15-5-2014
Sẽ là quá sớm để nói về thành bại của Việt Nam tại
Biển Đông trước thách thức của Trung Quốc, khi nước này đặt giàn khoan khổng lồ
981 trên thềm lục địa của VN, cách đảo Lý Sơn trên trăm hải lý.
Trên quan điểm thuần túy chiến lược, có lẽ phía
Trung Quốc đã tính toán sai mà việc này có thể mở ra cho VN một cơ hội bằng
vàng để giải quyết nhiều khó khăn nội bộ. Trong quan hệ ngoại giao, sự do dự
của VN về việc lựa chọn đồng minh chiến lược - Trung Quốc hay Mỹ - sẽ sớm được
quyết định. Hệ quả điều này sẽ đi đôi với việc dân chủ hóa chế độ. Trung Quốc
sẽ mất một đồng minh (đúng ra là đàn em) tin cậy đồng thời tạo ra một quốc gia
thù địch quan trọng. Trong khi việc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, về chủ
quyền quần đảo Hoàng Sa, đã đông lạnh từ tháng giêng năm 1974 cho đến nay, thì
được hâm nóng lại.
Tình hình của Việt Nam hôm nay không khác tình trạng
của Đài Loan sau khi bị đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi tại Liên Hiệp Quốc năm 1971, bị
cô lập toàn diện. Chiếc ghế đại diện quốc gia Trung Hoa tại Hội đồng Bảo An LHQ
dời về Bắc Kinh, Đài Loan trở thành một « tỉnh » của Trung Quốc. Tiếp
theo sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn 1975, Đài Loan mong manh như trứng để
đầu cối đá, lục địa có thể đem quân « giải phóng » đảo quốc này bất
kỳ lúc nào mà không có sự can thiệp của Hoa Kỳ.
(Khi Hoa Kỳ nhìn nhận Bắc Kinh là chính quyền duy
nhất đại diện Trung Quốc, Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, thì mặc nhiên
nhìn nhận « vấn đề Đài Loan » thuộc về « nội bộ » của Trung
Quốc. Nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ nước khác là một trong những điều
cơ bản của Hiến chương LHQ.)
Khúc quanh chiến lược Đài Loan chỉ đến vào năm 1979.
Sau thất bại quân sự về « bài học » cho tiểu bá Việt Nam, nhà cầm
quyền Bắc Kinh lại chịu một sự thất bại khác về ngoại giao lớn lao, mà việc này
ít ai nói tới. Đó là việc Trung Quốc đã không thành công ngăn cản được thuợng
viện Hoa Kỳ thông qua dự luật Taiwan Relations Act.
Luật « Taiwan Relations Act » là tác phẩm
của kiều dân Đài Loan sống tại Hoa Kỳ. « Lobby » của kiều dân Hoa tại
Mỹ lại rất mạnh. Nhờ vận động hành lang chính trị, thuợng viện HK thông qua dự
luật « Taiwan Relations Act » ngày 10-4-1979, theo đó HK chủ trương
việc giải quyết « vấn đề Đài Loan » bằng phương tiện hòa bình (HK tôn
trọng ý nguyện, tức sự lựa chọn chính trị của dân Đài Loan), đồng thời
cho phép chính quyền Dân Quốc được mua các loại vũ khí của HK để tự vệ. Đổi
lại, chính quyền độc tài của Quốc Dân Đảng hứa hẹn dân chủ hóa Đài Loan.
Quá trình dân chủ hóa bắt đầu từ thập niên 80, được
sự giúp đỡ quan trọng (làm chất xúc tác) của các học giả thuộc Harvard. Những
người này đã tổ chức (trong khuôn viên đại học Harvard) những cuộc tiếp xúc
giữa những người ngoài đảng (đảng ngoại, tức không phải là đảng viên Quốc Dân
đảng) với các nhân vật lãnh đạo Dân Quốc. Quá trình dân chủ hóa kết thúc vào
những năm đầu thiên niên kỷ thứ 3.
Do đó Đài Loan, mặc dầu bị cô lập (hầu như) toàn
diện về ngoại giao, nhưng về chính trị và quân sự lại được sự hậu thuẫn của Hoa
Kỳ và các nước dân chủ khác trên thế giới.
Trường hợp Việt Nam hôm nay, mặc dầu có quan hệ
ngoại giao với (tất cả) các nước trên thế giới, nhưng không có đồng minh tin
cậy về chiến lược. Như đã thấy những ngày qua, biến cố dàn khoan 981 mà TQ đặt
tại thềm lục địa VN, cho thấy VN sẽ phải một mình đối đầu với sự hung hãn của
Trung quốc. Tức trong chừng mực, VN bị « cô lập » như Đài Loan sau
1971.
Việt Nam hôm nay cũng mong muốn được mua « vũ
khí sát thuơng » của Hoa Kỳ, tương tự như Đài Loan ngày trước, để
« tự vệ ». Điều trở ngại, vì hồ sơ nhân quyền u ám, cũng như Hà Nội
là một trong vài chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới, chính giới Hoa Kỳ
không chấp nhận việc bán vũ khí cho VN. (Theo lời của một vị dân biểu tại
California, khi mà VN chưa cải thiện về nhân quyền, chưa dân chủ hóa chế độ,
thì các quan hệ với Hoa Kỳ sẽ còn gặp nhiều khó khăn).
Đồng thời lực lượng người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ đến nay cũng đã lớn mạnh, không kém kiều dân Hoa ngày trước. Điều trở ngại, kiều dân Hoa ngày xưa một lòng ủng hộ Đài Loan, thì kiều dân Việt phần lớn chống lại chế độ độc tài toàn trị của Hà Nội. Hầu hết những người Việt này là nạn nhân trực tiếp của chính sách trả thù ác độc cũng như sự cai trị hà khắc của nhà cầm quyền này.
Đồng thời lực lượng người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ đến nay cũng đã lớn mạnh, không kém kiều dân Hoa ngày trước. Điều trở ngại, kiều dân Hoa ngày xưa một lòng ủng hộ Đài Loan, thì kiều dân Việt phần lớn chống lại chế độ độc tài toàn trị của Hà Nội. Hầu hết những người Việt này là nạn nhân trực tiếp của chính sách trả thù ác độc cũng như sự cai trị hà khắc của nhà cầm quyền này.
Về mối bang giao Việt-Mỹ, Hoa Kỳ vẫn chưa hề xem VN
là một nước đáng tin cậy. Tuy vậy, Mỹ vẫn thích thấy một VN dân chủ, thân
thiện quay lưng với TQ hơn là một nước VN độc tài gắn bó với TQ.
Hành vi của TQ khi đặt dàn khoan 981 trên thềm lục
địa của VN đã khơi dậy lòng yêu nước nơi mọi người Việt, bất kể quá khứ cũng
như lập trường chính trị. Từ điểm tựa này, nếu có một « chất xúc
tác » hữu hiệu (như các học giả thuộc Harvard trong trường hợp Đài Loan),
thì rất có thể lực lượng người Việt tại Hoa Kỳ có thể vận động hành lang để
chính giới nước này thông qua một luật tương tự « Taiwan Relations
Act », theo đó tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết bằng (các phương tiện)
hòa bình đồng thời HK bán vũ khí để VN « tự vệ ». Dĩ nhiên với điều
kiện, VN phải nhanh chóng dân chủ hóa chế độ.
Cũng không nên đánh giá thấp tiềm năng kinh tế của
lớp người Việt hải ngoại. Lớp người này gởi về VN hàng năm trên 10 tỉ đô la. Số
tiền này VN có thể mua bất kỳ loại vũ khí tối tân nào của Hoa Kỳ.
Trên các dữ kiện vừa nói, đó là một điều thất sách,
một tính toán sai về « chiến lược » của lãnh đạo Bắc Kinh.
Mặt khác, Trung quốc cũng mất đi một đối tác kinh tế
có lợi. Quan hệ hai nước Việt-Trung, cán cân mậu dịch luôn thiên về phía TQ.
Sai lầm khác, vị trí giàn khoan còn nằm trong tầm
hoạt động của « du kích đại dương ».
Từ « du kích đại dương », tức đánh du kích
trên biển, có thể áp dụng cho khu vực ở vùng bờ biển nước Somalie. Khu vực biển
này (trong vòng 100km tính từ bờ), cho đến hôm nay, vẫn còn nằm (trong chừng
mực) dưới sự kiểm soát của những nhóm cướp biển trang bị vũ khí thô sơ như súng
phóng lựu B 40 và tiểu liên AK 47 với những chiếc tàu nhẹ với vận tốc lớn (go
fast), có thể lên đến 200km/giờ. Những chiếc tàu thương mại (tàu dầu, tàu chở
hàng hóa, du thuyền...) của các nước khi đi ngang khu vực này đều đi vòng cách
xa bờ biển để tránh bị ăn cướp.
Trình độ kỹ thuật của VN hôm nay có thể chế tạo hàng
loạt loại « khinh tốc đĩnh », những chiếc tàu gọn, nhẹ... nhưng trang
bị vũ khí hùng hậu hơn hải tặc Somalie. Nếu hai bên Việt-Trung tuyên bố chiến
tranh, với chiều dài bờ biển VN, đội ngũ cảm tử quân này sẽ là những ác mộng
cho mọi thuyền bè mang cờ hiệu của TQ.
Tính toán sai lầm khác, hệ quả tiếp nối khi VN hợp
tác với Hoa Kỳ. Hiện nay Hoa Kỳ đang thực thi chiến lược « Tác chiến trên
không và trên biển », được sự cộng tác (từ lâu) của các nước đồng minh
(bao gồm Đài Loan), bao gồm các phương thức « chống tiếp cận, chống phong
tỏa » (A2/AD anti-access, area denial). Mô hình để thực hiện chiến lược
này là « mô hình tiếp cận và Hoạt động chung » (joint operation
access concept - JOAC). Việt Nam là đồng minh lý tưởng, là con cờ chót, để HK
hoàn tất chiến lược này. Tức là, Trung Quốc bị bao vây bởi một hàng rào (A2/AD
anti-access, area denial) hữu hiệu nhất.
Sai lầm khác, là TQ đã hâm nóng lại vụ tranh chấp
quần đảo Hoàng Sa mà nó đã đông lạnh từ bốn thập niên.
Sự hung hăng của TQ tại Biển Đông khiến quốc tế cảm
thấy bị đe dọa. Vấn đề hoàng Sa vốn là tranh chấp song phương, sẽ phải giải
quyết bằng cách thức đa phương. Đây là điều mà TQ muốn tránh.
Tóm
lại, quyết định đặt giàn khoan 981 của TQ trên thềm lục địa của VN là một quyết
định sai lầm về chiến lược. Trong nhất thời nó sẽ đẩy
lãnh đạo Hà Nội vào thế thụ động. Nhưng áp lực của toàn dân VN, trong và ngoài
nước, cũng như sự quan tâm của quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, khiến cho hành động
hung hăng của TQ bị lên án. TQ neo giàn khoan ở đó càng lâu sẽ càng bất lợi cho
TQ. VN sẽ dân chủ hóa chế độ, sẽ mua được vũ khí « sát thương » của
Mỹ để tự vệ, đồng thời sẽ bảo vệ được vùng biển của mình. Vấn đề hoàng Sa có
thể cũng sẽ được giải quyết bằng một tòa án quốc tế, mà khi VN dân chủ hóa chế
độ, thì TQ sẽ không có nhiều phần trăm thắng kiện. TQ không có lợi gì, trong
khi mất một đồng minh ý thức hệ quan trọng, một đối tác kinh tế mà phía TQ luôn
có lợi.
Publié par Nhan
Tuan Truong à 02:15
No comments:
Post a Comment