Sunday, 2 June 2024

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI PHẠM VĂN HÒA GỌI KẺ THAM NHŨNG LÀ "GỖ QUÝ" (RFA)

 



Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa gọi kẻ tham nhũng là “gỗ quý”!

RFA
2024.05.30

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/national-assembly-delegate-called-corrupt-people-precious-wood-05302024102644.html

 

Mới đây, tại một buổi thảo luận của các thành viên trong tổ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa ở Đồng Tháp phát biểu rằng: “Củi đưa vào lò hiện nay toàn là loại gỗ quý hiếm, rất xót xa”.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/national-assembly-delegate-called-corrupt-people-precious-wood-05302024102644.html/@@images/94929790-d4d2-41a8-854b-c24ddcfdf463.jpeg

Phiên tòa “chuyến bay giải cứu” với 54 bị cáo bao gồm nhiều cựu quan chức Chính phủ hôm 28/7/2023 (minh hoạ)  -   AFP

 

Phát biểu của ông Hòa vấp phải nhiều phản ứng. Những người không đồng ý cho rằng kẻ đục khoét tài sản của nhân dân và tham nhũng tiền của của đất nước không thể được coi là loại gỗ quý hiếm.

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định với RFA:

 

“Quốc hội, nếu được hình thành từ bầu cử tự do, dân chủ thì sẽ trở thành nơi tập trung trí tuệ của nhân dân để đưa ra các quyết sách xây dựng đất nước, nhưng rất tiếc, đảng Cộng sản đã lũng đoạn việc bầu cử, khiến cho phẩm chất đại biểu quốc hội quá tệ. Như đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) là một ví dụ điển hình, đến mức ông ấy không phân biệt được tội phạm và công chức lương thiện khi cho rằng: “Củi đưa vào lò hiện nay toàn là loại gỗ quý hiếm”. Phải chăng, do tình trạng công chức đồng thời là tội phạm quá phổ biến nên ông ấy đồng hóa chúng tương đương với nhau và cho là bình thường(?!)”

 

Một nhà quan sát tình hình chính trị trong nước nêu quan điểm của ông với RFA:

 

“Ông Hòa ví von “gỗ quý hiếm” là cách ví von sai, bởi ông Trọng gọi những người này là “củi” trong công cuộc đốt lò. Làm gì có “gỗ quý” ở đây, mà toàn là thành phần sâu dân mọt nước mà chính ĐCSVN nói là phải tiêu diệt không có vùng cấm, không có ngoại lệ mà. Như vậy, ông Hòa đã làm méo mó chủ trương chống tham nhũng của ĐCSVN. Ông Trọng từng nói lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy. Cách nói của ông Hòa bộc lộ sự đồng lõa và tiếp tay bao che cho bọn tham nhũng. Làm gì có gỗ quý ở đây!

Còn nói về cán bộ sợ sai, không dám làm vì người ta sợ làm sai luật thì phải coi lại cách ban hành luật. Luật ở Việt Nam từ hàng chục năm qua đều là ý của đảng được luật hóa, chứ không phải từ thực tế cuộc sống và phục vụ cho cuộc sống người dân”.

 

Chuyện ông Phạm Văn Hòa gọi những người bị đưa vào lò là gỗ quý hiếm cũng đi ngược với cách gọi của chính truyền thông Nhà nước. Báo Long An online, cơ quan của đảng bộ ĐCSVN tỉnh Long An hôm 27 tháng 5 có bài viết “Lại rộ thông tin xuyên tạc về cuộc chiến chống 'giặc nội xâm' của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta”. Mở đầu bài viết, tác giả gọi những kẻ tham nhũng là những thanh củi sâu mục.

 

Không những gọi những kẻ tham nhũng là những thanh gỗ quý hiếm, đại biểu Phạm Văn Hòa còn cho rằng nếu truy cứu các vụ việc trước đây thì bất cứ cá nhân nào cũng phải vào lò, bởi theo ông, những sai phạm trước đây một phần cũng do cơ chế, chính sách và mong muốn phát triển của các địa phương.

 

Ông Hòa đề nghị cấp có thẩm quyền nên bảo vệ những cán bộ sai phạm bằng cách ra quy định bằng văn bản nêu rõ, nếu cán bộ có những việc làm không đúng pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn thu lợi bất chính mà tự giác khai báo và hoàn trả nguồn tiền bất hợp pháp cho Nhà nước thì sẽ được bảo vệ bí mật và được khép lại hồ sơ từ năm 2023 trở về trước, hoạt động, công tác bình thường.

 

Một nhà quan sát tình hình chính trị trong nước nói với RFA suy nghĩ của ông:

 

“Nói như thế là chơi kiểu “xóa bàn làm lại”. Đó là hình thức luật rừng chống lại chính chủ trương đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng. Đây là một phát ngôn bừa bãi của một vị đại biểu quốc hội. Và trong phát ngôn đó cho thấy, ông Hòa công khai thừa nhận hầu hết đảng viên đều tham nhũng, thôi thì bảo vệ bí mật cho nhau, khép lại hồ sơ và công tác bình thường. Như thế tôi dám chắc, không có cán bộ đảng viên nào không tham nhũng hết. Nếu không có cơ hội tham nhũng thì chẳng ông nào vào đảng rồi đấu đá nhau để lên chức này chức nọ cả. Leo càng cao thì ăn càng nhiều”.  

 

Luật sư Mạnh thì cho đây là một điều nguy hiểm khi tạo cơ hội cho những người tham nhũng không bị xử lý hình sự. Ông nói:

 

“Ông Hòa còn định giải cứu cho tội phạm tham nhũng khi đề nghị giữa quốc hội rằng những người này sẽ được bảo vệ bí mật và được khép lại hồ sơ từ năm 2023 trở về trước, hoạt động, công tác bình thường. Đó là điều nguy hiểm.

Qua đó, cho thấy, nếu vẫn còn những đại biểu như thế tồn tại trong cơ quan quyền lực nhà nước, thì mọi nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng đều trở nên công cốc. Đất nước, nhân dân vẫn phải tiếp tục trả giá cho những điều như thế. Chỉ có bầu cử tự do, dân chủ mới là giải pháp để tiến cử người có tài năng và đạo đức vào các cơ quan chính quyền, trong đó có quốc hội.”

 

Đề nghị của đại biểu Phạm Văn Hòa khiến dư luận nhớ lại một nội dung được quy định trong Nghị quyết 03/2020 về thu hồi tài sản tham nhũng của Hội đồng thẩm phán tòa án Nhân dân tối cao, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2021: “Nếu người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ trong quá trình tố tụng chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ... sẽ không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử, kể cả mức án tử hình cũng sẽ được hạ xuống chung thân”.

 

Theo quy định này, một loạt các quan chức nhà nước trong các vụ đại án tham nhũng đã nộp tiền khắc phục hậu quả, lấy đó làm tình tiết giảm nhẹ án phạt tù. Ví dụ, trong phiên xét xử sáng ngày 20 tháng 12 năm 2019, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị mức án tử hình đối với cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son về tội nhận hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% AVG. Gia đình ông Nguyễn Bắc Son sau đó đã nộp lại tổng cộng 66 tỷ đồng trong hai lần, tương đương với số tiền ba triệu USD nhận được từ cựu Chủ tịch Hội đồng Quản Trị AVG, ông Phạm Nhật Vũ. Ông Son được tòa giảm từ mức án tử hình xuống còn chung thân.

 

Một số chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp gọi Nghị quyết 03/2020 là "Nghị quyết mua bán công lý".

 

------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Yêu cầu tăng cường giám sát bao giờ có thể đáp ứng?

Bộ trưởng Tô Lâm và hàm ý muốn “đẩy nhanh các vụ án dư luận xã hội quan tâm”

Quy định chịu trách nhiệm về sai phạm của cấp dưới có áp dụng cho ông Vương Đình Huệ?

Luân chuyển cán bộ có giúp chống tham nhũng?

Cán bộ nộp lại tiền tham nhũng - “khắc phục hậu quả” hay “mua bán công lý”?

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats