Friday, 7 June 2024

80 NĂM D-DAY : THẾ GIỚI LẠI ĐỐI MẶT VỚI CHIẾN TRANH VỚI NHIỀU ĐẢO LỘN (Thụy My / RFI)

 



80 năm D-Day : Thế giới lại đối mặt với chiến tranh với nhiều đảo lộn

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 07/06/2024 - 15:00

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240607-80-n%C4%83m-d-day-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-l%E1%BA%A1i-%C4%91%E1%BB%91i-m%E1%BA%B7t-v%E1%BB%9Bi-chi%E1%BA%BFn-tranh-v%E1%BB%9Bi-nhi%E1%BB%81u-%C4%91%E1%BA%A3o-l%E1%BB%99n

 

Đúng vào ngày 06/06 cách đây 80 năm, cuộc đổ bộ quy mô của Đồng minh xuống Normandie đã giúp giải phóng châu Âu khỏi ách phát-xít Đức. Đây là chủ đề chính của các báo Pháp ra hôm nay 06/06/2024.

 

https://s.rfi.fr/media/display/db73e524-2450-11ef-ae8e-005056a97e36/w:980/p:16x9/dday_02-1.webp

Cựu chiến binh Đệ nhị Thế chiến Bill Wall thả hoa hồng xuống biển tưởng niệm đồng đội trong buổi lễ tại Utah Beach, Normandie (Pháp) ngày 05/06/2024. AP - Jeremias Gonzalez

 

Le Figaro đăng ảnh các quân nhân đồng minh đang bơi vào bãi biển với dòng tít lớn « Ngày 6 tháng Sáu 1944 : Vinh danh những anh hùng của tự do ». La Croix chạy tít « Một D-Day trong bóng tối của Nga », Libération chọn chân dung tổng thống Ukraina làm ảnh trang nhất và chơi chữ « D-Day : Ngày mang dấu ấn Ukraina nhất » thay cho « Ngày dài nhất »

 

 

Chuyến đi Normandie của những người hùng Đệ nhị Thế chiến

 

Le Figaro thuật lại việc « 48 cựu chiến binh Mỹ trong Đệ nhị Thế chiến lên máy bay đến Normandie ». Năm thứ ba liên tiếp, công ty hàng không Delta Airlines hợp tác với hiệp hội Best Defense Foundation và Michelin USA cố gắng vận chuyển tối đa các cựu chiến binh cùng với những người đi kèm trong điều kiện tiện nghi nhất.

 

Không khí vui tươi tràn ngập trong hành khách, và nhân viên sân bay, trong chuyến đi có lẽ là lần cuối của họ, tốn kém hàng triệu đô la. Việc hậu cần là bài toán khó cho những người khách xấp xỉ 100 tuổi bay xuyên Đại Tây Dương. Caen không có phi đạo đủ dài cho Boeing 767, rốt cuộc người ta chọn Cherbourg và Deauville. Hàng đoàn trẻ em tưng bừng đón tiếp họ hôm thứ Hai 03/06 với những lá cờ Pháp, Mỹ, có sự hiện diện của phu nhân tổng thống Pháp.

 

Vấn đề là các cựu chiến binh sống rải rác khắp nơi trên nước Mỹ, nếu ai không đến được phi trường gần nhất, một phi cơ riêng của đối tác địa phương Delta Airlines đến đón. Trong suốt sáu tháng, các cựu chiến binh chuẩn bị cho chuyến đi kéo dài 10 ngày với vô số lễ hội, cuộc tiếp xúc, phỏng vấn…Những người tham dự phải có sức khỏe tốt, ít nhất là đi được, có 13 bác sĩ và y tá theo dõi trong suốt chuyến đi.

 

Ai mệt sẽ ở lại khách sạn, nhưng hầu hết nhất định đến thăm nghĩa trang lính Mỹ ở Colleville-sur-Mer, viếng mộ những người bạn đã ngã xuống trong mùa hè 1944. Một lời chào đồng đội cuối cùng trước khi đi vào miên viễn vốn không lâu nữa. Họ biết rằng thời gian chẳng còn nhiều. Từ 16,4 triệu người được động viên từ 1941 đến 1945 dưới lá cờ Mỹ, đến tháng 9/2023 chỉ còn 119.550 người, tức 1 %.

 

 

« Chúng tôi đã đến ! »

 

Ông Bill Becker là xạ thủ đại liên trên B-24, thuộc phi đội oanh tạc 492, được mệnh danh là Carpetbagger, phụ trách những phi vụ bí mật cho OSS, tiền thân của CIA trên không phận châu Âu đang bị Đức chiếm đóng. Người cựu chiến binh kể lại : « Phi đội chúng tôi thả vật liệu và người vào ban đêm xuống Pháp, Bỉ, Na Uy, Đan Mạch. Chúng tôi chẳng bao giờ nhìn vào phía sau. Những ai lên máy bay để nhảy dù xuống, dù họ là điệp viên, biệt kích, điện đài viên cho kháng chiến, đều được gọi là « Joe ». Nhưng ngày 06/06 và những ngày tiếp theo, chúng tôi thả toàn truyền đơn xuống các thành phố duyên hải. Số truyền đơn bằng tiếng Đức viết ‘’Hãy giao nộp vũ khí, bảo đảm bạn sẽ được an toàn’’. Còn truyền đơn bằng tiếng Pháp chỉ đơn giản ‘’Chúng tôi đã đến’’ ».

 

Trong đoàn cựu chiến binh trở về thăm Normandie, có « Papa Jake ». Tên thật là Jake Larson, năm nay 101 tuổi, người lính từng đổ bộ xuống Omaha Beach đã trở thành ngôi sao trên mạng xã hội. Ông nổi tiếng hơi trễ, nhờ cháu nội McKaela Larson thấy rằng những câu chuyện kể của ông là cả một mỏ vàng, nên lập danh khoản TikTok vào thời điểm đại dịch Covid. Bốn năm sau, đã có được 800.000 người theo dõi và trên 8,7 triệu lượt xem ; « Papa Jake » nay hiện diện cả trên YouTube và Instagram.

 

Jake Larson sống sót sau sáu trận đánh quy mô, trong đó có trận đẫm máu Omaha Beach mà ông không hề bị trầy xước. Nay ông đang trong một cuộc chiến khác : chống mất ngủ. Liệu may mắn vẫn sẽ mỉm cười với « Papa Jake » ? Tựa cuốn sách hồi ký của ông in năm 2021 cho thấy tinh thần lạc quan không thay đổi : « The Luckiest Man in the World » (Người may mắn nhất thế giới).

 

 

D-Day 80 năm : Ukraina khách mời danh dự, Nga đứng ngoài

 

Libération nhận xét « D-Day : Chiến tranh Ukraina hiện diện ở Normandie ». Trong khi Volodymyr Zelensky ở bên cạnh Emmanuel Macron để tưởng niệm ngày Đồng minh đổ bộ - 10.000 quân nhân và 3.000 thường dân đã thiệt mạng trên các bãi biển Pháp trong ngày hôm đó – thì Vladimir Putin không được mời.

 

Nhà sử học Nga Serguei Medvedev hoan nghênh quyết định của Pháp, vì « Nước Nga của Putin không hề giống với đất nước của những người chiến thắng trong Đệ nhị Thế chiến. Khi xâm lăng Ukraina, ông ta đã phản bội lại ký ức, là người thừa kế không phải là của Liên Xô mà của nước Đức Hitler. Nga không có chỗ ở Normandie, mà là ở tòa án La Haye ».

 

Không phải Pháp muốn làm giảm nhẹ vai trò của Liên Xô trong chiến thắng trước Hitler. Élysée nhấn mạnh luôn vinh danh Hồng quân, nhưng nhắc nhở « trên mặt trận phía Đông, cuộc chiến này không phải chỉ người Nga độc quyền chiến đấu mà là tất cả các dân tộc trong Liên bang Xô viết, trong đó có người Ukraina, người Belarus và nhiều sắc tộc khác ».

 

Phải làm người đứng ngoài nhìn vì cuộc xâm lăng Ukraina, Matxcơva tỏ ra cay cú. Đại sứ Pháp tại Nga ba lần bị triệu mời trong năm nay, phát ngôn viên Kremlin nói rằng quan trọng nhất là kỷ niệm 80 năm cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vào năm tới. Le Figaro lưu ý, không chỉ lần này Nga lờ đi đóng góp của Đồng minh, tô hồng chiến công Hồng quân. Không ít người Nga chưa bao giờ được nghe nói đến D-Day.

 

 

Những cựu chiến binh cuối cùng và vai trò nước Mỹ

 

Le Monde cho rằng « Cùng với những cựu chiến binh cuối cùng của D-Day, một số ý tưởng về vai trò của nước Mỹ cũng tắt lịm ». Từ bài diễn văn hùng hồn của Ronald Reagan năm 1984 đến thái độ co cụm của Barack Obama 2014, Hoa Kỳ đã thay đổi.

 

 Truyền thông Mỹ những ngày gần đây đã đưa rộng rãi những hình ảnh hết sức cảm động về một đoàn xe lăn đi qua các phi trường ở Hoa Kỳ dưới những tràng pháo tay để bay sang Normandie : đó là những người sống sót cuối cùng của cuộc đổ bộ ngày 06/06/1944. Nếu công chúng vẫn luôn nhiệt thành, đó là vì mọi người đều hiểu rằng năm 2024, lễ kỷ niệm 80 năm là một trong những dịp cuối hy vọng còn có sự hiện diện của những người hùng Đệ nhị Thế chiến ; và có thể là một số ý tưởng của nước Mỹ.

 

Lễ kỷ niệm D-Day mỗi thập niên mang dấu ấn khác nhau của các tổng thống Mỹ. Chính là Ronald Reagan đã để lại ấn tượng tuyệt vời nhất trong dịp kỷ niệm thứ 40 năm 1984, đang trong chiến tranh lạnh, với bài diễn văn trên Mũi Hoc đến nay vẫn còn gây xúc động cho các nhà sử học. Vốn là nghệ sĩ, Reagan đã biết làm nổi bật khúc anh hùng ca, chọn vách núi được biệt kích Mỹ leo lên vô hiệu hóa đại bác Đức đang hướng ra các bãi biển đổ bộ, để cổ vũ tinh thần tự do dân chủ và tình liên đới với châu Âu.

 

 

Hoa Kỳ đã mệt mỏi với thế giới ?

 

Mười năm sau, 1994, Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc. Bill Clinton, tổng thống đầu tiên sinh ra sau chiến tranh, thời kỳ của các baby-boomer không phải sang Việt Nam chiến đấu, cũng chọn Mũi Hoc để vinh danh các GI, nhưng không tìm cách nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Mỹ.

 

Đến khi tổng thống George W. Bush tới Normandie năm 2004 cho lần kỷ niệm thứ 60, Hoa Kỳ đã đi quá xa khi đưa quân sang Irak trong khi châu Âu phản đối. Ông Bush nhân dịp này muốn chứng tỏ hòa giải với Pháp. Barack Obama đại diện nước Mỹ trong lần thứ 70, năm 2014, trước đó vài tháng Vladimir Putin đã chiếm Crimée và can thiệp vào Donbass. Lần này không phải Mỹ, mà Pháp và Đức đã cố gắng tổ chức cuộc gặp giữa Putin và tân tổng thống Ukraina Petro Porochenko. Cũng như với Bosnia 20 năm trước, Washington cho rằng Ukraina không phải việc của Mỹ. Obama trắc nghiệm khái niệm « Leading from behind » (lãnh đạo từ phía sau) qua chiến dịch Libya do NATO tiến hành. Donald Trump càng co cụm hơn với « America First ».

 

Châu Âu ngỡ rằng đã ra khỏi ác mộng khi Joe Biden đắc cử, nhưng Trump vẫn chưa nói lời cuối cùng. Bên cạnh đó, cho dù Biden sinh năm 1942 thời Đệ nhị Thế chiến và đã trải qua chiến tranh lạnh, ông vẫn phải theo xu hướng của dân chúng ; sự do dự của Biden trong chiến tranh Ukraina và Gaza gây lo ngại. Và nếu vấn đề không phải là Trump mà là nước Mỹ ? Sự lãnh đạo của Hoa Kỳ ngày nay còn phải tính đến sức mạnh Trung Quốc. Đó là điều mà tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, đã thấu hiểu khi đến tận Singapore hôm 02/06 để yêu cầu Bắc Kinh ngưng giúp Nga phá hoại đất nước ông.

 

 

Thiên An Môn : Vẫn cấm kỵ sau 35 năm tại Trung Quốc

 

Ở bên kia bờ Thái Bình Dương, đấu tranh cho tự do vẫn bị bóp nghẹt, việc nhắc nhở lại lịch sử bị cấm đoán. Le Monde cho biết tại Bắc Kinh, vài gia đình Trung Quốc vẫn tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn và tại Hồng Kông, nhiều người bị bắt chỉ vì đăng bài gợi nhớ « thời điểm nhạy cảm » ngày 04/06/1989, khi xe tăng tàn sát sinh viên biểu tình.

 

Trong thế giới im lặng mà Trung Quốc áp đặt về vụ đàn áp đẫm máu cách đây 35 năm, vài gia đình nạn nhân hôm 04/06 vẫn đến nghĩa trang Wanan ở tây bắc Bắc Kinh, tại một khu vực cấm vào, được công an theo sát. Trong một video do RFA công bố, vài người mặc đồ đen đọc lời tưởng niệm những người trẻ « yêu nước, với tâm hồn trong trắng, hy vọng có được một chính phủ tử tế chống quan liêu tham nhũng ». Họ yêu cầu nhà nước chính thức nhìn nhận vụ thảm sát, phải xin lỗi và gia đình nạn nhân được công khai để tang.

 

Trong thư gởi ông Tập Cận Bình, những người thân khẳng định « không bao giờ quên những mạng sống đã mất đi dưới họng súng hay bị xe tăng cán nát ». Mới đây một cựu thủ lãnh sinh viên là Xu Guang lại vừa bị kết án bốn năm tù ngày 03/04/2024 vì giơ khẩu hiệu đòi công lý trước một đồn công an hồi năm 2022. Các gia đình nạn nhân được lệnh không nói chuyện với báo chí, luật sư nhân quyền Pu Zhiqiang bị buộc đi « nghỉ mát » bên ngoài Bắc Kinh.

 

Đài Loan, nơi duy nhất còn tưởng niệm

 

Tại Hồng Kông, suốt ba thập niên qua vẫn là nơi tổ chức tưởng niệm Thiên An Môn, buổi lễ ở công viên Victoria bị cấm từ 2020, năm luật an ninh mới có hiệu lực.Cũng như năm ngoái, chính quyền tổ chức hội chợ ẩm thực Trung Hoa để choán chỗ. Trước đó ngày 28 và 29/05 bảy người bị bắt vì đăng lên Facebook nhắc nhở « một thời điểm nhạy cảm sắp tới ». Nghệ sĩ Hồng Kông Sanmu Chen bị tạm giữ vì dùng cánh tay biểu hiện các con số 8-9 và 6-4 trên đường phố.

 

Chỉ còn lại Đài Loan, nơi cuối cùng trong thế giới người Hoa có thể còn tưởng niệm. Tân tổng thống Lại Thanh Đức hôm thứ Ba tuyên bố « những kỷ niệm của ngày 04/06 không thể mất đi trong dòng chảy lịch sử ». Hàng mấy trăm người tối hôm đó tập hợp ở Đài Bắc, thêm một thách thức cho nỗ lực dập tắt việc tưởng niệm Thiên An Môn của Bắc Kinh.

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats