Saturday, 3 May 2014

HOA KỲ & TƯƠNG LAI CHÂU Á (Nguyễn Cao Quyền)





Kỷ nguyên toàn cầu tiếp theo của Hoa Kỳ đang xuất hiện.  Nếu nước Mỹ đóng vai trò dẫn đầu trong khu vực mênh mông trải suốt từ Ấn Độ tới Nhật Bản, thì trong những thập niên tiếp theo nhân loại sẽ được chứng kiến sự lớn mạnh không chỉ của siêu cường Mỹ mà còn của các đồng minh tự do dân chủ.

Ấn Độ -Thái Bình Dương đang và sẽ tiếp tục là khu vực năng động nhất thế giới.  Sau Thế Chiến II, Hoa Kỳ hướng về Châu Âu vì tư duy truyền thống.  Sau khi Liên xô tan rã, Mỹ chuyển sự chú ý sang Trung Đông vì Saddam Hussein xâm chiếm Kuwait, rồi dần dần đi sâu thêm vào khu vực này để chống lại chủ nghĩa khủng bố Al Quaeda.  Giờ đây Mỹ đang rút dần về phía Đông sang khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương (ÂĐ-TBD).

Trong mỗi thời kỳ như thế, Washington đều duy trì sự hiện diện và tham dự của mình trên khắp thế giới để bảo đảm an ninh và nắm vững các cơ hội lớn cho sự thịnh vượng của Hoa Kỳ.  Với truyền thống này, trong thời gian trước mắt, Washington sẽ tập trung vào những cơ hội và rủi ro mà Châu Á đặt ra cho nước Mỹ.

Khu vực ÂĐ-TBD  trải dài từ Ấn Độ Dương tới Tây Thái Bình Dương.  Cuộc đấu tranh vì dân chủ tự do đã đạt những tiến bộ phi thường tại vùng này trong mấy thập niên  qua.  Khu vực có ba đầu tàu là Nhật Bản, Úc Đại Lợi và Ấn Độ.  Còn các nước khác như Đài Loan, Mông Cổ, Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái Lan, thì đã có dân chủ từ lâu hoặc đang tiếp tục đấu tranh để tiến đến dân chủ.

Ngày nay khu vực ÂĐ-TBD làm ra cả kho hàng hóa tiêu dùng cho thế giới.  Tầng lớp trung lưu của họ tiếp tục tăng theo mức hàng trăm triệu.  Đây là các thị trường chủ chốt để các nhà xuất khẩu trên thế giới kiếm tiền.  Sự phát triển tuy có lợi cho nguời tiêu thụ nhưng lại đặt ra những thách thức đáng kể cho việc ổn định kinh tế trong tương lai.

Về lâu dài, sự mở rộng nền kinh tế Châu Á sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng và ảnh hưởng tới an ninh giao thông hàng hải xuất phát từ những nguồn năng lượng tiềm tàng. Khu vực ÂĐ-TBD cũng làm cho những lực lượng quân sự lớn nhất thế giới phình to thêm.  Đặc biệt đáng quan tâm là việc Trung Quốc xây dựng quân đội và chủ động phát triển năng lực quân sự để giảm uy thế của Mỹ trong vùng. 

Thuyết Kỷ nguyên Thái Bình Dương
Trước tình hình này các nhà làm chính sách Hoa Kỳ bắt đầu lên kế hoạch và thực hiện một chiến lược cho Kỷ Nguyên Thái Bình Dương trước mặt.  Điểm cốt lõi của chiến lược Mỹ ở Châu Á cho đến nay vẫn là một hệ thống đồng minh song phương về vấn đề quốc phòng.  Chiến lược này tạo điều kiện cho Mỹ hiện diện trong khu vực, đặc biệt là nhờ quan hệ đồng minh với Nhật Bản.

Mặc dầu hệ thống đồng minh quân sự song phương nói trên vẫn cần phải duy trì nhưng Hoa Kỳ thấy rằng đã đến lúc phải xây dựng một cộng đồng dân chủ lớn hơn tại khu vực ÂĐ-TBD bao gồm cả các đối tác cũ và mới.  Cộng đồng này có thể xem như một tập hợp những “tam giác đồng tâm” nối kết các siêu cường khu vực với những nước đang phát triển nhỏ yếu hơn.  Đây không phải chỉ là một hệ thống an ninh mà còn là một cộngđồng lợi ích.  Cộng đồng này sẽ tạo ra những cấp độ lợi ích chung khác nhau, cần thiết cho sự phát triển trong tương lai.

Tam giác bên ngoài sẽ bao gồm Nhật Bản,Hàn Quốc, Úc Đại Lợi (đồng minh cũ) và Ấn Độ (siêu cường đang nổi lên trong vùng).  Bốn nước nói trên đều là những quốc gia dân chủ.  Họ sẽ tạo ra nền tảng chung cho sự thúc đẩy dân chủ, xã hội dân sự và pháp trị trên toàn khu vực.  Mỗi nước đều có nhiều ảnh hưởng với các quốc gia láng giềng.  Vì vậy họ sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong địa hạt, phối hợp với lực lượng quân sự Mỹ.

Washington sẽ lập một diễn đàn cấp cao lâu dài với bốn quốc gia tự do nói trên để thảo luận các vấn để an ninh khu vực.  Khi hợp tác với Hoa Kỳ, mỗi nước dần dần mở rộng diện tuần tra biển đảo, tiến hành tập trận thường xuyên với các nước nhỏ để bảo đảm an ninh hàng hải.

Ngoài ra Hoa Kỳ cũng xây dựng một “tam giác trong”  gồm Nam Dương, TânGia Ba, Mã Lai Á và Việt Nam.  Tam giác này có tâm điểm là vùng phía Nam Biển Đông và đặc biệt là những hải lộ quan trọng trong đó có eo biển Malacca. 

Ngoại trừ Việt Nam, các nước này đều đang tự do hóa theo mức độ khác nhau.  Mỗi nước đều thúc giục ASEAN tỏ lập trường vững vàng hơn trước sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, và đang trù liệu xây dựng một Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á mới.  Vị trí địa lý khiến họ trở thành những đối tác lý tưởng của Mỹ để góp phần củng cố an ninh trên những tuyến đường hàng hải quan trọng.  Mục tiêu là để xây dựng một phong trào ổn định tiến tới cởi mở và dân chủ cho tất cả các nước trong vùng.
Chiến lược nói trên không phải nhằm chống Trung Quốc mà chủ yếu là ủng hộ Châu Á.  Sự thịnh vượng về kinh tế và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong thế hệ mới phụ thuộc vào khả năng của Mỹ duy trì an ninh và ổn định tại khu vực năng động nhất thế giới này.  

Thúc đẩy  khu vực ÂĐ-TBD thịnh vượng và ổn định hơn, không chỉ Mỹ, đồng minh và các đối tác của Mỹ có lợi mà cả Trung Quốc cũng sẽ được hưởng theo.  Trung Quốc cần phải tính lại nước cờ mà họ đang say sưa theo đuổi. 

Ngoại lệ Hoa Kỳ (American Exceptionalism)
 Hoa Kỳ là nước duy nhất có mục tiêu toàn cầu, có tài nguyên và quyết tâm ngăn cản mọi cuộc xâm lăng, có khả năng tập hợp đồng minh xung quanh những dự án bảo đảm an ninh và ổn định xáo trộn trong các khu vực nhạy cảm.  Trường hợp của Hoa Kỳ không có tiền lệ trong lịch sử, vì thế mà Hoa Kỳ được coi là một “trường hợp ngoại lệ”.

Ngày 10/4/2012, phát biểu tại Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ ở Annapolis (Maryland), ngoại trưởng Hillary Clinton nói: “Washington không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc và kêu gọi Trung Quốc hãy ứng xử xây dựng trên chính trường  quốc tế”.

Hillary Clinton bác bỏ mọi luận điểm cho rằng Mỹ là một cường quốc đang suy tàn.  Trái lại, Hoa Kỳ vẫn là một siêu cường quân sự với các doanh nghiệp sáng tạo, vẫn bảo vệ các giá trị phổ quát cơ bản, vẫn tiếp tục là “ngoại lệ”.

Ngoại trưởng Mỹ nói thẳng: “Năm 2012 không phải là năm 1912, khi bất đồng giữa nước Anh suy tàn và nước Mỹ đang nổi lên, đã dẫn đến xung đột thế giới.  Nước Mỹ hiện nay không tìm kiếm kẻ thù mới.  Trung Quốc ngày nay không phải là Liên Xô.  Nước Mỹ không ở trên bờ vực thẳm của một cuộc chiến tranh Châu Á.  Một Trung Quốc phồn thịnh sẽ có lợi cho nước Mỹ.  Một nước Mỹ phồn thịnh sẽ có lợi cho Trung Quốc, và sự phồn thịnh của cả hai nước sẽ có lợi cho toàn vùng”.

Theo quan điểm của Hillary Clinton thì Hoa Kỳ không bác bỏ vai trò của các cường quốc đang trỗi dậy, nhằm duy trì sức mạnh của Mỹ.  Ngược lại các cường quốc đang trỗi dậy tại Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Dương, sở dĩ đã phát triển phồn thịnh là nhờ hệ thống viện trợ quốc tế mà Hoa Kỳ đã lập ra và ủng hộ. 

Dưới con mắt của Washington, Trung Quốc là một nước đang trỗi dậy với đầy tham vọng.  Bắc Kinh đã không đảm nhiệm đúng vai  trò cường quốc trong các vấn đề quốc tế lớn, như hồ sơ hạt nhân của Bắc Triều Tiên, của Iran, hoặc hồ sơ chống biến đổi khí hậu của địa cầu.

