Sunday, 14 May 2023

KHO VŨ KHÍ CỦA KHỐI DÂN CHỦ hay "CUỘC CHẠY ĐUA TRANG BỊ VŨ KHÍ CHO UKRAINE" (TIME)

 



Kho Vũ Khí Của Khối Dân Chủ hay “Cuộc Chạy Đua Trang Bị Vũ Khí Cho Ukraine.”

Nguyễn Minh Tâm dịch tù báo TIME

May 13, 2023

https://www.baocalitoday.com/the-gioi/kho-vu-khi-cua-khoi-dan-chu-hay-cuoc-chay-dua-trang-bi-vu-khi-cho-ukraine.html

 

Với cặp kính gắn trên đôi mắt, ông Greg Hartl chúi mũi vào computer để theo dõi sự di chuyển của đoàn xe vận tải 18 bánh, mang số ẩn tế di chuyển xuyên ngang vùng trung tâm nước Mỹ. Tin tức thu thập bằng vệ tinh cho phép ông theo dõi sát sự chuyển động của đoàn xe, để ông báo về cho bộ tư lệnh ở căn cứ không quân Scott Airbase, cách St.Louis khoảng 20 dặm về phía đông. Tin tức báo cáo rõ tình hình thời tiết, và khúc nào đoàn xe rẽ vào đường mới. Quan trọng hơn cả là tài xế sẽ phải né tránh tình trạng kẹt xe như thế nào trên xa lộ xuyên tiểu bang khá dài, bởi vì trên xe chứa đầy đạn hỏa tiễn 155 mm rất dễ phát nổ. Những hỏa tiễn này được vận chuyển để tiếp tế cho Ukraine.

 

Cuộc chạy đua cung cấp quân cụ, vũ khí cho Ukraine giúp họ chiến thắng quân Nga được trình bày trên màn hình ở Bộ Tư Lệnh Vận Tải Hoa Kỳ tên chính thức là  US Transportation Command- gọi tắt là TRANSCOM. Ông Hartl,người đứng đầu chi nhánh theo dõi sự vận chuyển quân cụ,vũ khí,  ông có trách nhiệm theo dõi từng chi tiết đoàn xe vận tải di chuyển xuyên ngang xa lộ trong nước Mỹ. Những xe vận tải này chuyên chở đủ mọi loại vũ khí, quân cụ. Họ kéo hỏa tiễn chống chiến xa, dàn phóng hỏa tiễn, và hệ thống phòng không, chở những viên đạn lớn dùng cho pháo binh bắn từ tàu chiến, hay từ căn cứ hải quân, không quân. Bất cứ một hành vi nhỏ nào, như tài xế bất ngờ đổi hướng, hay xin nghỉ giải lao đi vệ sinh quá lâu lập tức sẽ phải báo ngay cho ông Hartl biết trong vài giây. Theo lời ông kể: “Chúng tôi có đủ mọi loại dụng cụ báo động được thiết kế khi chuyên chở những vũ khí có nhiều rủi ro.” Ông vừa kể vừa vuốt ve chòm râu màu muối tiêu dài đến ngực.” Nếu xe tải dừng lại quá lâu, nếu cánh cửa xe để mở lâu một chút, hay xe ngừng không di chuyển, chúng tôi sẽ được báo động ngay.”.

 

Từ trước đến nay chưa bao giờ xảy ra hiện tượng vận chuyển quân nhu, vũ khí lớn lao đến như vậy. Lần đầu tiên trong lịch sử có một quốc gia phải chống trả một nước khác vừa có quận số, và đạn dược nhiều hơn gấp bội mình. Một nước lớn đang muốn xâm chiếm nước nhỏ bé. Nước nhỏ được các nước đồng minh trang bị vũ khí, quân cụ cấp kỳ trong một thời gian ngắn. Các viên chức ở Ngũ Giác Đài nói rằng sứ mạng cung cấp vũ khí cho Ukraine là một công tác lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử quân đội mỹ. Trong vòng sáu tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ phải chuyển giao ho Ukraine hơn 1,400 xe vận tải, 230 máy bay, và 11 chuyến tàu chở hàng được giao cho Ukraine chỉ nội trong vòng bốn tháng đầu năm nay. 

