Tuesday, 27 May 2014

DIỄN ĐÀN về TỰ DO INTERNET Ở THỤY ĐIỂN (BBC)




BBC
Cập nhật: 09:29 GMT - thứ ba, 27 tháng 5, 2014

Diễn đàn Stockholm muốn thảo luận về cởi mở trên mạng Internet toàn cầu

Diễn đàn Internet Stockholm 2014 vừa khai mạc sáng thứ Ba 27/5 tại thủ đô của Thuỵ Điển để bàn về tự do và sự cởi mở trên mạng internet toàn cầu.
Đây là lần thứ ba hoạt động thường niên này diễn ra nhằm "làm sâu thêm cuộc thảo luận làm sao để tự do cởi mở trên internet có thể giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội trên thế giới", theo các nhà tổ chức.
Đó cũng là ý tưởng chủ đạo trong đối thoại giữa chính phủ Thuỵ Điển với các nước vốn bị cáo buộc vi phạm tự do internet, trong đó có Việt Nam.

Từ Việt Nam, có một khách mời là nhà hoạt động trên mạng internet, Facebooker Anh Chí, đã bị công an 'chặn lại tại sân bay' và không thể tới Thuỵ Điển để tham dự diễn đàn.

Ông Olof Ehrenkrona, đại sứ kiêm cố vấn cho Ngoại trưởng Thuỵ Điển, nói với BBC rằng các nước này "được hưởng lợi ích lớn nhất từ sự phát triển vũ bão của mạng internet, thế nhưng đảng cầm quyền lại lo sợ nhất về điều này" vì không biết kiểm soát làm sao những mâu thuẫn và căng thẳng trong xã hội trong điều kiện bùng nổ internet.
"Điều mà chúng tôi có thể làm là chứng tỏ cho họ thấy rằng có mối liên quan chặt chẽ giữa tự do, tự do tư tưởng, tự do chính kiến, với động lực phát triển kinh tế," ông Ehrenkrona nói.
Thuỵ Điển, quốc gia từng ủng hộ và tài trợ cho Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ, nay không còn cung cấp viện trợ phát triển ODA nhưng muốn tiếp tục tham gia tích cực trong nỗ lực giúp Việt Nam chống tham nhũng, tăng cường tính minh bạch cũng như trách nhiệm của chính phủ.

Tự do và riêng tư
Diễn đàn Internet Stockholm 2014 có chủ đề "Internet - riêng tư, minh bạch, theo dõi và quản lý", với sự chú ý tập trung vào tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng internet cũng như tăng cường tính minh bạch trên không gian ảo.
Từ kỳ diễn đàn lần trước, thế giới đã chứng kiến nhiều thách thức trong lĩnh vực này, nhất là sau khi vụ Edward Snowden làm nảy sinh câu hỏi về bảo vệ riêng tư của người dân trên mạng internet trước các hoạt động theo dõi, quản lý an ninh của các chính phủ.
Ông Ehrenkrona nói mục tiêu cuối cùng là làm sao để áp dụng được pháp quyền (rule of law) cả trong xã hội lẫn trên mạng internet.
Diễn đàn Internet Stockholm 2014 do Bộ Ngoại giao, Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) và Quỹ Hạ tầng Internet SE tổ chức.
Cử toạ từ hơn 100 quốc gia bao gồm đại diện chính phủ, xã hội dân sự, giới kinh doanh và kỹ thuật.

------------------------------------------

XEM THÊM :

May 25, 2014


Blogger Nguyễn Chí Tuyến (áo xanh, bên phải) trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc 11/5/2014. Nguồn: FB Anh Chí.    http://vietnamhumanrightsdefenders.net/wp-content/uploads/2014/05/Anh-Chi%CC%81.jpg

Cộng tác viên HR Defender

Nhận lời mời của Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội về việc tham dự Hội thảo về Internet (Stockholm Internet Forum – SIF 2014). Blogger Nguyễn Chí Tuyến (Anh Chí) đã hoàn tất mọi thủ tục để đêm 24/05/2014 lúc 23h35′ sẽ đáp chuyến bay đi Thụy Điển. Thế nhưng lúc 22h35′ công an cửa khẩu sân bay Nội Bài đã thực hiện việc “dừng xuất cảnh” đối với anh Nguyễn Chí Tuyến với lý do: “vì an ninh theo đề nghị của cục A87 (Cục An ninh Thông tin, Truyền thông), Bộ công an”.

Được biết, anh Nguyễn Chí Tuyến là một blogger, nhà hoạt động nhân quyền và là thành viên của nhóm No-U FC, thời gian qua anh cũng rất tích cực trong các phong trào xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo, cũng như giúp đỡ các dân oan khiếu kiện tại Hà Nội.

Diễn đàn Internet Stockholm (SIF) là một hội nghị nhằm làm sâu sắc thêm các cuộc thảo luận về cách tự do và cởi mở trên Internet để thúc đẩy, phát triển kinh tế và xã hội trên toàn thế giới. SIF năm 2014 sẽ được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 28/5/2014 tại Stockholm Thụy Điển.

Biên bản về việc “dừng xuất cảnh” đối với blogger Nguyễn Chí Tuyến. Nguồn: FB Anh Chí

Việc ngăn chặn, cấm xuất cảnh đối với một công dân tự do, không có tiền án, tiền sự đi tham dự một hội nghị quốc tế về tự do internet là một việc làm tùy tiện và vi phạm pháp luật, nhân quyền nghiêm trọng của công an Hà Nội:

- Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt nam qui định 7 trường hợp Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh trong đó có điều 6: Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, không có giải thích cụ thể cho điều 6 này và việc áp dụng nó để “chụp” xuống các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền VN là khá dễ dàng. Thời gian qua đã có không ít các blogger bị cấm xuất cảnh khi làm thủ tục xuất ngoại, hoặc bị tịch thu hộ chiếu và cấm XC khi từ nước ngoài trở về như trường hợp của Peter Lâm Bùi.

- Theo qui định, thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh, đối với trường hợp “vì lý do an ninh quốc gia” thuộc về Bộ trưởng Bộ Công an (theo qui định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Nghị định 136/2007/NĐ-CP). Nhưng theo biên bản “Dừng xuất cảnh” đối với anh Chí Tuyến thì người ra lệnh cấm xuất cảnh lại là Cục A87 Bộ CA.

- Điều 13 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền khẳng định: 
1. Mọi người có quyền tự do di chuyển và cư trú, trong phạm vi biên giới của quốc gia. 
2. Mọi người đều có quyền rời khỏi lãnh thổ bất kỳ nước nào, kể cả nước của mình, và quyền trở về xứ sở. 

- Điều 23 Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013 cũng qui định: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước.

Video :
Uncensor yourself at Stockholm Internet Forum | 27-28 of May


No comments:

Post a Comment

View My Stats