Friday, 7 June 2024

THAM NHŨNG HỦY HOẠI CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ, CẢNH BÁO ĐỎ VỀ MÔ HÌNH CHUYÊN CHẾ TRỞ LẠI (Huỳnh Trần / Blog RFA)

 



Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 1)

Bình luận của Huỳnh Trần
2024.06.06

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/corruption-ruins-regime-signaling-return-of-totalitarianism-part-1-06052024104144.html

 

Chính sách Đổi mới giúp Việt Nam có một thời kỳ “vàng son”, trong đó kinh tế được mở rộng nhanh chóng kèm theo sự thái quá vật chất đồng thời với tham nhũng chính trị. Khác biệt với thời kỳ mạ vàng (Gilded age[1]) ở Mỹ vào từ khoảng những năm 1870 đến đầu những năm 1900, trong đó sự phát triển chủ nghĩa tư bản bùng nổ và hỗn loạn và, sau đó là hoàn thiện thể chế, luật pháp và dân chủ hoá đất nước, thì chế độ Đảng cộng sản (CS) toàn trị với sự tinh vi về hệ tư tưởng và bộ máy cai trị đặc quyền, không chỉ về cách tuyên truyền sai lệch nguyên nhân và động lực thật sự về tăng trưởng kinh tế mà còn diễn giải nạn tham nhũng và thực hành chống tham nhũng chỉ để duy trì chế độ. Hậu quả là tình hình ngày càng tồi tệ và chế độ đang đứng trước nguy cơ tồn vong ngày càng lớn. Thời kỳ mạ vàng qua đi, mô hình chuyên chế đã quay trở lại và cần được cảnh báo trước khi đặt vấn đề dân chủ hoá. Bài viết sẽ trình bày ba nội dung chủ yếu sau: (I)Tham nhũng đã huỷ hoại chế độ toàn trị; (II)Các kịch bản thay đổi; Và, (III)Cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại.

 

(I)

Tham nhũng đã huỷ hoại chế độ toàn trị

 

Thời kỳ “mạ vàng” ở Việt Nam khởi đầu từ đường lối Đổi mới của Đảng CS năm 1986 trước nguy cơ sụp đổ chế độ bởi những thách thức to lớn về thể chế chính trị, kinh tế và xã hội. Trụ cột của Đổi mới là những chính sách về xoá bỏ chế độ quản lý quan liêu bao cấp và kinh tế kế hoạch hoá tập trung, chuyển đổi sang cơ chế thị trường chủ yếu “từ dưới lên” đồng thời với mở cửa nền kinh tế hội nhập với thế giới và cải cách thể chế để thích ứng với bối cảnh mới. Sự thành công về kinh tế, tăng cường cơ sở vật chất và xoá đói giảm nghèo… đã làm thay đổi diện mạo đất nước. Giới lãnh đạo đã ngộ nhận và ‘ngạo mạn’ nói về công lao và năng lực của Đảng và Chính phủ trong khi lờ đi hay coi nhẹ động lực thị trường. Và, hệ quả hiển nhiên là cải cách chính trị dần trì trệ và chững lại ở thượng tầng, mà nguyên nhân bản chất là tha hoá quyền lực và vấn nạn tham nhũng là biểu hiện bề ngoài. Với bản chất đối nghịch với kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản chế độ đảng CS toàn trị chỉ ‘lợi dụng’ nó như phương tiện tăng trưởng để đảm bảo tính chính danh mà không thể tự thay đổi.

 

Chế độ đảng toàn trị đang sụp đổ vì tham nhũng. Và, đây là con đường từ tham nhũng kinh tế đến tham nhũng chính trị. Trên đó từ những khoản tiền tham nhũng vặt, chúng cứ lớn dần do người dân và doanh nghiệp bị ép buộc hay đòi hỏi phải hối lộ, ‘chia chác’ cho quan chức, công chức để thực hiện dịch vụ hành chính công, công vụ hay tiếp cận các nguồn lực công, các dự án từ ngân sách, đất đai và tài nguyên. Những bất cập thể chế và chính sách cơ chế kiểm soát quyền lực trong nội bộ không hiệu quả khiến cho công dân muốn có tự do hơn trong cuộc sống buộc phải hối lộ và các doanh nghiệp muốn kinh doanh buộc phải chia sẻ lời lãi. Trong điều kiện khan hiếm một ‘cuộc đua’ vô hình như trên khiến các quan chức làm giàu nhanh và trắng trợn. Ngoài ra, nhiều chính sách, cải cách nửa vời hay không hiệu quả, núp bóng dưới các hình thức cổ phần hoá, xã hội hoá, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, đầu tư công… che giấu lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ khiến tham nhũng trở thành quốc nạn, đang lan rộng và ngày càng nghiêm trọng.

 

Đảng Cộng sản (CS) chính thức thừa nhận tham nhũng là nguy cơ tồn vong chế độ tại Đại hội 11 (năm 2011), ban hành Nghị quyết TƯ 4 về chống tham nhũng. Ông Tổng bí thư phát động chiến dịch “đốt lò” và trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống năm 2012… Đảng đã tổng kết 10 năm[2] thực hiện chính sách này và, một trong những nhận định là “tình hình vẫn phức tạp” và “chưa đạt kết quả như mong muốn.” Và, mới đây, trong Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội khoá 15, tại kỳ họp thứ 7 ngày 20/5/2024 vẫn chỉ ra trong năm 2023: “Các cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra hơn 1.100 vụ án với gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng… So với năm 2022, các cơ quan thanh tra đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền tăng 7,6%, chuyển cơ quan điều tra tăng 12,5% số vụ. Riêng sáu tháng đầu năm nay, các đơn vị đã khởi tố mới 468 vụ liên quan tội phạm về tham nhũng, chức vụ với nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp…”

 

Tình hình tham nhũng đã tồi tệ đến mức giới lãnh đạo không thể công khai trước toàn dân về trách nhiệm giải trình. Người dân tuy biết nhưng đứng ngoài “trò chơi cung đình”, trong đó sự theo đuổi, tranh giành quyền lực và thanh trừng nội bộ ở thượng tầng đang diễn ra khốc liệt. Trong vòng hơn một năm tính từ đầu năm 2023 đến thời điểm viết bài đã có năm trong số 18 Uỷ viên Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực tối cao của Đảng Cộng sản, đã có lần lượt hai ông Chủ tịch Nước, một Chủ tịch Quốc hội, một Thường trực Ban bí thư, một phó Thủ tướng thường trực phải từ chức vì “trách nhiệm chính trị” và nhiều quan chức cao cấp khác bị kỷ luật dưới các hình thức khác nhau… Và, Đảng buộc phải dàn xếp, thay thế, phân công… Người ta gọi đó là “kiện toàn nhân sự lãnh đạo đảng-nhà nước, trong đó có quy trình Đảng cử và Quốc hội bầu đã diễn ra tại kỳ họp thứ 7 nêu trên…

 

Chính trị là cách thức cai trị. Cụ thể, đây là tập hợp các hoạt động liên quan đến việc lãnh đạo, quản lý một quốc gia hoặc khu vực có chủ quyền. Các hoạt động này liên quan đến việc đưa ra quyết định theo nhóm hoặc các hình thức quan hệ quyền lực khác giữa các cá nhân, chẳng hạn như phân phối tài nguyên hoặc địa vị, đặc biệt là việc tranh giành hoặc xung đột giữa các cá nhân hoặc các bên có hoặc hy vọng đạt được quyền lực. Khái niệm chính trị có thể được sử dụng trong bối cảnh của một "giải pháp chính trị" đang thỏa hiệp và bất bạo động hoặc được mô tả là "nghệ thuật hoặc khoa học cai trị” của một chính thể, đảng hay nhà nước, như trong trường hợp ở thượng tầng chế độ đảng toàn trị ở Việt Nam hiện nay.

 

Quốc nạn tham nhũng đã huỷ hoại chế độ, khiến cho niềm tin vào chế độ giảm sút, chính trị khủng hoảng nghiêm trọng. Giới lãnh đạo đang nỗ lực cứu chế độ trước nguy cơ sụp đổ cận kề trong khi người dân đứng ngoài cuộc và, giới quan sát bàn luận về những sự kiện đang diễn ra, suy đoán theo các kịch bản coi đó là “trò chơi cung đình”…

 

(Còn tiếp)

 

Phần 2: Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 2)

 

Phần 3: Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 3)

--------------

*Chú thích:

Thời kỳ mạ vàng được đặt tên theo một cuốn tiểu thuyết “Thời đại mạ vàng: Câu chuyện ngày nay” (Tiếng Anh là The Gilded Age: A Tale of Today, 1873) của nhà văn Mỹ Mark Twain (1835 – 1910)

-----------------

Tham khảo:

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Gilded_Age;

[2] https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-10-nam-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-giai-doan-2012-2022.html

 

-------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể  hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

                                                         *****

 

Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 2)

Bình luận của Huỳnh Trần
2024.06.06

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/corruption-ruins-regime-signaling-return-of-totalitarianism-part-2-06052024111947.html

 

 

(II)

Các kịch bản thay đổi 

 

Quốc nạn tham nhũng và chống tham nhũng “không vùng cấm” được cho là quyết liệt nhưng không hiệu quả như mong muốn khiến cho niềm tin vào chế độ giảm sút và đấu đá khốc liệt ở thượng tầng khiến khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Giới quan sát cố gắng ‘giải mã’ “trò chơi cung đình”, những biến cố trên chính trường Việt Nam, có thể dẫn đến các kịch bản thay đổi thế nào.

 

Tình hình đang diễn biến khó lường. Tuy nhiên, các kịch bản đưa ra nếu căn cứ vào bản chất toàn trị của chế độ thì sẽ phù hợp hơn với xu hướng quay trở lại của mô hình chuyên chế. Ngoài ra, lịch sử thăng trầm của các mô hình đảng CS toàn trị cho thấy cách thức ứng phó với hoàn cảnh để sống sót và tồn tại, điển hình là mô hình Liên Xô, sụp đổ: tất cả ở thượng tầng – từ các lãnh đạo trong cơ quan quyền lực chóp bu - Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

 

Trong suốt lịch sử tồn tại của chế độ đảng toàn trị theo mô hình Liên Xô, từ cách mạng vô sản Nga năm 1917 đến nay, hệ thống “nomenklatura” tinh vi và khép kín, trong đó luôn giữ bí mật về tình trạng sức khoẻ và nguyên nhân thực sự của cái chết của các lãnh tụ chế độ, đã xác định xu hướng tuyệt đối hoá quyền lực, sùng bái cá nhân. Và, hệ quả là sự kế thừa người đứng đầu chế độ toàn trị hay chuyển giao quyền lực không mấy “suôn sẻ”, nhưng hiếm khi xảy ra những cuộc đảo chính bạo lực đẫm máu hay loạn “mười hai sứ quân”.[1]  Dưới đây là một vài sự kiện lịch sử.

 

V.Lênin qua đời năm 1924 được cho là bệnh nặng do bị ám sát, người kế thừa ông ấy là J.Stalin được cho là khá “êm thấm”. Bí mật cũng bao trùm lên tình trạng sức khỏe của Stalin, ”người cha dân tộc”  73 tuổi đầy quyền lực sau 30 năm cầm quyền, luôn bị bệnh nhồi máu cơ tim đe doạ, mất năm 1953 theo thông cáo chính thức là vì xuất huyết não.

 

Sự kế vị Stalin dù có khó khăn, nhưng người đạt được là Nikita Khrushchyov với cương vị Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng CS Liên Xô và, năm 1958 ông kiêm luôn chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tuy nhiên, năm 1964 Khrushchyov đã phải “từ chức” trong một âm mưu lật đổ[2] ông do những người cộng sự thân cận trong đảng lập ra rất tỉ mỉ. Một trong chi tiết của câu chuyện này là  Khrushchyov đã quá tin vào các cộng sự và quá tự tin vào trí tuệ có vẻ như kiệt xuất của mình nên không kịp thời xử lý những thông tin trái chiều nhận được.

 

Trường hợp Leonid Brejnev, người kế vị Nikita Khrushchyov, bị chứng xơ động mạch do nghiện rượu và thuốc lá, thường dùng thuốc ngủ, cuối đời hay đau ốm nhưng vẫn tại vị đến khi qua đời năm 1982. Có ý kiến phân tích cho rằng vì “Brejnev biết lắng nghe, lãnh đạo một cách tập thể, tránh sỉ nhục người khác kể cả không cùng phe, làm ngơ trước nạn tham nhũng đang hoành hành, không từ chối điều gì với quân đội, hào phóng phân phát huy chương, nên đại đa số quan chức thích một Brejnev sức khỏe kém…”[3] Ngoài ra, một số người cũng sợ khi Brejnev chết tình hình sẽ hỗn loạn. Tuy nhiên, sau ông sự kế vị không mấy suôn sẻ nhưng bạo lực không xảy ra như lo sợ...

 

Mikhail Sergeyevich Gorbachev (1931-2022), vị Tổng bí thư ĐCS LX cuối cùng, người được cho là nguồn cơn tranh luận từ khác biệt ý thức hệ về nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Ông ấy khi cầm quyền là người khởi xướng, lãnh đạo “cải tổ” (perestroika) và “công khai” (glasnost), khi Liên Xô sụp đổ bị coi là “tội đồ” khi bị chỉ trích là đã từ bỏ ý thức hệ cộng sản, là “người hùng” từ quan điểm phương Tây khi nỗ lực dân chủ hoá đất nước. Gorbachev bị buộc thoái vị khi Liên Xô tan rã, lãnh đạo các nước cộng hoà như Liên bang Nga, Ukraine và Belarusia, đặc biệt vai trò của Boris Yelsin, “đảo chính” hoà bình. Sau này, “bày tỏ sự hối tiếc về sự tan rã của Liên Xô nhưng trích dẫn những gì ông thấy những thành tựu của chính quyền khi ông lãnh đạo là: “tự do chính trị và tôn giáo, sự kết thúc của chủ nghĩa toàn trị, sự ra đời của nền dân chủ và nền kinh tế thị trường, và sự kết thúc của cuộc chạy đua vũ trang và Chiến tranh Lạnh”[4]

 

Tiếp nối M.Gorbachev là Tổng thống Boris Yelsin cầm quyền nước Nga trong một thập kỷ khủng hoảng toàn diện khi chuyển đổi chế độ. Yelsin đã chọn V.Putin kế vị với phẩm chất độc đoán đến “lạnh lùng” và vì sự an toàn cho bản thân và gia đình ông ta. Tất cả những gì xảy ra sau đó, từ năm 2001 đến nay, trong hơn một phần tư thế kỷ dưới quyền cai trị của nhà độc tài xuất thân từ một sĩ quan KGB – cơ quan mật vụ Liên Xô, cho thấy những cách thức cai trị thay đổi phức tạp, nhưng Putin vẫn phải dựa vào hệ thống “nomenklatura” nhưng dưới hình thức khác[5] để duy trì quyền lực. Nước Nga đang ở trong thời kỳ chế độ độc tài kiểu mới…

 

Một số bài học chủ yếu là: Một là, sự thay đổi chỉ diễn ra trên thượng tầng, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, trước hết là Bộ Chính trị, Ban bí thư; Hai là, với quyền lực tuyệt đối vai trò người đứng đầu quyết định; Ba là, Tổng bí thư có xu hướng cầm quyền suốt đời; Bốn là, sự chuyển giao quyền lực này luôn khó khăn; Năm là, những người thân cận khó đạt thoả thuận để có thể “đảo chính”; Sáu là, không thể có người kế vị là những thời khắc thay đổi; Bảy là, ai tích luỹ đủ quyền lực áp đảo tập thể lãnh đạo sẽ là người thay thế… Và, cuối cùng và quan trọng nhất là chế độ đảng toàn trị không dễ dàng sụp đổ. Dưới đây là hai kịch bản thay đổi có thể.

 

Một, người đứng đầu Đảng, ông Tổng bí thư, mặc dù có hạn chế về tuổi cao, sức yếu, nhưng vẫn làm chủ “cuộc chơi” theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, thủ trưởng quyết định. Các lãnh đạo chóp bu như nêu ở trên bị kỷ luật vẫn theo nguyên tắc này. Ngoài ra, cơ chế “đảng cử, dân bầu” vẫn được vận hành ‘suôn sẻ’ chứng tỏ mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát của Đảng và người đứng đầu. Bởi vậy, trường hợp tân Chủ tịch nước, mới được “đảng cử và dân bầu”, một chức vị “hữu danh vô thực”, mang tính biểu tượng, đối ngoại, cũng nằm trong sự ‘tính toán’, thậm chí bị coi là “vật tế thần”[6] cho quyền lực tuyệt đối như hai người tiền nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng vừa phải “chịu trách nhiệm chính trị”.

 

Kịch bản thứ hai là ông Tổng bí thư có thể đã bị “tiếm quyền”. Luồng ý kiến này cho rằng, mặc dù trên danh nghĩa có quyền lực tuyệt đối, nhưng hạn chế về tuổi cao sức yếu khiến ông dần mất kiểm soát. Để chống tham nhũng “không vùng cấm” kéo dài ông Trọng vẫn phải dựa vào Bộ Công an, và, như hệ quả ngày càng lệ thuộc vào nó. Sức mạnh của Bộ CA được nhân lên và, ông Bộ trưởng đã ‘khôn khéo’ chuẩn bị lực lượng, đặc biệt là nhân sự... Với ưu thế này và, lợi dụng chủ trương chống tham nhũng kết hợp với thanh trừng phe phái, ông Bộ trưởng CA có thể ‘hạ bệ’ các đối thủ cạnh tranh ngôi kế vị Tổng bí thư. Và khi ông Tô Lâm còn đủ các tiêu chuẩn để tiếp tục ở nhiệm kỳ Đại hội 14 thì cương vị Chủ tịch nước chỉ là quá độ và, chức Tổng bí thư, mới chính là tham vọng thực sự...

 

Các quý vị có thể nêu kịch bản của riêng mình, nhưng sự sụp đổ chế độ toàn trị là không dễ dàng và chưa phải lúc này. Dù ông Tổng Bí thư có vẫn làm “chủ tình hình” hay bị “tiếm quyền” thì ông ấy vẫn kiên định bảo vệ chế độ và, Bộ CA và cá nhân ông Bộ trưởng vẫn là “công cụ đắc lực” để thực thi. Bộ chính trị đã được “kiện toàn” khi bổ sung 3 nhân sự từ trưởng của ba Ban của Đảng: Tuyên giáo, Dân vận và Văn phòng TƯ và, một là từ Chủ nhiệm chính trị Bộ Quốc phòng… Tuy nhiên với các nhân sự chủ chốt trong Bộ Chính trị là công an, quân đội, thì mô hình chuyên chế theo kiểu công an trị cần được cảnh báo…

 

(Còn tiếp)

 

Phần 1: Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 1)

Phần 3: Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 3)

_________

Tham khảo:

[1]      https://vi.wikipedia.org/wiki/Loạn_12_sứ_quân;

 

[2]      https://daidoanket.vn/nha-lanh-dao-nikita-khrushchyov-da-bi-lat-do-nhu-the-nao-10141220.html;

 

[3]      https://www.rfi.fr/vi/điểm-báo/20230117-b%C3%AD-mật-về-bệnh-tật-của-các-sa-hoàng-đỏ-lênin-stalin-brejnev;

 

[4]      https://en.wikipedia.org/wiki/Mikhail_Gorbachev;

 

[5]      Snegovaya, Maria; Petrov, Kirill (2022). "Những cái bóng dài của Liên Xô: mối quan hệ nomenklatura của giới tinh hoa Putin". Các vấn đề hậu Xô Viết.38 (4): 329–348. doi:10.1080/1060586X.2022.2062657. ISSN 1060-586X. S2CID 246185307;

 

[6]      https://www.youtube.com/watch?v=ISHnuoujijw /RFA/Truyền thông quốc tế: ông Tô Lâm có tham vọng làm Tổng bí thư

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu  Tự Do

 

 

                                                        *****

 

Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 3)

 Bình luận của Huỳnh Trần
2024.06.06

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/corruption-ruins-regime-signaling-return-of-totalitarianism-part-3-06052024114206.html

 

III

Cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại

 

Mô hình chuyên chế đã quay trở lại, trong đó Đảng – Nhà nước được củng cố theo hướng “nhất thể hoá” với tính chất cách mạng, thiên về sử dụng sức mạnh bạo lực được thúc đẩy. Sự thay đổi này được coi như một phản ứng ‘tự vệ’ trước sự tồn vong của chế độ Đảng Cộng sản lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối” trong bối cảnh quốc tế biển đổi nhanh, phức tạp khó lường. Sự “chuyển đổi”này có thể quan sát thấy qua nhiều sự kiện liên tục và, đặc biệt các biến cố chính trị gần đây. Trong đó, một là, khủng hoảng nhân sự ở thượng tầng, “tứ trụ” liên quan đến chống tham nhũng và vẫn đang diễn biến khó lường, với các nhân sự “kiện toàn” bộ máy Đảng có nguồn gốc từ các bộ sức mạnh ; Hai là, khó khăn kinh tế, hiệu ứng phức tạp của thị trường, niềm tin vào chế độ giảm sút ẩn chứa bất ổn xã hội…; Ba là, các yếu tố trong và ngoài nước khác đang thách thức năng lực lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống người dân để đảm bảo tính chính danh của chế độ. Đây là tình thế có thể đẩy đất nước vào giai đoạn thay đổi khó lường, bởi vậy cần thiết phải nâng cấp cảnh báo.

 

Là một chính đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam (CS) nhìn nhận vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh chế độ. Ngày 13/7/2023 Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTW) ban hành Chỉ thị 24-CT/TW (kiểu chỉ thị nội bộ có đóng dấu “Mật”) về “Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”. The 88 Project[1] (Dự án 88 hộ trợ và khuyến khích thực hiện nhân quyền ở Việt Nam) “phát hiện” và giải mật vào thời điểm “nhạy cảm” khi Tổng thống J. Biden thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ thành đối tác chiến lược toàn diện và, sau đó ít ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng đã đến Hà Nội củng cố cấp quan hệ cao nhất giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam tiến hành ngoại giao cây tre trong môi trường quốc tế và khu vực phức tạp khi Mỹ và Trung Quốc vừa là đối tác thương mại vừa là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Ngoài ra, Việt Nam là “đồng minh” ý thức hệ với Trung Quốc khiến giới quan sát chú ý tới “Chỉ thị số 9” của Đảng CS Trung Quốc nhấn mạnh về nguy cơ an ninh chế độ khi hội nhập, mở cửa làm ăn với phương Tây.

 

Trong khi những tranh luận vẫn diễn ra căng thẳng đối nghịch nhau về các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền nói chung và từ nội dung của Chỉ thị 24-CT/TW nói riêng, thì sự “chuyển đổi” từ “toàn trị” sang “chuyên chế” đã diễn ra như con sóng ngầm, không thấy trên bề mặt nhưng mạnh mẽ dưới tầng sâu. Như đã biết, với đặc trưng là đứng trên nhà nước để cai trị, giới lãnh đạo chế độ Đảng CS trong những năm đầu thực hiện chủ trương Đổi mới đã “nhận ra” những rào cản thể chế và đã dần gỡ bỏ, trong đó sự “song trùng” giữa hai cơ quan của Đảng và Nhà nước nhưng cùng một chức năng, chẳng hạn Ban nông nghiệp và Bộ Nông nghiệp… Tuy nhiên, những đòi hỏi cải cách thể chế mạnh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu từ thực tế, tăng cường hội nhập và mở rộng kinh tế thị trường để tăng trưởng đã thách thức năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng…

 

Thay vì  cải cách thể chế chính trị tương thích với thể chế kinh tế, Đảng vẫn theo đuổi quyền lực tuyệt đối để tạo ra những chủ trương, chính sách và các cơ quan, tổ chức “chuyên chế” để đối phó với tham nhũng đã lan rộng và nghiêm trọng… Không khó để nêu các thể chế như vậy. Các Ban đảng như ban Nội chính, Ban Kinh tế… được tái thiết lập và tăng cường, trong đó nổi bật nhất là hệ thống Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trải dài từ Trung ương đến địa phương.

 

Ngoài ra, các quy tắc đảng cũng là những “đặc sản” của chế độ toàn trị. Chẳng hạn, Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng, trong đó Bộ Chính trị (hay Cấp Uỷ) giới thiệu ứng cử viên duy nhất để bầu trong các đại hội đảng; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo cho phép lãnh đạo vùng cấm như ở Bộ chính trị “hạ cánh an toàn, không bị truy cứu hình sự” dưới hình thức “chịu trách nhiệm chính trị”; Quy định số 69-QÐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Và mới đây nhất là Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới… Ông Tổng Bí thư Đảng từng được ‘ca ngợi’ là “một bậc thầy về các quy tắc phức tạp”[2]

 

Như một hệ quả của sự tập trung quyền lực để cai trị, sự tăng cường của các bộ sức mạnh như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và sự đại diện của các lãnh đạo trong cơ cấu của cơ quan quyền lực cao nhất của đảng, Bộ Chính trị. Diễn biến trên chính trường đang khó lường, nhưng như một phản xạ không điều kiện, có thể quan sát nền chính trị của đồng minh ý thức hệ Trung Quốc để đối phó. Tuy nhiên, những khác biệt về thời điểm và sự chuyển giao ngôi vị Tổng bí thư khiến giới quan sát không khỏi “lo lắng” những gì sẽ đến với đất nước và người dân Việt Nam. Một điều không thể trong lúc này là bản chất chế độ không thay đổi.

 

Chế độ đảng toàn trị với bản chất chuyên chế, cách mạng, cai trị dựa vào hai trụ cột chủ yếu: bộ máy đặc quyền (nomenklatura) và ý thức hệ cộng sản (CNXH). Ngoài những tính chất quyết đoán, bạo lực, kỷ luật, khép kín, có niềm tin, tư duy phức tạp… hai trụ cột này giúp chế độ trở nên tinh vi, dẻo dai và ứng phó cao… Nomenklatura theo tiếng Latin là nomenclature[3], chế độ “danh pháp”, nghĩa là đặt tên hay tạo ra quy tắc đặt tên các tổ chức, dựa trên hệ tư tưởng cộng sản, chủ nghĩa Mác – Lênin không ngừng biến đổi nhằm cải tạo hiện trạng nhằm mục đích tiến tới xã hội cộng sản. Với các trụ cột cai trị này chế độ đảng toàn trị đã “ủ bệnh” và phát tác bất cứ khi nào có cơ hội và dưới các hình thức khác nhau…

 

Mô hình Putin vẫn phải dựa vào “nomenklatura”, như một tầng lớp cai trị (ruling class[4]), kết hợp với việc sử dụng thân tín, hệ thống đầu sỏ (oligarchs) như một công cụ sức mạnh để cai trị… Và, khi một Trung Quốc đang trỗi dậy hung hăng với mô hình chuyên chế mà ông Tập Cận Bình đang tiến hành khiến cho nhiều nước, đặc biệt các nước phương Tây, các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại khi đặt vấn đề an ninh chế độ lên trên các vấn đề kinh doanh của họ cũng như dân chủ, nhân quyền nói chung… Trong bối cảnh tham nhũng huỷ hoại chế độ toàn trị và thách thức sự kiên nhẫn của người dân mô hình chuyên chế đã quay lại Việt Nam và, câu hỏi đặt ra là liệu giới lãnh đạo có tránh được vết xe đổ mà các “đồng minh” ý thức hệ đang sa vào?

 

 

Phần 1: Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 1)

Phần 2: Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 2)

__________________

Tham khảo:

[1] https://the88project.org/about-us/;

[2] https://nghiencuuquocte.org/2021/03/10/con-duong-chinh-tri-cua-nguyen-phu-trong;

[3] Https://en.wikipedia.org/wiki/Nomenklatura;

[4] https://archive.org/details/nomenklaturasovi0000vosl_l7v8/page/n7/mode/2up/ Nomenklatura: the Soviet ruling class

 

-------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats