Thursday, 25 May 2023

NGA BỰC MÌNH VÌ HÀNG KHÔNG MẪU HẠM MỸ GHÉ CẢNG NA UY (Thanh Hà / RFI)

 



Nga bực mình vì hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Na Uy

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 25/05/2023 - 13:44

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230525-nga-b%E1%BB%B1c-m%C3%ACnh-v%C3%AC-h%C3%A0ng-kh%C3%B4ng-m%E1%BA%ABu-h%E1%BA%A1m-m%E1%BB%B9-gh%C3%A9-c%E1%BA%A3ng-na-uy

 

Hoa Kỳ triển khai hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới đến sát cửa ngõ của Nga. Ngày 24/05/2023 tàu sân bay USS Gerald Ford đã cập cảng Oslo- Na Uy trước khi trực chỉ Bắc Cực. Lãnh đạo Hải Quân Hoa Kỳ khẳng định Na Uy là một « đối tác chiến lược của Mỹ trong nỗ lực duy trì an ninh trong vùng Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương ». Là thành viên NATO, Na Uy có đường biên giới trên bộ gần 200 km và biên giới trong vùng biển Barents với Nga. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/9b134452-fae9-11ed-8fc2-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2023-05-24T091242Z_1057839108_RC2X41A82EWE_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-NORWAY-USA.webp

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ ở vịnh Oslo, được nhìn thấy từ Ekebergskrenten, Na Uy, ngày 24/05/2023. via REUTERS - HANDOUT

 

Phát ngôn viên tòa đại sứ Nga tại Oslo, Timur Chekanov, được AFP trích dẫn, đánh giá tình hình tại khu vực Bắc Âu cho thấy « không có bất kỳ một lý do gì để cần đến một sự can thiệp từ bên ngoài, hay cần can thiệp quân sự ». 

 

Thông tín viên RFI trong khu vực, Carlotta Morteo, ghi nhận việc Mỹ điều hàng không mẫu hạm hạt nhân lớn nhất thế giới đến Oslo là một quyết định bất ngờ, bởi tàu sân bay USS Gérald Ford được dự trù triển khai trong vùng Địa Trung Hải. 

 

« Dài hơn 330 mét, rộng 78 mét, cùng với 4500 thủy thủ và 75 chiến đấu cơ trên tàu : Sự kiện hàng không mẫu hạm Mỹ xuất hiện trong vùng vịnh Oslo được báo chí đặc biệt quan tâm. An ninh trong khu vực được tăng cường đáng kể, khiến sứ quán Nga ở Na Uy phản ứng ngay lập tức, xem đây là một hành động khiêu khích.

 

Ít ra đây là một tín hiệu mạnh. Trong một thời gian dài, Canada và Na Uy duy trì quan hệ hòa hoãn với nước Nga trong vùng Bắc Cực nhưng giờ đây chẳng những Hoa Kỳ mà cả các đồng minh châu Âu của Washington cũng đều khẳng định lại vai trò của mình trong vùng.

 

Từ một năm nay, Matxcơva đã tăng cường đáng kể sự hiện diện của Nga đồng thời đẩy mạnh các cuộc tập trận gần bán đảo Kora. Đây là căn cứ của Hạm Đội Phương Bắc, lực lượng mạnh nhất của Hải Quân Nga. Căn cứ này như vậy chỉ cách Phần Lan và Na Uy, hai thành viên NATO, vài trăm cây số, đó là chưa kể đến trường hợp của Thụy Điển còn đang chờ tham gia Liên minh Bắc Đại Tây Dương.  

 

Do chiến tranh Ukraina, Bắc Cực đang trở thành một điểm nhạy cảm và đặc biệt lại là cửa ngõ để Nga xuất khẩu khí hóa lỏng, vốn chưa bị trừng phạt. Khí hóa lỏng là một nguồn thu nhập quan trọng của Matxcơva.

 

Theo chính quyền Oslo, Bắc Cực cũng là nơi Nga khởi động các chiến dịch do thám, thậm chí là phá hoại, nhắm vào các lợi ích của phương Tây. Do vậy Na Uy vào tháng trước đã trục xuất 15 nhà ngoại giao Nga ».

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

BẮC ÂU - QUỐC PHÒNG

Các nước Bắc Âu tăng cường tiềm lực quân sự đề phòng nước Nga

 

QUỐC TẾ - BẮC CỰC - NATO

Diễn đàn Greenland về Vòng Bắc Cực : Quân sự, quốc phòng là một chủ đề thảo luận chính

 

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Bắc Cực : Mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ tại cực bắc địa cầu

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats