Wednesday, 26 June 2024

CUỐN TỰ TRUYỆN CỦA CỐ THỦ TƯỚNG PAKISTAN BENAZIR BHUTTO - MỘT GIẢI THÍCH VỀ ĐỘC TÀI VÀ CUỒNG TÍN (Ái Thư - Luật Khoa tạp chí)

 



Cuốn tự truyện của cố thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto - một giải thích về độc tài và cuồng tín

Ái Thư

JUNE 25 20246:00 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/06/cuon-tu-truyen-cua-co-thu-tuong-pakistan-benazir-bhutto-mot-giai-thich-ve-doc-tai-va-cuong-tin/

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/06/Bi-a--o-c-sa-ch---Na-m-2024.jpg

Benazir Bhutto

 

Hòa giải: Hồi giáo, Dân chủ và phương Tây” (sách tiếng Anh tên “Reconciliation: Islam, Democracy, and the West”) là cuốn tự truyện của Benazir Bhutto - nữ thủ tướng đầu tiên ở đất nước Hồi giáo Pakistan. Bà được bầu làm thủ tướng và giữ chức vụ này lần đầu vào năm 1988 đến 1990 và lần hai từ năm 1993 đến 1996.

 

Cuốn sách được viết bằng tiếng Anh khi bà trở về một thời gian lưu vong ở nước ngoài và kết thúc vài ngày trước khi bà bị ám sát năm 2007. Cha của bà, Zulfikar Ali Bhutto, thủ tướng thứ chín của đất nước này, chính là tác giả của bản Hiến pháp Pakistan năm 1973, công nhận quốc gia này là một nền dân chủ.

 

 

Hồi giáo không ngăn cản dân chủ

 

Cuốn tự truyện không chỉ cung cấp cho độc giả thông tin về Pakistan mà còn thể hiện những quan điểm của một người lãnh đạo đương thời đất nước loạn lạc.

 

Trong quyển sách, bà Benazir Bhutto cho rằng có một sự liên hệ giữa độc tài và cuồng tín. Bà nhận định trong thế giới Hồi giáo có rất ít nền dân chủ, nhưng điều đó không phải là xuất phát từ Thánh Kinh Hồi giáo mà là do hai nguyên nhân: (1) cuộc chiến nội bộ trong lòng thế giới Hồi giáo, mà thực chất là cuộc tranh giành quyền lực kinh tế và chính trị của một số nhóm người; (2) chế độ thuộc địa đã làm cạn kiệt nhân lực và vật lực của các quốc gia Hồi giáo.

 

Bản thân các quốc gia Hồi giáo không phải là đơn nhất, đặc biệt nếu chúng ta xem xét tới vai trò của tôn giáo trong chính phủ: có những chính phủ hồi giáo thần quyền như Iran, và có những chính phủ hồi giáo thế tục như Kazakhstan. Theo cố Thủ tướng Benazir Bhutto, trong số 43 quốc gia mà đa phần dân số theo đạo Hồi, chỉ có Indonesia, Mali, Senegal được coi là tự do. Có những quốc gia Hồi giáo tự do một phần (Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc) và có những quốc gia chưa được coi là tự do (như Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Iran).

 

Trong suốt cuốn tự truyện, cố thủ tướng luôn nhấn mạnh rằng Kinh Koran ủng hộ sự đa nguyên trong xã hội, trong đó có đa nguyên tôn giáo và đa nguyên chính trị. Thế nhưng, những kẻ cuồng tín và thế lực độc tài đã lợi dụng các diễn giải cực đoan về Hồi giáo để gây hiểu lầm, khiến nhiều người cho rằng Hồi giáo và chủ nghĩa độc tôn đi liền với nhau. Để biện giải cho lập luận này, cố thủ tướng dành nhiều trang phân tích về trường hợp của Palestine, một đất nước đã lần lượt nằm dưới ách thống trị của đế quốc Ottoman, Ai Cập, Jordan và Israel trong một thế kỷ.

 

Bà cũng có nhiều dòng đả kích phương Tây. Theo ý kiến của bà, phương Tây đang thờ ơ với những quá trình dân chủ hóa và chỉ ủng hộ những nhà lãnh đạo vì lợi ích của họ, dù là kinh tế (dầu mỏ) hay chính trị (chống cộng sản). Ngoài ra, vì phương Tây ủng hộ một số chế độ độc tài ở một số quốc gia Hồi giáo thân cận và thân thiện với phương Tây, thế nên một bộ phận người dân đã có thái độ thù địch, ngờ vực tính chân thực trong những cam kết của phương Tây đối với dân chủ và nhân quyền.

 

Trưởng thành trong giới học thuật từ phương Tây, bà Benazir Bhutto phân tích những định kiến của các học giả về sự va chạm giữa các nền văn minh, mà cụ thể là sự đối đầu giữa Hồi giáo và phương Tây. Bà cho rằng nhiều học thuyết, công trình nghiên cứu của phương Tây còn thành kiến với hồi giáo, cho rằng Hồi giáo thù địch với dân chủ. Và những luận thuyết ấy có ảnh hưởng lớn đến các quan hệ quốc tế hậu chiến tranh lạnh.

 

Nhưng Benazir Bhutto cũng quả quyết rằng mọi cuộc đối đầu đều có thể được hòa giải, và những khác biệt văn hóa không nhất thiết phải dẫn đến xung đột. Cho dù đứng về phe đối đầu hay hòa giải, thì điều quan trọng là cần hiểu rõ quan điểm của đối phương.

 

Theo bà, một giải pháp quan trọng để ngăn chặn xung đột đó là thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn minh bình đẳng, mà nhà cải cách, cựu tổng thống Iran Mohammad Khatami là người đã tiên phong. Đối thoại giúp các quốc gia “biết mình biết ta”. Nhưng để có được đối thoại thì cần nhiều nỗ lực và lòng dũng cảm.

 

 

Nỗ lực vì dân chủ

 

Người dân chào đón bà làm thủ tướng như một cách thể hiện sự phản đối của họ với chế độ lúc bấy giờ, cũng như khát khao một xã hội bình đẳng giới.

 

Benazir Bhutto nhấn mạnh Kinh Koran không hề phân biệt đối xử với phụ nữ, thay vào đó, trong cuốn sách thánh ấy là những mệnh đề lặp lại nhiều lần về việc chống kỳ thị. Các quy định về việc phụ nữ phải che mạng mặt hay trùm khăn kín đầu hay phụ nữ không được ra ngoài một mình là truyền thống văn hóa của địa phương, có nguồn gốc từ bộ lạc, chứ không hề xuất phát từ Kinh Koran. Việc Taliban cấm nữ giới đi học là ngược lại với Kinh Koran.

 

Theo bà, dù phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giải phóng ở Pakistan nhưng vai trò ấy không được nhấn mạnh. Thực tế, bà cho rằng phụ nữ chưa được đối xử bình đẳng ở Pakistan, nhưng không có nghĩa là đạo Hồi quy định như vậy. Bà kêu gọi sự thúc đẩy bình đẳng từ những nam giới tiến bộ, mà ví dụ điển hình là cha của bà. Đồng thời, kêu gọi phụ nữ phản kháng trước những bất công.

 

Bhutto viết: “Những cách giải quyết mà chúng ta đang tiến hành hiện nay là chưa đủ, và cần dũng cảm thực hiện những giải pháp mới, và tìm ra những hướng đi mới. Cần từ bỏ những con đường cũ mòn dẫn đến nghèo đói, ngu dốt, tuyệt vọng, bạo lực, độc tài vốn đã tồn tại quá lâu và lan rộng trong thế giới Hồi giáo”.

 

Tóm lại, đây là cuốn sách hiếm hoi thể hiện quan điểm của một nữ chính trị gia người đạo Hồi. Qua đó, bà hướng đến việc bào chữa cho những hiểu lầm về thế giới Hồi giáo.

 

Về dân chủ, Benazir Bhutto khẳng định rằng tôn giáo không quyết định một quốc gia dân chủ hay không. Hơn nữa, một nền dân chủ bền vững không nên và không thể là món quà từ bên ngoài. Nó phải là nỗ lực từ bên trong mỗi quốc gia. Nó không phải là một sự kiện một sớm một chiều mà là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ từ nhiều cá nhân, thành phần xã hội, bởi mỗi quốc gia có một trình đến với dân chủ khác nhau.

 

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats