùng biển nước ta không cho các công ty Trung Quốc chiếm đoạt, chính
quyền Hà Nội phải lập tức đưa vấn đề tranh chấp này ra trước tòa án trọng tài
về luật biển. Không lo bị thiệt hại nào hết, mà chỉ có lợi thôi.
Nếu không nhân cơ hội này “làm cho vỡ nhẽ” về vấn đề
chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, thì Trung Cộng sẽ cho CNOOC tiếp tục những
hành động tương tự như giàn khoan HD-981, ở các lô khác. Họ cố ý tiến từng bước
một, đặt cả thế giới trước những tình trạng đã rồi, mở rộng vùng hoạt động theo
lối tầm ăn dâu. HD-981 mở đầu cho vết dầu loang, sẽ lan ra xa mãi. Lúc đó thì
không còn gỡ được nữa.
Phạm Bình Minh đã dọa Dương Khiết Trì rằng: “Việt
Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích
chính đáng.”
Những lời nói suông đó đã được nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần rồi. Dương Khiết Trì bỏ ngoài tai, giống như nghe tiếng chó sủa mãi nhưng biết con chó này không có răng. Bây giờ là lúc đảng Cộng sản Việt Nam phải chứng tỏ dân Việt cũng có răng, dù mới chỉ đưa ra một hàm răng pháp lý.
Theo tin tức quốc tế thì giàn khoan dầu của CNOOC sẽ
chỉ hoạt động cho tới Tháng Tám năm nay. Từ đây tới lúc đó, nếu kéo dài được
cuộc tranh tụng về pháp lý thì có thể Trung Cộng sẽ có lý do để rút giàn khoan về
mà không bị mất mặt. Vùng đáy biển ở Lô 143 đã được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa
thuê các công ty Mỹ thăm dò từ trước năm 1974. Trong lòng đất có bao nhiêu dầu
lửa, hiện nay cũng chưa ai biết chắc. Ðối với công ty CNOOC, đây không phải là
một món lợi chắc chắn. Nhưng đối với dân tộc Việt Nam, đây là vấn đề chủ quyền
và thể diện không thể lùi bước được. Trong ba tháng sắp tới, việc tối thiểu
mà chính quyền cộng sản ở Việt Nam có thể làm được là nộp đơn kiện Cộng sản
Trung Quốc về vấn đề chủ quyền của tất cả quần đảo Hoàng Sa. Phải bắt đầu
quốc tế hóa cuộc tranh chấp này. Từ năm 1974 đến nay đảng Cộng Sản đã hoàn toàn
ngậm miệng khi Trung Cộng cướp Hoàng Sa. Chính vì thế Dương Thiết Trì mới ngang
nhiên nói “không có tranh chấp.” Bây giờ là cơ hội cho đảng Cộng sản mở miệng,
sửa chữa lỗi lầm nhục nhã 40 năm đó. Họ chịu trách nhiệm trước lịch sử về nỗi
nhục “quốc sỉ” này.
No comments:
Post a Comment