Wednesday, 14 May 2014

HÃY LÊN TIẾNG, VÌ LƯƠNG TÂM XÃ HỘI (Đoan Trang)




Thursday, May 15, 2014

Đất nước dường như chưa bao giờ rối ren như lúc này. Đêm 13, rạng sáng 14/5, bạo loạn bùng nổ ở Bình Dương và lan dần ra các nơi khác: Biên Hòa, Đồng Nai, Hà Tĩnh… Hàng nghìn người xuống đường, đổ máu, đánh lộn, đập phá đồ đạc và cướp bóc, hôi của đã xảy ra. Trên mạng xã hội, tràn ngập thông tin và hình ảnh chia sẻ về tình hình bạo động. Bên cạnh đó là những lời buồn, than cho số phận nước Việt, trách móc dân Việt, lên án chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đả đảo chính quyền, thương công nhân, căm thù Trung Quốc, v.v. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đánh giá: “Đây là cuộc bạo loạn nghiêm trọng nhất kể từ sau ngày Việt Nam thống nhất, và cũng là cuộc tấn công và hôi của các công ty nước ngoài táo tợn nhất tại Đông Nam Á trong những năm gần đây”.

Trong khi đó, trên Biển Đông, giàn khoan của Trung Quốc vẫn sừng sững đó. Bắc Kinh, với tâm lý ngạo ngược và sĩ diện vốn có của một bá quyền khu vực, sẽ không đời nào rút lui, và ngay cả khi buộc phải xuống nước đi chăng nữa thì cũng vẫn phải là “trên thế thắng”, giống như chiến tranh biên giới 1979 là cuộc chiến cả hai bên tham gia đều tuyên bố chiến thắng.

ASEAN chẳng tỏ vẻ gì là đứng về phía Việt Nam, và truyền thông phương Tây thì bắt đầu phản ánh hình ảnh một nước Việt Nam hỗn loạn vì thù hằn, nghèo đói, dân tộc chủ nghĩa, ưa bạo lực.

Chưa bao giờ, kể từ ngày Internet vào Việt Nam (tháng 11/1997), không khí chính trị-xã hội lại căng thẳng và rối ren như thế này. Có thể trước cái mốc 19/11/1997, đã có nhiều vụ việc tương tự vụ Bình Dương xảy ra – ví dụ như biến cố Thái Bình tháng 6/1997 – nhưng vì khi ấy Internet chưa phổ biến và mạng xã hội chưa ra đời, cho nên thông tin không lan truyền và người ta không cảm thấy hoang mang như hiện nay.

Vì vậy, đây đó trong không gian mạng đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi “đừng chia sẻ hình ảnh bạo lực”, “đừng bình luận”, “đừng làm nhiễu loạn thông tin nữa”, v.v.

Nhưng, “của tin còn một chút này”, nếu có thể bằng niềm tin mà vực dậy trong khủng hoảng, thì chúng ta hãy tin rằng:

Người Việt Nam không ngu dốt, không ác!

Vào ngày 1/11/2011, trên mạng xã hội ở Việt Nam xuất hiện một status: “Chúng tôi vừa đâm vào một ông già gần 60 tuổi… khả năng chết”. Ngày hôm sau, lại thêm một status nữa cập nhật tình hình: “Vô cùng thương tiếc báo tin, cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy vào đã củ tỏi hồi 17 giờ 07. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi. Lão sinh năm 1953”. Những bình luận của Facebooker có nick “Kẹo Mút Chơi Bời” đã đưa đến hàng nghìn phản hồi phẫn nộ của cộng đồng mạng: “Ông có phải con người không đấy?”. Hàng trăm người vào cuộc truy tìm tung tích kẻ máu lạnh, lập ra các trang “tìm kiếm thông tin về sát thủ Kẹo Mút Chơi Bời”, “Hội những người quyết săn lùng sát thủ Kẹo Mút Chơi Bời”. Kết cục là anh ta đã phải tự ra trình diện tại cơ quan công an.

Câu chuyện của Kẹo Mút Chơi Bời, ngoài việc phản ánh sự thiếu suy nghĩ của một bộ phận thanh niên, cũng cho thấy rằng thực sự ở Việt Nam, cho dù luật pháp không được thực thi và nền tảng đạo đức đã lung lay, sa sút từ hàng chục năm qua, vẫn tồn tại một thứ gọi là lương tâm xã hội. Đó là sự lên án của xã hội đối với cái xấu, cái ác, và khuyến khích, động viên các giá trị tốt đẹp. Điều này thể hiện đặc biệt rõ trên không gian mạng, là diễn đàn duy nhất để người dân có thể lên tiếng (dù không phải hoàn toàn tự do, an toàn) ở Việt Nam hiện nay.

Có rất nhiều ví dụ cho thấy sự tồn tại của lương tâm xã hội. Cuối năm 2013, khi một xe chở bia gặp tai nạn, dân chúng đổ xô đến cướp bia. Ngay sau đó, hàng trăm comment trên Facebook lên án hành vi hôi của, đồng thời kêu gọi giúp đỡ tài xế Hồ Kim Hậu để anh đền cho công ty. Điều đó đáng quý, nhưng còn đáng quý hơn nữa là anh Hậu đã trả lại số tiền hỗ trợ hơn 220 triệu đồng, còn công ty cũng không bắt anh phải bồi thường.

