Tuesday, 18 June 2024

THƯỢNG ĐỈNH HÒA BÌNH UKRAINE : VÌ SAO VIỆT NAM ĐƯỢC MỜI NHƯNG KHÔNG THAM DỰ? (BBC Tiếng Việt)

 



Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine: Vì sao Việt Nam được mời nhưng không tham dự?

BBC Tiếng Việt

 17 tháng 6 2024, 14:46 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c044ydd34dlo

 

Dù được mời tới Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ, Việt Nam đã không tới tham dự.

 

Cố vấn chính trị, Phó Đại sứ Ukraine tại Việt Nam, bà Nataliya Zhynkina, cho BBC News Tiếng Việt biết thông tin trên hôm 17/6.

 

Trước thượng đỉnh nói trên, một số nhà quan sát từng đưa ra nhận định về khả năng Việt Nam tham dự thượng đỉnh nói trên.

 

Trong bài viết đăng tải trên chuyên trang Fulcrum hôm 6/6, Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) tại Singapore từng viết rằng Việt Nam, Myanmar, và Lào là ba quốc gia trong ASEAN có thể không tham dự.

 

Ông phân tích:

"Cả Việt Nam và Lào đều từng bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong các nghị quyết lên án việc Nga xâm lược Ukraine.

"Việc tham dự thượng đỉnh sẽ bị Moscow xem là hành động không thân thiện."

 

Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine vừa diễn ra vào hai ngày 15-16/6 tại khu nghỉ dưỡng Bürgenstock của Thụy Sĩ.

 

Hôm 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng Việt Nam "hoan nghênh và sẵn sàng tham gia các nỗ lực trung gian hoà giải quốc tế, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, bền vững cho xung đột Nga – Ukraine, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.."

 

Tuy nhiên, Việt Nam không có tên trong hơn 90 quốc gia tham dự Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine.

 

VIDEO :  "Ông Putin đang quyền lực hơn bao giờ hết?", Thời lượng 10,58

                 https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c044ydd34dlo

 

Tổng cộng, Ukraine đã gửi thư mời tham gia thượng đỉnh đến khoảng 160 quốc gia và tổ chức.

 

Trong đó, Nga không được mời tham dự, Trung Quốc và Campuchia được mời nhưng tuyên bố không tham gia vì không có Nga.

 

Việt Nam cho đến nay luôn khẳng định "là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga", luôn nhắc tới sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây cũng như Nga ngày nay.

 

Hôm 17/6, Reuters dẫn lời nhiều quan chức cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Hà Nội vào tuần này và nhấn mạnh lòng “trung thành” của Việt Nam đối với Nga.

 

Chuyến thăm dự kiến của Putin cũng vấp phải chỉ trích từ Mỹ.

 

Theo các quan chức, ông Putin dự kiến sẽ gặp Chủ tịch nước Tô Lâm và các nhà lãnh đạo khác trong chuyến thăm kéo dài hai ngày vào 19-20/6.

 

·        Tổng thống Putin thăm Việt Nam tuần tới trong bối cảnh có đủ 'Tứ Trụ'?

10 tháng 6 năm 2024

·        Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine: Trung Quốc, Campuchia không tham gia ‘vì thiếu Nga’, Việt Nam thì sao?

10 tháng 6 năm 2024

·        BRICS cạnh tranh với G7: Việt Nam hưởng lợi từ khối nào hơn?

13 tháng 6 năm 2024

 

 

Trung Quốc kêu gọi Nga và Ukraine hòa đàm

 

Trong một diễn biến khác, dù từ chối tham dự Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ, Trung Quốc đã kêu gọi Nga và Ukraine hòa đàm càng sớm càng tốt.

 

"Trung Quốc kêu gọi các bên có liên quan tới cuộc xung đột thể hiện thiện chí chính trị, ngồi lại với nhau và bắt đầu các cuộc hòa đàm sớm nhất có thể để đạt được thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt các hoạt động quân sự,” ông Geng Shuang, Phó Đại diện thường trú của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm thứ Sáu 14/6.

 

Việc Trung Quốc không tham gia thượng đỉnh lần này đã làm dấy lên những nghi vấn về tính trung lập của Bắc Kinh trong cuộc chiến ở Ukraine.

 

Ngày 15/6, ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, nói bên lề Thượng đỉnh Hòa bình tại Thụy Sỹ rằng việc Trung Quốc vắng mặt có thể là do chịu áp lực từ Nga và hành động này nhất quán với việc Trung Quốc “hỗ trợ Nga vận hành cỗ máy chiến tranh”.

 

"Tôi cho rằng họ không ở đây vì [Vladimir] Putin đã yêu cầu họ không đến, và họ tuân theo yêu cầu của Putin," ông Sullivan nói với các phóng viên tại khu nghỉ dưỡng của Thụy Sĩ. "Trung Quốc đã khẳng định rằng họ ủng hộ hòa bình ở Ukraine. Một cách tốt để chứng tỏ điều đó đã là đến đây."

 

Cũng vào ngày 15/6, trong buổi họp báo của Liên Hợp Quốc về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, ông Geng Shuang đã bảo vệ "tính khách quan và trung lập” của Trung Quốc, theo South China Morning Post (SCMP).

 

Ông cũng cáo buộc Mỹ “tuyên truyền sự dối trá rằng Trung Quốc đã hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga.”

 

Trả lời báo chí vào cùng ngày 15/6, ông Igor Zhovkva, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, nói rằng thượng đỉnh lần này “nhằm tập hợp các quốc gia sẵn sàng hành động để mang lại hòa bình cho Ukraine.”

 

Theo ông Zhovkva, người Ukraine muốn sự tham gia của các quốc gia vẫn đang duy trì quan hệ với Nga.

 

Họ cho rằng đó là những quốc gia có thể tác động tới Moscow trong việc đưa ra đề xuất hòa bình với Ukraine.

 

Tham gia thượng đình lần này có cả những quốc gia không phải đối tác thân thiết của Ukraine, bao gồm Ả Rập Xê Út và Kenya.

 

Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út từng cảnh báo rằng Ukraine sẽ phải thỏa hiệp, Kenya từng lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt mới đây đối với Nga.

 

·        Ông Putin ra điều kiện ngừng bắn, Ukraine tìm kiếm sự ủng hộ

15 tháng 6 năm 2024

·        Lớn lên trong lửa đạn: Trẻ em Ukraine sinh tồn trong cuộc xâm lăng của Nga ra sao?

2 tháng 6 năm 2024

·        Gặp Peaky Blinders - đội máy bay không người lái của Ukraine bảo vệ vùng trời Kharkiv

27 tháng 5 năm 2024

 

 

‘Sẽ tổ chức hòa đàm ngay hôm sau nếu Nga rút quân’

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/f8a8/live/4d83b9e0-2c7c-11ef-90be-b75b34b0bbb2.jpg.webp

Hình ảnh một số lãnh đạo quốc gia tham dự Thượng đình Hòa bình Ukraine tại Thụy Sỹ (15-16/6/2024)

 

Ngày 16/6, trong khuôn khổ Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói rằng Kyiv sẽ tổ chức hòa đàm với Moscow ngay hôm sau nếu Nga rút quân ra khỏi lãnh thổ của Ukraine.

 

Cũng tại đây, ông Zelensky đã phát biểu rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không chủ động chấm dứt cuộc chiến và phải bị ngăn chặn "bằng mọi giá", bao gồm cả các biện pháp quân sự và ngoại giao.

 

Ông Zelensky từng nói rằng Ukraine muốn “thử giải quyết bằng ngoại giao” và chứng minh rằng “những nỗ lực chung” có thể giúp chấm dứt chiến tranh.

 

Theo bài viết ngày 16/6 trên Politico, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố Ukraine sẽ không trực tiếp đàm phán với Nga, mà đang nỗ lực xây dựng một liên minh các bên trung gian để giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

 

Ông cũng nói thêm rằng lý do Nga không được mời vì nếu “Nga quan tâm đến hòa bình thì đã không có chiến tranh”.

 

Trước đó, ngày 14/6, ông Putin đã ra điều kiện ngừng bắn nếu Ukraine rút binh sĩ khỏi bốn vùng mà Moscow sáp nhập hồi năm 2022, là Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia.

Ukraine chưa bao giờ công nhận việc sáp nhập này.

 

Tại Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine, nhiều quốc gia đã phản đối đề xuất nói trên của ông Putin.

 

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni gọi kế hoạch của Tổng thống Nga là "tuyên truyền," ngụ ý rằng Nga đang đề xuất rằng Ukraine "phải rút lui khỏi Ukraine."

 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng bác bỏ và gọi cho rằng đề xuất này thể hiện một “sự hòa bình độc tài”.

 

Thủ tướng Anh Rishi Sunak chỉ trích ông Putin "thêu dệt dối trá về việc ông ta sẵn sàng đàm phán”.

 

Ông nói thêm rằng các quốc gia đang cung cấp vũ khí cho Nga "đang ở sai phía của lịch sử".

 

Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, nói với BBC rằng Ukraine sẽ “không khoan nhượng về độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ".

 

Kết thúc thượng đỉnh, gần 80 quốc gia thể hiện cam kết đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

 

Văn bản chung của thượng đỉnh ủng hộ việc Ukraine khôi phục quyền kiểm soát đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện đang bị Nga chiếm đóng, cùng với việc trao đổi tất cả tù nhân và trả lại trẻ em bị Nga bắt cóc.

 

Văn bản này cũng gọi cuộc xâm lược của Nga là "chiến tranh", một cụm từ mà Moscow luôn phản đối.

 

Những vấn đề gây tranh cãi nhất, như tình trạng các khu vực mà Nga đang chiếm đóng, sẽ được giải quyết sau.

 

Trả lời báo giới sau cuộc họp, ông Zelensky cảm ơn các nhà lãnh đạo thế giới đã tham dự, cho biết ông rất biết ơn rằng những quốc gia này đã thể hiện sự độc lập và đến tham dự thượng đỉnh dù phải chịu áp lực từ Nga.

 

"Cuộc họp thượng đỉnh này cho thấy sự hỗ trợ từ quốc tế [đối với Ukraine] không hề suy yếu", ông nói, nhấn mạnh rằng các quốc gia trước đây không tham gia vào nỗ lực ngoại giao hiện đã tham gia vào quá trình này.

 

Trước đó, trong cuộc họp hôm 13/6, khối G7 đã nhất trí soạn một dự thảo cho Ukraine vay 50 tỷ USD.

 

Khoản này được trích từ tiền lãi của khoản 300 tỷ USD của Nga bị phong tỏa ở nước ngoài.

 

Ngoài ra, Kyiv đã kí với Washington một thỏa thuận an ninh song phương 10 năm để tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.

 

Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp thiết bị quân sự, đào tạo nhân lực, chia sẻ tình báo, hỗ trợ công nghiệp quốc phòng… cho Ukraine.

 

Nhật Bản cũng đã cam kết cung cấp 4,5 tỷ USD cho Ukraine trong năm nay.

 

------------------

Tin liên quan

 

Vì sao ông Putin thay Bộ trưởng Quốc phòng ‘trung thành’ bằng một nhà kinh tế?

14 tháng 5 năm 2024

·         

Putin tới thăm Trung Quốc: Những yếu tố Việt Nam cần quan tâm

17 tháng 5 năm 2024

·         

Chính trị Việt Nam xáo động, tại sao Trung Quốc được nhắc tới?

12 tháng 5 năm 2024

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats