Friday, 5 May 2023

ĐỒNG 2 DOLLAR ÚC và NỖI HOANG TƯỞNG HÀ NỘI (Jackhammer Nguyễn)

 


Đồng 2 dollar Úc và nỗi hoang tưởng Hà Nội

Jackhammer Nguyễn

06/05/2023

https://baotiengdan.com/2023/05/06/dong-2-dollar-uc-va-noi-hoang-tuong-ha-noi/

 

Nước Úc phát hành đồng dollar sưu tập trị giá 2 dollar, trên đó có hình lá cờ vàng ba sọc đỏ của nhà nước Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ở miền Nam Việt Nam trước kia. Trong cuộc chiến tranh thường được gọi là chiến tranh Việt Nam (1955-1975), quân đội Úc tham chiến bên cạnh quân đội VNCH, cũng như các đồng minh phương Tây, trong đó có Mỹ. Đồng tiền sưu tập này được phát hành để kỷ niệm tròn 50 năm quân đội Úc rút khỏi cuộc chiến.

 

Lá cờ vàng ba sọc đỏ là quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa từ năm 1955 đến 1975, giai đoạn xảy ra cuộc chiến ấy (và cũng là quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam từ năm 1949-1955), thế nên một đồng tiền kỷ niệm có hình lá cờ ấy, bên cạnh những biểu tượng khác của nước Úc, Liên hiệp Anh, quân đội Úc,… là một chuyện vô cùng bình thường.

 

Thế nhưng Hà Nội lại “kiên quyết” phản đối! Hà Nội nói rằng, vì lá cờ ấy đại diện cho “một chế độ không còn tồn tại”, nên việc phát hành nó ảnh hưởng tới quan hệ Việt – Úc!

 

Không có một sự phân tích logic nào để có thể hiểu rằng, tại sao biểu tượng của “một chế độ không còn tồn tại” lại ghê gớm tới mức ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt – Úc!

 

Có thể vài lý do sau đây làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam phản ứng như thế, mà nhiều người bảo là thái quá.

 

1/ Nỗi sợ của chế độ toàn trị

 

Dù thắng lớn về quân sự trong cuộc chiến Việt Nam; thậm chí suốt thời gian dài của cuộc chiến, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiểm soát được đa số dân chúng miền Nam, nhưng với bản chất của chế độ toàn trị, đảng này không muốn có một đối trọng nào, dù chỉ là một biểu tượng không có một sức mạnh vật chất gì. Đảng này tối kỵ sự đa dạng về văn hóa và chính trị của một xã hội.

 

Ai cũng biết chế độ VNCH đã chấm dứt gần nửa thế kỷ rồi, hiện nay không có một sức mạnh vật chất nào cả. Tại hải ngoại, những nơi có cộng đồng người Việt xuất thân từ miền Nam Việt Nam trước kia, cờ vàng ba sọc đỏ chỉ là một biểu tượng mang tính văn hóa mà thôi. Tất cả những tổ chức nhân danh VNCH, cho đến nay chỉ là những cái tên. Đảng CSVN, với hệ thống “cảm tình viên” của họ tại hải ngoại, dư sức hiểu tường tận điều này.

 

Thế việc gì phải sợ?

 

Họ sợ là vì họ không tự tin rằng họ đã và đang cai trị quốc gia một cách đúng đắn; họ làm đúng theo “truyền thống” phong kiến Á Đông, “nhổ cỏ là nhổ tận gốc”. Họ sợ một ngày nào đó một cái bóng trở nên hình hài cụ thể, vì cái bóng ấy dù là biểu tượng, nhưng vẫn có những giá trị của nó. Họ đã từng chứng kiến Công đoàn đoàn kết Ba Lan từ dăm người thợ đã tiến tới lật đổ cả chế độ, dăm vị trí thức Tiệp Khắc trói gà không chặt dấy lên cuộc cách mạng nhung vô cùng êm đẹp, một cái êm đẹp đau lòng cho đảng CSVN.

 

2- Thói ngạo nghễ độc quyền chân lý

 

Đảng CSVN, cũng như tất cả các đảng cộng sản khác, lúc nào cũng cho rằng họ là duy nhất của dân tộc họ, họ không bao giờ công nhận những giá trị xã hội khác họ (mà nghĩ cho cùng thì ĐCS có giá trị gì?).

 

Thế nên bây giờ ở xứ Úc lại nỗi lên biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ trên những đồng tiền bằng bạc, bằng đồng, sẽ tồn tại mãi mãi cho đến khi nào nước Úc biến mất trên trái đất này. Làm sao các “nhà tư tưởng” của ông Nguyễn Phú Trọng chịu nổi?

 

Bạn có thể vặn ngược lại rằng, thế cờ vàng tung bay khắp nước Mỹ thì sao?

 

À các “nhà tư tưởng” ấy cho rằng, sự tung bay đó sẽ tàn phai theo năm tháng; khi lớp người già chết đi, lớp trẻ chẳng còn gắn bó gì với lá cờ ấy. Ở Mỹ, chỗ này chỗ nọ công nhận cờ vàng, nhưng đấy cũng chỉ là những điều luật, do người làm ra, thì người có thể tay đổi.

Nếu nước Mỹ in hình cờ vàng lên một đồng tiền Mỹ, có thể tay chân ông Trọng lại nhao nhao lên phản đối.

 

Thế nhưng có thể có những lý do cụ thể hơn, tầm thường hơn hai lý do có vẻ mang tính lý tưởng, có vẻ cao cấp như trên kia.

 

3/ Cơ sở hải ngoại nước Úc

 

Úc là nơi có nhiều du học sinh đến từ Việt Nam, cũng như khá đông cán bộ cộng sản hạ cánh an toàn. Cộng đồng người Việt thân Hà Nội tại Úc có thể mạnh hơn những quốc gia phương Tây khác. Lý do đơn giản là khoảng cách địa lý của nước Úc gần hơn. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với cộng đồng người Hoa thân Bắc Kinh tại Úc. Chính tại Úc, người ta thấy những hoạt động xen vào chính trị Úc của Bắc Kinh mạnh mẽ nhất.

 

Số lượng người Việt có nguồn gốc xuất thân từ VNCH lại ít hơn ở những quốc gia khác, vì thế họ càng loãng đi khi số nhập cư sau này tăng lên.

 

Du học sinh Việt Nam tại Úc thuộc tầng lớp bình dân hơn du học sinh tại các quốc gia phương Tây khác, do chi phí đi lại và sinh sống thấp hơn. Giới thanh niên bình dân này dễ bị tẩy não bởi Đảng CSVN khi họ còn ở trong nước hơn. Tại Melbourne, tôi từng chứng kiến cảnh du học sinh đi biểu tình chống Trung Quốc, kẻ thù chung của người Việt, mang theo cờ đỏ sao vàng. Cảnh này không hề thấy ở Mỹ.

 

Đám cán bộ cộng sản nhũng lạm, giới chủ tư bản Việt Nam, cũng ưa thích nước Úc.

 

Từ nền tảng đó, có thể thấy các vụ liên quan đến VNCH và cờ vàng đều xuất phát từ Úc. Vụ một du học sinh xé cờ vàng, hay chuyện một ngôi sao nhạc pop người Úc gốc Việt bị tẩy chay ở Việt Nam vì có gốc VNCH, nay lại đến đồng 2 dollar.

 

4- Cảnh sát tư tưởng không có việc gì làm?

 

Đôi khi từ bên ngoài nhìn vào ta cứ tưởng đám cảnh sát tư tưởng của Hà Nội, tức là cơ quan tuyên giáo, tổng biên tập thật sự của hàng trăm tờ báo, là ghê gớm lắm. Thật ra cũng tầm thường thôi. Nền “giáo dục xã hội chủ nghĩa” lỡ tay đào tạo hàng chục ngàn sinh viên Mác – Lê, thì bây giờ cũng phải để họ làm cái gì chứ!

 

Trong tình trạng kinh tế phát triển sung túc, đám cán bộ tư tưởng này cũng được mưa móc từ kinh phí của Đảng, nhưng nay, trước sự phát triển chậm lại, nguy cơ suy thoái và tương lai bất định của nền kinh tế, đám cán bộ tư tưởng này… đói. Đói thì phải la lên, ra vẻ ta đây đang làm việc đấy!

 

Mà cơ khổ, lợi bất cập hại.

 

Việc đồng 2 dollar này làm tôi nhớ lại câu chuyện xảy ra cũng đã 10 năm rồi. Lúc ấy một nhà xuất bản VN in tác phẩm “Trại súc vật” của nhà văn Anh, George Orwell. Tác phẩm này trình bày chế độ toàn trị cộng sản dưới lăng kính khôi hài (tất cả các chế độ toàn trị, các nhân vật độc tài đều ghét cay ghét đắng sự khôi hài). Vì thế, nhà xuất bản lại đổi tên thành “Chuyện ở nông trại”, để lọt lưới kiểm duyệt.

 

Nhưng cơ quan kiểm duyệt cuối cùng cũng phát hiện ra, và thế là các tờ báo “vừa hồng vừa chuyên” như Quân đội Nhân dân, sùng sục lên tiếng phê bình.

 

Kết quả là thêm nhiều người Việt, nhất là thế hệ trẻ, biết đến “Trại súc vật” và George Orwell.

 

Nay cũng thế, nhờ bà phát ngôn bộ ngoại giao Hà Nội và những tờ báo Đảng, và cảnh sát tư tưởng của Đảng, mà nhiều cư dân trong nước biết đến cờ vàng ba sọc đỏ và chế độ VNCH.





No comments:

Post a Comment

View My Stats