Hội
nghị vì hòa bình cho Ukraina khó thể làm im tiếng súng
Thụy My - RFI
Đăng
ngày: 16/06/2024 - 01:03
The
Economist nhận
định, ít có khả năng tiếng súng sẽ im sau Hội nghị vì hòa bình cho Ukraina, những
thương lượng nghiêm chỉnh khó thể bắt đầu trước cuối năm nay. Le Figaro
Magazine nói về một thượng đỉnh chưa thấy bóng dáng hòa bình, Courrier
International dịch bài báo Die Zeit tiết lộ một số
chuyện hậu trường trong việc tổ chức hội nghị.
https://s.rfi.fr/media/display/a63f3cb6-2b6a-11ef-90f1-005056a97e36/w:980/p:16x9/tsi_01.webp
Tổng
thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh về
hòa bình cho Ukraina tại Thụy Sĩ, ngày 15/06/2024. via REUTERS - URS
FLUEELER
Trên
90 nước và nhiều nguyên thủ tham dự
Ban
đầu được cho rằng sẽ là một sự kiện lớn, một hội nghị lịch sử vào đúng ngày thứ
500 để kết thúc cuộc chiến. Nhưng sau khi bị trì hoãn năm lần, rốt cuộc hội nghị
diễn ra trong hai ngày thứ Bảy 15 và Chủ nhật 16/06/2024, tức ngày thứ 843 và
844 của cuộc xâm lăng. Khi những lá quốc kỳ sẵn sàng được treo lên tại thành phố
Bürgenstock của Thụy Sĩ, người ta vẫn lo rằng danh sách khách mời không đủ dài
hay cấp tham dự không đủ cao.
Tất
nhiên là không có Vladimir Putin, nhưng sự vắng mặt của tổng thống Mỹ Joe Biden
là điều khá đáng tiếc, bà Kamala Harris thay mặt ông. Văn phòng tổng thống
Ukraina làm việc cật lực 24/24 cho hội nghị này. Có vài tin vui : ít nhất
90/160 phái đoàn được mời sẽ hiện diện trong đó có Ấn Độ bất chấp áp lực của
Nga ; và không ít lãnh đạo cao cấp nhất. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, thủ tướng
Anh Rishi Sunak, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều có mặt.
Ý
tưởng ban đầu của hội nghị là soạn thảo một đề nghị thống nhất dựa trên
« công thức 10 điểm » của ông Zelensky năm 2022 để trao cho Nga. Vào
lúc đó Ukraina ở thế tương đối mạnh, còn tình hình hiện nay không còn là màu hồng,
hơn nữa với số lượng đông đảo thành viên tham dự cần có những thỏa hiệp. Thông
cáo chung được chờ đợi chỉ đề cập đến ba điểm ít tranh cãi nhất : an ninh
lương thực, an toàn nguyên tử, hồi hương tù nhân và trẻ em. Không có giải pháp
chính thức cho những vấn đề gai góc như bồi thường chiến tranh, tòa án quốc tế
hay Nga rút quân khỏi Ukraina.
Ukraina
tìm kiếm hòa bình công chính, Putin đòi Kiev đầu hàng
Công
thức hòa bình của Zelensky bị pha loãng khiến một số người ủng hộ lo ngại, tuy
nhiên một viên chức cao cấp nhấn mạnh hội nghị sẽ góp phần tái khẳng định các
điều kiện của Ukraina để chấm dứt chiến tranh. Đây là dịp để chứng tỏ ý hướng một
nền hòa bình công chính, chống đế quốc, thuyết phục « các nước phương Nam » còn
lưỡng lự.
Nhưng
những cái nhìn đã bắt đầu hướng sang những phía khác, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ
và Vatican có thể là những trung gian hòa giải. Cả ba nước này đều được mời dự
thượng đỉnh G7 ở miền nam nước Ý, trước khi diễn ra hội nghị về Ukraina ở Thụy
Sĩ ; còn quan điểm Trung Quốc vẫn chưa rõ. Hiện Nga chưa đối thoại với một
nước lớn phương Tây nào, quan hệ Mỹ-Nga chỉ còn là những tiếp xúc kỹ thuật.
Một
ngày trước khi hội nghị khai mạc, Vladimir Putin « một lần nữa mưu
toan phá rối với một đề nghị hòa bình mới, rõ ràng là soạn ra để Kiev bác bỏ » - The
Kyiv Post nhận xét, được Courrier International trích
dịch. Le Temps cho rằng đây là lần đầu tiên tổng thống Nga nói
cụ thể như vậy. Ông Putin đòi hỏi Kiev từ bỏ bốn vùng bị sáp nhập bất hợp pháp
Donetsk, Lougansk, Kherson, Zaporijjia và không gia nhập NATO. Tất nhiên
Volodymyr Zelensky lập tức bác bỏ « tối hậu thư theo kiểu
Hitler ». Theo Le Figaro Magazine, việc đòi
Ukraina đầu hàng một lần nữa chứng tỏ tổng thống Nga không muốn hòa bình với
Kiev, mà hy vọng vào việc Donald Trump tái đắc cử.
Cuộc
đua marathon ngoại giao của Zelensky
Il
Corriere della Sera phân
tích : « Tóm lại, Zelensky phải giải thích với binh sĩ và nhân dân là
hai năm trời hy sinh khủng khiếp là vô ích : phải từ bỏ chủ quyền nhiều vùng đất
và giải giáp. Có nghĩa là đầu hàng».Theo nhật báo Ý, rõ ràng Putin chỉ muốn
gây nhiễu cho các cuộc thảo luận ở Bürgenstock. La Libre Belgique dẫn
lời tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, chỉ trích sự khiêu khích « lần
thứ không biết bao nhiêu » của ông chủ điện Kremlin.
Courrier
International cũng
dịch lại bài viết của nhật báo Đức Die Zeit, tiết lộ một số
chuyện hậu trường về hội nghị. Theo đề nghị của Volodymyr Zelensky, ngoại trưởng
Đức Annalena Baerbock đã giúp vận động các nước còn do dự chưa đáp lại lời mời
của Thụy Sĩ, đặc biệt là « các nước phương Nam ».
Hồi
tháng 5/2023 Volodymyr Zelensky, được mời dự hội nghị G7 ở Hiroshima đã tranh
thủ phổ biến ý tưởng. Cùng với Đức, tổng thống Ukraina và các cố vấn đã làm một
cuộc marathon ngoại giao để tham vấn các nước còn nghi ngại về những điểm trong
kế hoạch mà họ có thể chấp nhận. Thành công đầu tiên đến vào đầu năm nay, khi
Zelensky đánh vào lòng tự hào của người Thụy Sĩ : « Trung lập
không có nghĩa là làm ngơ trước thực tế ». Thụy Sĩ thấy rằng đây
là dịp để lấy lại uy tín, sau khi bị nhiều đồng minh chỉ trích vì thái độ trong
cuộc chiến với lý do « trung lập ».
Hải
quân Ukraina không cần thủy thủ
Về
quân sự, The Economist nhắc lại khi bị Nga xâm lăng tháng
2/2022, Ukraina hầu như không có Hải quân, chiến hạm duy nhất phải tự đánh đắm
để tránh bị quân Nga chiếm. Hai năm sau, Kiev thắng được Nga trên Hắc Hải, phá
vỡ phong tỏa để xuất khẩu ngũ cốc. Chiến thắng này là nhờ sáng tạo công nghệ :
trong khi Hải quân các nước dựa vào chiến hạm và thủy thủ để chiến đấu, Ukraina
xây dựng một đội drone hải chiến với những drone nhỏ giá rẻ, dễ chế tạo để tấn
công. Một nhà phân tích hải quân quan sát các video đã thống kê được 11 loại,
nhưng thực tế có thể nhiều hơn. Theo The Economist, các drone hải
chiến đã tiêu diệt được mười mấy chiến hạm Nga, trong đó có chiếc Caesar
Kunikov.
Nga
cố gắng dùng đại bác và súng máy để chống drone, nhưng người Ukraina đã có giải
pháp. Các video mới đây cho thấy một drone tiến đánh tàu Nga với sáu rốc-kết
Grad 122 ly, ngoài tầm bắn của quân Nga. Các rốc-kết không được GPS dẫn đường
tuy kém chính xác, nhưng cũng gây được thiệt hại về người, làm hư radar, thiết
bị thông tin, hỏa tiễn, đánh lạc hướng để các drone biển loại tự sát có thể đi
ngang. Nhờ giá rẻ, Ukraina có thể đánh liên tục. Kyrylo Budanov, giám đốc tình
báo quân đội Ukraina cho biết các drone sẽ còn gây nhiều bất ngờ cho quân Nga.
Chính
trường Pháp : Tất cả các đảng đều rối ren !
Bên
cạnh hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình cho Ukraina, việc tổng thống Pháp bất ngờ
giải tán Quốc Hội sau bầu cử Nghị Viện Châu Âu là hai sự kiện được các tuần báo
bàn luận nhiều nhất. Trang bìa L’Express đăng hình vẽ một bó
chất nổ với tít lớn « Emmanuel Macron : Gu rủi ro ». Le
Point dành trang bìa cho chân dung tổng thống Macron, nhấn mạnh « Nước
Pháp được ăn cả ngả về không ». Le Nouvel Obs nhận xét « Trước
Tập Hợp Dân Tộc (RN), cánh tả với thách thức ‘Mặt trận bình dân’ ». Nhìn
từ các nước, Courrier International nhận thấy báo chí quốc tế
bị sốc trước thắng lợi của đảng cực hữu cũng như quyết định của tổng thống
Emmanuel Macron, chạy tít « Sự phá hoại Pháp ».
Thời
sự nước Pháp đang nóng bỏng. Chỉ mới bốn ngày bắt đầu chiến dịch tranh cử, đã
có một loạt vụ thanh toán, « như một chuỗi bi hài kịch với nhiều
tình tiết khiến bạn không thể rời khỏi ghế ». Đó là nhận xét của Politico, được Courrier
International trích dẫn. Đối với The Spectator, trong quá
trình thăng tiến suông sẻ, Emmanuel Macron hầu như chưa bao giờ bị sỉ nhục, và
kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu vừa qua là cái tát đầu tiên. Macron phản ứng như một
cậu bé đập vỡ món đồ chơi vì bị từ chối. Nhưng trong tuần lễ náo động này, đảng
cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) mới thực sự làm trò cười, theo Politico.
Hôm thứ Ba, chủ tịch đảng Éric Ciotti chấp nhận liên kết với cực hữu RN, gây phẫn
nộ cho hầu hết tên tuổi trong đảng. Bộ Chính trị LR họp để khai trừ chủ tịch,
nhưng ông Ciotti cố thủ trong trụ sở và kiện ra tòa.
Bên
cực hữu cũng nóng bỏng. Đầu tuần Marion Maréchal gặp người dì Marine Le Pen để
liên minh, nhưng chủ tịch RN Jordan Bardella từ chối kết hợp với ông Éric
Zemmour, chủ tịch đảng Reconquête (Tái chinh phục). Cô cháu bèn loan báo ủng hộ
liên minh LR-RN, và ông Zemmour, người bị bỏ rơi tố cáo « kỷ lục
thế giới về phản bội ». Trong loạt « phim truyền hình với
nhiều bất ngờ » này, theo The New York Times, cánh tả đoàn kết
được với tên « Mặt trận Bình dân Mới ». Tuy nhiên một số khuôn mặt chỉ
trích Jean-Luc Mélenchon, chủ tịch đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) bị ông
này loại khỏi danh sách tranh cử.
Ngày 7
tháng Bảy : Chủ nhật buồn cho nước Pháp ?
L’Express dùng tên bài
hát nổi tiếng « Sombre dimanche » (Chủ nhật buồn)
làm tựa bài xã luận tuần này. Tờ báo nhấn mạnh, Macron bằng mọi giá muốn tránh
cho ngày 07/07 tới không trở thành một Chủ nhật u ám, nhưng ông cần hiểu rằng
những con xúc xắc không nằm trọn trong tay mình.
L’Express nhắc lại, tổng
thống Charles de Gaulle hôm 30/05/1968 đã do dự rất nhiều cho đến phút chót,
khi quyết định giải tán Quốc Hội nhằm mục đích kết thúc cuộc khủng hoảng chính
trị. Emmanuel Macron hôm Chủ nhật 09/06 có lẽ cũng đã trải qua những giờ phút
tương tự, trước khi tuyên bố « xóa bài làm lại » vào lúc 21 giờ 02.
Trước
đó chủ tịch Hạ Viện Yaël Braun-Pivet được mời đến Élysée để tham vấn, trong khi
thường bị bỏ quên, đó là vì điều 12 Hiến Pháp đòi hỏi. Bà vẫn còn may mắn, vì
tướng De Gaulle năm 1962 chỉ nói ngắn gọn với Gaston Monnerville, thậm chí
không mời ngồi : « Thưa ông chủ tịch Thượng Viện, Hiến Pháp
buộc tôi phải hỏi ý kiến của ông. Nhưng tôi đã biết ý kiến đó rồi, xin cảm
ơn ».
Liệu
ông tin rằng những lá phiếu sẽ giúp giành lại đa số, hay sẵn sàng được ăn cả ngả
về không, kể cả mở cánh cửa điện Matignon cho cực hữu ? Trao lại tiếng nói
cho nhân dân chưa bao giờ là ý tưởng tồi, khó thể trách nguyên thủ về việc đặt
cử tri đứng trước trách nhiệm. Nhưng liệu người Pháp có thể thay đổi quan điểm
chỉ trong vòng 20 ngày ?
Vị
tổng thống trẻ lúc vừa được bầu lên hôm 07/05/2017 đã hứa hẹn « đoàn
kết dân tộc », « sẽ làm mọi cách để 5 năm tới không còn lý do để bầu
cho các đảng cực đoan ». Emmanuel Macron đã thất bại trong cuộc
chiến này : gần 40 % cử tri chọn cực hữu là cú đòn nặng cho ông. Những người
tiền nhiệm từ Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy cho đến François Hollande chưa
bao giờ dám đùa với lửa như vậy.
Khi
Narcisse đập vỡ tấm gương…
Le
Point ví
von « Ngày mà Narcisse đập vỡ tấm gương ». Narcisse
là nhân vật trong thần thoại Hy Lạp có sắc đẹp tuyệt trần, quá yêu chính mình,
suốt ngày chỉ soi bóng xuống dòng sông để tự chiêm ngưỡng.
Emmanuel
Macron có đúng khi bất ngờ loan báo giải tán Quốc Hội sau thất bại của đảng
mình ? Cực hữu sẽ thắng trong mọi trường hợp, thậm chí có thua trong kỳ bầu
cử sắp tới, đảng của Marine Le Pen vẫn sẽ có số lượng dân biểu đông đảo trong
Quốc Hội. Phải chăng lịch sử sẽ lặp lại : tổng thống Chirac năm 1997 đã phải
chung sống với thủ tướng của đảng Xã Hội. Điều chắc chắn là sau bảy năm cầm quyền,
RN, đảng thân Putin và theo chủ nghĩa bảo hộ - đối thủ chính của Macron – lại
đang thắng thế.
