Ukraine cảm thấy áp lực về thời
gian và kỳ vọng gia tăng
Cù Tuấn biên dịch
Tóm tắt: Hội nghị thượng đỉnh G7 cuối tuần trước không phải
là tâm điểm ủng hộ của quốc tế đối với Kyiv
Ukraine vừa có một chiến thắng ngoại giao. Bây
giờ thì nước này đang chịu áp lực phải có được một chiến thắng quân sự.
Sau sự hào nhoáng của hội nghị thượng đỉnh G7 ở
Hiroshima, trọng tâm sẽ quay trở lại thực tế chiến tranh tàn khốc ở miền đông
Ukraine. Sự hỗ trợ ngoại giao và quân sự dành cho Volodymyr Zelensky tại hội
nghị G7 là một động lực lớn đối với tổng thống Ukraine. Nhưng điều nguy hiểm là
nó có thể được ghi nhớ như là dấu ấn đỉnh cao của sự ủng hộ quốc tế dành cho
Ukraine.
Người Ukraine biết rằng cách tốt nhất để duy
trì sự hỗ trợ của phương Tây là đạt được tiến bộ đáng kể trên chiến trường. Tuy
nhiên, tuyên bố của Nga rằng họ cuối cùng đã nắm quyền kiểm soát thị trấn
Bakhmut bị tàn phá nặng nề, phần lớn bị tranh chấp, cho thấy điều đó là khó
khăn như thế nào.
Không có gợi ý nào về áp lực quốc tế này đối với
Zelensky trong thông cáo do G7 đưa ra. Nhóm này đã sử dụng công thức quen thuộc
rằng họ sẽ ủng hộ Ukraine “chừng nào còn cần thiết”. Nhưng thông điệp không
chính thức phức tạp hơn một chút: “Chừng nào còn chiến đấu. Nhưng sẽ tốt hơn nếu
nó không mất quá nhiều thời gian.”
Cảm giác cấp bách này không phản ánh bất kỳ sự
thiếu thiện cảm nào đối với Ukraine ở các chính phủ chủ chốt của phương Tây.
Thay vào đó, có một lo ngại rằng, nếu cuộc phản công rất được mong đợi của Kyiv
không xoay chuyển được tình thế trên chiến trường, thì những chính phủ ủng hộ
Kiev sẽ khó duy trì mức hỗ trợ chính trị, tài chính và hậu cần hiện tại.
Áp lực gia tăng đối với Ukraine gắn liền với
cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Việc Donald Trump nổi lên với tư cách là ứng
cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa làm gia tăng lo ngại rằng Tổng thống tiếp
theo của Hoa Kỳ sẽ thay đổi hoàn toàn chính sách đối với Ukraine. Trump đã khoe
khoang rằng ông ấy có thể kết thúc chiến tranh trong một ngày, một thông điệp
khá khác với thông điệp "chừng nào còn chiến đấu".
Ngay cả một chiến dịch bầu cử tổng thống do
Trump thống trị cũng có khả năng làm suy yếu rõ ràng sự đồng thuận của lưỡng đảng
của Mỹ đối với Ukraine. Tất cả các loại lập luận chống lại việc ủng hộ Kyiv - từ
chi phí chiến tranh đến nguy cơ leo thang - sẽ được phát sóng. Các cuộc thăm dò
dư luận ở Mỹ đã cho thấy sự ủng hộ dành cho Ukraine đã giảm đi phần nào.
Tất cả những điều này mang lại cho Vladimir
Putin lý do để hy vọng rằng, nếu ông có thể giữ cho nước Nga tiếp tục chiến đấu
thêm 18 tháng nữa, đoàn quân kỵ binh Trump có thể xuất hiện ở phía chân trời.
Điện Kremlin đã ve vãn vị cựu tổng thống Mỹ và những người ủng hộ ông rất nhiều.
Danh sách mới nhất của Nga về những người Mỹ bị trừng phạt bao gồm những người
không liên quan gì đến Ukraine, nhưng lại nằm trong danh sách kẻ thù trong nước
Mỹ không chính thức của Trump - chẳng hạn như Brad Raffensperger, quan chức đã
chống lại lời thỉnh cầu của Trump để “tìm” thêm cho ông ta một số phiếu bầu ở bang
Georgia.
Với việc Mỹ cung cấp hầu hết các hỗ trợ quân sự
cho Ukraine, thái độ ở Washington là rất quan trọng. Sự thay đổi trong bầu
không khí chính trị ở Mỹ chắc chắn cũng sẽ lan sang châu Âu. Sự gián đoạn đối với
thị trường năng lượng do chiến tranh gây ra đã khiến các nước châu Âu đã chi
khoảng 800 tỷ euro cho trợ cấp năng lượng. Sự bất mãn về kinh tế có thể chuyển
thành sự ủng hộ ngày càng tăng đối với các đảng dân túy cực hữu và cực tả có
thiện cảm với Nga.
Sau đó là câu hỏi về nguồn cung cấp vũ khí. Cả
Mỹ và châu Âu đều đã vét sạch kho vũ khí liên quan, chẳng hạn như đạn pháo,
trong nỗ lực duy trì nguồn cung cho Ukraine. Nếu không chuyển đổi sang nền kinh
tế thời chiến, các nhà máy sản xuất vũ khí của phương Tây không thể theo kịp tốc
độ của cuộc chiến. Cuộc giao tranh căng thẳng đến mức, như một chính trị gia
phương Tây đã nói, "quân Ukraine đang tiêu thụ trong vài giờ những gì
chúng tôi sản xuất trong vài tuần". Các quan chức an ninh quốc gia phương
Tây đã phải làm việc ngoài giờ như những kẻ buôn bán vũ khí - tại các thủ đô
toàn cầu, từ Seoul đến Islamabad - để tranh giành nguồn cung cấp tên lửa và vũ
khí khác, để gửi chúng ra tiền tuyến tại Ukraine.
Mỹ và châu Âu tin rằng những nỗ lực của họ đã
có kết quả và Ukraine hiện có đủ vũ khí để tiến hành một cuộc tấn công mạnh.
Nhưng kho vũ khí của phương Tây giờ đây đang khá trống rỗng. Nó sẽ không được bổ
sung đầy đủ vào năm 2024 - mặc dù vào thời điểm đó, người Ukraine sẽ có thể triển
khai các máy bay chiến đấu Mỹ đã hứa với họ vào tuần trước.
Cuộc phản công hiện tại của Ukraine có thể sẽ
bắt đầu một cách lặng lẽ với một loạt các nhiệm vụ thăm dò nhằm tìm kiếm những
điểm yếu trong phòng tuyến của Nga. Nhưng mức độ của những điểm yếu đó của Nga
vẫn là “ẩn số” lớn của cuộc chiến.
Một số quan chức phương Tây, những người đã hợp
tác chặt chẽ với Kiev, tin rằng quân Ukraine có cơ hội tốt để chọc thủng phòng
tuyến của Nga và đe dọa bán đảo Crưm. Những người khác cảnh báo rằng người Nga
đang ra sức phòng thủ - và quân đội Ukraine thiếu kinh nghiệm có thể phải vất vả
để có thể tiến lên được. Những người bi quan lo sợ rằng, nếu cuộc chiến vẫn bế
tắc vào năm tới, Putin có thể huy động hàng trăm nghìn binh sĩ mới cho giai đoạn
tiếp theo của cuộc chiến. Mặc dù quân Ukraine có tinh thần cao hơn và chiến thuật
tốt hơn, nhưng Nga có một lực lượng binh sĩ tiềm năng lớn hơn.
Nhưng ngay cả khi Ukraine không đạt được bước
đột phá và sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev bắt đầu chững lại, thì vấn đề
vẫn chưa kết thúc. Các quan chức Ukraine chỉ ra rằng, không giống như những người
ủng hộ phương Tây của họ, người Ukraine sẽ không bao giờ có được quyền rút lui
khỏi cuộc chiến. Dmytro Kuleba, ngoại trưởng Ukraine, thích trích dẫn một câu
ngạn ngữ được cho là của John Lennon: “Mọi chuyện cuối cùng rồi cũng sẽ ổn thỏa.
Nếu nó không ổn, nó không phải là kết cục cuối cùng."
HÌNH :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=6482992728406019&set=a.124320747606614
.
.
Bài
gốc :
https://www.ft.com/.../aed74996-7b87-4b47-a821-8daab5372c58
FT.COM
Ukraine
feels the pressure of time and rising expectations
No comments:
Post a Comment