Liên
kết mờ ám của U.C. Berkeley với Trung Quốc
Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ
23 tháng 5, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/lien-ket-mo-am-cua-u-c-berkeley-voi-trung-quoc/
Đại học U.C. Berkeley ở
tiểu bang California đã không tiết lộ cho chính phủ Hoa Kỳ khoản tài trợ khổng
lồ của nhà nước Trung Quốc (TQ) trong việc thành lập một liên doanh công nghệ rất
nhạy cảm hoạt động được tám năm qua ở TQ.
Cụ thể, U.C. Berkeley
không báo với chính phủ về khoản hỗ trợ tài chính của thành phố Thâm Quyến cho
một dự án công nghệ bên trong TQ có liên can đến cả các công ty TQ bị Hoa Kỳ trừng
phạt hoặc bị cáo buộc đồng lõa xâm phạm nhân quyền.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/GettyImages-825985620.jpg
University of California (U.C. Berkeley) với những “giao dịch” đáng ngờ với
Trung Quốc (ảnh: Smith Collection/Gado/Getty Images)
Một thỏa thuận đáng ngờ
Dự án nhận được khoản đầu tư $220 triệu từ chính
quyền Thâm Quyến để xây dựng một “khuôn
viên nghiên cứu” (research campus) ở đây. Người phát ngôn của U.C. Berkeley (viết
tắt Berkeley) nói với tờ The Daily Beast lý do trường đại học
vẫn chưa tuyên bố công khai về khoản đầu tư (được công bố vào năm 2018) vì
“khuôn viên nghiên cứu” vẫn đang được xây dựng.
Tuy nhiên, một cựu quan chức của Bộ Giáo dục
Hoa Kỳ từng tham gia chương trình theo dõi các hợp đồng và quà tặng nước ngoài
của Bộ khẳng định: “Theo đúng nguyên tắc, các thỏa thuận đầu tư phải được tiết
lộ trong vòng sáu tháng kể từ ngày ký kết, chứ không phải chờ chúng hoàn
thành”. Berkeley cũng thừa nhận đã không tiết lộ cho chính phủ Mỹ một hợp
đồng khác trị giá $19 triệu ký năm 2016 vớỏi Đại học Thanh Hoa (Tsinghua
University) thuộc quyền quản lý của Bộ Giáo dục TQ.
Sau khi hợp đồng được triển khai, Berkeley đã
cho phép các quan chức Trung Quốc thực hiện những chuyến tham quan tới các cơ sở
bán dẫn tiên tiến của họ ở Hoa Kỳ và trao “quyền thương mại hóa ưu tiên” cho
các tài sản trí tuệ (intellectual properties-IP) được sản xuất nhờ tiền từ các
quỹ do chính phủ TQ hậu thuẫn!
Phát ngôn viên của Berkeley biện bạch rằng trường
chỉ hỗ trợ nghiên cứu ở mức độ “cơ bản” các đề tài của Viện Thanh Hoa-Berkeley
Thâm Quyến (TBSI) và tất cả kết quả nghiên cứu phải được xuất bản công khai và
mọi người đều có thể truy cập được. Ngoài ra, đại học không tham gia bất kỳ
nghiên cứu độc quyền và bí mật nào phục vụ lợi ích riêng cho một thực thể nào tại
TQ. Tuy nhiên, mối quan hệ của Berkeley với chính phủ TQ và các công ty TQ bị
trừng phạt chắc chắn sẽ khiến Washington nhíu mày, đặc biệt là trong tình hình
các nhà hoạch định chính sách ngày càng lo ngại các công nghệ nhạy cảm của Mỹ bị
“chảy máu” sang TQ, nhất là những công nghệ có ứng dụng quân sự.
Dự án TBSI là một sáng kiến nghiên cứu chung
được hỗ trợ bởi Berkeley và Đại học Thanh Hoa (một trường khoa học hàng đầu thường
được gọi là “MIT của TQ”). Trang web của TBSI cho thấy hàng chục công ty TQ, gồm
Huawei và những công ty bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt khác, cũng hỗ trợ TBSI với
chiếc áo khoác “cố vấn công nghiệp”. Thông qua TBSI, Berkeley đã xây dựng mối
quan hệ đối tác chặt chẽ khác thường với chính phủ TQ.
Ông Patrick Schlesinger, hiệu phó lúc đó của
Berkeley, kể lại: “Vào năm 2015, sự tham gia tích cực của chính quyền thành phố
Thâm Quyến được xem là ‘khác thường’ khiến TBSI khác biệt với các trường đại học
Mỹ”. Điều đáng nói là Berkeley chưa bao giờ tiết lộ cho chính phủ liên bang một
xu hỗ trợ tài chính họ nhận được từ các nguồn TQ cho TBSI, nghĩa là không tuân
thủ luật báo cáo, trong đó buộc các trường đại học phải công bố các khoản đóng
góp lớn từ các nguồn nước ngoài cho Bộ Giáo dục Hoa Kỳ.
Mức độ hợp tác giữa Berkeley và TQ
TBSI là một trong những ví dụ đầy đủ nhất về sự
hợp tác nghiên cứu giữa Mỹ và TQ. Trong tài khoá 2021, Viện đã tiếp đón 586
sinh viên từ khắp nơi trên thế giới và đã đăng hơn 130 bài báo khoa học và kỹ
thuật. Theo trang web của Viện, ít nhất 20 học giả Berkeley đã đến TBSI làm việc
cùng với hàng chục đồng nghiệp TQ và quốc tế.
Vào lúc cao điểm, Viện có 18 phòng thí nghiệm
nằm trong ba trung tâm nghiên cứu (khoa học dữ liệu và công nghệ thông tin-IT;
khoa học môi trường và sản xuất năng lượng mới; y tế công cộng và y học chính
xác). Mỗi phòng tập trung vào một lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến an ninh quốc
gia.
Kể từ những ngày đầu thành lập Viện, chính
phủ TQ đã giữ ba trong 11 ghế của hội đồng quản trị (theo một tài liệu
ghi năm 2015 của Berkeley). Ông Hứa Cần (Xu Qin), Thị trưởng lúc bấy giờ của
Thâm Quyến, đã dự lễ ký kết thành lập TBSI năm 2014. Chủ tịch Đại học Thanh Hoa
Trần Cát Trữ (Chen Jining) cũng có mặt và vinh danh: “TBSI là hình mẫu quan hệ
đối tác giữa các trường đại học-chính phủ và ngành công nghiệp”.
TBSI có đảng ủy Đảng Cộng sản TQ và năm 2018 tổ chức
hội thảo nghiên cứu “học thuyết” Tập Cận Bình. Trong khi Berkeley và Thanh Hoa đóng góp nhân sự cho các khoa cho TBSI,
chính quyền Thâm Quyến chịu trách nhiệm mảng kinh phí lớn nhất của dự án và hứa
hẹn sẽ cung cấp “tất cả hỗ trợ tài chính cần thiết” cho Viện.
Các tài liệu hợp tác năm 2014 mà The Daily
Beast có được ghi rõ chính quyền Thâm Quyến sẽ chi trả nhiều loại chi phí ban đầu,
gồm chi phí thiết bị, tuyển dụng, cũng như chi phí cho tất cả các hoạt động
hàng ngày (như tiền lương), nhân viên, trợ cấp nghiên cứu, học bổng sinh viên
và nhiều thứ khác.
Tài liệu năm 2015 của Berkeley cũng ghi: “Là một
phần của hỗ trợ tài chính đã hứa, năm 2014, chính quyền Thâm Quyến sẽ tài trợ
$52 triệu giai đoạn đầu cho TBSI”. Hơn phân nửa số tiền tài trợ là để mua thiết
bị mới ở TQ (có tham khảo ý kiến của giảng viên Berkeley), bổ sung cơ sở vật chất
và thiết bị cần thiết để “tăng năng lực nghiên cứu của Berkeley”. Năm 2018,
chính quyền Thâm Quyến đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho Viện, đồng ý chi ít nhất
$220 triệu để xây dựng một “khuôn viên nghiên cứu” đồ sộ với gần 1.7 triệu feet
vuông không gian học và các cơ sở nghiên cứu tiên tiến. Đại học Thanh Hoa tài
trợ thêm $19 triệu.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/edwin-andrade-4V1dC_eoCwg-unsplash-1024x811.jpg
Trong thực tế, từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã thâm nhập rất sâu vào hệ
thống giáo dục đại học Mỹ, kể cả Harvard (minh họa: edwin-andrade-unsplash)
.
U.C. Berkeley giải thích gì?
Berkeley đã nhiều lần không tiết lộ bất kỳ khoản
tiền hỗ trợ nào có yếu tố nước ngoài cho Bộ Giáo dục Hoa Kỳ. Luật pháp Hoa Kỳ
yêu cầu tất cả khoản đóng góp nước ngoài hàng năm vượt quá $250,000 phải trình
báo cho Bộ để công khai cho công chúng. Một phát ngôn viên của Berkeley thừa nhận
đã không báo cáo với chính phủ về hợp đồng trị giá $19 triệu với Đại học Thanh
Hoa, nhưng nêu lý do “các quy tắc vào thời điểm đó chưa rõ ràng”.
“Giống như nhiều trường đại học trên cả nước,
Berkeley không có quy trình báo cáo trong năm 2016. Đến năm 2018, do lo ngại về
an ninh quốc gia với TQ và các quốc gia có liên quan, quy trình báo cáo của Bộ
Giáo dục đã được khởi động lại và tất cả các trường đại học mới được yêu cầu
báo cáo” – ông giải thích.
Berkeley cũng không báo cáo việc gia hạn thỏa
thuận TBSI vào Tháng Một 2022, một thiếu sót bị đổ lỗi là cho “trục trặc trong
truy cập dữ liệu” (Berkeley sửa xong lỗi vào ngày 14 Tháng Hai 2023, tức năm
ngày sau khi The Daily Beast lần đầu tiên đưa ra ánh sáng câu
chuyện này).
Về khoản đầu tư $220 triệu từ chính quyền
thành phố Thâm Quyến, người phát ngôn Berkeley thoạt đầu giải thích: “Berkeley
không có bất kỳ quyền sở hữu tài sản nào tại Thanh Hoa, do đó, không bắt buộc
phải báo cáo các khoản đầu tư vào ‘khuôn viên nghiên cứu’ trong Đại học Thanh
Hoa khi nó đang xây dựng”. Nhưng ông thừa nhận: “Việc cung cấp cơ sở vật chất
và thiết bị có thể được xem là đóng góp bằng hiện vật và do đó cần phải báo
cáo”. Nói vậy là sai, vì theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ năm 2019, các
trường đại học phải báo cáo các hợp đồng ký với nước ngoài “tại thời điểm ký kết”.
.
U.C. Berkeley được gì?
Theo một tài liệu của Berkeley ghi năm 2015 mà
The Daily Beast có được, tài trợ của chính phủ TQ đã trực tiếp mang lại lợi ích
cho các giảng viên của Berkeley với tư cách là nhà nghiên cứu. Xây dựng khuôn
viên nghiên cứu mới được họ xem như cơ hội mua sắm các thiết bị Berkeley chưa
có bằng tiền tài trợ để tăng thêm năng lực nghiên cứu.
Tài trợ của TQ cũng mang lại “phí tư vấn” cho
cá nhân các giảng viên làm cố vấn nghiên cứu. Đổi lại các khoản đóng
góp từ nhà nước TQ là TBSI và Berkeley phải cấp quyền truy cập cho những người
quản lý quỹ của chính phủ TQ.
Trong suốt cuối thập niên 2010, Berkeley thường
xuyên tổ chức các chuyến tham quan độc quyền phòng thí nghiệm chế tạo nano
Marvell, một cơ sở tiên tiến nghiên cứu chất bán dẫn, cho các phái đoàn TQ có
liên kết với TBSI. Đáng nói hơn nữa là các phái đoàn TQ đến phòng thí nghiệm chất
bán dẫn đã vượt ra ngoài sự trao đổi học thuật thông thường giữa các nhà nghiên
cứu. Tham gia đoàn có nhiều quan chức cấp cao của TQ. Phó thị trưởng Thâm Quyến
và bí thư thành ủy Thâm Quyến từng đến phòng thí nghiệm.
Dù không có bằng chứng nào cho thấy Berkeley
hoặc nhân viên của họ đã vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ bằng cách
tổ chức các chuyến tham quan riêng để giúp TQ xây dựng phòng thí nghiệm bán dẫn
tiên tiến của riêng mình, nhưng Robert Shaw, một chuyên gia về kiểm soát xuất
khẩu tại Viện Middlebury, lưu ý: “Berkeley phải cực kỳ thận trọng đối với những
chuyến tham quan như thế để đảm bảo TQ không tiếp cận được với các công nghệ
tiên tiến do Mỹ kiểm soát”.
Nhưng không hề dễ dàng nếu bên tham quan mang
ý đồ xấu và được tổ chức tinh vi để có thể nhìn sâu vào bên trong và ăn cắp bí
mật. Chính phủ TQ cũng có quyền truy cập vào một số “tài sản trí tuệ”
được nghiên cứu và phát triển tại Berkeley. Theo phát ngôn viên
Berkeley, một quỹ đầu tư được làm chủ bởi Shenzhen Warranty Asset Management (một
doanh nghiệp nhà nước do chính phủ TQ kiểm soát từng tài trợ $19 triệu cho Đại
học Thanh Hoa) đã nhận được “quyền thương mại hóa ưu tiên” đối với các “tài sản
trí tuệ” do TBSI tạo ra (theo trang LinkedIn của quỹ này).
Người phát ngôn của Berkeley giải thích:
“Warranty với tư cách là nhà tài trợ công nghiệp nên có quyền ưu tiên đàm phán
về quyền IP theo thỏa thuận tài trợ, giống như các đại học Mỹ vẫn làm với các
nhà tài trợ công nghiệp”.
Tuy nhiên ông khẳng định ba tài sản trí tuệ ra
đời từ nghiên cứu được tài trợ thuộc loại có thể công khai. Người phát ngôn của
Berkeley nhấn mạnh với The Daily Beast: “Tất cả các dự án nghiên cứu liên quan
đến TBSI đều là nghiên cứu cơ bản được công bố rộng rãi và công khai vì lợi ích
của toàn bộ cộng đồng khoa học, chứ không phải là nghiên cứu độc quyền chỉ mang
lại lợi ích cho các thực thể TQ. Trường đại học không cấp phép sở hữu trí tuệ
cho các thực thể nước ngoài đang bị chính phủ Mỹ trừng phạt hoặc kiểm soát xuất
khẩu. Berkeley rất cảnh giác với ảnh hưởng quá mức của chính phủ nước ngoài”.
Nhưng Robert Shaw lưu ý: “Dù TBSI có thể hợp
tác với các quỹ tài trợ do chính phủ TQ hậu thuẫn theo cách hợp pháp, nhưng
ngôn ngữ về quyền ưu tiên thương mại hóa IP vẫn là điều đáng bàn. Nó nghe giống
như sản xuất IP cho một công ty đặc biệt thay vì để chia sẻ nó cho các nhà
nghiên cứu toàn cầu”.
.
Các công ty TQ bị Mỹ cấm vận cũng có phần
Ngoài nguồn tài trợ từ chính phủ TQ, TBSI còn
được sự hỗ trợ từ hàng chục công ty TQ. Các giám đốc điều hành từ 21 công ty TQ
có chân trong “ban cố vấn công nghiệp” của TBSI. Họ hỗ trợ từ việc thành lập
các phòng thí nghiệm đến các dự án nghiên cứu hợp tác Mỹ-Trung. Họ được đến
thăm các nghiên cứu sinh trong ngành tại TBSI và được tiếp cận với các nhà
nghiên cứu Berkeley.
Các công ty này sau đó bị chính phủ Hoa Kỳ trừng
phạt hoặc đặt dưới sự kiểm soát xuất khẩu (gồm cả gã khổng lồ viễn thông
Huawei, ZTE và công ty máy bay không người lái DJI) và bị cáo buộc đồng lõa vi
phạm nhân quyền (như công ty internet Tencent và hãng sản xuất xe hơi BYD).
Một số công ty tham gia TBSI được hưởng lợi từ
sự hợp tác với Berkeley. Lấy ví dụ Shenzhen Waveguider, công ty công nghệ sinh
học này đã xây dựng một phòng thí nghiệm chung với TBSI. Theo báo cáo, Yu
Dongfang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Waveguider thừa nhận: “Bằng cách tận
dụng công nghệ cảm biến sinh học tốt nhất thế giới của Berkeley thông qua quan
hệ đối tác Berkeley-TBSI, Waveguider đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực
thuốc điều trị bệnh tiểu đường”.
Nhận xét của Berkeley về các nhà tài trợ doanh
nghiệp TQ cũng không nhất quán. Phát ngôn viên của Berkeley ban đầu nói với The
Daily Beast là không có giảng viên nào của Berkeley từng làm việc tại phòng thí
nghiệm nghiên cứu dữ liệu lớn của TBSI. Tuyên bố này mâu thuẫn với các trang
web riêng của Berkeley, trong đó nêu tên ba nhà khoa học Berkeley từng làm như
thế (người phát ngôn sau đó thừa nhận một trong ba nhà nghiên cứu này đã tham
gia một số công việc với phòng thí nghiệm nhưng nói rằng hai người còn lại đã rời
dự án ngay trong giai đoạn đầu).
Hiện Berkeley vẫn có ý định tiếp tục dự án
TBSI, dù ở quy mô hẹp hơn. Năm 2022, các nhà quản lý Berkeley công bố “giai đoạn
II” và cam kết hỗ trợ quan hệ đối tác với TBSI thêm năm năm nữa. Tuy nhiên, một
số quan chức Berkeley có vẻ đang suy nghĩ lại về mối quan hệ với TQ. Năm 2018,
Berkeley đã gửi đơn khiếu nại lên Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, nêu rõ:
“Các quy định công nghệ của Bắc Kinh không cho
phép chúng tôi can thiệp nhiều vào việc cấp phép các IP do TBSI tạo ra”. Thậm
chí từ năm 2015, một thành viên của Hội đồng quản trị Berkeley đã bày tỏ sự
nghi ngờ về việc Berkeley tham gia TBSI. Ông nêu câu hỏi: “Ai sẽ nắm quyền quyết
định nên thực hiện hướng nghiên cứu nào hoặc nên tuân theo những quyền đạo đức
nào?”
No comments:
Post a Comment