Tuesday 18 June 2024

ĂN CƠM ĐÀI LOAN, THỜ MA TRUNG CỘNG (Trúc Phương / Người Việt)

 



Ăn cơm Đài Loan, thờ ma Trung Cộng

Trúc Phương/Người Việt

June 17, 2024

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/an-com-dai-loan-tho-ma-trung-cong/

 

Tình hình Đài Loan tiếp tục căng thẳng, đặc biệt từ khi ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) – gương mặt chống Cộng gay gắt và là cái gai của Bắc Kinh – đắc cử tổng thống. Dù thắng cử nhưng đảng của ông Lại Thanh Đức lại thất thế trong Quốc Hội (không đạt ưu thế đa số), dẫn đến việc Viện Lập Pháp Đài Loan – dưới sự cầm trịch của Quốc Dân Đảng (KMT) và đảng Nhân Dân – đã thông qua loạt dự luật “cải cách Quốc Hội” nhằm trao nhiều quyền hạn hơn cho các nghị sĩ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/06/Lai-Thanh-Duc-Binh-Luan-1536x1024.jpg

Tổng Thống Đài Loan Lại Thanh Đức, gương mặt chống Cộng gay gắt và là cái gai của Bắc Kinh. (Hình: Sam Yeh/AFP via Getty Images)

 

Sự việc đưa đến cuộc biểu tình rầm rộ toàn quốc, nhắm vào KMT và đảng Nhân Dân, và đặc biệt chĩa mũi dùi đả kích hướng về Hoàng Quốc Xương (Huang Kuo-chang) thuộc đảng Nhân Dân và Phó Côn Ki (Fu Kun-chi) thuộc KMT.

 

Xét ở góc độ chính sách địa phương định hình sự phụ thuộc của Đài Loan vào Trung Quốc, Phó Côn Ki đang là nhân vật đáng chú ý nhất. Đóng vai trò như một đại diện của chính quyền Hoa Lục tại Đài Loan, Phó Côn Ki – một nhân vật “ăn cơm Đài Loan, thờ ma Trung Cộng” – được báo chí trong nước mệnh danh là “vua Hoa Liên” – một quận nằm tại cửa ngõ chiến lược, nơi có quân cảng lớn nhất phía Đông Đài Loan, tức cảng Hoa Liên và Căn Cứ Không Quân Giai Sơn (Jiashan). Cách đảo Yonaguni của Nhật chỉ 140 km, Hoa Liên là căn cứ quan trọng của Hải Quân và Không Quân Đài Loan, từ đó dễ dàng tiếp cận Thái Bình Dương và giúp duy trì các kết nối với những căn cứ quân sự Hoa Kỳ ở Okinawa.

 

Phó Côn Ki đã kinh qua hai nhiệm kỳ với tư cách là nhà lập pháp đại diện quận Hoa Liên – ban đầu là nghị sĩ độc lập và sau đó là đảng viên KMT. Sau này, bởi nhiều tai tiếng, ông bị trục xuất khỏi KMT. Dù vậy, ông vẫn tranh cử thành công vào vị trí thẩm phán Hoa Liên và giữ chức vụ này trong tám năm liên tiếp. Năm 2008, Phó Côn Ki bị kết tội thao túng cổ phiếu và bị cấm tham gia bộ máy chính quyền. Dù vậy, ảnh hưởng của ông ở Hoa Liên vẫn rất mạnh. Trong thời gian ngồi tù (với án 16 tháng, bắt đầu vào năm 2018 sau một thời gian kháng cáo kéo dài), Phó Côn Ki vẫn thành công trong việc ủng hộ vợ, Từ Trân Úy (Hsu Chen-wei), tranh cử thành công chức thẩm phán quận. Bà Từ tái đắc cử năm 2022.

 

Thống trị chính trị tại vùng đất chiến lược Hoa Liên suốt hơn 14 năm, vợ chồng Phó Côn Ki-Từ Trân Úy trở thành một trong những gia đình chính trị lâu đời nhất Đài Loan trong thế kỷ 21. Sau khi ra tù năm 2019, Phó Côn Ki được phục hồi tư cách đảng viên KMT và tái đắc cử nghị sĩ năm 2020. Tháng Giêng, 2024, sau khi KMT lấy lại vị thế là đảng lớn nhất trong Viện Lập Pháp, Phó Côn Ki đảm nhận vai trò là người giám sát các cuộc họp kín của KMT.

 

Tháng Tư, 2024, Phó Côn Ki dẫn 16 nhà lập pháp khác của KMT sang Trung Quốc để gặp những gương mặt chủ chốt của Tập Cận Bình, trong đó có Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc. Chuyến đi gây tranh cãi không chỉ vì ý nghĩa chính trị xuyên eo biển mà còn do thời điểm diễn ra: Lúc đó, Hoa Liên vừa trải qua trận động đất nghiêm trọng nhất trong 25 năm. Phó Côn Ki bị cáo buộc ưu tiên quan hệ với Bắc Kinh hơn là các nỗ lực tái thiết và phục hồi cho địa phương.

 

Chuyến đi Bắc Kinh của Phó Côn Ki được thực hiện không lâu sau cuộc gặp ngày 10 Tháng Tư, 2024, giữa Chủ Tịch Tập Cận Bình và cựu Tổng Thống Đài Loan Mã Anh Cửu (cũng thuộc KMT). Tuy nhiên, chuyến công du của Phó Côn Ki có ý nghĩa chính trị nhiều hơn, ở chỗ, Mã đến Trung Quốc với tư cách là một công dân, trong khi Phó Côn Ki và 16 nhà lập pháp KMT đang là nghị sĩ đương nhiệm (KMT đã thực hiện 24 chuyến đi chính thức tới Trung Quốc trong vài năm qua). Mục đích chuyến đi của Phó Côn Ki nhằm khẳng định với Bắc Kinh rằng KMT là đảng chính trị duy nhất ở Đài Loan có thể “nói chuyện” với đảng Cộng Sản Trung Quốc chứ không phải đảng Dân Tiến đương quyền của Tổng Thống Lại Thanh Đức.

 

Điều đáng nói nhất là Tổng Thống Lại Thanh Đức không được cung cấp đủ thông tin từ những cuộc bàn bạc giữa phái đoàn Phó Côn Ki với các đại diện Trung Quốc. Điều này diễn ra vào thời điểm mà một số nhà lập pháp như Mã Văn Quân (Ma Wen-chun), thành viên KMT, đồng chủ tịch ủy ban quốc phòng của cơ quan lập pháp, bị cáo buộc tiết lộ nhiều chi tiết nhạy cảm liên quan chương trình tàu ngầm nội địa của Đài Loan cho Trung Quốc!

 

                                                          ***

 

Vai trò thống trị bao trùm của Phó Côn Ki ở quận chiến lược Hoa Liên, cùng với mối quan hệ của ông với Bắc Kinh, đã đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực phía Đông Đài Loan. Từ năm 2000, hai quận phía Đông Đài Loan – Hoa Liên và Đài Đông – đã trở thành cứ địa trung thành của KMT và liên minh Phiếm Lam (Pan-Blue Coalition). Dân bản địa, chiếm khoảng 30% cư dân, từ lâu được coi là “lá phiếu sắt” cho các chính trị gia KMT và liên minh Phiếm Lam (gồm KMT, Thân Dân Đảng, Tân Đảng, Vô Đảng Đoàn Kết Liên Minh và Trung Quốc Thanh Niên Đảng).

 

Trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 16 vào Tháng Giêng, 2024, ứng cử viên Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) của KMT chỉ giành được 33.5% phiếu bầu toàn quốc, nhưng tỷ lệ phiếu của ông Hầu ở Hoa Liên vượt quá 50%. Ứng cử viên của đảng Dân Tiến, Lại Thanh Đức – hiện là tổng thống, mất hơn 25 điểm phần trăm ở Hoa Liên, khoảng cách lớn nhất về tỷ lệ phiếu của ông Lại ở bất kỳ khu vực bầu cử nào trên lãnh thổ Đài Loan (không bao gồm các đảo ngoài khơi). Sự mất mát càng đáng chú ý hơn khi Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) – hiện là phó tổng thống, một đồng minh của Lại Thanh Đức – từng có lúc hô mưa gọi gió ở Hoa Liên. Bà Tiêu Mỹ Cầm từng ngồi ghế lập pháp ở Hoa Liên từ năm 2016-2020. Tuy nhiên, trong cuộc tranh cử 2020, bà Tiêu Mỹ Cầm đã bị Phó Côn Ki đánh bại.

 

Với Phó Côn Ki, quyền lợi cá nhân và quyền lực chính trị quan trọng hơn lợi ích quốc gia. Trong thời gian làm nghị sĩ Hoa Liên, Phó Côn Ki đã lấp một con lạch nhỏ (“Gouzaiwei,” Câu Tử Vĩ) để xây dựng một con đường dài 770 mét. Thay vì sử dụng đá có nguồn gốc địa phương, ông nhập đá cẩm thạch từ Trung Quốc với tổng chi phí lên tới 450 triệu Đài tệ.

 

Năm 2020, Phó Côn Ki ủng hộ kế hoạch mở rộng xa lộ số 6 về phía Đông, trong khuôn khổ ba dự án có tổng chi phí khoảng hai nghìn tỷ Đài tệ ($61.8 tỷ), tương đương 10% GDP Đài Loan năm 2023 và gần bằng toàn bộ ngân sách quốc gia năm 2024 của chính phủ trung ương (với hơn 2.8 nghìn tỷ Đài tệ). Điều khiến thiên hạ lo ngại là các dự án này có thể đóng vai trò là cửa sau để vốn Trung Quốc thâm nhập các dự án địa phương. Báo chí Đài Loan đã không ít lần phanh phui việc vợ chồng Phó Côn Ki-Từ Trân Úy tích lũy tài sản bằng cách bán đất cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Cá nhân bà Từ Trân Úy từng là chủ tịch Rongliang, một công ty xây dựng của Trung Quốc.

 

Với Trung Quốc, Lại Thanh Đức là cái gai gây khó chịu. Với Lại Thanh Đức, KMT và những nghị sĩ đối lập như Phó Côn Ki là những kẻ phản bội quốc gia. KMT đang tiếp tục gây khó dễ cho đảng đương quyền Dân Tiến. Với áp đảo về “quân số” trong Viện Lập Pháp, KMT cùng đồng minh đảng Nhân Dân đã đưa ra một dự luật gây tranh cãi chưa từng có, trao cho các nhà lập pháp quyền yêu cầu tổng thống phải báo cáo thường xuyên trước Quốc Hội, phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào của các nhà lập pháp. Dự luật cũng trao cho cơ quan lập pháp quyền kiểm soát nhiều hơn đối với ngân sách, đặc biệt chi tiêu quốc phòng. Cơ quan lập pháp còn có thể yêu cầu quân đội, công ty tư hoặc thậm chí cá nhân phải tiết lộ thông tin mà các nghị sĩ cho là liên quan an ninh quốc gia…

 

Việc đưa ra “dự luật cải cách lập pháp” (công bố ngày 28 Tháng Năm, 2024) đang dẫn đến không khí hỗn loạn, với hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ từ Tháng Năm, 2024 đến nay. Bất chấp làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng, dẫn đến phong trào biểu tình Thanh Điểu (Bluebird Movement), khó có khả năng đảng Dân Tiến hoặc nội các có thể ngăn chặn việc thông qua dự luật. Nếu Dân Tiến và Thủ Tướng Trác Vinh Thái (Cho Jung-tai) không thể ngăn cản lập pháp thì chính quyền Lại Thanh Đức có hai lựa chọn.

 

Đầu tiên, thủ tướng phải từ chức; tuy nhiên, điều này chỉ có tác dụng như một sự trì hoãn tạm thời, trừ khi chính quyền Lại chọn cách bãi nhiệm toàn bộ Viện Lập Pháp, vô hiệu hóa tất cả các luật đang chờ xử lý. Biện pháp này rất khó xảy ra vì có thể gây ra hậu quả chính trị thảm khốc cho chính đảng Dân Tiến của Lại Thanh Đức.

 

Động thái thứ hai và có nhiều khả năng xảy ra hơn từ phía chính quyền Lại Thanh Đức là ký ban hành luật nhưng sau đó chuyển nó tới Tòa Án Hiến Pháp để xét. Dù quá trình này có thể mất nhiều tháng nhưng Tòa Án Hiến Pháp có thể ra phán quyết rằng các quyền lập pháp được mở rộng theo đề xuất của phe KMT là vi hiến và đảo ngược hệ thống luật pháp.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats