MẤY
TRẢI NGHIỆM RIÊNG VỀ SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG (CSVN) TRONG VĂN HOÁ VĂN NGHỆ
(Đưa lên đây với mong muốn góp phần gợi ý để các nhà nghiên cứu và những
ai quan tâm tham chiếu và đào sâu)
Là nhà văn đảng viên, tôi luôn nghiêm túc
gương mẫu chấp hành đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng, không những thế còn phải
thuyết phục các nhà văn ngoài Đảng cùng làm theo. Văn nghệ phục vụ chính trị,
đó là nguyên tắc bắt buộc, ai cũng phải thấm nhuần. không bàn cãi, cấm bàn cãi.
Không có sự lãnh đạo của Đảng, văn hoá văn nghệ không thể phát triển được, dù Dảng
cũng luôn nói Đảng tôn trọng tính đặc thù của văn nghệ. Khi sáng tác, tôi cứ viết
theo sự thôi thúc của cuộc sống mà mình trải nghiệm , một nhu cầu tự thân, như
thể không viết ra thì không sống được. Và giữa con người chính trị với con người
sáng tác dần dần chạm nhau, một cách âm thầm. ngày càng gay gắt. Về chính trị,
tôi luôn là người chiến sĩ cách mạng tiền phong gương mẫu gắn bó máu thịt với
nhân dân, luôn có mặt ở tuyến đầu của tuyến đầu trong cuộc chiến đấu vì Độc llập
của Tổ Quốc vặ Tự do của mỗi con người. Càng gương mẫu, tôi càng sáng tác tốt
(có những bài thơ được nhiều người thích), nhưng lại bị Đảng đánh, ngày càng nặng.
vì sáng tác (có những bài thơ được nhiều người thích nhưng trái ý Đảng).Đòn nặng
đầu tiên diễn ra ngay tại chiến trường (Khu 5), một chiến trường rất ác liệt,
nơi vợ tôi, nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh (tháng 3.1969 tại Xuyên Tân, Duy
Xuyên, Quảng Nam). Đòn Đảng đánh vào sáng tác cũng rất ác liệt.
Xin bắt đầu từ một câu chuyện cụ thể. Tháng 5 năm 1970, chiến tranh đang cực kỳ ác
liệt, tôi về Kỳ Thịnh, một xã vùng ven thị xã Tam Kỳ. (Quảng Nam).Muốn về tới Kỳ
Thịnh, phải vượt qua hai con đường lớn được canh phòng cẩn mật và hàng chục đồn
bót của địch, chưa kể những ổ phục kích bất ngờ. Tôi phải chờ hai ngày trên
ranh núi Kỳ Ngọc. Đêm thứ ba theo giao liên đột xuống, vừa vượt qua đường thì bị
phục kích, may thoát chết, phải quay lại. Đêm thứ tư thì xuống lọt. Nhưng cũng
bị xe tăng chốt ở rừng Rang nã đại liên xối xả, chạy muốn đứt hơi. Gần nửa đêm
về tới Kỳ Thịnh, vừa bước vào hầm nhà một cán bộ thôn thì nghe tin dữ: hồi chiều,
thằng Liên huyện uỷ viên trưởng ban an ninh huyện mới đi chiêu hồi. Tất cả mọi
người đều đang ở trong tư thế sẵn sàng chống càn, bởi sợ thằng Liên khai báo, địch
sẽ càn quét đánh phá tất cả những nơi mà hắn biết. Uống xong tộ nước chè khô
thì may được gặp anh Sum bí thư và anh Tư ủy viên thường vụ huyện ủy. Các anh
đang trên đường lên tỉnh họp gấp, ghé qua đây. Anh Sum người gầy gầy, dáng thư
sinh. Anh Tư mập lùn, chắc nịch nhưng lanh lẹ, nước da ngăm đen, một cán bộ mà
trước đó tôi đã được nghe nói là rất gan dạ, xông xáo. Ngoài khẩu súng ngắn và
dây lựu đạn quanh thắt lưng, anh còn mang một khẩu AK với bốn băng đạn. Các anh
bắt tay tôi thật chặt, hỏi han công việc, rồi dặn dò mấy cán bộ sẽ giúp đỡ tôi,
và tiếp tục ra đi trong đêm. Sáng sớm hôm sau, tôi nghe tin các anh bị phục
kích ở chính cái điểm mà tôi đã vượt đường đêm trước từ trên núi xuống. Nghe
nói anh Sum bị thương, anh Tư hy sinh.
Ngày nào, đêm nào cũng có ngươi chết. Không mấy
ngày là không có kẻ đi đầu hàng. Tôi theo anh Tín cán bộ tuyên huấn xã về ở nhà
ông già Lịnh. Ông già Lịnh người thấp nhỏ nhưng rắn rỏi, queo quánh, dù đã
ngoài bảy mươi. Đêm sáng trăng, ông đánh bò đi cày- “Tranh thủ ban đêm trời
mát, ít máy bay, ít pháo” – ông bảo thế và dong bò đi, sau khi bỗ hết một tộ
khoai chà và uống đầy một bụng cái thứ nước chè khô nấu đặc quánh. Xin nói
thêm, khoai chà là thứ khoai lang luộc đem chà trong rổ rớt xuống thành hạt nhỏ
rồi phơi khô, món lương khô quen thuộc lâu đời của nông dân Quảng Nam. Tôi kinh
ngạc về sức khỏe lạ lùng của ông già ấy. Có hôm ông cày hết đêm rồi cày luôn cả
ngày ngoài đồng đến chiều mới về, chỉ cần thằng cháu nội đem tiếp tế khoai chà,
sắn luộc và nước chè. Gặp tàu rọ bất ngờ hạ cánh - một thứ máy bay trực thăng rất
cơ động nom trống rỗng như cái rọ heo – ông ung dung dừng lại cho thằng Mỹ ở
trong bước ra nắm râu ông coi râu thật hay râu giả. Biết chắc là râu thật, một
ông già thật chứ không phải một du kích cải trang, nó bay đi, ông lại cày tiếp.
Cũng không ít lần bọn tàu rọ bắn dọa (hoặc đùa giỡn giải khuây), đạn đại liên
găm sục đất quanh chân ông và con bò, ông vẫn bình tĩnh đứng yên. Chính từ mảnh
đất ấy, trong bom đạn tùm lum tối ngày, bất chấp hiểm nguy nhọc nhằn, bao nhiêu
vụ khoai cùng lúa sạ vẫn được những người như ông gieo trồng đều đều lấy củ lấy
hạt nuôi chúng tôi, những du kích, cán bộ, bộ đội quê ở đấy hoặc ở bất cứ từ
đâu đến.
Ông già Lịnh còn nuôi cô Sáu Xuân, cán bộ binh
vận xã, bị thương cụt chân đang còn băng bó. Mỗi khi có địch càn, nếu tình thế
không thể hợp pháp trên mặt đất được, đích thân ông đưa cô Sáu xuống hầm bí mật,
đích thân ông ngụy trang nắp hầm. Những ngày ở nhà ông già Lịnh, tôi đã suy ngẫm
về ông và về vụ thằng Liên đi đầu hàng. Tôi làm hai bài thơ, kê sổ tay lên đùi
mà viết ngay trong căn hầm tránh pháo vừa là nhà của ông. Đó là bài “BUỔI CHIỀU,
CON BÒ KÊU NGOÀI ĐỒNG,,,” và bài “Ở ĐÂY, NGÀY HÔM QUA...”. Bài trước là hình ảnh
ông già Lịnh cùng con bò thân yêu của ông đi cày trên đồng, giữa bom pháo. Bài
sau nói về vụ thằng Liên đi đầu hàng. Xin ghi lại đây nguyên văn bài này, vì nó
ngắn, và vì chính nó là bài bị Đảng đánh chí tử.
Ở đây, ngày
hôm qua
vừa có kẻ đầu
hàng, phản bội
hắn là huyện
ủy viên
không ai ngạc
nhiên
cuộc chiến đấu
đang giữa hồi quyết liệt
những thử
thách không chừa ai hết
thước đo
lòng trung thành
không dài
hơn cho tôi hoặc ngắn bớt cho anh.
Khi trở về căn cứ trên núi, tôi đưa hai bài
thơ trên góp vào tạp chí Văn nghệ Giải phóng trung Trung bộ (tức Khu 5). Chỉ có
bài” Buổi chiều, con bò kêu ngoài đồng...” được đăng. Bài kia bị gạt, không lý
do. Tôi đành chỉ chuyền tay trong anh chị em đồng nghiệp. Ba năm sau, mùa xuân
năm 1973, cơ quan văn nghệ khu 5 tổ chức học nghị quyết mới của Đảng và trao đổi
ý kiến về vấn đề phản ánh hiện thực cuộc chiến đấu mới sau khi có hiệp định
Paris. Ý kiến của hầu hết anh chị em là cần phải phản ánh hiện thực một cách
toàn diện, cả mặt sáng và mặt tối, mặt phải và mặt trái, bề rộng và bề sâu, cả
toàn cảnh xã hội lẫn số phận cá nhân. Từ quan điểm chung ấy, trong không khí thảo
luận cởi mở, tôi lại đưa bài thơ “Ở đây, ngày hôm qua...” không được đăng đề
nghị mọi người phân tích đánh giá đúng sai. Một số ít người ủng hộ. Một số im lặng.
Nhiều người phê phán, nhất là sau khi có ý kiến phê phán rất gay gắt của nhà
văn Nguyên Ngọc, chủ tịch hội Văn nghệ Giải phóng trung Trung bộ, người chủ trì
cuộc thảo luận.
Trước đó, ông Vương Linh, bí thư Đảng đoàn văn
nghệ khu 5 cùng nhà văn Nguyên Ngọc ủy viên thường vụ Đảng đoàn đã triệu tập
riêng các đảng viên (trừ tôi, mặc dù lúc ấy tôi đang là Liên chi ủy viên) để
chuẩn bị cho cuộc thảo luận, được xác định trong nội bộ là một cuộc đấu tranh
chống những quan điểm lệch lạc nguy hại, mà đối tượng tập trung là tôi. Cuộc đấu
tranh thật căng thẳng, vì tôi khăng khăng giữ quan điểm của mình, một vài anh
em cũng cứng cỏi ủng hộ tôi. Với những người im lặng, Nguyên Ngọc đều buộc họ
phải phát biểu. Cực chẳng đã, có người nói chung chung, có người nói nước đôi một
cách khéo léo. Kết thúc hội nghị, Nguyên Ngọc kết luận bài thơ của tôi là một
biểu hiện lệch lạc nghiêm trọng về quan điểm, dao động nghiêm trọng về ý chí,
đây là một tình hình nguy hiểm đáng báo động, tác giả cần coi chừng. Tôi vẫn nhớ
như in hai tiếng coi chừng với cái giọng rất căng của Nguyên Ngọc, đồng thời
cũng nhớ như in cái cảm giác của mình lúc đó là hơi ngỡ ngàng trước một điều gì
đó là lạ, khó hiểu, cái cảm giác ấy tiếp tục thúc đẩy tôi những ngày sau buộc
phải cố khám phá xem ẩn ý gì chứa đựng đằng sau hai tiếng đó (sau này, khi đọc
bài của nhà báo Hoàng Hải Vân viết về nhà thơ Phùng Quán bị đòn thời Nhân Văn -
Giai Phẩm có kèm tư liệu bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc đánh Phùng Quán rất
ác liệt, tôi không khỏi không nhớ lại cái giọng rất căng của Nguyên Ngọc năm
nào khi cất lên hai tiếng “coi chừng !” ). Ông Lê Sâm, khu ủy viên, trưởng ban
tuyên huấn Khu 5 cũng đến dự hội nghị này hầu như suốt các buổi để trực tiếp thị
sát cuộc đấu tranh. Ông Vương Linh kêu lên với ông Lê Sâm : - Trời ! Y như Nhân
Văn, thưa anh...
Ông Lê Sâm hỏi tôi, như kiểu thẩm vấn : - Anh
Quốc, anh viết như thế nghĩa là anh ám chỉ lúc nào đó ủy viên Bộ chính trị cũng
có thể đi đầu hàng, phải không ? Tôi không dám đáp lời giữa cái không khí đầy vẻ
đấu tố dữ dằn ấy, nhưng bụng nghĩ đến những cán bộ cao cấp tiền bối đã đầu hàng
như Lâm Đức Thụ, Ngô Đức Trì... Sau này, khi nghe tin ủy viên Bộ chính trị
Hoàng Văn Hoan bỏ chạy theo giặc Bành trướng Bắc Kinh và bị kết án tử hình, tôi
lại nhớ tới câu hỏi trên của ông Lê Sâm. Tôi nghĩ, khi hỏi tôi câu ấy, thực ra
ông Lê Sâm còn am hiểu gấp mấy tôi cái mặt trái rác rưởi của nội bộ Đảng, nhưng
ông không muốn chúng tôi biết tới, và nếu có biết phần nào thì cũng không được
phép đưa vào văn chương. Tôi cũng nhớ lại lời nhà văn Phan Tứ kể rằng ông Tố Hữu
dặn anh nếu có đụng đến cái tiêu cực thì chỉ nên nói từ cấp xã trở xuống thôi.
Rõ ràng đó là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong lãnh đạo văn nghệ lúc ấy (và
còn dai dẳng nhiều năm sau), thế nên Nguyên Ngọc dù cho trong thâm tâm có nghĩ
khác cũng không thể nói khác, vì anh không chỉ là một nhà văn mà còn là một cán
bộ lãnh đạo. Tôi tin chắc tác giả Mạch nước ngầm lúc ấy nghĩ khác.
Ít tháng sau, nhân một cuộc học nghị quyết mới
nữa, vấn đề phản ánh hiện thực như thế nào lại được anh em văn nghệ đặt lại và
tiếp tục thảo luận. Nguyên Ngọc , người chủ trì hội nghị, cho rằng hiện thực
bao trùm nhất, đáng quan tâm nhất, là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, và nhà văn
muốn sáng tác có chất lượng thì điều tiên quyết là phải nhận ra cho được diện mạo
người anh hùng, nhân vật trung tâm của văn học cách mạng. Anh còn nhấn mạnh
thêm :khi nhà văn dao động thì trước hết là dao động về chính nhân vật trung tâm
của mình. Tôi và Cao Duy Thảo nêu ý kiến : cần phải biểu hiện người anh hùng
trong cả cái cao cả lẫn cái thấp hèn, và phẩm chất anh hùng chính là ở chỗ họ
vượt lên được cái tầm thường, cái thấp hèn còn ẩn kín trong bản thân họ. Nhà
văn Nguyên Ngọc phê phán nghiêm khắc quan điểm của chúng tôi, và khi kết luận hội
nghị, anh khẳng định rành rọt : - Đối với nhà văn cách mạng, nếu trên gương mặt
người anh hùng của chúng ta có một vết nhọ, chúng ta cũng phải chùi đi cho họ.
Tôi và Cao Duy Thảo chỉ còn biết nhìn nhau khẽ lắc đầu chẳng biết nói sao. Một
vài cán bộ lãnh đạo coi tôi như kẻ sẵn sàng đi đầu hàng địch. Điều này rất lâu
về sau tôi mới biết.
Năm 1980, khi đã chuyển về tạp chí VĂN NGHỆ
QUÂN ĐỘI, trong một lần tâm sự ôn lại chuyện cũ, nhà văn Nguyễn Chí Trung
(nguyên ủy viên thường vụ Đảng đoàn văn nghệ khu 5) tiết lộ với tôi : sau chuyện
đó, có lần ông Lê Sâm rỉ tai mình rằng nhiều dêm ông ấy ngủ không yên vì sợ thằng
Quốc quăng lựu đạn vào võng. Tôi bàng hoàng vỡ nhẽ. Hoá ra, từ sự khác nhau về
quan điểm văn nghệ đã có thể dẫn tới sự nghi ngờ nhau về chính trị dễ sợ tới mức
ấy ! Và bây giờ tôi mới hiểu hết ẩn ý đằng sau hai tiếng coi chừng mà Nguyên Ngọc
nhấn mạnh với tôi dạo nào. Đầu năm 1974, Nguyên Ngọc ra Bắc chữa bệnh và nghỉ
ngơi. Sau này tôi cũng được biết, ở miền Bắc, trong các buổi được mời đi nói
chuyện về văn nghệ Khu 5 chống Mỹ, Nguyên Ngọc luôn bảo vệ tôi, trực tiếp hoặc
gián tiếp, trước ý kiến những ai đó, nhất là từ phía lãnh đạo, tỏ ra nghi ngờ về
lập trường, quan điểm, ý chí của tôi. Điều tin chắc trước kia của tôi đã được
minh chứng, việc anh phê phán tôi là do lúc ấy, trong cương vị của mình anh buộc
phải áp đặt quan điểm chính thống cho anh em để giữ “trật tự, kỷ cương”.
Cuối năm 1975, ở Đà Nẵng, nhân một cuộc chuyện
trò về nghề nghiệp, đề cập đến tính phức tạp của hiện thực, Nguyên Ngọc kể với
tôi về những điều tầm thường, thậm chí ti tiện của một số cán bộ cao cấp mới từ
trong khói lửa chiến đấu ở miền Nam ra cùng đi dưỡng bệnh với anh ở CHDC Đức.Tuy
không nhắc lại vụ bài thơ “Ở đây, ngày hôm qua...”, nhưng tôi cảm thấy dường
như đấy là một cách anh bóng gió thông báo vơi tôi những suy nghĩ thực của anh.
Những suy nghĩ này về sau đã được thể hiện một phần trong bản Đề cương đề dẫn
(gọi tắt là Đề dẫn) mà anh là người chủ trì soạn thảo cùng các ủy viên khác
trong Đảng đoàn Hội nhà văn VN, và với cương vị bí thư Đảng đoàn chính anh đã
công bố trong hội nghị đảng viên hội viên họp tại Hà Nội tháng 6 năm 1979. Tại
Hội nghị này, bản Đề dẫn đã được đa số ý kiến nhiệt liệt tán thành nhưng đã bị
nhà thơ Tố Hữu, lúc đó là ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng ban tuyên huấn trung
ưong đập cho tơi tả. Kết thúc hội nghị, Nguyên Ngọc vẫn gan góc kết luận : hội
nghị căn bản nhất trí với Đề dẫn, đồng thời thấy cần nghiêm túc nghiên cứu ý kiến
chỉ đạo của đồng chí Tố Hữu, như.tôi đã kểt trong bài hồi ký MẤY KỶ NIỆM LÀNG
VĂN BỊ TRÓI. Và không thể không kể lại chuyện này : Ngay sau hội nghị đấu tố
tôi năm 1973, anh Phan Đấu, thư ký của anh Năm Công, tức Võ Chí Công, Bí thư
Khu uỷ tới gặp tôi bảo tôi chép cho bài “Ở đây, ngày hôm qua” vì anh Năm Công
muốn trực tiếp đọc. Tôi chép đưa anh Phan Đấu và hồi hộp đợi. Thời gian trôi
qua. Không có chuyện gì lớn xảy ra với tôi. Anh Năm Công đã hiểu tôi, hiểu con
người tôi và thơ tôi. Năm 1989, sau cuộc tổng bí thư Đỗ Mười mời gặp tôi để hỏi
về vụ tôi (và Bảo Cự) bị khai trừ cách chức cắt lương, ông Mười bảo tôi nên gặp
cố vấn Võ Chí Công. Tôi sang gặp anh Năm Công. Sau khi nghe tôi báo cáo vụ việc,
anh bảo tôi : Trong các bài thơ của anh (BMQ) mà tôi đã đọc, tôi thích bài “Ôi
bãi bờ tìm kiếm suốt đời ta…”. Thật bất ngờ đối với tôi, lần đầu tiên tôi được
biết có một cán bộ ở cấp tối cao – anh từng là chủ tịch nước – thích bài thơ
này. Tôi ghi lại chuyện này với niềm tri ân sấu sắc đối với anh Năm Công, ngừơi
anh mà tôi thật lòng yêu kính, người bí thư Khu uỷ Khu 5 đã hiểu con người tôi
và thơ tôi, thầm lặng cứu tôi thoát khỏi một bút nạn lớn thời chiến tranh.
Đà Lạt tháng 6.1994
.
MẤY DÒNG VIẾT
THÊM
Năm 2012, nhân một lần đến Hội An, có dịp ngồi
riêng với anh Nguyên Ngọc, hai anh em ôn lại chuyện đấu tranh tư tưởng về quan
điểm sáng tác thời chiến tranh, tôi hỏi anh Nguyên Ngọc vụ bài thơ “Ở đây, ngày
hôm qua” của tôi, có phải hồi ấy anh thực bụng nhận xét bài thơ nặng nề như thế
không, anh đáp, giọng trầm buồn, chân tình : ừ, hồi ấy mình thực bụng nghĩ như
thế. Tôi nhớ lại, hồi Nguyên Ngọc còn làm bí thư đảng đoàn Hội nhà văn Việt
Nam, anh đã viết bài (đăng trên báo Văn Nghệ) phê phán nặng nề tập thơ “Bầu trời”
(NXBVH) của nhà thơ Huyền Kiêu. Và có lần, anh đưa tôi bản đánh máy một bài thơ
của nhà thơ Nguyễn Đình Thi và bảo : này, cậu đọc đi để thấy ông Thi bây giờ tư
tưởng có vấn đề như thế nào. Đó là bài “Cách mạng” (nhưng theo tôi, theo tôi
đây là một bài thơ sâu sắc và hay...).
BMQ
--------------
CÁCH MẠNG
Những gì kia cuộn nhau
Trong bao đời bóng đêm
Cái ác của kẻ mạnh
Cái hèn của kẻ yếu
Cái tham của kẻ thừa
Cái thèm của kẻ thiếu
Dân tộc thù dân tộc
Con người sợ con người
Không sao chịu nổi
Lật hết đi
Thử xoay ngược lại
Xem thành cái gì
Cái hèn của kẻ mạnh
Cái ác của kẻ yếu
Cái thèm của kẻ thừa
Cái tham của kẻ thiếu
Dân tộc sợ dân tộc
Con người thù con người
Đã bao đời
Bóng đêm xoay ngược
Vẫn là bóng đêm
Nhưng nước mắt người mẹ
Làm đứng dậy người con
Giọt máu người ngã xuống
Thành ngôi sao dẫn đường
Và lặng im cũng thành tiếng gọi
Ra khỏi bóng đêm
Đi tới buổi sáng
Không có bóc lột ăn hiếp
Mỗi dân tộc cần đến mỗi dân tộc
Mỗi con người cần đến mỗi con người
Thưa bạn
Tôi nghĩ cách mạng là như vậy
Mở ra buổi sáng
Mới vỡ nghìn hang ổ
Của những gì cuộn nhau trong bóng đêm
Nhưng đó không phải chuyện một lúc
1982
NGUYỄN ĐÌNH
THI
Nguồn : Trong cát bụi (thơ), Nguyễn Đình Thi,
NXB Văn học, 1992
No comments:
Post a Comment