Cộng đồng mạng cũng đã phê phán hành vi bẻ cành, cướp hoa tại các lễ hội hoa; lên án thủ phạm người lớn trong những vụ bạo hành trẻ em; ngăn chặn lối hành xử kém văn minh, phân biệt giàu nghèo, kỳ thị địa phương, v.v. Gần đây nhất, một diễn đàn mang cái tên “Hội những người ghét dân Thanh Hóa” đã bị Facebook đóng cửa, hẳn là do nhận được quá nhiều “report” (báo cáo vi phạm) về sự kích động bạo lực, chia rẽ vùng miền.

TS. kinh tế học Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - từng nghiên cứu nhiều về tâm lý đám đông, cho rằng: “Dân chúng Việt Nam nhìn chung cũng rất thuần hậu, chất phác, nếu có lúc nào đấy đám đông manh động thì là cục bộ thôi. Chứ ai cũng vô cảm, độc ác, không lương tri cả thì chắc chắn xã hội sụp đổ”.

Nói một cách khác, xã hội của chúng ta tồn tại được cho đến ngày nay là nhờ sự lương thiện vẫn là nền tảng, nhờ lương tâm xã hội vẫn còn. Có phải vì thế mà, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch HĐQT tập đoàn InvestConsult, trong một lần nói chuyện với sinh viên, đã tha thiết khuyên:

Các cháu sẽ không ngẩng mặt được một cách thật lòng, một cách duyên dáng nếu các cháu không lương thiện. Không ai đeo đồ trang sức ăn trộm để đi dự vũ hội đầu đời của mình cả, không ai mặc một bộ quần áo ăn trộm để đến gặp người bạn trai hay bạn gái của mình cả. Các cháu phải giữ bằng mọi giá sự lương thiện của mình, không đánh đổi nó bằng bất kỳ cái gì cả, đấy là lời khuyên của một người ngoài 60 tuổi đối với các cháu”.

Vì thế cho nên, mặc dù trong làn sóng bình luận, chia sẻ thông tin, lên tiếng về một sự kiện nào đó, luôn có ý kiến cho rằng đó chỉ là biểu hiện của sự “đạo đức giả”, “anh hùng bàn phím”, “a dua, bầy đàn theo tâm lý đám đông”, nhưng khuynh hướng chung lại là cái tốt sẽ trụ lại được và cái xấu sẽ chìm dần, nhờ sự điều chỉnh của lương tâm xã hội.

Chống bạo lực để bảo vệ xã hội

Trở lại chuyện bạo loạn ở Bình Dương và các nơi khác đêm 13 và ngày 14/5 vừa qua, trong không khí hoang mang, trên mạng cũng có nhiều lời kêu gọi, nhắc nhở nhau “đừng nói, đừng bàn, đừng dự đoán, đừng đưa hình ảnh, chỉ làm rối tình hình, gây nhiễu loạn thông tin”.

Thật ra, với một hành động mang tính tập thể (chia sẻ thông tin trên mạng xã hội), sẽ rất khó để ngăn tất cả mọi người tham gia vào hành động đó. Ở đây, chỉ có thể cấm hoàn toàn việc nói, bàn, dự đoán, đưa hình ảnh nếu chặn triệt để Facebook. Nhưng đó không phải là một giải pháp khôn ngoan, bởi vì im lặng, giấu giếm thông tin chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn làm mọi việc càng trở nên đáng sợ. Một trong những điều làm con người sợ hãi là sự tù mù, bí ẩn, mưu mô, không nắm bắt được…

Tất nhiên, khi mạng xã hội cũng trở thành một kênh truyền thông, blogger thành người đưa tin, sẽ không tránh khỏi việc thông tin sai lệch, không qua kiểm chứng, hoặc những bức ảnh bạo lực, đẫm máu, được đăng tải và gây hoang mang dư luận. Nhưng, một lần nữa, chúng ta lại phải tin vào sự sàng lọc của lương tâm xã hội. Cái gì đúng rồi sẽ tồn tại, cái sai sẽ bị thải loại.

Cho đến giờ phút này, lương tâm xã hội – thể hiện qua những bình luận, bài viết và ảnh trên mạng – vẫn đang hướng dẫn mỗi người tự điều chỉnh: Không cực đoan chống lại tất cả người dân Trung Quốc, không cổ vũ bạo lực và cướp bóc, không kích động chiến tranh, nhưng cũng không chấp nhận đường lối ngoại giao đu dây, kín kín hở hở, coi quốc gia bá quyền phương bắc là bạn vàng, đồng chí tốt. Và, hãy bảo vệ quyền lợi của công nhân thông qua những công đoàn thực chất.

Cuối cùng, vì lương tâm xã hội và cũng để giữ gìn lấy cái xã hội đang hỗn loạn của chúng ta, hãy để tất cả mọi người cùng lên tiếng phản đối bạo lực.

Posted by Đoan Trang at 8:42 AM



No comments:

Post a Comment

View My Stats