Quốc
hội khai mạc bàn về việc tháo gỡ “điểm nghẽn” cho nền kinh tế: liệu có thành
công?
Thứ Tư, 05/24/2023 - 11:25 — nguyenvubinh
https://www.rfavietnam.com/node/7641
Trên báo Thanh Niên Online ra ngày 23/5/2023 vừa qua, có
bài viết “Tháo “điểm nghẽn”, gỡ khó cho nền kinh tế” của hai tác giả Mai Hà và
Lê Hiệp, tổng hợp ý kiến phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, báo cáo của
Phó Thủ tướng, báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh…
Nội dung cơ bản của bài viết, ngoài một số
thành tích nêu ra, đã khái quát tương đối đúng những khó khăn, vướng mắc của nền
kinh tế. Đó là: nhiều địa phương tăng trưởng âm, doanh nghiệp không hấp thụ được
vốn, cử tri lo doanh nghiệp thua lỗ sẽ rời khỏi thị trường…
Đi vào nguyên nhân, cũng đáng khen cho Ủy ban
Kinh tế (UBKT) của Quốc hội đã chỉ rõ nguyên nhân: “UBKT đánh giá nguyên nhân
chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua là do tác động, ảnh
hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ
nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm. Bên cạnh
đó, một bộ phận cán bộ, công chức ở T.Ư và địa phương còn né tránh, đùn đẩy
công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc,
chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế.”
Về phần giải pháp, UBKT của Quốc hội cũng đề
xuất chính phủ nhiều giải pháp về ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp chính sách tiền
tệ và tài khóa. Đặc biệt, Chính phủ cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất
điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ
khó khăn, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng
khoán, trái phiếu DN, BĐS… Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy
hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành,
nhất là quy hoạch năng lượng. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách
thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận
đội ngũ cán bộ, công chức. UBKT cũng lưu ý Chính phủ tháo gỡ ngay các khó khăn,
vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tiếp tục giải quyết dứt
điểm vấn đề kiểm định xe cơ giới; xử lý những bất cập trong việc tư vấn đầu tư
trái phiếu DN, bán chéo bảo hiểm…
Có thể nói, từ khâu xác định thực trạng nền
kinh tế, tới nguyên nhân và giải pháp không có chỗ nào sai cả. Nhưng cuối cùng,
việc thực hiện vẫn không được, hoặc phần lớn là được về mặt hình thức, còn thực
chất vẫn không giải quyết được vấn đề. Vậy vấn đề ở đây là gì?
Trước hết, nguyên nhân khách quan “tác động, ảnh
hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài” ý nói đại dịch Covid-19
trong mấy năm qua là hoàn toàn đúng. Nhưng đây là yếu tố khách quan chung, của
tất cả các nền kinh tế chứ không chỉ Việt Nam.
“Những hạn chế bất cập từ nội tại nền kinh tế
tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm” đó là những hạn chế bất cập
gì? Và trong giải pháp lần này có xử lý dứt điểm hay không? Như vậy, có thể
nói, đây là những yếu tố lớn cản trở nền kinh tế phát triển đã tồn tại nhiều
năm nhưng không được nêu ra để giải quyết.
Đối với những khó khăn của nền kinh tế, các giải
pháp muốn có được hiệu quả cần tuyệt đối tuân thủ ba yêu cầu, đó là kịp
thời, triệt để và đồng bộ. Chúng ta thử áp dụng vào những chính sách của
nhà nước đã thực hiện để xem chúng có đáp ứng được ba tiêu chuẩn này hay không?
Ngày 14/2/2023, mấy trăm chủ đầu tư kinh doanh
karaoke tại Hà Nội đã cùng nhau ký vào đơn kiến nghị khẩn cấp gửi các cấp thành
phố, trung ương sau việc thực hiện quy định về phòng cháy chữa cháy, tháo gỡ những
khó khăn, vướng mắc cho các cơ sơ kinh doanh Karaoke. Trước đó, các nhà hàng
karaoke đã ngừng hoạt động từ 3-5 tháng do chưa bảo đảm quy định phòng cháy chữa
cháy… đầu tháng 3 năm 2023, có 36 nhà đầu tư điện điện gió và điện mặt trời đã
cùng ký văn bản kiến nghị Thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá phát điện
khiến các nhà máy điện này đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN. Vấn
đề phòng cháy chữa cháy đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm, bằng chứng là
trong báo cáo khai mạc Quốc hội vừa qua còn đề cập yêu cầu thực hiện dứt điểm.
Vấn đề điện gió và điện mặt trời, mới đây ngày 20/5 có 15 nhà máy điện gió và
điện mặt trời được bộ công thương thống nhất mức giá tạm thời, tức là có thể
bán điện cho nhà nước. Và chúng ta chú ý, chỉ là 15/37 nhà đầu tư được mua điện…
như vậy là việc thực hiện chính sách hoàn toàn không kịp thời và không
triệt để.
Vấn đề kiểm định xe cơ giới, một trong số các
yêu cầu nêu ra trong kỳ họp quốc hội lần này, đã trải qua hơn nửa năm, bắt đầu
từ những trung tâm đầu tiên mà cán bộ bị khởi tố, bắt giam, dẫn tới việc đình
trệ trong việc kiểm định xe cộ mà tới nay vẫn chưa giải quyết được triệt để. Đối
với yêu cầu đồng bộ trong chính sách và các giải pháp, chúng
ta không nên nhắc tới vì ở Việt Nam đó là vẫn đề vượt tầm của các bộ ngành và
chính phủ.
Như vậy, dù biết rõ các nguyên nhân và giải
pháp, nhưng Việt Nam vẫn không thể thực hiện được các giải pháp nêu ra, đó là
vì các bộ ngành và chính phủ không thể thực hiện được các yêu cầu kịp
thời, triệt để và đồng bộ. Không thực hiện được các yêu cầu này đồng
nghĩa với việc các giải pháp và chính sách không còn hiệu quả./.
Hà Nội,
ngày 24/5/2023
N.V.B
No comments:
Post a Comment