Ngoại trưởng Mỹ bác bỏ luận điểm của Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đang ở thời kỳ hoàng hôn.  Bà nói, dù có khó khăn kinh tế Hoa kỳ vẫn tiếp tục là cường quốc duy nhất trên thế giới.  Không có một nước thứ hai tương đương có thể thay thế Mỹ tại Châu Á hoặc tại bất cứ nơi nào khác.

Về tranh chấp tại Biền Đông, Hillary Clinton nhắc lại là tại Hội Nghị Thượng  Đỉnh Bali (Nam Dương) tháng 11 năm 2011, Tổng Thống Obama đã thúc đẩy các cuộc thảo luận nhằm ngăn chặn nguy cơ xãy ra xung đột tại Biển Đông trong khi Bắc Kinh lại muốn gạt chủ đề này ra khỏi chương trình nghị sự.  Bà Clinton cho rằng: “Nếu giải quyết các tranh chấp phức tạp này bằng con đường song phương trực tiếp với từng nước thì chỉ làm cho vấn đề rắc rối thêm, thậm chí có thể dẫn tới đối đầu”.  Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải tại vùng biển này của thế giới. 

Thuyết “Kỷ Nguyên Thái Bình Dương” (America´s Pacific Century) được Hillary Clinton trình bày trên tạp chí Foreign Policy số ra ngày 11/10/2011.  Đây là một tầm nhìn mới của Hoa Kỳ về vùng đất chiến lược mênh mông này.  Nội dung chủ thuyết có thể tóm tắt như sau.

Washington cho rằng thách thức lớn nhất tại khu vực ÂĐ-TBD là làm sao xây dựng được một mạng lưới ngoại giao bền vững với tất cả các đối tác trong vùng, thích hợp với lợi ích của Mỹ giống như trường hợp đã từng xẩy ra tại Âu Châu-Đại Tây Dương trong thời kỳ trước. 

Từ việc phát triển thị trường mới cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến việc ngăn ngừa sự bành trướng của vũ khí hạt nhân cũng như sự bảo vệ tự do hàng hải trên các hải lộ Á Châu, tất cả những điều này đều thuộc khả năng đối ngoại của Hoa Kỳ.  Việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực là tối quan trọng cho tiến bộ toàn cầu.  Tuần tra trên biển Châu Á là tạo điều liện thuận lợi cho sự phát triển chung của nhân loại.

Nhận định của George Friedman
George Friedman, chủ tịch Công Ty Dự Báo Chiến Lược STRATFOR cho rằng : “Trong thế kỷ 21 Hoa Kỳ vẫn dẫu đầu thế giới.  Lúc này nước Mỹ hãy còn là đứa trẻ, đến thập niên 50 của thế kỷ này mới trở thành siêu cường đích thực, và đến thập niên 60 mới đi vào thời kỳ vàng son rực rỡ.
Hoa Kỳ đã xây dựng được một nền văn hóa và một chế độ chính trị tiên tiến nhất thế giới.  Văn hóa của họ, tức nguyên lý sâu xa nhất chi phối suy nghĩ của con người, đơn giản chỉ là tự do.
Sự thực là nền văn hóa đó đang giữ vai trò dẫn đầu nhân loại.  Tư tưởng dân chủ bình đẳng tuy phát sinh từ Âu Châu nhưng chỉ nảy mầm và mọc thành cây lá tốt tươi trên đất nước Hoa Kỳ. 
Ngày nay, tiêu điểm cạnh tranh chính trị toàn cầu đã chuyển từ việc xâm chiếm đất đai sang việc giành giật quyền kiểm soát biển đảo, và về mặt này thì Mỹ có ưu thế vô địch.  Cho nên họ sẽ tiếp tục dẫn đầu và kiểm soát nhân loại.  Thế giới vẫn phải lấy Mỹ làm trung tâm”.

Tất cả những hành tung của Bắc Kinh tại biển Đông đều đang nhằm thanh toán ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Á Châu.  Bắc Kinh đang phát động chủ nghĩa dân tộc cực đoan theo kiểu Đức Quốc Xã, coi Trung Hoa là trung tâm của thế giới nhằm giành dật chủ quyền các vùng lãnh thổ, hải phận và các hải đảo tại Á Châu-Thái Bình Dương bằng bạo động võ trang.

Họ kỳ vọng rằng với quyết tâm phát triển kinh tế, Trung Quốc sẽ nổi bật trên thế giới khiến các quốc gia khác phải khâm phục và mặc nhiên chấp thuận để họ thôn tính các vùng lảnh thổ và hải đảo như di huấn của Mao Trạch Đông để lại.  Tuy nhiên, nếu họ cho rằng nhận định nói trên của George Friedman là đúng thì họ phải sáng suốt tìm cách nào để chiến tranh không thể xảy ra.

Nguyễn Cao Quyền
Tháng 4 năm 2014



No comments:

Post a Comment

View My Stats