Thursday, 20 June 2024

VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ TRƯỚC VIỆC PHILIPPINES YÊU CẦU MỞ RỘNG THỀM LỤC ĐỊA (Hà Lệ Chi / RFA)

 



Việt Nam cần làm gì trước việc Philippines yêu cầu mở rộng thềm lục địa

Bình luận của Hà Lệ Chi
2024.06.20

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-does-vn-need-to-do-when-philippines-ask-un-to-recognize-its-extended-continental-shelf-06202024124137.html

 

Cuộc chiến công hàm sẽ tiếp tục

 

Philippines đã chính thức yêu cầu Liên hợp quốc (LHQ) xem xét hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng (ECS) ở khu vực Tây Palawan ở Biển Tây Philippines, Bộ Ngoại giao (DFA) Philippines thông báo ngày 15/6 như vậy.

 

Việc đệ trình thông tin này lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên hợp quốc được thực hiện thông qua Phái đoàn Thường trực Philippines tại Liên hợp quốc ở New York vào ngày 14/6 (giờ New York) (1).

 

Đây là lần thứ hai Philippines đăng ký quyền ECS. Vào năm 2009, Philippines đã đệ trình lần đầu tiên và năm 2012, CLCS đã xác nhận hồ sơ này, khiến cho Philippines mở rộng thêm 135.506 km2 đáy biển.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-does-vn-need-to-do-when-philippines-ask-un-to-recognize-its-extended-continental-shelf-06202024124137.html/@@images/image

Bản đồ có kềm phần thềm lục địa mà Philippines yêu cầu ở Biển Đông   (Phan Văn Song)

 

Theo Điều 76 của Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS), một quốc gia ven biển như Philippines có quyền thiết lập ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của các khu vực ngầm kéo dài quá 200 hải lý (NM) nhưng không vượt quá 350 NM tính từ đường đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải.

 

Năm 2019, Malaysia đã đệ trình lại ECS, từ đó đã dẫn tới cuộc chiến công hàm giữa nhiều quốc gia chống lại luận điểm của Trung Quốc về quyền sở hữu của họ trên Biển Đông. Việc Philippines đệ trình lần này, báo hiệu cũng sẽ có một làn sóng công hàm giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.

 

 

Mục đích và thời điểm

 

DFA cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu cho việc này, và trên thực tế, chúng tôi đã đề cập trong báo cáo của Philippines (Benham) Rise vào năm 2009 rằng chúng tôi bảo lưu quyền đưa ra các báo cáo tiếp theo cho phương Tây. Đó là một quá trình liên ngành kéo dài bao gồm nghiên cứu và đánh giá khoa học có chủ ý và chuyên sâu”.”

 

Trong thông báo gửi báo chí, DFA có nói là việc chuẩn bị cho công việc này đã tiến hành trong hơn 15 năm. Tuy nhiên, thời điểm mà Philippines lựa chọn gửi đề xuất này trong thời điểm này cũng là một điều đáng lưu ý.

 

Từ năm 2023 tới nay, Philippines và Trung Quốc vẫn đang duy trì tình trạng căng thẳng và đối đầu trên Biển Đông, đặc biệt tại khu vực Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scarborough. Philippines dưới thời của Tổng thống Marcos Jr. đã xích lại gần Mỹ, thậm chí tăng cường các hoạt động với Mỹ và đồng minh để nhằm chống lại đe doạ từ Trung Quốc.

 

Hạ nghị sĩ Cagayan de Oro Rufus Rodriguez, đã kêu gọi Thượng viện thông qua dự luật số 9034 xác định các tuyến đường biển của nước này nhằm ngăn chặn các hành vi xâm lấn vùng biển Philippines bởi các tàu và máy bay của Trung Quốc và nước ngoài khác (2). Hạ viện Philippines đã thông qua dự luật này vào tháng 12 năm ngoái, và chỉ còn chờ Thượng viện thông qua (3).

 

Nhận định về mục đích của Philippines trong hành động đệ trình ECS lần này, Đinh Đạc (Ding Duo) - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Luật biển, Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc, cho rằng:

 

“Động thái này của Philippines đã được lên kế hoạch từ lâu nhằm xác nhận phán quyết của vụ kiện trọng tài Biển Đông năm 2016 (sau đây gọi là “Phán quyết trọng tài”) và sử dụng Phán quyết phân định thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông làm bàn đạp, để củng cố hoặc thậm chí mở rộng các lợi ích và các yêu sách của Philippines ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục khuấy động các hành động khiêu khích chính trị và pháp lý về vấn đề Biển Đông trong các hoạt động quốc tế đa phương và dư luận quốc tế.” (4)

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian thì cho biết:

 

“Trung Quốc ghi nhận sự phát triển này và chúng tôi đang cố gắng thu thập thêm thông tin về vấn đề này. Điều tôi cần nói là có những vấn đề lãnh thổ và tranh chấp về phân định biển ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Đệ trình đơn phương của Philippines về phạm vi thềm lục địa của nước này ở Biển Đông là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của Biển Đông. Các bên ở Biển Đông. Theo các quy định về thủ tục của Ủy ban Liên hợp quốc về Giới hạn Thềm lục địa, Ủy ban sẽ không xem xét hoặc xác nhận đệ trình của Philippines nếu nó liên quan đến việc phân định các vùng biển tranh chấp.” (5)

 

 

Việt Nam phải làm gì?

 

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, với hành động này, một mặt Philippines đệ trình nhằm bảo vệ các lợi ích của họ trên Biển Đông, điều này vừa thúc đẩy sự ủng hộ trong nước với Tổng thống Marcos, đồng thời qua đó cũng thúc đẩy sự ủng hộ Philippines từ cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Mặt khác, trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay, việc đệ trình này sẽ tạo một làn sóng chú ý và tập trung sự công kích vào Trung Quốc của dư luận thế giới, giống như cuộc chiến công hàm mà do Malaysia khởi xướng cũng từ việc đệ trình ECS vào cuối năm 2019.

 

Trong hồ sơ đệ trình lên CLCS, Philippines nói rõ:

 

“Philippines lưu ý rằng đệ trình chung năm 2009 của Malaysia và Việt Nam, đệ trình năm 2009 của Việt Nam ở khu vực phía bắc và đệ trình năm 2019 của Malaysia đệ trình lên CLCS bao gồm các khu vực có thể chồng lấn với khu vực của Đệ trình này.

 

Những đệ trình trước đó dựa trên Điều 76 của UNCLOS và nhìn chung phù hợp với các nguyên tắc được khẳng định trong Phán quyết Biển Đông năm 2016 của Toà Trọng tài. Philippines bày tỏ sẵn sàng thảo luận với các quốc gia liên quan về việc phân định ranh giới trên biển.” (6)

 

Như vậy, khu vực thềm lục địa mở rộng (ECS) của Philippines lần này sẽ có nhiều chồng lấn với ECS của Việt Nam và Malaysia.

 

Nhìn trên bản đồ, chúng ta sẽ thấy ECS của Philippines đệ trình lần này lấn vào cả vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Xem bản đồ)

 

Chắc chắn Việt Nam sẽ phải phản ứng. Phản ứng của Việt Nam đầu tiên là phải bảo vệ quyền lợi biển của Việt Nam theo UNCLOS, trong đó có thềm lục địa (CS) mà Việt Nam đương nhiên được hưởng là 200 hải lý. Ngoài ra theo điểu 76 UNCLOS, Việt Nam cũng có quyền yêu cầu ECS. Tiếp theo, Việt Nam cũng cần để ngỏ khả năng đàm phán phân định ECS với Philippines và Malaysia trong tương lai. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phản đối các khẳng định của Trung Quốc trong Công hàm họ đã gửi lên phản đối Đệ trình của Philippines (trong đó Trung Quốc có khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các nhóm thực thể và

 

vùng biển xung quanh trên Biển Đông, bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam).

_________

Tham khảo:

1. https://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/phl1/2023PhlEsDoc001Secured.pdf

 

2. https://www.pna.gov.ph/articles/1226547

 

3. https://issuances-library.senate.gov.ph/bills/house-bill-no-9034-19th-congress

 

4. https://opinion.huanqiu.com/article/4IEmi156dOD

5. https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/202406/t20240617_11437317.html

6. https://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/phl1/2023PhlEsDoc001Secured.pdf

 

----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

* Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. 

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats