Phan Nhật Nam -
Saigon Nhỏ
19 tháng 5, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/ve-ben-khong-thua-cuoc/
S/Corbis via Getty Images)
Lời Người Viết:
Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại vừa làm Lễ Tưởng Niệm
Ngày 30 Tháng 4, sau 48 năm mất Miền Nam (1975-2023). Thời gian gần nửa thế kỷ
hẳn cho tất cả chúng ta nhìn lại một cách khách quan và chính xác câu hỏi “Ai
Thắng Ai” về một cuộc chiến mà đến nay cũng không (thể) có kết luận chung nhất.
Điển hình qua sự kiện vừa xẩy ra trong ngày 3 Tháng Năm vừa rồi ở SEA Games tại
Campuchia: Nhóm cổ động viên người Việt (trẻ tuổi) hát “Như có Bác Hồ trong
ngày vui đại thắng…” để cổ võ đội tuyển Việt Nam đá banh và trưng ảnh HCM, Võ
Nguyên Giáp.
Đám hát “đại thắng như có Bác Hồ” không (được) biết
trước đó một tuần, ngày 23 Tháng Tư 2023, có 14 nạn nhân chết thảm trên hải phận
tỉnh Phúc Kiến do vượt biển bất hợp pháp khi cố vào Đài Loan để kiếm sống. 14 kẻ
bất hạnh nầy thuần là cư dân miền Bắc sinh sau 1975, thành phần được gọi là
“new boat Vietnamese people – Thuyền nhân Việt Nam thế hệ mới” để phân biệt 600
ngàn người (miền Nam chiếm đa số) chết trên biển Đông, trên đường vượt biên sau
“Đại thắng Mùa Xuân 1975/Đại thắng mang tên “bác Hồ”.
Sự kiện ngày 3 Tháng Năm nơi vận động trường SEA
Games 2023 còn lộ ra một “bất cập” chính trị: Thủ tướng Hun Sen hiện thời từ
năm 1972 là lính Khmer Đỏ, sau đó bỏ sang chiến đấu bên cạnh bộ đội cộng sản Việt
Nam. Từ 1979 đến 1986, Hunsen 26 tuổi được Hà Nội yểm trợ giữ chức vụ Bộ trưởng
Ngoại giao Campuchia.
Nhưng nay, cảnh sát Campuchia không cho phép mang
hình HCM vào sân vận động, có nghĩa, Hunsen vả thẳng mặt Hà Nội không giấu giếm.
Về phần Mỹ thì khởi công xây Tòa Đại Sứ lớn nhất thế giới ở Hà Nội trong khi khẩu
hiệu: “Đánh cho Mỹ cút/Đánh cho Ngụy nhào” vẫn đầy rẫy trong tài liệu, sử sách,
bài hát… Vậy, Sự Thật ở đâu? Ai thắng/Ai thua? Ai Bạn/Ai Thù?
Thế nên, bài viết của chúng tôi hình thành từ phía
“Những người thua cuộc” để xem có “thua” thật hay không? Thua như thế nào? Tại
sao?
Một.
_____________
Ngày 30 Tháng Tư 1975, Thủ tướng Nhà nước
CHXHCNVN Võ Văn Kiệt có lời nói (được đánh giá là chân tình): “... Giải
phóng có một triệu người vui, nhưng cũng có một triệu người buồn. Những người
có thân nhân tham gia chế độ cũ sao vui được. Nên hiểu tâm trạng người phía bên
kia, người ta cũng đau xót.” Năm 2012, một người miền Bắc, Huy Đức
(sinh 1962) cho xuất bản tập I của bộ sách Bên Thắng Cuộc (Osin
Book, US 2012) có tiêu đề “Giải Phóng/Trong ngoặc kép”. Tập “Giải
Phóng” có chủ điểm giải quyết câu hỏi: “Liệu việc tiếp quản miền Nam của
lực lượng cộng sản (miền Bắc) có thực sự là một “cuộc giải phóng” hay không”?
Sau đó là tập thứ hai, “Quyền Bính”.
