Saturday, 20 May 2023

TÔ THUỲ YÊN. KINH KHỔ (Từ Thức )

 



TÔ THUỲ YÊN. KINH KHỔ

Từ Thức   

19/05/2023

https://www.tuthuc-paris-blog.com/post/t%C3%B4-thu%E1%BB%B3-y%C3%AAn-kinh-kh%E1%BB%95

 

Tô Thuỳ Yên ra đi ngày 21/5/2019.

 

Những lúc lạc lõng, không biết mình đang ở đâu, đi đâu, nhiều người quay về với thơ phú, với thi sĩ. Nhất là một thi sĩ, ngoài cái ngổn ngang tâm sự riệng, còn chia cái đau chung của đồng bào. Một thi sĩ chứng nhân của một cơn ác mộng, một thời đại khủng khiếp, một thi sĩ mang cái đau của mình để nói lên cái đau chung của cả một dân tộc. Dùng ngôn ngữ rất riêng tư, cái nhìn rất riêng tư, để nói thay những người đau, nhưng không biết diễn tả cái đau của mình.

 

Có người nói sách để đọc một vài lần, thơ để đọc cả đời, càng đọc càng thấm, mỗi lần đọc tìm thấy một cảm giác lạ, một xúc động mới. Nhất là khi thơ đã đạt, như thơ Tô Thuỳ Yên (TTY). Thơ TTY không phải để “ru với gió, mơ theo trăng và thơ thẩn cùng mây” như Xuân Diệu.

 

Thơ TTY là chứng nhân của một cuộc bể dâu, là một lời xưng tội, một tụng niệm giải oan cho những trầm luân của một kiếp đoạ đầy. Một kinh khổ.

 

Đúng là kinh khổ, bởi vì thơ TTY rất gần với tư tưởng nhà Phật, thấy đời là bể khổ, nhưng rất zen, rất thiền, không một chút oán thù.

 

Đọc “Ta Về”, bài thơ dài TTY viết về ngày ra khỏi trại cải tạo, (chút rượu hồng đây xin rót xuống/ Giải oan cho cuộc bể dâu này), tưởng như nghe Văn tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du:

 

“Thương thay thập loại chúng sinh

Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người

Hương lửa đã không nơi nương tựa

Hồn mồ côi lần lữa bấy niên” –  (Nguyễn Du)

 

Nếu tình yêu dễ diễn tả qua thơ hơn là văn vần, hơn là diễn văn, cái đau thương uất nghẹn cũng vậy. Phải bao nhiêu trang mới nói đuợc tất cả cái đau đớn trong 2 câu thơ Tô Thuỳ Yên, diễn tả cuộc chạy giặc:

 

“Xứ khổ, gây chi mùa thảm khốc

Hỡi ơi trời đã bỏ rơi dân”

 

Hay tia hy vọng le lói trong bể khổ:

 

“Xin cám ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui vì những chuyện lẻ loi”

 

Đọc TTY, nhiều khi nghĩ tới thơ Quang Dũng, cái hình ảnh ghê rợn về chiến tranh trong thơ Quang Dũng:

 

“Mẹ già tôi em có gặp đâu không

Những xác già nua ngập cánh đồng

Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ

Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông”

(Mắt Người Sơn Tây – Quang Dũng)

 

Quang Dũng mơ ước: “Bao giờ tôi gặp em lần nữa/ Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca/ Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ/ Em có bao giờ em nhớ ta?” TTY thề nguyền, cam kết: “Ta về dẫu phải đi chân đất/ Khắp thế gian này để gặp em”.

 

Người Việt làm thơ rất nhiều, nhưng thi sĩ, rất hiếm. Thi sĩ một mình một chiếu như Tô Thuỳ Yên còn hiếm hơn nữa.

 

Thanh Tâm Tuyền nói TTY là một nhà thơ miền Nam. Vừa đúng vừa sai. Đúng, bởi vì thơ TTY không hề có căm thù, kêu gào chém giết như thơ miền Bắc “xã hội chủ nghĩa”. Đúng là tâm hồn của một miền Nam hiền hoà, độ lượng, của một xã hội nhân bản, trong đó tình người là cái đáng quý trọng nhất.

 

TTY là sĩ quan tâm lý chiến của VNCH, nhưng không hề nhìn người khác là ta, là địch, chỉ thấy một dân tộc đoạ đầy.

 

“Mối sầu như nước sông

Chẩy hoài mà không cạn….

Giữ làm gì đau thương

Đã đôi lần nhầm lẫn”

( Đêm qua bắc Vàm cống)

 

Sai, bởi vì mặc dù sinh ra ở miền Nam (Gò Vấp, Tân Định), ngôn ngữ TTY không phải là ngôn ngữ dễ dãi và dễ thương của miệt vườn, nhưng là ngôn ngữ rất cầu kỳ của một nhà thơ miền Bắc, đài các của một nhà thơ Huế.

 

Về ngôn ngữ, thơ TTY chững chạc, cổ điển như thơ Đường, nhưng mới lạ, táo bạo hơn thơ mới. Đạo mạo như một người đứng tuổi, một ông đồ già, từng trải, ngồi nhâm nhi bên tách trà, ngẫm nghĩ về nhân tình thế thái, về cuộc đời dâu biển:

 

“Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ

Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Chỉ có thế. Trời câm đất nín

Đời im lìm đóng váng xanh xao”

 

Nhưng trẻ, mạnh, vũ bão như thanh niên vào đời, muốn yêu, muốn thương, muốn nhớ. Muốn sống:

 

“Ta về dẫu phải đi chân đất

Khắp thế gian này để gặp em”

 

Những yếu tố chính của thơ là từ ngữ, hình ảnh, âm điệu, và tư tưởng. Thơ TTY có đủ:

 

“Bao giờ, cho đến bao giờ nữa.

Em gánh vui về họp chợ đông”

 

Trong các yếu tố đó, quan trọng hàng đầu là từ ngữ. Thi sĩ Pháp Mallarmé dứt khoát hơn nữa: “Không phải với ý tưởng người ta làm thơ, nhưng với từ ngữ” (Ce n’est pas avec des idées qu’on fait des vers; c’est avec des mots).

 

TTY cũng nghĩ như vậy, và cực kỳ trân trọng với từ ngữ. Ông nói, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Nguyễn An Dân: “Tôi rất dễ bị ray rứt, dằn vặt, chỉ vì một tứ chưa ổn, một chữ chưa đắc”.

 

Và giải thích: “Thơ biến cái thật thành cái không thật. Bất cứ nhà thơ nào cũng sử dụng và đồng thời chối nhận ngôn ngữ. Sự mới mẻ độc đáo trong thơ, trái với các bộ môn khác trong văn chương không nằm trong đề tài (đề tài trong thơ thường khi rất thông thường và được coi như hằng cửu. Thi sĩ nhìn thấy cái đẹp ở những cái tầm thường)”.

 

Từ ngữ TTY đài các nhưng gần gũi, sáng tạo cực kỳ nhưng tưởng như dễ dãi. Vừa lạ, vừa thực. Vừa xa vừa gần gũi. Chuyện đó không phải dễ. Có người dùng chữ lạ, câu lạ, nhưng không thực, chỉ lộ cái lập dị, giả tạo. Có người rất thực, nhưng nhàm, nếu không thô tục, bởi vì cái thực trong nghệ thuật, nó khác với sự thực ngoài đời.

 

Về tư tưởng, thơ TTY đau xót, bi quan nhưng bao dung; đứng ngoài, đứng trên cái thù hận, để thấy cái bát ngát của đất trời, cái giới hạn của kiếp người.

 

Muốn nói được phần nào cái đau thương, uất hận, cái mệt mỏi, cái chịu đựng vô hạn, cái sức sống lạ kỳ trong đại hoạ của dân tộc Việt, phải có những nhà văn dài hơi, với tầm vóc Tolstoi, Pasternak mà chúng ta chưa có. Hay một thi sĩ như tác giả “Ta về”.

 

“Ta về như bóng ma hờn tủi

Lục lại thời gian kiếm chính mình

Ta nhặt mà thương từng phế liệu

Như từng hài cốt sắp vô danh”

 

Nằm tù cải tạo ra, gia đình chia ly, cuộc đời tan nát, nhà cửa quê hương tang thương, nhưng cái ghê rợn nhất đối với thi sĩ là một xã hội không còn nhân phẩm, đánh mất lương tri. Ông viết: “Chiến tranh, nhất là chiến tranh uỷ nhiệm, huynh đệ tương tàn, bao giờ lại chẳng gây thương tổn nặng nề cho nhân phẩm”.

 

Đôi khi tôi hoài nghi khả năng của văn chương Việt Nam trong việc diễn tả cái kinh hoàng cùng tận của một cuộc đổi đời, nhưng hoàn toàn tin là thơ Việt Nam có đủ khả năng đó. TTY là một bằng chứng.

 

Nhiều nhà nghiên cứu nhận xét: Văn chương chỉ có ở một vài nước, nhưng thơ thì cùng khắp. Jorge Luis Borgnes không nói gì khác: Trong mọi trường hợp, thơ đến trước văn vần, hình như người ta hát (hay khóc) trước khi biết nói ( Dans tous les cas, la poésie est antérieure à la pose, on dirait que l’homme chante avant de parler).

 

Tháng 5-1019, TTY ra đi, bỏ dở thiên trường ca về nỗi đoạn trường của một dân tộc. “Ta tiếc đời ta sao hữu hạn/ Đành không trải hết được lời ta”.

 

Thơ cũng không trải hết được lòng ta, thôi đành tiền miên trong cô quạnh:

 

“Ta hỏi hiu quạnh hề, Hiu quạnh lớn

Mà sao Hiu quạnh lớn cứ làm ngơ”

 

Sáng dậy, nghe tin TTY “đi xa”, cứ muốn tin là một fake news, một chuyện không có thực:

 

“Đi xa như lạc trong trời đất

Thủy tận, sơn cùng xí xoá ta

Cõi chiều đứng lại, khóc như liễu

Có thật là ta đã đi xa?” (Đi xa)

 

Sơn cùng, thủy tận xí xóa người, nhưng sẽ bó tay, làm sao xóa được “Ta Về”, “Chiều trên Phá Tam Giang”. Làm sao xoá được Tô Thuỳ Yên?

 

Edgar Allen Poe nói: Nếu thơ chưa xé nát tâm hồn của bạn, bạn chưa biết thơ là gì (If a poem hasn’t ripped apart your soul, you haven’t experienced poetry). Với TTY, nhiều người đã biết thơ là gì.

 

Paris, Tháng Năm 2023

Từ Thức

( tuthuc-paris-blog.com )

 

 

TA VỀ

Tô Thùy Yên

 

Ta về một bóng trên đường lớn

Thơ chẳng ai đề vạt áo phai

Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ

Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

 

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp

Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu

Mười năm mặt sạm soi khe nước

Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

 

Ta về qua những truông cùng phá

Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may

Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ

Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

 

Chỉ có thế. Trời câm đất nín

Đời im lìm đóng váng xanh xao

Mười năm, thế giới già trông thấy

Đất bạc màu đi, đất bạc màu

 

Ta về như bóng chim qua trễ

Cho vội vàng thêm gió cuối mùa

Ai đứng trông vời mây nước đó

Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

 

Một đời được mấy điều mong ước

Núi lở sông bồi đã mấy khi

Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động

Mười năm, cổ lục đã ai ghi

 

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cảm ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ nỗi lẻ loi

 

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa

Làng ta ngựa đá đã qua sông

Người đi như cá theo con nước

Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

 

Ta về như lá rơi về cội

Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu này

 

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy

Ruột mềm như đá dưới chân ta

Mười năm chớp bể mưa nguồn đó

Người thức mong buồn tận cõi xa

 

Ta về như hạt sương trên cỏ

Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời

Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt

Tội tình chi lắm nữa người ơi

 

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ

Mười năm người tỏ mặt nhau đây

Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi

Đành uống lưng thôi bát nước mời

 

Ta về như sợi tơ trời trắng

Chấp chới trôi buồn với nắng hanh

Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng

Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

 

Lời thề buổi ấy còn mang nặng

Nên mắc tình đời cởi chẳng ra

Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ

Mười năm ta vẫn cứ là ta

 

Ta về như tứ thơ xiêu tán

Trong cõi hoang đường trắng lãng quên

Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách

Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

 

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ

Nhà thương-khó quá sống thờ ơ

Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ

Khách cũ không còn, khách mới thưa

 

Ta về khai giải bùa thiêng yểm

Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi

Hãy kể lại mười năm chuyện cũ

Một lần kể lại để rồi thôi

 

Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn

Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà

Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?

Mười năm, cây có nhớ người xa?

 

Ta về như đứa con phung phá

Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu

Mười năm, con đã già trông thấy

Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

 

Con gẫm lại đời con thất bát

Hứa trăm điều một chẳng làm nên

Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn

Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên

 

Ta về như tiếng kêu đồng vọng

Rau mác lên bờ đã trổ bông

Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng

Chờ anh như biển vẫn chờ song

 

Ta gọi thời gian sau cánh cửa

Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu

Ta nghe như máu ân tình chảy

Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

 

Ta về dẫu phải đi chân đất

Khắp thế gian này để gặp em

Đau khổ riêng gì nơi gió cát

Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm

 

Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa

Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà

Tình xưa như tuổi già không ngủ

Thức trọn, khua từng nỗi xót xa

 

Ta về như giấc mơ thần bí

Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui

Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng

Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi

 

Bé ơi, này những vui buồn cũ

Hãy sống, đương đầu với lãng quên

Con dế vẫn là con dế ấy

Hát rong bờ cỏ giọng thân quen

 

Ta về như nước Tào Khê chảy

Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ

Thân thích những ai giờ đã khuất

Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

 

Người chết đưa ta cùng xuống mộ

Đâu còn ai nữa đứng bờ ao

Khóc người ta khóc ta rơi rụng

Tuổi hạc ôi ngày một một hao

 

Ta về như bóng ma hờn tủi

Lục lại thời gian kiếm chính mình

Ta nhặt mà thương từng phế liệu

Như từng hài cốt sắp vô danh

 

Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa

Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời

Ai đó trong hồn ta thổn thức

Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

 

Ta về như hạc vàng thương nhớ

Một thủa trần gian bay lướt qua

Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

Đành không trải hết được lòng ta





No comments:

Post a Comment

View My Stats