THẤT
BẠI CỦA PUTIN TRONG CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC UKRAINE: VIỆT NAM CÓ CƠ HỘI GÌ VỀ
LÃNH THỔ?
Nhà thơ Thái Bá Tân có bài thơ “Sang năm tới Hoàng Sa”, đại khái nhìn về
người Do Thái không có Tổ Quốc tới hàng nghìn năm, nhưng năm nào cũng hẹn nhau:
“Sang năm tới Jerusalem” – mong ước cháy bỏng của người Do Thái được về quê
hương với đúng nghĩa là Tổ Quốc. Đó cũng là mong ước cháy bỏng của nhà thơ hướng
tới một phần lãnh thổ của Tổ Quốc bị chiếm đóng… Tháng Năm năm 2014, tôi có viết
bài đăng trên “Tuần Việt Nam” với tựa đề: “Sang năm tới Hoàng Sa – nhưng bằng
cách nào?”
Các bác có thể đọc lại bài đó ở đây:
http://www.nguoilangthangcuoicung.net/.../sang-nam-toi...
Vào thời điểm năm 2023, khi ngồi đọc lại bài này tôi nhận thấy nó vẫn
còn nguyên tính thời sự và những nhận xét của tôi, có lẽ vẫn sát với thực tế.
Lúc này là giai đoạn cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã dần đi đến hồi kết.
Tháng Năm năm 2023, người Nga mất đi một quân số trên toàn cục đạt con số trên
200.000 lính… Chính xác là 201.100 lính, mất 3.773 xe tăng, xe chiến đấu bọc
thép: 7373 chiếc, hệ thống pháo binh 3198, giàn pháo phản lực phóng loạt 563, hệ
thống tác chiến phòng không 318, máy bay 308 chiếc, trực thăng 294, tên lửa
hành trình 990, tàu (thuyền) 18, xe tải và xe bồn 6073…
Đó thuần túy chỉ là những con số. Điều quan trọng là những nhận xét của
tôi về năng lực tổ chức bộ máy chiến tranh, đặc biệt là khả năng khởi động lại
nền sản xuất công nghiệp để đưa vào phục vụ chiến tranh của Nga, gần như là
không thể. Do bộ máy yếu kém mang tính hệ thống, người Nga đã quay lại với việc
thi hành chiến tranh theo kiểu cũ thời Xô-viết, bỏ đi những gì đã làm trong
công cuộc cải tổ quân đội họ đã bắt đầu từ năm 2008.
Tôi không có xu hướng ca ngợi những gì người Ukraine đã và đang làm – tất
cả những gì họ làm là vì Tổ Quốc của họ, vì một nền tự do nhưng ở đây cần nói rằng,
còn vì toàn vẹn lãnh thổ nữa. Những gì người Ukraine đã làm thể hiện rất rõ ở
những con số trên đây, kết quả đó gây bất ngờ cho toàn thế giới rằng chỉ sau
hơn một năm chiến tranh, người Ukraine đã chuẩn bị hoàn tất nhiệm vụ… phi quân
sự hóa nước Nga. Thậm chí chỉ một chiến trường bé xíu là Bakhmut mà “ngốn” của
quân đội Nga và tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đến hơn 100.000 quân và rất nhiều
khí tài…
Gần đây người ta còn đồn đoán rất nhiều cả về một chiến dịch phản công
của người Ukraine. Hơn ai hết, những nhân vật chóp bu trong bộ máy quân sự Nga
hiểu rất rõ thực lực hiện tại của quân đội họ cũng như của người Ukraine. Trận
đánh Bakhmut ngoài việc tiêu hao của Nga quá nhiều nguồn lực, nó còn là điểm mốc
đánh dấu sự chuyển giai đoạn mà bước sang một giai đoạn mới, bên nào hình thành
được những lực lượng dự bị lớn với đầy đủ vũ khí, khí tài, hậu cần… thì bên đó
sẽ thắng. Đó là những yếu tố chiến lược bất cứ sĩ quan nào cũng có thể rút ra
được. Nó giống như giai đoạn 1944 khi mà hầu như không có sĩ quan của Wehrmacht
nào lại có thể lạc quan được, tin được vào một chiến thắng chung cuộc của nước
Đức, bất chấp bộ máy tuyên truyền của Goebbels hoạt động hết công suất và thỉnh
thoảng quân Đức vẫn thu được một vài trận thắng cục bộ. Người có trí lực trung
bình cũng sẽ hiểu rằng để chiến thắng trong một cuộc chiến, điều quyết định là
sức mạnh tổng hợp của quốc gia, trong đó có năng lực của toàn bộ nền kinh tế, một
hậu phương vững chắc (từ góc độ khả năng hình thành liên minh vài quốc gia hỗ
trợ không được bị cô lập) từ đó đem lại khả năng đưa toàn bộ nền sản xuất của đất
nước đi vào phục vụ chiến tranh. Nước Nga không có những cái đó và vì thế, họ
chắc chắn sẽ thua trong cuộc chiến, càng kéo dài sự thua đó càng là một kết cục
vững chắc.
Trong khuôn khổ của bài này, tôi muốn đi sâu vào một vấn đề: đòi lại
lãnh thổ đã mất. Năm 2014 tranh thủ sự rối ren trong nội bộ Ukraine, nước Nga của
Putin đã nhanh chóng “cướp” lấy bán đảo Crimea mà tôi đã từng có bài bình luận:
một hành động phi pháp, đi ngược lại với những nguyên tắc của pháp luật quốc tế.
Ở thời điểm đó, tôi cũng chưa hình dung được rằng làm thế nào mà người Ukraine
có thể đòi được bán đảo từ tay người Nga, có lẽ là mất hẳn.
Nhưng cũng thật trùng hợp, đó cũng là thời điểm người Trung Quốc gây hấn
ở Biển Đông bằng cách kéo vào đó giàn khoan Hải dương Thạch du 981, hạ đặt nó ở
vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Nhân tiện đó, tôi viết bài báo trên đây và
hình dung về một tình thế tương lai, thách thức có và cơ hội cũng có mà khi nó
đến, chúng ta phải biết đương đầu và nắm lấy.
“Các dịch chuyển về lãnh thổ, thường gắn liền với những cuộc chiến
tranh.” Tất nhiên là dịch chuyển đó có thể có lợi hoặc thiệt hại. Chẳng hạn, đế
quốc Nga Sa hoàng đã từng thua thiệt cực kỳ nhiều sau Đại chiến thế giới lần thứ
nhất: mất Ba Lan, Phần Lan, ba nước Baltic… Sau cách mạng tháng Mười, người Nga
lúc đó đã là “Nga Xô-viết” mới thu hồi được một số vùng đất bằng chiến tranh mà
họ gọi là “Nội chiến”: các nước cộng hòa vùng Trung Á, mấy nước Á – Âu như
Azerbaijan, Armenia, Georgia và quan trọng nhất là Ukraine.
Ngay sát trước cuộc Thế chiến thứ hai, bằng thỏa thuận với Hitler mà
Stalin thu hồi được ba nước Baltic và một nửa nước Ba Lan, một thỏa ước tai tiếng
Molotov – Ribbentropp. Và sau chiến tranh là những trường hợp chúng ta đã
nghiên cứu trên đây, như Kuril là một ví dụ điển hình.
Vào thời điểm năm 2014 khi viết bài báo, để đăng được báo trong nước
tôi đã phải tránh đi: “Từ một số quan điểm học thuật, thì việc Liên Xô lấy quần
đảo Kuril từ chủ quyền của Nhật Bản, là khó có thể có đủ căn cứ pháp lý, vì những
gì mà Quân phiệt Nhật gây ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thì hậu quả nặng
nề nhất là trên đất nước Trung Quốc, Triều Tiên và nhiều nước khác, trong đó có
cả Việt Nam. Nhưng với Liên Xô – Nga thì người ta chưa cho rằng đã đến mức như
vậy – nhưng rõ ràng việc chuyển một vùng lãnh thổ của một quốc gia sang cho một
quốc gia khác, thường gắn liền với một cuộc chiến tranh. Do đó mà đến nay, vấn
đề quần đảo Kuril luôn luôn là một vấn đề tranh chấp giữa Nhật Bản và Liên Bang
Nga.”
Thực chất việc “thu hồi” Kuril là hành động ăn cướp của một nước thắng
trận đối với nước thua trận và yếu thế sau chiến tranh. Cũng chính vì cái hành
động này và hậu quả của nó, dẫn đến việc 78 năm sau chiến tranh Nga và Nhật Bản
vẫn chưa ký được hiệp ước hòa bình. Việc đó có thể không ngăn cản hai nước có
những quan hệ kinh tế, nhưng chắc chắn vẫn đem lại những rào cản nhất định. Đến
đây cần có một câu kết có vẻ ngoài lề: nước Nga thật đặc biệt, luôn luôn là nước
có những tham vọng đến kỳ lạ về lãnh thổ; nhưng cũng chính họ là nước luôn luôn
có những thua thiệt về những lãnh thổ đã chiếm được – cho dù những thua thiệt
này chính do tâm lý của họ tạo ra và ghi nhận.
Putin đã từng nói: “Sự tan rã của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn
nhất của thế kỷ XX”, câu này bao hàm cả ý nghĩa về sự thua thiệt của nước Nga về
lãnh thổ. Họ đã mất đi những vùng đất lớn và cực kỳ quan trọng: vùng Trung Á,
vùng Á – Âu của Liên Xô và nhất là Ukraine. Tham vọng thu hồi lãnh thổ của
Putin, như tôi đã viết là kế hoạch thành lập một Liên bang mới trước hết với ba
nước: Nga, Belarus và Ukraine vào đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập
Liên bang Xô-viết (30/12/2022) với một kế hoạch lúc đầu là một cuộc chiến tranh
chớp nhoáng, một cuộc dạo chơi… nhưng sau thất bại của nó, Putin đã không thể dừng
lại được.
Quá trình “phi quân sự hóa nước Nga” đã diễn ra trong bối cảnh như thế.
Putin như đã nói, “không thể dừng lại được” và căn cứ trên những yếu kém của đất
nước mình, đã phá tan toàn bộ bộ máy quân sự của đất nước. Những người ủng hộ
Ukraine có thể sốt ruột, nhưng thực sự cái sự kéo dài của chiến tranh này có ý
nghĩa tích cực của nó: quá trình phá hủy bộ máy quân sự Nga sẽ đảm bảo cho
Ukraine một nền hòa bình lâu dài và hơn thế nữa, đem lại cho họ cơ hội thu hồi
những lãnh thổ bị Nga chiếm mất. Trong câu chuyện này nổi bật nhất là kế hoạch
thu hồi bán đảo Crimea, sẽ có rất nhiều chuyện để nói.
Vậy với chúng ta thì sao? Cuộc chiến tranh của Putin xâm lược Ukraine
cũng được đặt luôn vào những bối cảnh mới mà rất nhiều kịch bản có liên quan đến
vai trò của Trung Quốc, chẳng hạn câu hỏi: Trung Quốc có tấn công Đài Loan hay
không? Tôi nhớ phải cách đây (tháng 5/2023) cỡ một năm hoặc hơn, tôi luôn được
trả lời những câu hỏi như thế và đều thống nhất một nhãn quan: Đài Loan đóng
góp rất nhiều cho sự phát triển của Đại Lục, trong đó có hoạt động đầu tư… Hơn
thế nữa, sau năm 1997 Hongkong với vai trò trung tâm tài chính hàng đầu châu Á,
đã mất đi khá nhiều vị thế của nó. Vì vậy Trung Quốc không thể để mất thêm
trung tâm tài chính Đài Loan, là cầu nối tài chính giữa Đại Lục với Đông Bắc Á
và thế giới.
Vì thế nếu Trung Quốc gây hấn, họ sẽ gây hấn ở biển Đông, chứ không phải
tấn công Đài Loan. Tôi dự đoán là trước sau họ cũng sẽ lại thực hiện trò như hồi
kéo “Hải Dương 981”, và bây giờ đúng là nó đang diễn ra thật. Vậy từ hơn một thập
kỷ qua, họ đã làm những gì và chúng ta đã làm được những gì?
Cuối tháng 9/2012, Trung Quốc chính thức biên chế hàng không mẫu hạm
Liêu Ninh vốn là tàu sân bay Varyag (cùng lớp với tàu Đô đốc Kuznetsov của Nga)
mua lại của Ukraine về “độ” lại. Đến nay Trung Quốc vận hành tổng cộng 3 tàu
sân bay: Liêu Ninh, Sơn Đông và Phúc Kiến, trở thành cường quốc tàu sân bay lớn
thứ 2 thế giới về số lượng và chỉ đứng sau người Mỹ.
Vậy có khả năng xảy ra xung đột hay không? Không có gì là không thể, đặc
biệt là với Trung Quốc là quốc gia quen có hành động “dĩ ngoại trị nội” – gây
ra những vấn đề đối ngoại ở bên ngoài để giải quyết những bất ổn bên trong hay
nói cách khác, cứ thấy họ gây chuyện ở ngoài là có vấn đề về đối nội. Lực lượng
tác chiến chính không phải là lục quân Trung Quốc, họ sẽ có việc là giải quyết
các cuộc nội chiến với xu thế li khai của Tân Cương, sau đó có thể là Tây Tạng…
và để đối đầu với các lực lượng bên ngoài, là Hải quân. Các địa bàn chính của
Trung Quốc sẽ là các vùng nước, nhưng Đông Bắc Á toàn là các tay rắn mặt như Nhật
Bản, Hàn Quốc… vậy thì chỉ còn biển Đông.
Khu vực mà họ vẫn gọi là biển Nam Trung Hoa này, gần đây tình thế cho
thấy có những nước cờ rõ rệt để gài thế của Mỹ và Philippines; như vậy chỉ còn
mắt xích yếu nhất là Việt Nam. Việt Nam như chúng ta đã biết, ngoài việc có
quan hệ giữa hai Đảng cộng sản với Trung Quốc, thì còn là sự yếu thế từ góc độ
không có chỗ dựa quốc tế và cuối cùng là tiềm năng thực sự về Hải quân.
Về chỗ dựa quốc tế, Việt Nam chỉ có một “khối” duy nhất đáng kể là Hiệp
hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) hầu như không có gram khối lượng nào về quân sự.
Vì vậy cho đến nay, đối với nhiệm vụ tuyên truyền làm yên lòng nhân dân trong
nước, Việt Nam vẫn đưa nước Nga lên với vai trò đầu tiên là “người bạn thủy
chung son sắt từ hồi chiến tranh” và bây giờ “vẫn là chỗ dựa vững chắc về quốc
phòng.”
Không phải tự hào, nhưng tôi luôn luôn đề nghị cảnh giác với vai trò của
Nga trong câu chuyện này. Đầu tiên cần phải nhìn lại những gì họ, khi đó là
Liên Xô đã thể hiện khi Trung Quốc gây hấn và cướp Đá Gạc Ma của chúng ta năm
1988. Còn về cái gọi là “chỗ dựa quốc phòng” thì tôi đã có nhiều phân tích về
chất lượng vũ khí của Nga, về trình độ công nghệ của Nga… và cho rằng việc dựa
vào nước này về quốc phòng theo kiểu “bỏ hết trứng vào một giỏ” là cực kỳ nguy
hiểm. Cái gì họ bán cho ta, thì họ bán cho Trung Quốc cái tốt hơn…
Vậy nên, nếu Trung Quốc hành động, họ sẽ chọn những gì chúng ta đang
chiếm giữ, chứ không phải là chọn Philippines làm đối thủ. Hoàn cảnh nào sẽ dẫn
đến chuyện đó? Thường thì do nội loạn, và bây giờ với Trung Quốc là quá trình
tích tụ. Với Trung Quốc quan trọng nhất là một thế giới “bình thường” tức là
chăm chú làm ăn, vì họ đã là một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuộc chiến tranh của Putin kéo dài mà trước đó là đại dịch Covid-19, đã đặt
lãnh đạo Trung Quốc trước những thách thức lớn. Một trong những lý do mà ông Tập
Cận Bình không hỗ trợ Putin trong cuộc chiến, là e ngại bị trừng phạt và cấm vận
như Nga. Một nước như Trung Quốc, khổng lồ về tiềm năng nhưng cũng có mặt trái:
suy thoái một cái là loạn ngay lập tức.
Thất bại chắc chắn của Putin đặt Tập Cận Bình trước bài toán khó, chưa
biết giải kiểu gì để có những nước cờ cao về địa chính trị sắp tới. Lúc này là
lúc đã phải dự báo được rằng, khả năng rất cao sẽ có một nước Nga không có
Putin, và sau đó là một nước Nga tan rã. Khả năng thứ nhất này một số nhà phân
tích quốc tế và địa chính trị đánh giá khoảng 80% đến hơn. Ngoài ra cũng có thể
sẽ có một nước Nga vẫn còn Putin, và nó sẽ trì trệ lâu dài đồng thời rất có thể
phụ thuộc vào Trung Quốc, khả năng này được đánh giá khoảng 20% căn cứ vào tính
cách ngoan cố của Putin kiên quyết không chịu rút ra khỏi chiến tranh.
Về khả năng thứ nhất, nếu nó xảy ra, Bắc Kinh chưa hình dung được mức độ
lợi hại và khi đó khả năng sẵn sàng can dự vào của họ đến đâu. Chẳng hạn nếu
hình thành một nước Cộng hòa Siberia được hình thành, liệu nó có phụ thuộc
Trung Quốc hay không, hay trước mắt nó quay ra nội chiến với nước Cộng hòa Nga
châu Âu? Chúng ta cần nhớ rằng, cái gì cũng có hai mặt của nó và với Trung Quốc
thì không có gì đáng sợ bằng xu thế li khai, và lửa rừng cháy lan là hoàn toàn
có thể. Trên đây tôi đã nói đến Tân Cương là chỗ nguy hiểm nhất cho chính quyền
trung ương Bắc Kinh, nhưng chưa nói đến khả năng nhỡ… Nội Mông đòi li khai nhập
với Ngoại Mông thì sao?
Đó là chưa nói đến xu thế… li khai kiểu sáp nhập, tức là “thống nhất
ngược,” khi chính quyền trung ương cộng sản Bắc Kinh suy yếu thì có thể diễn ra
quá trình thành lập một nước Trung Hoa mới phi cộng sản trong đó có cả Đại Lục
và Đài Loan. Quá trình này nếu xảy ra thì thực sự hay, nhưng có lẽ thời cơ nó tạo
ra cho các quốc gia liên quan, sẽ rất ngắn và ai chớp được thời cơ đó, là bên
chiến thắng. Xin nhắc bạn đọc rằng chính hòn đảo to nhất của quần đảo Trường
Sa, đảo Ba Bình hiện do Đài Loan chiếm giữ; còn Trung Quốc thì chiếm toàn bộ quần
đảo Hoàng Sa. Quan hệ của Đài Loan với Mỹ, thực chất là quan hệ ba bên Mỹ –
Trung Quốc – Đài Loan và nếu Trung Quốc – Đài Loan có thua thiệt một chút vào
tay Việt Nam, thì vì đại cục Mỹ sẽ không can thiệp.
Tiếc rằng là từ 2014 đến nay, dù đã có những lúc đất nước sôi sục với
chuyện giàn khoan của Trung Quốc, nhưng có vẻ chúng ta không làm được gì nhiều
cho sức mạnh quân sự nói chung, và sức mạnh trên biển nói riêng. Về thế trận
chiến tranh nhân dân trên biển, tôi sẽ xin viết trong một bài khác, nhưng ngay
sức mạnh Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn loanh quanh với mấy cái tàu nổi tàu ngầm
của Nga, thì chắc chắn là sẽ bị Trung Quốc bắt bài. Tôi là người theo chủ nghĩa
hòa bình, nhưng kiếp người này là dân Việt, thì vẫn nghĩ đến việc có lúc cương
vực của tổ tiên để lại cần phải được thu hồi.
Ở thời đại của thế kỷ XXI khi mà nó đã đi hết được hai thập kỷ, còn là
vấn đề của công nghệ tân tiến, của big-data và trí tuệ nhân tạo… Thất bại của
Nga Putin trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, còn thể hiện ở sự yếu kém về
công nghệ, chẳng hạn số lượng vệ tinh và độ phân giải của tín hiệu… Từ góc độ
này thì thực sự là Việt Nam không biết dựa vào ai luôn. Vì vậy bài học rút ra ở
đây là:
- Đầu tiên, “làm bạn với tất cả các nước” thì chuẩn rồi, nhưng phải
thân hơn nữa với Hoa Kỳ và độc lập hơn nữa với Trung Quốc.
- Thứ hai, đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, trước mắt có một đối tác tiềm
năng sẽ nổi lên rất giỏi là… Ukraine.
- Thứ ba, khẩn trương tiếp tục phát triển nền công nghiệp quốc phòng thời
gian qua đã làm gặt hái được khá nhiều thành công, để từng bước tự chủ không phụ
thuộc vào công nghệ của Nga, thứ “bạn” vô bổ; mà nếu có phụ thuộc ai, thì nên
phụ thuộc vào những nước chắc chắn không phải là kẻ thù như châu Âu, Israel thậm
chí Hoa Kỳ. Mạnh dạn gác hẳn lại những dịp hô hào cổ động “giải phóng miền
Nam,” những cái đó nhắc mãi chỉ có hại. Cần hình thành lại về đối nội là khối
đoàn kết dân tộc Việt, về đối ngoại là các liên minh vững chắc để hình thành hậu
phương cho chúng ta nếu có xung đột.
- Thứ tư, cuối cùng như xuyên suốt cả mấy cái kia là một chiến lược
giáo dục cho ra được những con người vừa cường tráng về thể chất, vừa tinh
thông về kiến thức cơ bản, có đạo đức biết vì cái chung và trung thành với Tổ
Quốc.
Trong cuộc chiến tranh của Putin xâm lược Ukraine, tôi cũng quen được một
số bạn mạng xã hội và vừa qua, tỏ thái độ rất rõ ràng với hành động của Trung
Quốc ở biển Đông – tuy có tỏ ra thô tục. Cá nhân tôi không nghi ngờ về lòng yêu
nước của họ, nhưng tự hỏi ngoài chửi tục, họ làm được gì cho Tổ Quốc, nếu đặt
vào câu chuyện cụ thể là: Việt Nam hoàn toàn có thể đứng trước một cơ hội thu hồi
lãnh thổ, nếu những diễn biến dạng như tôi đã hình dung trên đây xảy ra?
Cá nhân tôi không bao giờ chọn cho mình cách cư xử như vậy – mà kiếm
con đường khác. Như điểm thứ tư trên đây tôi viết, quốc gia không thể mạnh nếu
từng con người yếu ớt – và chọn cho mình con đường đi vào giáo dục thế hệ trẻ.
Hành động cụ thể, tôi dạy từng cháu bé biết bơi rồi từ đó đi lên có thể thi đấu
ở các giải bơi của học sinh… To tát hơn một tí, tôi nguyện đồng hành cùng cha mẹ
để tìm ra phương án giáo dục ổn nhất cho con mình trên phương châm cho ra những
sản phẩm của giáo dục, là những con người có đạo đức, cường tráng và giỏi giang
– như rất nhiều người lính Ukraine bây giờ vậy. Hãy nhìn sự bạc nhược của những
người lính Nga, phải dựa trên sự khát máu của mấy tên tội phạm hình sự gia nhập
Wagner (ảnh dưới Wagner bị bắt làm tù binh), đủ thấy kết quả của một quá trình
đi xuống của giáo dục quốc dân.
“Nhân sinh yếu nhược sẽ dẫn tới vong quốc” – yếu nhược ở đây còn là sự
hèn đớn về tinh thần. Chửi bằng mồm không bao giờ thể hiện được sức mạnh và
dũng khí, mà chỉ có thể bằng hành động cụ thể. Tôi chưa làm được gì nhiều,
nhưng đã làm và chắc chắn sẽ tiếp tục làm. Vậy bạn đọc thân mến của tôi, bác chọn
hành động gì?
Trích bản thảo:
#Nước_Nga_những_vấn_đề_địa_chính_trị_và_cuộc_chiến_tranh_ở_Ukraine
.
No comments:
Post a Comment