Trong tập hai nầy, Huy Đức cho rằng: “Dù nền kinh tế thị trường có thay đổi
đất nước thì Việt Nam vẫn tụt hậu so với kinh tế quốc tế, mặc dù vấn đề đã được
chỉ ra từ năm 1994.” Huy Đức viết rõ: “Đảng cầm quyền, thay vì nắm
bắt được tư duy của thời đại và ý chí của con người (Việt Nam), thì chỉ quẩn
quanh trong một vòng tự vẽ, lập đi lập lại (những sai lầm).” Tóm lại,
từ Võ Văn Kiệt đến Huy Đức đều đồng ý nhận định: Ngày 30 Tháng Tư 1975 phân
chia xã hội miền Nam nên thành hai thành phần: “Bên Vui/Bên Không Vui – Bên
Thắng Cuộc/Bên Thua Cuộc”. Tuy nhiên, đây không là chủ điểm của bài viết nầy.
Qua thế kỷ 21, từ thành phần gọi là “Bên Thắng
Cuộc” kia có những nhận định, sự kiện của chính họ. Cụ thể trong lần tiếp
xúc cử tri Quận 1/TPHCM ngày 7 Tháng Năm 2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có
lời “chân thật”: “Trước đây chỉ một con sâu (tham nhũng) làm rầu nồi
canh, nay thì nhiều con sâu lắm… Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là
‘chết’ cái đất nước này”. Phần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên nhận chức từ
2011, khởi động chiến dịch gọi là “đốt lò/chống tham nhũng”, năm vừa qua
(cao điểm của chiến dịch) đã có những tuyên bố lớn lối: “Chống tham nhũng
không có vùng cấm!”.
Nhưng, thực chất để phe cánh của Trọng (người
miền Bắc) củng cố quyền lực, thanh trừng phe nhóm tàn dư của cựu Thủ tướng Dũng
(người miền Nam). Các đại án với cấu kết từ trung ương tới địa phương, với số
tiền tham nhũng cực lớn đã phản ánh tình trạng mục rỗng của chế độ cộng sản. Chừng
nào chế độ độc tài cộng sản còn tồn tại thì không thể chống được tham nhũng!
Riêng với người dân (những người sinh sau 1975
vốn là cư dân miền Bắc) thuộc thành phần thụ hưởng toàn thể thắng lợi (vật chất
và tinh thần) của “giải phóng 30 Tháng Tư 1975”, những người nầy họ có
chọn lựa khác qua sự kiện điển hình: Một nhóm 39 người gồm tám thiếu nữ, có kẻ
vị thành niên “ra đi hợp pháp” từ sân bay Nội Bài, Hà Nội theo chương
trình “hợp tác lao động” do nhà nước điều hành và các công ty tư nhân
môi giới thực hiện. Lộ trình Việt Nam-Trung Quốc-Nga… cuối cùng đến Đông Âu,
Tây Âu, Zeebrugge, Bỉ.
Từ đây, hành trình “Hợp tác xuất khẩu lao động”
biến thành nhập cư người bất hợp pháp vào đất Anh. 39 nạn nhân cuối cùng chết
ngạt trong lòng xe container xuất phát từ Bắc Ái Nhĩ Lan khi vào Anh tại cửa khẩu
Essex, ngày 23 Tháng Mười 2019. Trước thảm cảnh chết oan của 39 công dân nhà nước
CHXHCNVN, nhà nước Hà Nội ra thông báo: “Do công tác “quản lý xuất khẩu, hợp
tác lao động chưa tốt!”.
Cuối cùng, dịch vụ an táng (tất nhiên cũng do
nhà nước thực hiện) với giá: Thân nhân muốn nhận tro cốt phải trả 41,100,000 tiền
HCM hay 1,470 bảng Anh; còn muốn nhận nguyên thi hài phải trả giá 66,240,000 tiền
Hồ hay 2,209 bảng Anh. Giá tiền được quy định bởi nhiều “cơ quan chức năng” thuộc
chính phủ CHXHCNVN dưới quyền quản lý của người gọi là Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc. Nhưng nay, Phúc đã bị Tổng bí thư Trọng ngưng chức chủ tịch nước (23
Tháng Giêng 2023), vì vợ, con, con rể của Phúc cầm đầu hệ thống tham nhũng quy
mô lớn; chỉ riêng Thu, vợ Phúc, và thân nhân đã là đầu mối trong vụ lừa đảo về
bộ xét nghiệm COVID-19 (cho nhân dân cả nước) có mối lợi đến $170 triệu.
Thảm kịch chết ngộp do đi “hợp tác lao động”
vào đất Anh năm 2019 nay, 23 Tháng Tư 2023 được lặp lại (do không thể che giấu)
xảy ra trên biển, thuộc hải phận của Đài Loan, với 14 nạn nhân được gọi là “thuyền
nhân Việt Nam thế hệ mới” để phân biệt hàng triệu người (miền Nam) đã dùng
ghe nhỏ, liều chết vượt biển chạy trốn khi cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Sài
Gòn ngày 30 Tháng Tư 1975. Như thế, “Bên Vui/Bên Thắng Cuộc” (với người miền Bắc
hay miền Nam) đều có chung một chọn lựa: “Thà (chịu) chết bỏ nước ra đi!” Từ
đây, người viết có tiền đề: Bên (THUA) Cuộc chưa hẳn là thua!
Chúng tôi tiếp trình bày nhân đọc cuốn sách của
Đỗ Thái Nhiên (Đỗ Thái Nhiên, Vận Động Hòa Bình, NXB Miền Nam- US 2022)
Hai.
_____________
Sách của Đỗ Thái Nhiên gồm có hai phần: Phần I
nói về Vận Động Hòa Bình qua vận dụng tư tưởng, lý thuyết, và
sách lược của Lý Đông A, tên thật Nguyễn Hữu Thanh, sinh năm 1920 (hoặc 1921).
Năm 1943, Lý Đông A thành lập, giữ chức Tổng thư ký Đại Việt Duy Dân Cách Mệnh
Đảng, đấu tranh chống Pháp, lẫn Việt Minh cộng sản (Hồ Chí Minh). Lý Đông A bị
Việt Minh sát hại tại Bến Chương, Xã Hiền Lương – Mai Đà vào năm 1947. Phần thứ
II, Phần Phụ Lục (gián tiếp) trả lời câu hỏi cụ thể, thiết thực của chúng ta (chủ
điểm của bài viết): Vấn đề Ai Thắng Ai?
Câu hỏi đã được nêu từ ý kiến của Võ Văn Kiệt
trong ngày 30 Tháng Tư 1975 và của Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc. Ở
Phần Phụ Lục, Đỗ Thái Nhiên đã (không vô tình) trả lời cho câu hỏi “Ai Thắng
Ai” với người, việc thực tế với những câu chuyện văn học, nghệ thuật từ
nhận định chủ đạo: Dưới chế độ độc tài hà khắc, người cầm bút đã phải vừa vận dụng
ngòi bút với tất cả khó khăn của ngôn ngữ chung, vừa tinh vi lách tránh công an
văn hóa bằng kỹ thuật; dùng cái HƯ làm nổi bật cái THỰC.
Nhắc đến Cái Thực với ẩn ý để đẩy sự suy nghĩ
hướng về Cái Hư đã che giấu. Đấy là bài thơ Lá Diêu Bông của
thi sĩ Hoàng Cầm nơi miền Bắc sau 1945. Lá Diêu Bông xuất hiện
với nội dung kỳ bí gần như huyễn hoặc. Không khí kỳ bí và huyễn hoặc nầy là một
lời mời gọi, thiết tha, xoáy tim óc người đọc, và người nghe bài hát (Phạm
Duy phổ nhạc, 1985)..
Chị thẩn thờ đi tìm. Đồng chiều. Cuống rạ…
Chị bảo:
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay, ta gọi là chồng.
…
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt
Chị không nhìn
Từ thuở ấy…
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời…
Ới Diêu Bông…!
Hình ảnh vào đề bài thơ là hình ảnh lạnh lùng
của chiều đông, trên cánh đồng ngổn ngang cuống rạ, người chị tâm sự với em: “Đứa
nào tìm được lá Diêu Bông. Từ nay ta gọi là chồng”. “Hai ngày sau –
Mùa đông sau”, người em khoe với chị: “Em tìm thấy lá”. Nhưng mỗi lần
người em khoe, “tìm thấy lá”, chị lại lắc đầu: “Đâu phải lá Diêu
Bông”. Thế rồi, đời sống thật thảm sầu với kết thúc: “Em cầm
chiếc lá. Đi đầu non cuối bể. Gió quê vi vút gọi. Diêu Bông hời… Ới Diêu
Bông…!”
Hãy lưu ý: Bài thơ được viết vào/bắt đầu từ
“Mùa Đông 1959” – Sau Mùa Thu 1945 – Rõ ràng (nêu) ẩn dụ: Chiến tranh Việt
Minh/Pháp (Mùa Đông -19 Tháng Mười Hai 1946) sau “Cách mạng Mùa Thu, Tháng Tám
1945.) Mùa Thu 1945 được gọi là “Mùa Thu Cách Mạng”, thì mùa Đông 1946 mở cuộc
binh đao, tiền đề những bi kịch của cả dân tộc: Hiệp Định Genève chia đôi đất
nước, “Mùa Thu – 20 Tháng Bảy 1954”; thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền
Nam – “Mùa Đông 20 Tháng Mười Hai 1960”; Khởi động cuộc chiến 1960-1975
để cuối cùng đưa đến mối uất hận không thể biện minh, giải thích của 30 Tháng
Tư 1975!
Hoàng Cầm đã tài tình dùng hình ảnh chị/em để
nói lên mối liên hệ giữa thế hệ trước và thế hệ sau. Chị là biểu tượng của thế
hệ của những người Việt thực sự đau khổ dưới ách cộng sản, đầy đủ kinh nghiệm về
cộng sản. Em là biểu tượng của các thế hệ sau. Các thế hệ bao gồm những người “tin
tưởng” ở một lúc nào đó, tại một nơi nào đó “các em” sẽ tìm được cái gọi
là “Lá Diêu Bông/Cách Mạng XHCN”. Hoàng Cầm quả là một thi sĩ
tiên tri: Sự kiện lớp người trẻ (sinh sau 1975) hát “Như có “bác Hồ”
nơi vận động trường SEA Games 2023 giữa cơn hấp hối tiềm ẩn của Việt Nam hôm
nay là cảnh tượng điễn hình sắc nét về một “Lá Diêu Bông” không hề có thật!
Ba.
_____________
Tiếng nói phản kháng, cảnh báo của Hoàng Cầm
trong Lá Diêu Bông từ sau 1954 ở Hà Nội gióng lên không đơn lẻ,
tuy nhiên chỉ được muộn màng vang vọng lại qua Thông Điệp Mùa Xuân 1985 với
nhạc Phạm Duy buổi Người Việt Hải Ngoại (còn) đang thấm đau từ cơn đổi đời cay
nghiệt 30 Tháng Tư 1975. Nhưng không chỉ là vậy, vì tiếp theo, Người Làm Thơ Tô
Thùy Yên đã thay mặt cho toàn thể Việt Nam/Chủ yếu là Miền Nam bị
đọa đày, gióng lên lời thống thiết về một Mối Cô Đơn Vĩ Đại: Thế Giới
Vui Vì Mỗi Lẻ Loi trong Ta Về – Bài viết của Đỗ Thái Nhiên trong Phần
Phụ Lục/Vận Động Hòa Bình là một nội dung cô đọng thắm thiết của cuốn sách, lại
là một cuốn sách về chính trị, học thuyết.
Tô Thùy Yên, tên thật Đinh Thành Tiên, sanh
1938 tại Gò Vấp, nguyên Thiếu tá Trưởng phòng tâm lý chiến, Tổng cục Chiến
tranh Chính trị QLVNCH. Sau 30 Tháng Tư 1975, Tô Thùy Yên bị chế độ cộng sản
đày lên miền Bắc không tội danh, không án tòa. Năm 1985 (năm Lá Diêu Bông được
Phạm Duy phổ nhạc), Nhà Thơ ra khỏi tù, trở về Nam, Ta Về được
viết nên. Nhà Thơ Tô Thùy Yên một Người Tù Vô Tội – Nhà cầm
quyền các loại hoàn toàn vô thẩm quyền trong quyết định ân xá đối với nhân vật
này.
Vì vậy, lịch sử đã hóa thân thành “tiếng biển
lời rừng” để chấp cánh cho Tô Thùy Yên vượt thoát cảnh giam cầm phi lý và
cay nghiệt… Tiếng biển lời rừng nao nức giục. Ta về cho kịp độ xuân
sang… Tô Thùy Yên mạnh mẽ xác định: Ông rời bỏ nhà tù theo những
chuyển biến của lịch sử thế giới chứ không hề do “lòng nhân đạo” của đảng thống
trị độc tài. Xác định kia mở ra quan điểm rằng “Ta Về” là tiếng nói hiên ngang
và khách quan của một người sau “mười năm chết dấp” vẫn bảo tồn trọn vẹn phẩm
chất cao quý của một đơn vị nhân văn.
Hãy trở lại với Tô Thùy Yên vào những giờ phút
đầu tiên khi người tù khổ sai rời khỏi tù ngục. Nhà thơ ngỡ ngàng đối diện với
chân dung của chính mình: Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp. Chốn rừng
thiêng im tiếng nghìn thu. Mười năm, mặt xạm soi khe nước. Ta hóa thân thành vượn
cổ sơ… Thời đoạn sau 30 Tháng Tư 1975, hàng trăm ngàn cựu quân, cán,
chính của miền Nam bị đẩy về sống với không gian loài “vượn cổ sơ”. Đây
là tội ác hiểm độc hàng đầu trong thế giới của các loại tội ác. Nào mấy ai thấy
ra? Nào mấy ai nói đến?
Tuy bị cưỡng bách sống kiếp vượn cổ sơ, tập thể
người đã từng hấp thụ trọn vẹn nền-giáo-dục-nhân-văn-của-miền-Nam-Việt-Nam-trước-1975
vẫn duy trì được bản chất cao cả của Nhân Tính. Người Tù và Đơn Vị Gia
Đình/Cha-Mẹ/Vợ-Con phải sống biệt ly toàn diện bởi ngăn cấm mọi liên lạc tin
yêu và bởi thời gian chờ đợi dài bất tận trong vô vọng. Cuộc chờ đợi vô
vọng và bất tận này đã làm cho thời gian kể như đã chết. Nhưng: Mẹ/Vợ/Con
chính là Thời Gian. Và Tô Thùy Yên đã viết nên lời kỳ diệu: Ta
gọi thời gian sau cánh cửa. Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu. Ta nghe như máu ân
tình chảy. Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau.
Lần Ta Về, những đôi phu-thê,
cha-con không còn lạc nhau. Thế nhưng, giữa đồng bào với đồng bào, những “chuyến
xa nhau” vẫn tiếp kéo dài miên viễn. Quê hương cũ vật đổi sao dời, lòng người
phân cách bởi dòng sông ly tán. Bên này sông là những người thấm nhuần văn hóa
nhân văn của xã hội miền Nam trước kia, họ là “khách cũ”. Khách cũ nay
không còn. Bên kia sông là những người bị nhào nặn bởi guồng máy tuyên truyền
nhồi sọ của chế độ cộng sản hà khắc và tham ô, họ là “khách mới”…
Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ. Nhà thương khó quá, sống
thờ ơ. Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ. Khách cũ không còn, khách mới
thưa… Mỗi người là một “vượn cổ sơ”. Mỗi gia
đình là một “thời gian sau cánh cửa”. Quê hương là bức tranh ghi nhận những
đôi mắt nhìn nhau xa lạ giữa “khách cũ” và “khách mới”. Tô Thùy
Yên đã tinh tế viết lại lời-chia-buồn-không-tiếng-nói của vũ trụ dành
cho nhân gian bằng cách mô tả một Đất Trời tê tái ôm lấy Quê Hương khốn khổ: Chỉ
có thế. Trời câm đất nín. Đời im lìm đóng váng xanh xao. Mười năm thế giới già
trông thấy. Đất bạc màu đi, đất bạc màu…
“Trời câm đất nín” là ảnh chụp của tình
huống lịch sử bị đẩy vào thế cùng. “Cùng tắc biến. Biến tắc thông”. Thế
nên, từ “cùng” chuyển thành “biến”, lịch sử phải được giục giã bởi
môt mệnh lệnh xoáy tim gan. Mệnh lệnh kia chính là Hồn Sử. Hồn Sử là sức mạnh
đòi hỏi mối quan hệ giữa Nhân với Dân phải được thường hằng gắn bó. Mỗi Người
là Một Nhân Dân. Nhân là Người Dân Toàn Thiện-Toàn Mỹ.
Thế rồi, những tháng năm khổ nạn qua đi, mọi
oan khiên mờ dần, còn lại Niềm Tin rực sáng. Chính đời đã mở
đường cho máu chảy, lại cũng chính đời đã giúp cho ruột không hề mềm, giúp cho
Dân vẫn tha thiết tìm về Nhân. Rơi vào cảnh sống kỳ lạ đến cô độc nghiệt ngã vừa
kể, tâm tình của Tô Thùy Yên đã vỡ tung thành tiếng khóc tạ ơn đời: Ta
về như lá rơi về cội. Bếp lửa nhân quần ấm tối nay. Chút rượu hồng đây xin rưới
xuống. Giải oan cho cuộc biển dâu này…
Kết Từ
_____________
Đỗ Thái Nhiên kết thúc Phần Phụ Lục/Vận Động
Hòa Bình với xác định tự tin, mạnh mẽ: Lịch sử là sự chuyển mình của xã hội nhằm
chống lại mọi chế độ cai trị chà đạp Quyền Làm Người của Người Dân. Người Làm
Thơ Tô Thùy Yên thắm thiết hối thúc Lịch sử Quê Hương Việt hãy vươn mình đứng dậy,
lôi kéo (dẫu) gỗ đá ra khỏi giấc ngủ triền miên: “Ta về khai giảng bùa
thiêng yểm. Thức dậy đi nào gỗ đá ơi! Hãy kể lại mười năm mộng dữ. Một lần kể lại
để rồi thôi” – “Một lần kể lại để rồi thôi” không có nghĩa là bỏ
qua chuyện cũ, lại càng không có nghĩa là hòa hợp hòa giải với bạo quyền.
Lời thơ này hàm ý rằng: Đau khổ không thể được
giải trừ bằng những kể lể dông dài. Hãy một lần nói cho nhau nghe những nỗi niềm
đau đớn của Việt Nam để sau đó lấy đau đớn kia làm bàn đạp đẩy tới hành động phục
vụ quê hương. Phục vụ ở đây không thể bị đồng hóa với tâm lý thù hận. Nó là
nghĩa vụ bảo vệ và khai thông lịch sử. Nhiều người đưa ra nhận định: Thơ Tô
Thùy Yên là những áng văn thơ không dễ đọc. Mặt khác, khó đọc lại chính là sức
cuốn hút rất thơ của thi phẩm Ta Về: Khi trầm lắng, khi cất cánh
lên cao, khi yêu thương, khi phẫn hận, khi lãng mạn, khi cổ kính…
Sau 1975, Lịch sử Việt Nam chuyển mình không
tiếng động mặc dầu hàng triệu triệu sinh linh đã hy sinh trong rừng sâu hay
ngoài biển rộng. Mỗi chuyển mình của lịch sử trên núi, trên sông hay trên biển,
tất cả đều được người đời tôn kính ghi nhận là lịch sử đã nở hoa: Hoa Sử.
Cuộc vượt biên 1975 của người Việt là một cuộc bầu
cử bằng Mạng sống của Người – Mỗi người vượt
biên là Một Cử Tri/Một Chọn Lựa – Sự Chọn Lựa hoàn toàn Tự Nguyện/Tự
Do với Lẻ Loi của Mỗi Con Người – Hàng triệu triệu hành động lẻ loi đã tạo
thành cuộc cách-mạng-vượt-biên bi hùng được thế giới khâm phục: Thế giới
vui vì mỗi lẻ loi. Và câu trả lời kiêu hãnh:
“Người Việt Tỵ Nạn (Không) là “Bên
Thua Cuộc”.
Phan Nhật
Nam
Để nhớ Tháng Năm – Lần “trình diện/(KHÔNG)
thua cuộc” đi tù!
(1975-2023)
No comments:
Post a Comment