Wednesday, 17 May 2023

TẢN MẠN CHUNG QUANH LỜI PHÁT BIỂU CỦA MỘT ÔNG CHỦ TỊCH TỈNH (Trần Văn Chánh / Văn Việt)

 



Tản mạn chung quanh lời phát biểu của một ông Chủ tịch tỉnh    

Trần Văn Chánh  /  Văn Việt

http://vanviet.info/van-de-hom-nay/tan-man-chung-quanh-loi-pht-bieu-cua-mot-ng-chu-tich-tinh/

 

Mùa lễ 30.4 và Quốc tế lao động năm nay, mặc cho không khí sôi động của rất nhiều sự kiện chính trị – kinh tế – xã hội của đất nước, người dân Việt Nam, đặc biệt ở các đô thị lớn, đến hẹn lại lên và dường như đã trở thành tập quán thường niên, phần nhiều đều tạm gác bớt công việc sắp xếp về thăm quê hoặc đi du lịch. Trong những ngày này, đường phố thường vắng tanh nhưng giới hoạt động tàu xe và các hàng quán phục vụ du lịch thì vô cùng bận rộn.

 

Nói về việc tổ chức lễ lạc cho ngày 30.4 lịch sử, thì người dân dần dần dường như cũng đã quên đi, coi đó chỉ là nhiệm vụ tuyên truyền đương nhiên của bộ phận chính quyền. Riêng bản thân tôi, trong nhiều năm trước, cứ đến gần ngày 30.4 thì cũng phát sinh nhiều cảm xúc, viết bài phát biểu nhận định này nọ về các vấn đề liên quan hòa giải hòa hợp dân tộc, giờ thì cũng không còn tha thiết. Mỗi lần nghĩ tới, chỉ duy nhất còn nhớ được câu nói để đời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đại khái: Thắng lợi 30.4 mang lại niềm vui của hàng triệu người này thì cũng là nỗi buồn cho hàng triệu người khác, cần phải sớm thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc để vết thương chiến tranh đau khổ sớm được chữa lành… Tôi cũng không quên ngay sau lời phát biểu đầy tính khoan dung nhân ái đó, trong khi phần đông người cả trong lẫn ngoài nước đều khoan khoái ủng hộ ý kiến nêu trên, như uống được ly sâm mát, thì vẫn có một tờ báo thuộc hàng “chính thống” bậc nhất trong nước viết bài chỉ trích khéo… Điều này cho thấy, con đường hòa giải hòa hợp dân tộc một cách thực chất không phải chuyện dễ và vẫn còn lắm chông gai trong điều kiện một thể chế độc tài toàn trị bị sự chi phối của các nhóm lợi ích bên thắng cuộc mà quyền lợi của họ vốn đã gắn chặt vào.

 

Đang lúc buồn chán thì nhận được một video clip do một người quen gởi tới, nội dung là mấy lời phát biểu của ông Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, đại khái nói trong những ngày tập trung khách du lịch về địa phương Bạc Liêu của mình thì để có sự thu hút, nên cho người dân được vui chơi thoải thoải mái, xả láng sáng về sớm, không hạn chế giờ giấc ban đêm. Kể cả đối với cánh ăn nhậu, anh em cảnh sát giao thông không nên canh rình để xử phạt họ, mà chỉ nên nhắc nhở trong tinh thần tự giác, vì người ta ai cũng lớn hết cả rồi, cũng có vợ có con, cũng biết sợ chết và biết cách tự xử tìm đường về cho an toàn tính mạng; không cho họ vui chơi thoải mái nơi này thì họ tìm đi nơi khác, như bỏ về Cà Mau chẳng hạn…

 

Tuy là người có cùng gốc quê với Công tử Bạc Liêu, nhưng thoạt đầu tôi hoàn toàn mù tịt không biết ông Chủ tịch tỉnh này là ai, tên họ gì, giữ chức vụ lúc nào, tiểu sử thành tích ra sao, lời phát biểu như trên đây là tại đâu… Cái sự hoàn toàn không biết tới cấp lãnh đạo này cũng là lẽ thường tình lắm rồi của hầu hết mọi thường dân, vì họ không thể biết tới những người không phải do họ bầu lên theo thể thức thật sự dân chủ, kể cả đối với những cấp lãnh đạo cao hơn như từ hàng bộ trưởng trở lên cũng vậy luôn, mặc dù ông lớn nào cứ hễ phát biểu ra thì đều quen miệng với hai chữ “nhân dân” đi kèm, tự xưng “từ nhân dân mà ra, của dân, do dân, vì dân”…, nhưng chỉ một thời gian sau thì người dân lại thấy cái ông rao giảng đạo đức đó bị “vào lò” vì phạm tội tham nhũng!

 

Lần lần hỏi ra mới biết, ông Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu tên thật Phạm Văn Thiều, nội dung phát biểu như trên là một đoạn ông ngừng lại nói phụ kèm thêm cho chủ đề chính, trong dịp làm việc tại Hội nghị sơ kết nhiệm kỳ do Thành ủy Bạc Liêu tổ chức chiều ngày 27. 4. 2023 vừa qua, bàn nhiều việc quốc kế dân sinh hệ trọng chứ không chỉ riêng chuyện thu hút khách du lịch.

 

Sau khi nghe qua đoạn video clip dài khoảng hơn ba phút, tôi cảm thấy có gì đó vui vui lạ lạ, liền chia sẻ với vài ba người bạn kèm theo câu phụ chú: “Cha Chủ tịch tỉnh này khá, đúng điệu dân Bạc Liêu. Bài phát biểu có lẽ độc đáo nhất nước trong dịp lễ 30.4 năm nay, được cánh ăn nhậu hoan nghênh, nhưng cần tiếp thu có chừng mực”.

 

Rồi nhắn tiếp cho anh bạn lúc nãy đã chuyển cho nghe cái video clip: “Tôi vừa chia sẻ video anh Chủ tịch tỉnh nói chuyện dịp 30.4 từ Nam chí Bắc ai nghe cũng cảm thấy vui và khen hay. Một bạn thân của tôi là đại tá về hưu (80 tuổi, ở Hà Nội) cho anh này xứng đáng làm Chủ tịch nước, ngẫm kỹ thấy cũng phần nào có lý, vì anh này có vẻ thành thật, sống cận nhân tình, dễ gần dân và hiểu dân. Tuy nhiên, bài phát biểu cũng có thể có hai tác dụng trái chiều, mặt trái là dân mê nhậu tưởng như mình được khuyến khích, là điều tai hại. Ngoài ra, làm lãnh đạo mà chân thật quá coi chừng bị bọn quan tham chuyên đấu đá quyền lực chĩa vào chỉ trích, không tránh khỏi sẽ có ‘quan trên trông xuống người ta trông vào’. Dù sao như vậy ông Chủ tịch tỉnh này có lẽ cũng thuộc hạng người lãnh đạo dễ thương hiếm có (trong một đất nước mà quan lại cấp cao phần nhiều là một lũ người bị tha hóa cùng cực), nếu mất chức thì cũng được dân thương, mà dân thương nhièu quá cứ mời nhậu hoài coi chừng bệnh hoạn cũng sẽ chết sớm bỏ lại vợ con không ai lo…”.

 

Trên đây là vài cảm tưởng nhất thời của tôi khi vừa nghe xong đoạn video clip, khi có thì giờ kịp bình tĩnh nghĩ lại thì thấy có vấn đề, chứ không đơn giản. Sau đó lại được biết đoạn video clip kể trên lập tức lan rộng nhanh trên toàn quốc, dư luận bắt đầu xôn xao tạo thành một cơn bão mạng, đến nỗi một số báo chí lề phải (như Tuổi TrẻTiền PhongNgười Lao Động…) cũng nhảy vào đưa tin và bình luận.

 

Đại để, cánh đệ tử Lưu Linh ai cũng khoái chí; họ phần nhiều suy nghĩ giản đơn. Có lẽ giới cảnh sát giao thông là không mấy gì ưa, bị cụt hứng, vì anh em đang hăng hái xông vào chiến dịch rình bắt những kẻ uống rượu ham vui quá đà vượt khỏi nồng độ rượu cho phép. Dân chúng bàng quan bên ngoài xôn xao bàn tán trong nhà ngoài phố, với nhiều loại ý kiến trái chiều, trong đó cũng có ý kiến chỉ trích ông Chủ tịch tỉnh là phát ngôn bừa bãi vô trách nhiệm trước vấn đề nhậu nhẹt gắn với tai nạn giao thông thật sự đang rất đáng lo ngại.

Riêng giới buôn bán phục vụ ăn uống vui chơi giải trí thì vỗ tay hoan hô, thậm chí họ còn viết đơn tập thể cám ơn ông Chủ tịch tỉnh, với những lời lẽ hết sức chân tình:

 

“Sau khi đoạn video clip được lan truyền rộng rãi, các hộ kinh doanh chúng tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi vì đã được sự quan tâm của Chủ tịch tỉnh. Hầu hết các bình luận đều hoan hô, cảm ơn bài phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh”.

 

Cũng trong thư cám ơn, các hộ kinh doanh cho biết thêm, ba năm qua (2020-2022) cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 khiến các hộ kinh doanh gặp khó khăn, nợ nần chồng chất. Đến giữa năm 2022, khi đại dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, bà con bắt đầu trở lại cuộc sống mua bán như trước đây, cố gắng làm ăn, kinh doanh để gây dựng lại kinh tế gia đình, kinh tế xã hội, các hàng quán mở cửa trở lại, đời sống người dân được nâng lên, tinh thần thoải mái, vui vẻ. Tuy nhiên, vừa phục hồi được một thời gian ngắn thì “chúng tôi gặp phải một số khó khăn trên lĩnh vực kinh doanh ăn uống, karaoke, khách sạn”. Nguyên nhân chính là do thời gian gần đây có sự siết chặt vấn đề quy định khi tham gia giao thông, trong đó có đo nồng độ cồn và giờ giấc trong kinh doanh. "Các nhà hàng, quán ăn, karaoke chúng tôi đã trang bị các phương tiện để đưa đón khách hàng sau khi ăn uống, giao lưu tại quán. Tuy nhiên do tâm lý e ngại nên các khách hàng đã hạn chế đến quán để ăn uống, giao lưu. Ba tháng qua, doanh thu của chúng tôi đã giảm đi rất nhiều, một số nhà hàng, quán ăn, karaoke chỉ hoạt động cầm chừng, một số nơi phải cắt giảm nhân sự. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế gia đình, của hộ kinh doanh, của doanh nghiệp nói riêng và của tỉnh Bạc Liêu nói chung… Mặc dù có những ý kiến trái chiều đối với lời phát biểu của Chủ tịch tỉnh, tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng những ý kiến [trái chiều] đó là chưa thấu hiểu được hoàn cảnh của ngành dịch vụ ăn uống, karaoke, khách sạn… Chúng tôi không muốn chỉ trích bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào, nội dung chính ở đây chỉ muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu và muốn nói lên những khó khăn mà chúng tôi đang vướng phải. Kính mong sau này sẽ được nghe những lời chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch tỉnh thêm lần nữa”… (xem Tiền Phong online, 5.5.2023).

 

Hiện tượng dư luận phân vân trái chiều nhau cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì, phàm trong một xã hội đa nguyên về lối sống và quyền lợi, lợi ích của người này sẽ có thể là sự thiệt thòi của người khác, và ngược lại. Việc điều hòa các lợi ích trong đời sống xã hội vì thế là căn bản của các học thuyết kinh tế – chính trị mà các nước theo chế độ cộng sản cực đoan độc tài toàn trị không bao giờ thực hiện được bằng những quy định có tính ép buộc; trái lại, càng ép buộc thì lại càng bị bung ra lung tung đến mức không còn kiểm soát được nữa, như chúng ta từng thấy rõ trong hiện trạng Việt Nam từ mấy chục năm nay.

 

Riêng trong lĩnh vực kiểm soát giao thông (gắn với việc kiểm soát người dân ăn nhậu tham gia giao thông) là điều mà mọi quốc gia văn minh trên thế giới đều bắt buộc phải làm, nên người ta có thể không đồng tình với một thể chế chính trị độc tài nào đó nhưng riêng về quy định giao thông thì ai ai cũng phải tuân thủ. Vấn đề còn lại là các quy định liên quan giao thông phải được thi hành đúng trên tinh thần xây dựng ý thức cho dân chúng, chứ người thi hành của phía cảnh sát giao thông không được lạm dụng việc xử phạt để hành dân hoặc ăn tiền rồi thả lỏng nhằm mục đích kiếm chác bỏ túi riêng như lâu nay đã rất mang tiếng xấu. Điểm sơ hở căn bản trong lời phát biểu của ông Chủ tịch tỉnh chính là ở chỗ này, khi ông đề nghị anh em cảnh sát giao thông Bạc Liêu phải để cho mọi người được vui chơi xả láng vào ban đêm.

 

Trao đổi với báo Người Lao Động (30.4.2023), ông Phạm Văn Thiều phân trần và cho biết:

 

"Tôi có vài lời trăn trở muốn nhắn gửi đến các đồng chí trong hội nghị về những điều còn bất cập trong phát triển kinh tế đêm, thu hút du lịch của tỉnh nhà. Tôi không nghĩ phát biểu của mình lọt ra bên ngoài, được nhiều người chia sẻ lên mạng xã hội và thông tin rộng rãi trên báo chí, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Cho đến bây giờ, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm trong bài phát biểu đó, chúng ta cần phải thay đổi, cởi mở hơn để phát triển". "Tôi không có chuẩn bị trước vấn đề này, khi đọc tham luận của ngành công an và văn hóa, tôi thấy trăn trở nên nói luôn. Trong đó có hai vấn đề chính là giới hạn giờ hoạt động kinh doanh ban đêm và kiểm tra nồng độ cồn của khách tại các quán nhậu".

 

Trong một bài phỏng vấn do báo Tuổi Trẻ thực hiện (đăng ngày14.5.2023), một chuyên gia được hỏi cho rằng, trên thế giới không có quốc gia nào vì kinh tế mà nới lỏng an toàn giao thông, an ninh trật tự cả. Không thể vì lợi ích kinh tế để đánh đổi bởi cuộc sống văn minh lịch sự, sức khỏe và tính mạng con người luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu.

 

Cùng trong bài phỏng vấn, một chuyên gia giao thông cũng cho rằng, việc phát triển kinh tế đêm cùng với kiểm soát chặt an toàn giao thông, trật tự là vấn đề cần phải thực hiện song song. Chúng ta phải kiểm soát chặt để tránh chuyện lạm dụng bia rượu dẫn đến phá phách, gây tai nạn, ảnh hưởng đến người dân. Phố đêm ở Trung Quốc, Thái Lan hay bên Châu Âu cũng kiểm soát rất chặt và nghiêm túc. Nếu kiểm soát tốt, về lâu dài sẽ nâng cao ý thức của người dân. Ăn nhậu thoải mái nhưng vẫn trật tự và an toàn, ai cũng phải thượng tôn pháp luật. Dần dần, phố đêm nói riêng và kinh tế đêm nói chung sẽ hoạt động quy củ. Từ đó, người dân thấy an toàn sẽ tới nhiều hơn, kinh tế đêm lại thêm phát triển… (xem Tuổi Trẻ online, 14.5.2023).

 

Qua một vài dẫn chứng từ dư luận báo chí kể trên, mọi người dễ dàng nhận thấy, lời phát biểu không chuẩn bị trước của ông Thiều dường như có chỗ đúng chỗ sai, mà riêng về phần sai thì dù cho đến ngày 30.4 vẫn còn giữ quan điểm (khi nói với báo Người Lao Động), có lẽ ông khó cãi lại được số đông thiên hạ, cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Cho đến hiện giờ, thật khó đoán được ông Chủ tịch tỉnh lỡ gây xôn xao đang nghĩ gì, trong cuộc đấu đá quyền lực thường luôn diễn ra, có lo sợ các đồng chí của mình soi mói khuyết điểm để tìm cách hất cẳng rmình đi không?

 

Tôi không đoán được tâm trạng hiện tại của ông, nhưng có suy nghĩ: phát biểu ý kiến mà có đúng có sai là điều rất bình thường. Phải chấp nhận “quyền được sai lầm”, vì có sai thì mới có đúng…

 

Ngay như các nghị quyết Đại hội của Trung ương làm rất tốn tiền dân và đều đúng “quy trình” mà còn sai be sai bét, cứ phải sửa hoài, theo kiểu hoặc lặp lại cái sai cũ bằng những câu chữ cực kỳ giáo điều và đơn điệu, hoặc lấy cái sai này chữa cho cái sai khác, rốt cuộc chỉ đi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát. Lấy thí dụ chủ trương chống tham nhũng là đại quốc sách, mà người ta quen gọi “đốt lò”, bên cạnh hướng đi đúng cũng có sai trật tùm lum  Lò đốt cháy mạnh từ năm 2016 nhưng tham nhũng thì ngày một thêm tăng cả về quy mô lẫn số lượng, biến hóa thiên hình vạn trạng. Nếu thật đạt hiệu quả như người ta tuyên truyền thì đâu đã để xảy ra những vụ tham nhũng lớn tiêu biểu như các vụ Việt Á và Chuyến bay giải cứu… tàn bạo chưa thấy từng xảy ra ở bất kỳ nơi đâu trong lịch sử nhân loại hiện đại, kể cả ở Trung Quốc là quốc gia tai tiếng lớn về nạn tham nhũng cũng không có!

 

Ấy là chưa kể, do có sai lầm, các hiệu ứng phụ của công cuộc “đốt lò” hiện nay đã tỏ ra cực kỳ nguy hiểm: xào xáo mất đoàn kết nội bộ; cán bộ chấp hành co vòi lại không dám quyết định trong các việc chi thu mua sắm vì sợ phạm tội, làm đình trệ các dự án; doanh nghiệp phá sản đóng cửa hàng loạt; bệnh viện thiếu thuốc men và thiết bị y tế; nhiều công chức phải nghỉ việc xin ra khỏi ngành… Tất cả gộp lại dẫn tới tình trạng nền kinh tế vốn bị đình đốn sau trận Đại dịch COVID-19 nay đã trở thành gần như tê liệt…

 

Vậy nên, việc ông Chủ tịch tỉnh thuộc cấp vừa vừa trong hệ thống chính trị phát biểu có đúng có sai về một vài điều tiểu sự tại địa phương, phải nên coi là một chuyện rất bình thường.

 

Hơn thế nữa, cái bi kịch của các thể chế độc tài toàn trị không dân chủ trên thế giới là nó làm cho trí óc mọi người trong hệ thống cầm quyền đều bị tê liệt, không ai dám nói lên sự thật vì sợ trật quan điểm bị kẻ khác dòm ngó, rốt cuộc tất cả đã trở thành một đại tập thể cán bộ các ban ngành từ trên xuống dưới chuyên nói láo thành tật, hoặc chỉ phát biểu ý kiến bằng lưỡi mà không bằng đầu, nói năng như con vẹt, tuy không cố mị dân cũng trở thành mị dân tuốt tuồn tuột, khiến người dân dần dần chán nản không muốn nghe họ diễn những màn kịch dở, và trong điều kiện đại bi kịch như vậy, tất cả mọi sáng kiến của con người đều bị triệt tiêu, kể từ khi người đó bắt đầu tham gia đội viên Đội Thiếu niên lên đến Đoàn Thanh niên rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản; ai trong số họ cố giữ đức liêm chính và lòng trung thực muốn đóng góp thì trước sau cũng bị loại trừ ra khỏi bộ máy cai trị.

 

Thời gian gần đây, tại Việt Nam, có chuyện người ta đưa ra nghị quyết khích lệ cán bộ công nhân viên phải mạnh dạn dám nghĩ dám làm dám phát huy sáng kiến… Mới nhất, trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 6.4.2023 cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đang tích cực, chủ động lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung….

 

Tôi cho rằng không có gì tào lao vô tích sự cho bằng mấy cái nghị quyết nghị định vừa kể, đơn giản chỉ vì con người có dám nghĩ dám làm dám đột phá đóng góp vào lợi ích chung hay không là tùy thuộc ở môi trường văn hóa lành mạnh được xây dựng lâu dài bởi nhiều thế hệ, trong đó người công dân được tập tành đào luyện từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường, trong điều kiện tôn trọng dân chủ và các quyền tự do cá nhân, chứ không thể một hai bản nghị quyết nghị định trong một sớm một chiều ban ra mà có thể làm được.

 

Đã dám nghĩ dám nói dám làm thì tự nhiên phải có đúng có sai, miễn xuất phát từ động cơ trong sáng thiện ý, thông qua sự bàn thảo tranh luận dân chủ dần dần mới đi đến những kết luận và lựa chọn phù hợp nhất. Điều này cũng tương tự như muốn chống được tham nhũng một cách hiệu quả thì điều kiện tiên quyết là phải cải cách hệ thống chính trị (cái nền đẻ ra quốc nạn tham nhũng) đi cùng với những phương thức quản lý kinh tế – xã hội thích hợp, chứ nếu không thì dù hàng trăm hàng ngàn nghị quyết nghị định có đưa đưa ra cũng trở thành những mảnh giấy lộn vô dụng lơ lửng trên không trung, không bao giờ thực thi được, kể cả loại nghị quyết nghi định về kiểm kê tài sản công chức cán bộ đảng viên cũng vậy, nhất là khi những nghị quyết nghị định này được ban hành trong điều kiện “người ta còn có thể hối lộ được” (cụm từ dùng của Lênin).

 

Đã từ khá lâu, đa số người thường dân Việt Nam (không kể số ít thành phần trí thức) ngày càng lơ là trước những vấn đề thời cuộc, vì thực tế họ không được tham gia, và cũng đã chán ngấy khi xem mãi những màn kịch đơn điệu quan chức tham nhũng và một số người bất đồng chính kiến liên tục bị “vào lò” qua nhiều vụ án xét xử kiểu “bỏ túi” không có công lý và sự tranh tụng khách quan, trong khi những vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng có ý nghĩa gốc như luật đất đai và chính sách tiền lương thì vẫn cứ nằm ì ra đó; nền giáo dục và y tế trong nước không được cải thiện đúng mức; tình trạng bất công xã hội và tệ nạn xã hội ngày một gia tăng; cả môi trường thiên nhiên lẫn môi trường đạo đức đều bị phá hủy nghiêm trọng….

 

Vì vậy, tạm gác qua những lý lẽ thị phi chung quanh lời phát biểu của ông Chủ tịch tỉnh, phải thành thật nhận rằng trong mùa nghỉ lễ 30.4 năm nay, ông đã vô hình trung phả vào cái không khí buồn chán ấy một luồng gió mát lạ, làm cho mọi người dân động não, xúm nhau tranh luận thật vui vẻ về một đề tài khá thiết thực, không phải là kém phần ý nghĩa trong sinh hoạt thường ngày của họ.

 

Trong chiều hướng suy nghĩ như trên, tôi cho rằng điều đáng ca ngợi nhất đối với ông Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu là đức trung thực, dám thật bụng công khai nói ra ý nghĩ của mình giữa một cuộc họp quan trọng bao gồm đám đông cử tọa toàn là quan chức các cấp lớn nhỏ, và sẽ không quá đáng nếu có ai cho rằng ở một mặt nào đó, ông xứng đáng là một trong những tấm gương tốt để các cấp trên cấp dưới của ông và giới thanh niên thường dân noi theo.

 

Hiện nay, qua thăm dò sơ sơ dư luận, được biết không ít người dân trong phái cảm tình đang lo cho ông Chủ tịch tỉnh về số phận chính trị sau mấy lời phát biểu có phần bất ổn mà vô tình bị nổi đình nổi đám lan rộng toàn quốc. Tuy nhiên, trong đám quan trường, đã nghỉ hưu và đương nhiệm, chắc chắn cũng còn một số người thông sáng có lương tri âm thầm ủng hộ, muốn ông tiếp tục phục vụ nhân dân như chưa có chuyện gì xảy ra. Bằng như ngược lại, trong điều kiện chính trường đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nếu chẳng may người ta không chịu bỏ qua mà muốn cho người đồng chí của mình bị/ được nghỉ hưu sớm, thì ông cũng nên vui vẻ treo ấn từ quan về quê phụ vợ nấu cơm đuổi gà, “gõ nhịp lấy đọc câu Tương tiến tửu”… Như vậy để bắt đầu một cuộc sống mới thanh thản hơn, bên cạnh những người dân xứ muối hiền lành mà tính tình hào sảng luôn có thái độ đối xử tốt với những quan chức biết yêu thương họ, như ông, người tuy từng được giữ chức vụ khá lớn trong bộ máy tha hóa quyền lực nhưng vẫn còn giữ được phần nào bản chất tốt đẹp của người nông dân nước Việt…

 

15.5.2023

Trần Văn Chánh

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats