Thứ hai 12 Tháng Năm 2014
Hành động ngày 02/05/2014 của Trung Quốc tại Biển
Đông, cắm một giàn khoan dầu tại ngay trên thềm lục địa và trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam, là một hành vi phá hoại an ninh. Trả lời phỏng vấn của
RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine – Hoa Kỳ) cho rằng Việt Nam phải mạnh
dạn từ bỏ thái độ e ngại Trung Quốc để kiện Bắc Kinh ra trước Hội đồng Bảo an
và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về tội làm mất an ninh Biển Đông.
Sau một thời gian tránh không công khai đụng chạm
đến Việt Nam trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, ngày 02/05/2014 vừa
qua, Trung Quốc đã tung ra một cú « tấn công » dữ dội. Giàn khoan khổng lồ mang
ký hiệu « Hải Dương 981 », với khoảng 80 tàu tuần duyên, chiến hạm và phi cơ hộ
tống, đã được đưa xuống hoạt động tại một vùng biển nằm giữa bờ biển miền Trung
Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam từ năm
1974.
Vấn đề là giàn khoan này được cắm tại một khu vực
cách đảo Tri Tôn, phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa 18 hải lý, và chỉ cách bờ biển
Việt Nam vỏn vẹn 120 hải lý, tức là sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và ngay
trên thềm lục địa của Việt Nam.
Phản ứng của Việt Nam trước hành động trên phải nói
là rất tức thời và toàn diện. Trên bình diện ngoại giao, ngày 04/05/2014, chính
quyền Việt Nam, đã chính thức gởi công hàm phản đối phía Trung Quốc, và các
lãnh đạo cao cấp của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng gọi điện cho các đồng nhiệm
Trung Quốc để tỏ thái độ bất đồng tình.
Đáng chú ý nhất là việc chính quyền đã tung tàu cảnh
sát biển và kiểm ngư đến nơi nhằm cản trở hoạt động của giàn khoan. Va chạm với
lực lượng tàu bán quân sự của Trung Quốc đi theo bảo vệ giàn khoan đã nổ ra và
tiếp diễn cho đến hôm nay.
Hành động lấn lướt của Trung Quốc nghiêm trọng đến
mức mà giới chức có trách nhiệm tại Việt Nam, hôm 07/05/2014 vừa qua đã tổ chức
họp báo quốc tế tại Hà Nội để tố cáo hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của
Trung Quốc. Báo chí trong nước cũng đã được bật đèn xanh để thông tin, bình
luận và phân tích về sự cố này.
Đồng thời, chính quyền một số nơi, cụ thể là tại Hà
Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nhắm mắt làm ngơ cho một số người biểu tình
phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc.
Hành
vi ngang ngược của Trung Quốc là cơ hội tốt cho Việt Nam
Theo giới phân tích, phản ứng mạnh bạo của Việt Nam
tương ứng với tính chất quá trớn trong hành động của Trung Quốc, đã nghiễm
nhiên mang giàn khoan vào cắm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,
tuyên bố rằng đó là vùng thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
Đối với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một chuyên gia kỳ cựu
về Biển Đông, hành động « ngang ngược » của Trung Quốc tại vùng biển nằm giữa
quần đảo Hoàng Sa và bờ biển Việt Nam là một bước mới của Bắc Kinh trong việc
thực hiện ý đồ lâu dài đã được biết đến từ lâu. Đó là độc chiếm Biển Đông.
Đối sách của Việt Nam trước mưu đồ của Trung Quốc
tuy nhiên đã bộc lộ một số yếu điểm cần phải nhanh chóng được bổ khuyết. Theo
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Việt Nam phải « đổi hướng » trong chính sách Biển Đông,
công nhận thực tế là các đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa không thể có vùng đặc
quyền kinh tế 200 hải lý, qua đó giải quyết được các tranh chấp ở Trường Sa với
các láng giềng, tranh thủ được sự ủng hộ của họ trong cuộc đối đầu với Trung
Quốc trên vấn đề Hoàng Sa.
Ngoài ra, ngay vào lúc Trung Quốc có hành động quá
đáng tại vùng Hoàng Sa như đang diễn ra, gây nên tình trạng mất an ninh cho
toàn khu vực, Việt Nam cần phải mạnh dạn mang vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo
an Liên Hiệp Quốc, hay ít ra là ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Nghe
(16:44) : Giáo sư Ngô Vĩnh Long -
Đại học Maine (Hoa Kỳ) 12/05/2014
Sau đây là bài phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long dành cho RFI :
1/
Ý đồ của Trung Quốc : Chặn yết hầu Biển Đông
Có vấn đề ý đồ lâu dài và ý đồ trước mắt. Ý đồ lâu
dài đã được mọi người biết đến : Trung Quốc muốn chiếm toàn bộ Biển Đông và đẩy
Mỹ ra khỏi khu vực. Còn trước mắt thì tôi thấy có nhiều lý do : Thứ nhất là khi
Tổng thống Mỹ Obama đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines, không
thấy nói gì đến Việt Nam. Thứ hai là Việt Nam không rõ ràng trong chính sách
của mình.
Cho nên Trung Quốc muốn thừa lúc ông Obama mới vừa
về nước để xem thử phản ứng của Mỹ - có thể nói đây là một cú hích sau lưng
Tổng thống Obama - rồi thử xem phản ứng của Việt Nam và các nước ASEAN, để tiếp
tục lấn thêm.
Nhưng về lâu về dài, hướng đi của Trung Quốc đã quá
rõ : Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa, đã xây cơ sở, phi trường trên đó, và Trung
Quốc cũng đã chiếm Gạc Ma (ở Trường Sa), cũng đang xây phi trường trên đó.
Rõ ràng là Trung Quốc đang muốn dùng hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa nói chung, hay đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa và đảo Gạc Ma ở
Trường Sa nói riêng, để đe dọa không những các nước trong khu vực, mà cả thế
giới nữa, bởi vì 60% hàng chuyên chở bằng đường biển là đi qua Biển Đông, mà cái
yết hầu của Biển Đông lại là vùng biển giữa Hoàng Sa và Việt Nam, cho nên Hoàng
Sa rất quan trọng.
Vì thế Trung Quốc cho cắm giàn khoan ở đó để xem
phản ứng của Mỹ, của Việt Nam, của các nước trong khu vực cũng như trên thế
giới là như thế nào.
Việt
Nam phản ứng mạnh hơn bình thường nhưng chưa đủ
Những phản ứng của chính phủ Việt Nam trong thời
gian vừa qua rất đúng đắn và vừa phải.
Nhưng tôi nghĩ rằng có nhiều chuyện hơn thế nữa mà
Việt Nam phải làm, bởi vì cho đến nay Việt Nam vẫn mập mờ trong chính sách của
mình, và chính vì vậy mà đã giúp cho Trung Quốc lấn tới thêm và cũng làm cho
nhiều nước trong khu vực khó thấy là có thể ủng hộ được, mà cũng không biết
được là phải ủng hộ Việt Nam như thế nào.
Thái độ rõ ràng là như thế nào ?
Trước nhất Việt Nam lẽ ra đã phải nói từ lâu rằng
tất cả các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa chỉ có lãnh hải tối đa là 12 hải lý mà
thôi. Điều này giúp cho các quốc gia trong khu vực thấy rằng Việt Nam không
tranh chấp ví dụ như ở Trường Sa với các nước khác.
Các
đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa không thể có EEZ hơn 12 hải lý
Điều đó cũng cho mọi người thấy cái sai của Trung
Quốc trong hành động mới đây, khi họ muốn cắm giàn khoan cách đảo Tri Tôn
(Hoàng Sa) 18 dặm, nói rằng cái đó nằm trong lãnh hải của Hoàng Sa. Trung Quốc
không nói về lãnh hải hay là vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Hải Nam...
Nói như vậy có nghĩa là Trung Quốc xác định rằng
Hoàng Sa là của họ, và Hoàng Sa có một vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm.
Trung Quốc ngang ngược như vậy, nhưng nếu trước đây
mà Việt Nam đã tuyên bố rõ vấn đề này thì bây giờ Việt Nam đã có thể ăn nói dễ
hơn.
Nhưng dù thế nào đi nữa thì hiện nay Trung Quốc đã
làm quá, và vấn đề không chỉ là chủ quyền Hoàng Sa, mà vấn đề là Trung Quốc
dùng Hoàng Sa để làm mất an ninh và gây tổn thương cho Việt Nam và cho các nước
khác trên thế giới. Và đây là việc mà theo tôi, Việt Nam cần đem ra trước Hội
đồng Bảo an của Liên Hiệp Quốc cũng như trước các cơ quan tài phán quốc tế
khác.
Phải
đưa ra Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc về hành vi đe dọa an ninh khu vực
Có nhiều người ở trong nước nói rằng đưa vấn đề ra
trước các cơ quan tài phán quốc tế thì rất khó, bởi vì khi kiện Trung Quốc xâm
chiếm lãnh thổ hay lãnh hải của Hoàng Sa thì phải có sự thỏa thuận của đôi bên
thì hồ sơ mới được thụ lý... Theo tôi đây chỉ là sự biện minh cho những chuyện
không dám làm.
Ví du như Philippines đã đưa Trung Quốc ra trước
Liên Hiệp Quốc. Việt Nam đáng lý ra ngay từ đầu phải ủng hộ Philippines trong
vấn đề này, nhưng mà Việt Nam, ngay cả chỉ ủng hộ mà thôi nhưng đã không làm.
Rồi Việt Nam có những đòi hỏi chủ quyền thái quá ở
Trường Sa, lại không nói rõ vấn đề là tất cả các đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa
chỉ có hải phận 12 hải lý, và cũng không xác định rõ là các đòi hỏi chủ quyền
của Việt Nam phạm đến EEZ của Philippines, Brunei và Malaysia.
Và khi không rõ ràng trên vấn đề này, Việt Nam khó
mà vận động được sự ủng hộ của các nước trong khu vực.
Việc nói rõ ràng các vấn đề trên sẽ có lợi cho Việt Nam.
Việc nói rõ ràng các vấn đề trên sẽ có lợi cho Việt Nam.
Vận
động ASEAN, Mỹ và đồng minh của Mỹ
Đây là cơ hội rất là tốt ngay trong lúc Trung Quốc
cố tình khich động trong khu vực Biển Đông để xem phản ứng của các nước trong
khu vực như thế nào, và một lần nữa làm cho các quốc gia Đông Nam Á không thỏa
thuận được với nhau về một bộ Quy tắc Ứng xử cho Biển Đông (COC).
Rõ ràng là Trung Quốc muốn làm như thế, cho nên Việt
Nam nên phân tích rõ tính chất nguy hiểm đối với cả khu vực trong việc Trung
Quốc đang làm ở vùng yết hầu giữa Hoàng Sa và Việt Nam, đe dọa an ninh không
chỉ của Việt Nam, mà cả của khu vực và thế giới. Việt Nam phải thuyết phục các
nước trong vùng là nên cùng với Việt Nam tiến tới đồng thuận trong viêc giữ gìn
an ninh cho khu vực.
Theo tôi, đây là một dịp rất tốt. Nếu Việt Nam sợ mà
không dám nói rõ cho các nước bạn thì họ sẽ nghĩ rằng "anh bị thiệt hại
nhiều như thế mà anh lại không dám, không rõ ràng, thì dại gì chúng tôi lại
phải theo".
Cho nên đây là một cơ hội, nếu mà Việt Nam bỏ lỡ thì
sau này khó làm hơn được. Thành ra một đằng, Việt Nam phải vận động các nước
ASEAN, một đằng khác Việt Nam nên thúc đẩy Mỹ và các đồng minh của Mỹ đưa vấn
đề Biển Đông ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bỏi vì vấn đề này là vấn
đề an ninh, và an ninh cho cả thế giới, chứ không phải là vấn đề tranh chấp chủ
quyền Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Việt Nam cũng phải nêu rõ vấn đề tại sao Trung Quốc
chiếm Hoàng Sa, tại sao Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma, giết người Việt Nam.
Vấn đề giết người Việt Nam có thể được đưa ra trước
các tòa án quốc tế, nhưng Việt Nam cần chứng minh cho thế giới biết là Trung
Quốc có chủ định từ lâu là muốn chiếm đóng toàn bộ Biển Đông, thành ra là thế
giới phải có trách nhiệm.
Nhất là Mỹ, nước buôn bán nhiều nhất với Trung Quốc,
phải nói cho Trung Quốc rõ ràng là làm như vậy không được, vì việc Trung Quốc
làm như vậy ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ, và của các nước khác.
Phải
đưa Trung Quốc ra cả Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
Đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là bởi vì
Trung Quốc đe dọa an ninh toàn khu vực. Và phải đưa ra cả Đại hội đồng Liên
Hiệp Quốc, vì khi đưa ra Hội đồng Bảo an thì Trung Quốc có thể sẽ phủ quyết,
vấn đề sẽ khó khăn. Đưa ra Đại hội đồng, Trung Quốc sẽ khó phủ quyết.
Để thành công, Việt Nam phải vận động các nước lớn
như là Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp...
Việt Nam cũng phải vận động các nước ASEAN.
Việt Nam cũng phải vận động các nước ASEAN.
Không cần tất cả các nước, nhưng ít nhất nếu Việt
Nam thuyết phục được Philippines, Malaysia, Brunei, thì sẽ có tiếng nói chung
vì đây là 4 nước bị đuờng lưỡi bò đe dọa nhất, hay là bị hành động của Trung
Quốc hiện nay đe dọa nhiều nhất.
Nếu đưa được vấn đề này ra Đại hội đồng Liên Hiệp
Quốc thì tôi nghĩ sẽ có tiếng vang lớn...
Không
nên sợ Trung Quốc
Trung Quốc có thể cấm vận Việt Nam để trả đũa, nhưng
tôi nghĩ rằng ảnh hưởng cũng không cao, nhiều lắm nó làm GDP của Việt Nam giảm
từ 12% đến 15% là cùng. Nhưng với 12% đến 15% trong một năm, thì dân chúng Việt
Nam chịu được và xuất khẩu Việt Nam có thể chuyển qua Mỹ, qua nước khác.
Nếu Trung Quốc cấm vận Malaysia vì chống thái độ của
Trung Quốc hiện nay, thì nước này có thể bị thiệt hại nhiều, bởi vì 35% xuất
khẩu của Malaysia là sang Trung Quốc để tái xuất khẩu sang Mỹ và các nước khác.
Nhưng như ta đã thấy, Malaysia, sau chuyến thăm của
Obama, đã rõ ràng trong vấn đề lập trường của mình, thì tôi nghĩ không có cớ gì
mà Việt Nam, một nước có lãnh hải và lãnh thổ dài nhất trong khu vực, lại không
dám có tiếng nói mạnh hơn để bảo vệ quyền lợi của mình, và qua đó cũng là bảo
vệ quyền lợi của khu vực và thế giới, cho thế giới thấy là Việt Nam một nước
can đảm, biết trọng lẽ phải, biết trọng luật lệ quốc tế.
Quan trọng là vấn đề luật lệ quốc tế, khi làm chuyện
này, Trung Quốc phá vỡ không những Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS
và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), mà cả luật lệ quốc tế khác
nữa, cho nên không nên để cho Trung Quốc làm vấn đề này.
Nếu Việt Nam cùng với Philippines và các nước khác
đứng ra bảo vệ an ninh và luật cho thế giới, tôi nghĩ là thế giới sẽ tán thành
thôi.
Không
thể tiếp tục nhân nhượng Trung Quốc
Đến lúc này, với tình thế như thế này mà Việt Nam
còn do dự thì Trung Quốc sẽ lấn tới thôi, bởi vì Bắc Kinh muốn lợi dụng cơ hội
Mỹ và các nước khác đang lo về vấn đề Ukraina, đang lo về các vấn đề khác trên
thế giới, đang lo về vấn đề kinh tế. Trung Quốc nghĩ rằng có thể làm vấn đề này
mà không tạo ra phản ứng mạnh của nhiều nước trên thế giới.
Theo tôi nghĩ là Việt Nam không thể ngồi chờ, vì sẽ
không còn cơ hội nữa. Việt Nam phải dùng cơ hội này để vận động, vận động và
vận động, chứ không phải ngồi chờ người khác nói thế này, thế kia… Những nước
lớn trên thế giới có rất nhiều chuyện phải lo, thành ra nếu muốn bảo vệ an ninh
cho mình thì Việt Nam phải có một chính sách rõ ràng và đúng đắn.
Tôi nghĩ là lúc này là lúc phải làm, càng nhân
nhượng Trung Quốc thì càng ngày càng bị mất thêm. Theo tôi, lúc này là lúc Việt
Nam có cơ hội để đổi hướng. Tôi nghĩ vấn đề đổi hướng sẽ có lợi cho Việt Nam về
lâu về dài mặc dầu trước mắt có thể gặp một số khó khăn, nếu mà Trung Quốc cấm
vận Việt Nam chẳng hạn.
Nhưng tôi nghĩ rằng Trung Quốc chưa chắc là sẽ dám
làm như vậy, vì Trung Quốc cũng sẽ bị thiệt hại nhiều.
No comments:
Post a Comment