Khi
người ta muốn làm mọi thứ thì chẳng làm được gì cả. Lên truyền hình thường
xuyên, có mặt trong tất cả buổi lễ tưởng niệm, Thế vận hội, bay đến Tân
Calédonie… Macron không có thời gian để cân nhắc về những vấn đề mà người Pháp
đang bị ám ảnh : nhập cư mất kiểm soát, kinh tế trì trệ, trật tự trị an.
Ba ngõ cụt này giúp RN phát triển, và đưa tổng thống ái kỷ vào danh sách những
người tự gây ra hỏa hoạn cho nền đệ ngũ cộng hòa.
Giờ
đây khi vị tổng thống Narcisse đã đập vỡ tấm gương, nếu giành được đa số trong
vòng hai, ông có dám cải cách sâu rộng kinh tế xã hội hay không ? Người
dân chẳng giúp gì cho Macron, sau khi đẩy cực hữu lên tầm cao chóng mặt, lại
còn ủng hộ chiến lược của Jean-Luc Mélenchon - thủ lãnh cực tả với những đam mê
xám xịt kể cả bài Do Thái. Có nên tin rằng hai đảng cực đoan này sẽ tranh chấp
một nước Pháp hậu Macron với nhiều tàn tích ?
Từ
cơn ác mộng dân chủ đến bức tường nợ công
Đối
với tuần báo thiên tả Le Nouvel Obs, đây là « Cơn
ác mộng dân chủ ». Từ thành lũy ngăn cực hữu đến bậc tam cấp cho
Tập Hợp Dân Tộc leo lên, chỉ có một lằn ranh mong manh, và Emmanuel Macron đã
bước qua dù Hiến Pháp không đòi hỏi, tạo ra một trận động đất thực sự. Vào lúc
chỉ còn 40 ngày nữa khai mạc Thế vận hội Paris và chiến tranh ở Ukraina
cũng như Gaza đang ác liệt, đây là hành động vô trách nhiệm. Lần này Marine Le
Pen và Jordan Bardelle, các thủ lãnh RN thực sự đang đứng trước ngưỡng cửa quyền
lực ; trong khi đảng cánh hữu LR yếu hơn bao giờ hết, còn cánh tả tuy liên
kết lại nhưng vẫn có những bất đồng khó vượt qua.
Le
Point thiên
hữu nhấn mạnh, từ nay châu Âu chăm chú quan sát nước Pháp. Dù làn sóng cánh hữu
dân tộc chủ nghĩa hay dân túy, cực hữu với mọi hình thái không chỉ ảnh hưởng mỗi
nước Pháp, nhưng chỉ có cực hữu Pháp là hoàn toàn tách rời thực tại, với chương
trình kinh tế bất khả thi. Marine Le Pen khác hẳn với thủ tướng Ý Giorgia
Meloni. Không chỉ bà Meloni ủng hộ Ukraina, mà còn ít va vấp về kinh tế và
chính sách châu Âu nhờ thường xuyên trao đổi với Mario Draghi, cựu chủ tịch
Ngân hàng Trung ương châu Âu.
L’Express trong bài « Jordan
Bardella và bức tường nợ công » nhận định, nếu chiến thắng, vấn đề
ngân sách sẽ nhanh chóng ám ảnh hàng đêm Bardella, thủ tướng tiềm năng sinh năm
1995. Khoảng cách lãi suất dài hạn giữa Pháp và Đức ngày càng xa hơn, những lời
hứa vô tội vạ của cực hữu sẽ bị thị trường trừng phạt. Chẳng hạn việc giảm thuế
xăng dầu từ 20 % còn 5,5 % sẽ làm ngân sách tiêu tốn 10 tỉ euro mỗi năm. Thủ tướng
Anh Liz Truss từng mất ghế năm 2022 vì kế hoạch ngân sách phi thực tế, gây khủng
hoảng lãi suất. Bardella và RN cần nhớ, dù muốn hay không, « những người cho
chúng ta vay tiền luôn có lý ».
No comments:
Post a Comment