Saturday, 20 May 2023

TỔNG THỐNG HÀN QUỐC DỰ HỘI NGHỊ G7 MỞ RỘNG và CUỘC GẶP BA BÊN MỸ - NHẬT - HÀN (RFI)

 



NỘI DUNG :

Tổng thống Hàn Quốc dự hội nghị G7 mở rộng và cuộc gặp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn

Trần Công  -  RFI

.

Thượng đỉnh Hiroshima : Trung Quốc có 1001 lý do để dè chừng G7

Thanh Hà  -  RFI

 

=====================================================

.

.

Tổng thống Hàn Quốc dự hội nghị G7 mở rộng và cuộc gặp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn

Trần Công  -  RFI

Đăng ngày: 19/05/2023 - 12:20

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230519-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-d%E1%BB%.....BA%ADt-h%C3%A0n

 

Theo lời mời của thủ tướng Nhật Bản, chủ tịch G7, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất, tổng thống Yoon Seok-yeol hôm nay 19/05/2023 đã  tới Hiroshima, Nhật Bản, để dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.

 

https://s.rfi.fr/media/display/6a9f76aa-f61c-11ed-ab4f-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23139274997547.webp

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân đến Hirsoshima, Nhật Bản, dự thượng đỉnh G7 ngày 19/05/2023. AP

 

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công cho biết thêm thông tin:

 

"Việc tổng thống Yoon Seok-yeol được mời tham dự thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản khẳng định vị thế, vai trò của Hàn Quốc trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là dịp để nguyên thủ Hàn Quốc gặp gỡ các đồng nhiệm, lãnh đạo chính phủ, nhằm tăng cường quan hệ song phương. 

 

Trong thời gian ở Nhật, từ 19 đến 21/05/2023, tổng thống Hàn Quốc có nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật, ông sẽ hội đàm với thủ tướng Fumio Kishida. Bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, tổng thống Yoon Seok-yeol sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo nhiều nước như Úc, Anh, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ. 

 

Điểm nhấn trong chuyến đi lần này đó là hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật và cuộc hội đàm 3 bên Hàn-Mỹ-Nhật vào ngày 21.5.2023. Tổng thống Yoon, cùng với đồng nhiệm Mỹ Biden và thủ tướng Nhật Kishida, sẽ điểm lại việc thực hiện nội dung "chia sẻ thông tin cảnh báo tên lửa" đã được nhất trí vào tháng 11 năm 2022. Ngoài ra, lãnh đạo 3 nước cũng sẽ thảo luận về sự bất ổn của chuỗi cung ứng khu vực và khủng hoảng năng lượng. Được biết, ba nước sẽ không đưa ra tuyên bố sau cuộc gặp này.

 

Để khẳng định vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế, tổng thống Yoon dự thượng đỉnh G7 mở rộng, bày tỏ ý định mở rộng đóng góp của chính phủ Seoul cho các chương trình nghị sự toàn cầu như lương thực, sức khỏe, khí hậu và năng lượng.

 

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, tổng thống Yoon Seok-yeol và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ đến viếng các nạn nhân bom nguyên tử, trong đó có nhiều người Triều Tiên, ở khu tưởng niệm trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima "

 

----------------------------

.

.

Thượng đỉnh Hiroshima : Trung Quốc có 1001 lý do để dè chừng G7

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 19/05/2023 - 15:05

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230519-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-hiroshima-trung-qu%E1%BB%....BB%ABng-g7

 

Trung Quốc không thoải mái vì thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, do biết rằng mỗi thành viên trong khối này đều có những hiềm khích với Bắc Kinh. Chiến tranh Ukraina cũng như quan hệ mật thiết giữa Trung Quốc với Nga lại càng « đổ thêm dầu vào lửa » và khiến G7 lo ngại về an ninh tại khu vực châu Á –Thái Bình Dương.

 

https://s.rfi.fr/media/display/0a252fc4-f642-11ed-8994-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23138411648882.webp

Tổng thống Joe Biden và thủ tướng Fumio Kishida trước cuộc họp song phương à Hiroshima, Nhật Bản, ngày 18/05/2023. AP - Kiyoshi Ota

 

Trong ngày đầu thượng đỉnh Hiroshima, khối G7 mạnh tay trừng phạt thêm nước Nga xâm lược Ukraina và chuẩn bị tiếp tổng thống Volodymyr Zelensky với những cam kết hỗ trợ Kiev đối mặt với chiến tranh. 

 

Tại Tây An, Trung Quốc, tiễn lãnh đạo 5 nước Trung Á ra về sau hai ngày họp thượng đỉnh, chủ tịch Tập Cận Bình có lẽ đang quan tâm đến những tuyên bố của G7 về thương mại, về chính sách phát triển công nghệ bán dẫn, về lập trường chung của khối này liên quan đến tình hình eo biển Đài Loan.

 

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của tất cả 7 cường quốc công nghiệp toàn cầu, nhưng có lẽ ngoại trừ Pháp, Đức và Ý, quan hệ song phương giữa Bắc Kinh với 4 thành viên còn lại (Mỹ, Canada, Anh, Nhật) đang hay sắp bước vào giai đoạn đầy sóng gió. 

 

Trước hết, Bắc Kinh thấy rõ thượng đỉnh G7 lần này được tổ chức ngay sát cạnh cửa ngõ vào lúc mà Tokyo đang quan ngại hơn ai hết, có lẽ hơn cả Hoa Kỳ, về tình hình eo biển Đài Loan và thủ tướng Fumio Kishida vừa tăng ngân sách quốc phòng của Nhật lên gấp đôi « để đối phó với hiểm họa Trung Quốc ». Thủ tướng Nhật từng tuyên bố « những gì đang diễn ra ở Ukraina hiện nay có thể báo trước kịch bản tương tự tại châu Á trong tương lai », ngụ ý, nếu không cẩn thận, Đài Loan cũng sẽ chung số phận như Ukraina.

 

Thêm vào đó là việc Nhật Bản đã cải thiện bang giao với Hàn Quốc, một cột trụ về công nghệ bán dẫn của thế giới và có nền công nghiệp sản xuất vũ khí càng lúc càng có uy tín. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol là một trong những khách mời của thủ tướng Fumio Kishida tham dự thượng đỉnh G7 mở rộng. 

 

Đối với châu Âu, Pháp nhấn mạnh G7 không phải là một câu lạc bộ « chống Trung Quốc », còn bản thân tổng thống Macron vừa công du Trung Quốc hồi tháng trước đã tỏ ra hòa hoãn với cường quốc kinh tế thứ hai toàn cầu. Thế nhưng Paris không ngừng mở rộng quan hệ và khẳng định vị thế tại Ấn Độ -Thái Bình Dương, để làm đối trọng với ảnh hưởng « ngày càng lớn của Trung Quốc ». 

 

Ngay cả với Đức hay Ý mà trên nguyên tắc Trung Quốc không có tranh chấp trực tiếp, gần đây Roma để ngỏ khả năng « rút lui khỏi dự án Con Đường Tơ Lụa Thế kỷ 21 », còn Berlin trong năm vừa qua đã ngăn chận nhiều dự án của Trung Quốc để bảo vệ nền công nghiệp quốc gia. 

 

Căng thẳng ngoại giao với Ottawa vẫn kéo dài từ sau vụ Bắc Kinh bắt hai công dân Canada để đổi lấy tự do cho bà Mạnh Vãn Châu, con gái sáng lập viên Hoa Vi, và gần đây nhất là những cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào đời sống chính trị của Canada.

 

Trước thềm thượng đỉnh G7, thủ tướng Anh và Nhật Bản thông qua « thỏa thuận Hiroshima » nâng cấp hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực từ thương mại đến khoa học, an ninh… với mục đích tối hậu là nhằm « làm đối trọng với Trung Quốc ».

 

Với Hoa Kỳ, cuộc đối đầu âm ỉ gần như « toàn diện » từ thời chính quyền tổng thống tiền nhiệm Donald Trump không hề thuyên giảm. Chính quyền Biden đã thuyết phục được thêm nhiều nước phương Tây, đứng đầu là Nhật Bản, tham gia liên minh «ngăn chận Trung Quốc tiếp cận với công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất ». 

 

Chiến tranh Ukraina và yếu tố Nga « đổ thêm dầu vào lửa » trong quan hệ vốn không mấy êm thắm giữa Trung Quốc với phương Tây. Tình bạn vô bờ bến giữa chủ tịch họ Tập và tổng thống Putin khiến Âu, Mỹ « vừa tức giận vừa lo lắng ». Thượng đỉnh G7 Hiroshima lần này cũng đang diễn ra vào lúc Liên Âu, với ba thành viên kinh tế nặng ký nhất là Đức Pháp và Ý, hướng đến việc trừng phạt các tập đoàn Trung Quốc bị nghi ngờ cung cấp trang thiết bị nhạy cảm cho Nga, giúp Matxcơva lách lệnh trừng phạt quốc tế. 

 

Một yếu tố khác khiến Trung Quốc bực mình về thượng đỉnh Hiroshima 2023 đó là những nỗ lực ngoại giao « không bình thường » của thủ tướng Kishida. Tokyo đã mời rất nhiều quốc gia ngoài khối tham dự với nỗ lực « ve vãn các nước không liên kết ». Trong số này có Ấn Độ, Việt Nam, Brazil, Indonesia và nhất là Hàn Quốc và Ukraina với viễn cảnh tổng thống Zelensky Chủ Nhật này sẽ trực tiếp đối thoại với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. 

 

Chris B. Johnstone, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS trên tuần báo L’Obs xem đây là một đòn nhằm « thu hẹp ảnh hưởng của Trung Quốc –và trong một chừng mực nào đó là của Nga, muốn dùng viện trợ kinh tế » để lôi kéo các nước nghèo về phía mình, thành lập một liên minh chống phương Tây. 

 

Ngần ấy lý do khiến tại Tây An chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi 5 nước Trung Á cùng với Bắc Kinh « khai thác tối đa các tiềm năng » của mình để cùng phát triển. Có lẽ mưu đồ của ông Tập Cận Bình là thành lập một lá chắn đối phó với phương Tây khi cần. Một nhà quan sát tuy nhiên ghi nhận, điều duy nhất khiến lãnh đạo họ Tập có thể an tâm là tuy phương Tây chủ yếu có lập trường bài Trung Quốc, nhưng khối dân chủ và tự do thì luôn « 9 người 10 ý », không mấy khi đồng nhất về một chính sách chung. Đó là chưa kể đến khả năng đa số cầm quyền ở các nền dân chủ thường thay đổi sau mỗi cuộc bầu cử. Tại Trung Quốc thì không. 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats