Hà Sĩ
Phu
09/05/2014
(Một bài bốn năm về trước như viết cho hôm nay)
1.
Mất nước là gì?
Ngoại xâm là sự xâm lăng từ bên ngoài, nội xâm là sự
xâm lăng từ bên trong, đối với một quốc gia. Nếu quốc gia ấy không chống cự nổi
trước sự xâm lăng, dù từ bên ngoài hay từ bên trong, thì kết quả đều giống
nhau: mất nước!
Có người thắc mắc: trường hợp mất nước vào tay người
trong nước là nghĩa làm sao? Xuất phát từ quan điểm Dân là gốc của nước thì
ngày nay phải hiểu “mất nước” là tình trạng nhân dân bị mất quyền làm chủ đất
nước của mình. Nước vẫn còn đó nhưng dân không làm chủ thì đấy là mất nước!
Quyền làm chủ ấy bị mất vào tay người nước ngoài thì
gọi là nạn ngoại xâm, mất vào tay kẻ thống trị độc tài trong nước thì đó là nạn
nội xâm. Giặc ngoại xâm hay nội xâm đều cướp mất của dân quyền làm chủ đất
nước, trong đó có quyền quan trọng nhất là quyền làm chủ đối với đất đai, lãnh
thổ. Cả hai trường hợp đều do thiếu dân chủ, thiếu bình đẳng, hoặc là thiếu dân
chủ giữa các quốc gia, hoặc do thiếu dân chủ trong nội bộ một nước.
Trong thế giới văn minh ngày nay, đại bộ phận nhân
dân đã được làm chủ đất nước của mình, song vẫn còn một số tập đoàn cầm quyền
muốn tiếm đoạt quyền ấy của nhân dân mình hoặc nhân dân nước khác, làm cho nhân
dân bị “mất nước từng phần”, chứ không còn khả năng gây ra sự “mất nước trọn
gói” như ngày xưa nữa.
2.
Chủ nghĩa đấu tranh giai cấp có hại cho dân tộc.
Chủ nghĩa tư bản đã và đang tồn tại ở rất nhiều quốc
gia, nhưng chẳng bao giờ và chẳng ở đâu phải đưa ra khẩu hiệu “yêu chủ nghĩa tư
bản là yêu nước”. Tại sao đến phiên “chủ nghĩa xã hội” lại phải đặt ra vấn đề
“yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước”? Tại sao phải cố tình đồng nhất hai tình yêu
ấy, cột chặt hai tình yêu ấy với nhau? Nguyên nhân rất đơn giản, vì trên thực
tế hai thứ ấy không đồng nhất, không khớp được với nhau, nên phải dùng khẩu
hiệu ấy để cố gò nó lại. Không ký sinh được vào chủ nghĩa yêu nước thì
cái gọi là chủ nghĩa xã hội chẳng còn sức sống gì.
Lúc đầu, sự kết hợp ấy có gây được sự cộng hưởng là
do “… lúc ấy cái vòng kim cô Mác – Lê vẫn chỉ mới như một hào quang từ xa, chưa
hiện hình tác quái…” [1] . Nhưng chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa đấu tranh giai
cấp vốn tiềm tàng những mâu thuẫn cơ bản nên càng về sau càng xung đột. Đấu
tranh giai giai cấp ắt phải tiến đến chuyên chính vô sản (Lenin). Trong khi chủ
nghĩa yêu nước cần đoàn kết dân tộc và sự phát triển, thì chuyên chính vô sản
vừa phá đoàn kết dân tộc vừa kìm hãm sự phát triển. Từ 1989, chuyên chính vô
sản khắp nơi trên thế giới bị đào thải, gốc rễ là do nó chống lại chủ nghĩa yêu
nước. Những nước cộng sản Đông Âu đuổi chủ nghĩa cộng sản đi chính là đuổi nội
xâm để giành lại đất nước.
Họ đuổi đi một chủ nghĩa có hại cho đoàn kết dân tộc
và sự phát triển, chứ về con người họ càng đùm bọc nhau hơn, như dân Tây Đức và
dân Đông Đức, không ai đánh đuổi ai cả.
Chủ nghĩa đấu tranh giai cấp vốn coi những gì thuộc
về giai cấp quan trọng hơn những gì thuộc về dân tộc, nên mới có xu hướng bỏ
qua ranh giới dân tộc để “vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Ảo tưởng này đã
được các nước cộng sản lớn lợi dụng ngay, cái “gia đình các nước xã hội chủ
nghĩa” đầy tính chất gia trưởng nên các anh cả chị hai lấn át các nước nhỏ để
thu lợi. Về sau, khi quan điểm giai cấp đại đồng ấy bị phá sản, mọi nước trở về
với chủ nghĩa yêu nước thì những “việc đã rồi” khó có thể đòi trở lại. Nếu
không có cuộc chiến Bắc Nam về ý thức hệ và không có tư tưởng vô sản thì ông
Phạm Văn Đồng chắc không dễ dàng nhường cho Trung Quốc quần đảo Hoàng Sa đâu.
Khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã, Trung Quốc trở thành trụ cột xã hội chủ nghĩa
duy nhất thì một lần nữa quan điểm cộng sản lại làm cho nước Việt Nam thiệt
thòi nhiều trước một Trung Quốc vốn đầy tham vọng.
“Nếu không vướng chủ nghĩa ấy tôi tin chắc rằng
những người lãnh đạo Việt Nam ngày nay đã không chịu thế lép, mà cũng hiên
ngang như Lý Thường Kiệt, như Quang Trung đã làm chứ không thua kém đâu. Chỉ
bởi vì nếu không nương tựa vào Đại Hán thì một cái quái thai cộng sản, cô độc
cỏn con, ngược dòng, đứng làm sao được trước dòng chảy văn minh toàn cầu này?…
Mấy nghìn năm, Đại Hán đô hộ mãi vẫn không cướp được một tấc đất Việt Nam nào,
‘Nam quốc sơn hà’ một ly cũng không suy suyển. Bây giờ nhờ có cái gọi là chủ
nghĩa xã hội quốc tế, họ có thể làm được cái việc ấy mà không tốn một phát tên,
một viên đạn nào, có phải thế không? Thế thì trong việc giữ nước, thời kỳ này
là mạnh nhất hay yếu nhất trong lịch sử? Nếu những người cầm quyền Việt Nam vẫn
cứ đi nước đôi, cố nắm ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, tức là cùng một lúc cầm cả hai
ngọn cờ, thì nguy cơ báo trước rằng ngọn cờ Dân tộc sẽ tuột khỏi tay, bởi ngọn
cờ Dân tộc bao giờ cũng thuộc về những người yêu nước chân chính, không chấp
nhận bất cứ một vòng kim cô nào chụp lên đầu Dân tộc!” [2]
Không nghi ngờ gì nữa, chủ thuyết cộng sản rất có
hại cho chủ nghĩa yêu nước, nó là một nguồn nảy sinh và nuôi dưỡng nội xâm, làm
lợi cho ngoại xâm, khẩu hiệu “yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước” là một khẩu
hiệu ngược
3.
Vừa nội xâm vừa ngoại xâm – phải làm gì trước?
Muốn chống được ngoại xâm cần phải lo xa. Lo xa
không gì bằng phải dẹp nội xâm trước hết, vì đây là nhân tố trực tiếp hay gián
tiếp rước ngoại xâm vào.
Nội xâm làm cho dân nghèo, dân khổ, dân oán. Ngay
nội bộ cầm quyền cũng lục đục lo đối phó với nhau. Như vậy dân tộc bị tiêu ma
sinh lực, tạo cơ hội cho ngoại xâm. Muốn chống nội xâm phải có một hệ thống
chính trị dân chủ, bình đẳng, có luật pháp công minh, song đó đều là những yêu
cầu mà một hệ thống chính trị có gốc là chuyên chính vô sản, với một đảng duy
nhất cầm quyền vô thời hạn như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên khó
lòng thực hiện được. Trong những nước xã hội chủ nghĩa này, mọi sự đoàn kết chỉ
ở ngoài vỏ, giữ yên xã hội chủ yếu là bằng quyền lực.
Các hội chứng dối trá, bạo hành, vô cảm đục ruỗng xã
hội. Tất cả tai vạ đều trút xuống kẻ không quyền lực là dân thường, như thế họ
không thờ ơ với đất nước sao được? Trong bài “Để cứu Trường Sa” tác giả Trần
Khải đã có một câu chí lý: “Nếu không cho người dân quyền làm chủ thực sự, thì
mảnh đất hình chữ S cũng sẽ là đất lạ!” (đất nước này không phải của dân?).
Trong khi việc “Chống nội xâm, cứu nước” [3] còn bế
tắc như thế thì tình huống ngoại xâm đã đến! Buộc phải tập trung “đối ngoại”
đã, nhưng chống ngoại xâm khi nội xâm đang là quốc nạn thì quả thực vô cùng khó
khăn. Khắc phục bệnh thờ ơ – vô cảm để người dân vào cuộc tranh đấu đã khó
nhưng xuống đường rồi có thể lại bị chính nhà cầm quyền cản trở mới thật ngược
đời (đáng lẽ nhà nước phải vận động, khuyến khích chứ?).
Nhưng bế tắc tận cùng sẽ thấy lối ra. Quy luật xưa
nay, khi đất nước bị bên ngoài xâm lăng bao giờ cũng gây ra hai hiệu ứng trái
ngược: một hiệu ứng tích cực là làm cho tinh thần dân tộc thức tỉnh, dẹp oán
thù, dị biệt nội bộ để lo cứu nước, còn hiệu ứng tiêu cực là làm cho kẻ cơ hội
bám lấy ngoại bang, ve vãn để kiếm chác, kẻ yếm thế thì càng trùm chăn.
Nhưng thật vui mừng khi thấy trong trường hợp xã hội
ta hiệu ứng tích cực có lẽ mạnh hơn, ít nhất là trong lúc này. Sau các cuộc
biểu tình sáng 9-12, Thái Hữu Tình đã viết:
Sinh viên biểu tình, phải đâu chuyện lạ
Nhưng nước mình khác nước người ta!
(vì không nước nào cấm biểu tình yêu nước - HSP)
Nếu quả thực đã hồi sinh được hồn dân tộc
Thì thực tình, tôi cám ơn kẻ cướp Trường Sa
…
Một sớm mùa đông, nước non này ấm lại… [4]
“Nước non này ấm lại” vì xuất hiện nhiều nhân
tố mới mấy chục năm nay chưa từng có, sinh viên biểu tình, có các văn nghệ sĩ
và một số người đứng tuổi tham gia. Lần đầu tiên xuất quân mà họ chững chạc,
đàng hoàng, khôn ngoan, linh hoạt, cứng dắn. Cô văn sĩ rất trẻ Lynh Bacardi
(thế hệ 8x) nói: “Ðây, cuộc mở miệng đầu tiên của chúng tôi. Ðây, lần đầu
tiên chúng tôi thực hiện một trong những quyền cơ bản của con người. Ðây, chúng
tôi cảm nhận được nhiệt huyết sôi sục trên gương mặt nhau. Ðây, chúng tôi nhắc
nhở cho chính phủ Việt Nam biết nhân dân Việt Nam còn tồn tại và biết họ cần
làm những gì cho đất nước”. “Nếu chủ nhật tới và những chủ nhật về sau có buổi
xuống đường, tôi xin lại được tiếp tục đứng bên cạnh các bạn.” [5]
Nhà thơ Hoàng Hưng cũng tham gia biểu tình và phát
hiện một vấn đề chính trị rất trúng: “Rõ ràng là khi lòng yêu nước xuất phát
từ đáy con tim chúng ta, không bị ai dắt mũi, ra lệnh, áp đặt, thì nó thực sự
trở thành sức mạnh. Người dân thờ ơ với chính trị chỉ là do cái chính trị ấy
không hợp với lòng dân, cái chính trị của ai đó độc quyền làm với danh nghĩa
người dân.” [6]
Rõ ràng là một thể chế áp đặt, thủ tiêu quyền làm
chủ của dân thì cũng thủ tiêu luôn cái hồn dân tộc, nhưng hôm nay các bạn trẻ
đã làm cho cái hồn đó hồi sinh. Cám ơn “kẻ xâm lược” như lời Thái
Hữu Tình là phải lắm!
Đọc thấy trên các trang Web dân chủ có thông báo ký
tên phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ [7] , rất nhiều bạn bè quanh tôi ký
tên ngay, không cần biết người đứng ra tổ chức là ai. Họ bảo: Ai đứng ra
cũng được, việc này là chung của tất cả những ai là người Việt Nam, mọi ranh
giới về chính trị, tôn giáo, đảng phái đều không còn nữa!
Trong phong trào dân chủ đang có nhiều dị biệt nhưng
đến việc này lại gần gũi nhau hơn. Hôm biểu tình có anh công an đã nói nhỏ với
một sinh viên: nếu không vướng bộ quần áo này thì tôi đã đứng vào với các anh
rồi.
Tổ
quốc đúng là mẹ hiền, vì chỉ có mẹ mới ôm được tất cả những đứa con xung khắc
vào trong một vòng tay.
Giả dụ trong cuộc biểu tình có một công an đứng ra
ngăn cản, sinh viên có thể giãi bày: Ở đây chỉ có hai bên, một bên là những
người Việt Nam giữ gìn lãnh thổ, phía bên kia là kẻ xâm lấn đất nước ta, vậy
đồng chí thuộc bên nào?… Nói thế mà công an còn kiên quyết giải tán những người
yêu nước ôn hoà thì chẳng ngượng với lương tâm lắm sao?
Ví dụ thì còn nhiều, thực tế thật phong phú.
Sự
nghiệp chống nội xâm là việc căn bản của ta, còn phải làm dài dài. Nhưng việc
chống ngoại xâm cấp thiết trước mắt bỗng dưng lại thành nhân tố tích cực,
nó thức tỉnh, hoạt hoá xã hội, thêm người tốt, bớt người xấu, kéo mọi người lại
gần nhau…
Liên kết dân tộc càng mạnh thì càng có khả năng phân
hóa nội xâm, cô lập ngoại xâm. Hai mặt trận chống nội xâm và chống ngoại xâm
nhịp nhàng cùng một lúc lại hỗ trợ cho nhau mới hay chứ!
Không buồn mà lại vui. Chủ nghĩa Mác cũng đã có câu:
“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, là ngày hội của quần chúng”, nhất là
quần chúng trẻ dồi dào trí tuệ và sinh lực.
Cứ vào thực tiễn sẽ thấy lối ra.
“Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi
xanh tươi”. Hay thật.
H.
S. P. (Tháng 5-2010)
Tác giả gửi BVN.
===================================
[1] Hà Sĩ Phu: “Phải có dân chủ mới giữ được độc lập
dân tộc”:
[2] Hà Sĩ Phu, bài đã dẫn.
[3] Bùi Minh Quốc: “Chống nội xâm, cứu nước!”:
[4] Thái Hữu Tình: “Dân tộc hồi sinh?”
[5] Lynh Bacardi: www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11703&rb=0401
[6] Hoàng Hưng: “Khi lòng yêu nước không bị áp đặt”:
[7] Tuyên cáo chống Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ
Việt Nam:
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:00
No comments:
Post a Comment