 

Để hiểu được làm cách nào Hoa Kỳ và các nước đồng minh có thể phân phối giao số lượng vũ khí lớn lao cho Ukraine, phóng viên báo TIME dùng nhiều tháng để tìm hiểu, tiếp xúc và nói chuyện với hàng chục viên chức cao cấp ở  Hoa Kỳ và Âu châu có trách nhiệm lập kế hoạch, sản xuất, và phân phối quân viện cho Ukraine. Qua những cuộc nói chuyện, cũng như đi thăm ba tiểu bang, ba nước Âu châu, chúng tôi thấy có rất nhiều thử thách khó khăn cũng như nhiều nỗ lực to lớn được thực hiện. Công tác tiếp tế quân cụ đạn dược được thực hiện trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn trong chuỗi cung ứng hàng hóa- supply chain-, mức sản xuất khắp nơi trên thế giới suy giảm. Họ phải tìm đủ mọi cách để cung ứng đầy đủ cho nhu cầu quân sự của Ukraine. Một câu hỏi vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng là làm cách nào có thể cung cấp vũ khí kịp thời cho nhu cầu ngoài chiến trường. 

 

Những quyết định được thực hiện ở Hoa Thịnh Đốn, hay ở thủ đô các nước Âu châu khi đem ra thi hành phần nào đã làm trì hoãn việc phân phối vũ khí, quân cụ. Hồi tháng Tư vừa qua, báo cáo của bên tình báo bị lộ ra ngoài cho thấy Ukraine bị thiếu thốn trầm trọng về số lượng vũ khí cần phải có ở trong kho, chẳng hạn như vũ khí phòng không cần phải được phân phối vào tháng Năm, trong lúc quân lính Ukraine đang bị vây khốn ở tỉnh Bakhmut. Nếu trễ, họ sẽ trở thành những miếng mồi ngon cho những đợt ném bom khủng khiếp của quân Nga. Nhân vụ tin tình báo bị lộ cho thấy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo Ukraine đã nói từ năm trước rằng Ukraine rất cần đủ mọi loại vũ khí, và họ cần được giao thật nhanh cho họ. 

 

Chi phí chuyển giao những vũ khí này tốn kém vô cùng. Người dân đóng thuế ở Hoa Kỳ phải chi ra $35.4 tỉ đô la để giúp Ukraine tồn tại tính từ ngày nước Nga mở cuộc xâm lăng Ukraine vào ngày 24 tháng Hai năm 2022. Tính ra mỗi giờ phải chi tiêu khoảng $3 triệu đô la. Một số nhân vật trong đảng Cộng Hòa nêu câu hỏi liệu tình trạng chi phí tốn kém như vậy sẽ kéo dài được trong bao lâu nữa?. Vấn đề tiếp liệu cũng cần phải tính đến. Nhiều nơi khác trên thế giới như ở vùng Thái Bình Dương, vùng Trung Đông và những nơi khác, lịch trình tiếp tế vũ khí phải thay đổi lại. Thiếu tướng Laura Lenderman, giám đốc chiến dịch Vận Chuyển quân cụ ở TRANSCOM thú nhận: “Điều khó khăn nhất cho chúng tôi lúc này là số lượng quân cụ quá lớn đang cần tiếp tế cho Ukraine. Chúng tôi ráng hết sức thực hiện cho bằng được. Song cũng có những rủi ro trong công tác này.”.

 

Sứ mạng cung cấp vũ khí hiện đang ở giai đoạn sinh tử, cực kỳ quan trọng. Sau khi đánh lui được quân Nga vào mùa đông, làm cả thế giới kinh ngạc, quân Ukraine đang ở thế phản công, dành lại những vùng đất bị Nga chiếm đóng. Người Mỹ tìm đủ mọi cách để đưa vũ khí đến tay binh lính Ukraine. Nếu quân đội Ukraine có thể lấy lại được những phần lãnh thổ bị chiếm đó, khi đó bộ binh Ukraine sẽ được dùng làm cầu tàu tái chiếm vùng Crimea, và Ukraine sẽ ở thế thượng phong khi bước vào bàn hội nghị thương lượng đình chiến. Nhưng nếu như các trận phản công bị suy yếu, khi đó phe chống đối việc ủng hộ Ukraine mãi mãi sẽ có thêm lý do để giảm quân viện cho Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Biden tin rằng những gì xảy ra trong nhiều tháng sắp tới sẽ phác họa viễn ảnh về cuộc chiến, và rất có thể cả tương lai của Âu châu nữa.

 

Bên trong Bộ Chỉ Huy Vận Chuyển Vũ Khí Toàn Cầu có sáu màn ảnh truyền hình cực lớn cập nhật hàng ngày thông tin, bản đồ, và hoạt động của việc vận chuyển quân nhu, đạn dược, vũ khí tính sát đến từng ngày. Ở trung tâm theo dõi tình hình, người ta có cảm tưởng như đang ngồi trong một rạp chiếu bóng lớn, với rất nhiều khán giả xem là những nhà thầu xây cất, những chuyên gia dân sự phân tích tin tức báo cáo, và khá nhiều quân nhân mặc quân phục ngồi từng hàng dài. Tin tức được liên tục gửi đến qua mạng lưới computer trình bày những đồ biểu, và hình ảnh khá phức tạp, phải là chuyên gia mới hiểu được hết. Mọi quyết định tại trung tâm điều hợp này sẽ có ảnh hưởng dây chuyền đến tình hình ở nhiều nơi khác, những hoạt động cung cấp quân cụ, tiếp liệu ở khắp nơi trên thế giới. 

 

Mọi cuộc thẩm lượng tình hình đều dựa vào nhiều thông tin nhận được: số hàng tồn kho, hệ thống cung ứng, ngày chuyển giao, phân phối, và tỉ lệ tiêu dùng. Hoa Kỳ hiểu rất rõ về tình hình quân nhu, quân cụ của  Ukraine, tính từng ngày một. Ở Bộ Quốc Phòng Mỹ có một trung tâm tên là ADVANA, tức trung tâm tính toán, ước lượng số đạn dược cần dùng, và sử dụng hàng ngày. Nhờ đó, việc cung cấp vũ khí đạn dược cho Ukraine có thể chuẩn bị sẵn sàng. Điểm khó nhất là việc ước tính số đạn pháo sử dụng trong chiến tranh. 

 

Trong hai chục năm qua, Hoa Kỳ tham gia chiến tranh với những vũ khí hết sức tối tân của thời đại thông tin số, chẳng hạn như dùng vệ tính, dùng chips điện toán, dùng sensors. Nhưng chiến sự đang xảy ra ở Ukraine lại diễn tiến giống như thời Thế Chiến Thứ Nhất, đánh nhau trong giao thông hào, bắn đại pháo vào nhau. Hai bên thi nhau nã đại bác vào nhau. Vỏ đạn đại bác bay khắp trên trời. Các đơn vị pháo binh của Ukraine gặp nhiều bất cập khi loại đạn 152 ly thời Nga Xô Viết cạn dần, và họ không còn đạn để bắn trả quân Nga.  Hoa Kỳ và đồng minh Âu châu cung cấp cho Ukraine loại đại bác tối tân 155 ly, nhưng vẫn không đủ để đánh lại pháo binh Nga. Trong một là thơ, Bộ trưởng Quốc Phòng Ukraine Oleksii Reznikov viết cho các nước trong Liên Âu hồi tháng Ba, ông nói rằng lực lượng Ukraine phải hạn chế chỉ được bắn 3,000 phát đạn đại bác trong một ngày, trong lúc quân Nga bắn gấp bốn lần số đạn pháo này. 

 

Tuy phải hạn chế số đạn bắn, song mức tiêu thụ đạn đại pháo của Kyiv cũng vượt quá khả năng sản xuất đạn của Mỹ. Giới chức quân sự Hoa Kỳ phải đi lùng kiếm số đạn hiện đang có trong kho ở nước Đức, Nam Hàn và Do Thái mới có đủ số đạn để đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Tổng cộng cho đến nay chính quyền Biden đã gửi sang Ukraine 1 triệu viên đạn đại pháo. Một quan chức cao cấp trong Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nói với báo TIME: “Chúc tôi sắp hết sạch cả đạn để gửi ra chiến trường.”. Các nước đồng minh ở Âu châu cũng nhảy vào tiếp cứu cho Ukraine. Hai tuần sau khi nhận được thư kêu nài của Bộ trưởng quốc phòng Ukraine ông Reznikov, các nước trong Liên Âu đã ký với nhau một thỏa thuận dành riêng ra $2 tỷ đô la để tăng số đạn trong kho dự trữ, và sẽ gửi sang Ukraine 1 triệu viên đạn đại pháo trong 12 tháng sắp tới.

 

Cùng lúc đó, Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch phục hồi kỹ nghệ sản xuất vũ khí giống như trước khi xảy ra Chiến Tranh Lạnh. Ông Mark Cancian, Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến hồi hưu, và cũng là thành viên trong Trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế, cho biết: “Phục hồi kỹ nghệ sản xuất vũ khí sẽ có rất nhiều hậu quả lâu dài.”. Chính quyền Biden đã vận dụng đạo luật Defense Production Act cả thảy 4 lần để huy động ngành kỹ nghệ sản xuất vũ khí tư nhân của Hoa Kỳ, trong đó có việc sản xuất đạn, hỏa tiễn, và máy bay không người lái, với ngân khoản $2 tỷ đô la được dành riêng để canh tân, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất vũ khí. 

 

Nhà máy sản xuất đạn của binh chủng Bộ Binh ở Scranton, trong tiểu bang Pennsylvania là một trong những trung tâm thể hiện sự thay đổi này. Binh chủng Bộ Binh bắt đầu tiếp thu nhà máy vào năm 1951, sau khi nhà máy bị bỏ hoang trong vài năm, nhà máy được cải biến thành nơi sản xuất đạn đại pháo cho chiến tranh Triều Tiên. Hồi đó, Hoa Kỳ có 86 nhà máy sản xuất đạn của quân đội, nằm trong kế hoạch huy động các ngành kỹ nghệ để dùng cho nhu cầu chiến tranh. Bây giờ chỉ còn có 5 nhà máy. Nhà máy ở Scranton hiện có khoảng 300 nhân công, làm việc đủ 3 ca, liên tục 24 giờ một ngày, năm ngày một tuần trong một cơ sở rộng khoảng 15 mẫu đất, xây gạch màu đỏ. Cách đây khoảng một thế kỷ, đây là bin đinh dùng để sửa chữa đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước. Ngày nay, người ta đọc thấy dòng chữ trên áo thung của một cán sự điều khiển dàn máy dòng chữ như sau: “TÔI LÀ CHUYÊN VIÊN CHẾ TẠO BOM, NẾU BẠN THẤY TÔI CHẠY, ĐỐ BẠN BẮT KỊP ĐƯỢC TÔI.”.

 

Hàng ngày những mẻ đạn đại pháo thật lớn được sản xuất từ dàn máy ở đây, sẵn sàng được vận chuyển ra chiến trường Ukraine. Lò luyện thép luôn luôn hừng hực cháy ở nhiệt độ 2.000 độ F. Ông Xếp trưởng dây chuyền sản xuất Richard Hansen dặn dò khách viếng thăm, chớ có đụng tay vào, thép nóng không những đốt cháy tay của bàn, mà còn lột cả xương của bạn ra.”. Ông Hansen tiết lộ rằng do nhu cầu chiến trường, Ngũ Giác Đài ra lệnh phải tăng khả năng sản xuất đạn pháo 155 ly từ 14,000 viên lên 24,000 viên, và sẽ tăng lên đến 85,000 viên một năm vào năm 2028. Ông Hansen nói thêm: Biến một thanh sắt dài trở thành viên đạn đại pháo phải mất khoảng 3 ngày. Tuy nhiên vào thời bình, phải mất vài tuần trước khi được chất vào những chồng hàng hóa chuẩn bị đưa lên xe vận tải chuyển đi tiểu bang Iowa trong 10 giờ liên tục. Tại đây, những viên đạn này được đổ đầy chất nổ, và chất kích hỏa, để sẵn sàng dùng cho dàn phóng hỏa tiễn howitzer.

 

Trong cuộc chạy đua trang bị vũ khí gấp rút cho Ukraine để nước này có thể kịp mở cuộc phản công, người ta phải tính toán từng phút một. Trước ngày Nga mở cuộc xâm lăng Ukraine, phải mất 4 tháng để chấp thuận cho gói quân viện $60 triệu đô la gửi sang Ukraine vì những thủ tục hành chính phức tạp. Ngày nay, để thực hiện việc giao hàng quân viện lớn cỡ đó chỉ mất khoảng 4 tuần hay ít hơn. Để việc thực hiện được mau chóng, Quốc Hội Hoa Kỳ đã giảm bớt những hạn chế thủ tục Ngũ Giác Đài chọn mua vũ khí ở đâu, trong lúc đó bên quân đội Mỹ tìm ra cách đóng gói vũ khí thật mau, để gửi ra tiền tuyến. Chỉ cần những thay đổi nhỏ cũng giúp cho việc tiếp tế vũ khí ra chiến trường được nhanh chóng. Nhân viên của bên Không Quân đã sửa đổi những cách chất hàng sao cho gọn để có thể chui thẳng vào bụng máy bay vận tải C-17, tiết kiệm được rất nhiều thời giờ, và giảm số chuyến bay.

 

Trong ba tuần lễ mùa xuân vừa qua, phia quân đội kêu gọi các công ty vận tải ưu tiên dành xe tải vào việc giao số đạn đại pháo, thay vì chuyên chở những mặt hàng thương mại trên các tuyến đường phải chở quân cụ. Nhờ đó, họ có được những tuyến đường an ninh ưu tiên dành cho xe vận tải giao quân cụ xuyên qua vùng Trung Tây nước Mỹ. Thông thường tuyến đường này có nhiều xe vận tải chuyên chở mặt hàng tiêu dùng như TV, ghế sofa, xà bông, thuốc tẩy, và nhiều mặt hàng gia dụng khác. Bây giờ tuyến đường này được ưu tiên để dành chở đạn đại pháo. từ bảy kho quân cụ rải rác trên khắp nước.

 

Tại căn cứ không quân Dover, tiểu bang Delaware, hàng đoàn xe vận tải nối đuôi nhau chờ dài trên xa lộ để được bốc hàng quân cụ, vũ khí. Nhà chức trách địa phương cố gắng điều khiện việc giao thông trong vùng để mọi việc diễn ra suôn sẻ. Bên trong căn cứ không quân, các lính, sĩ quan không quân làm việc liên tục 24/24 để chuyển hàng lên các máy bay vận tải, dán nhãn hiệu, đưa sang Âu châu, phần lớn là đưa sang Đức và Ba Lan. Từ đó, các khối hàng quân viện được đưa đến biên giới Ukraine. 

 

Đưa vũ khí vào Ukraine thường không gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ vẫn chở quân cụ và vũ khí trực tiếp sang thủ đô Kyiv bằng máy bay. Nhưng từ ngày thủ đô Ukraine bị quân Nga vây hãm, chúng bắn bừa bãi hỏa tiễn vào nhiều nơi trên nước Ukraine, việc giao quân cụ vũ khí cho Ukraine phải được chuyển qua ngả các nước Âu châu. Chỉ trong vòng vài ngày, hàng chục máy bay vận tải chuyển quân cụ vũ khí đến gần biên giới Ukraine, họ chất hàng lên đến sát nóc máy bay. 

 

Loại máy bay vận tải khổng lồ C-17 là phương tiện giao vũ khí nhanh chóng nhất đến cho Ukraine. Nhưng tốn kém vô cùng, và làm giảm tài nguyên cung cấp quân viện cho những nơi khác trên thế giới. Vì thế ngay khi chuyến hàng được đưa đến biên giới, các nhà thầu tư nhân sẽ lập tức đứng ra đảm nhiệm phần còn lại. Cho đến nay khoảng hai phần ba số quân viện, vũ khí của Bộ Tư Lệnh Vận Chuyển- TRANSCOM-   khoảng 1,177 chuyến bay được các 7 hãng hàng không tư nhân thực hiện. Họ bay li6n tục giữa các nước trong khối Liên Âu, chi phí trả cho các hãng máy bay thương mại vào khoảng $600 triệu đô la. Đối với những loại quân cụ yếu tố thời gian không quan trọng cho việc vận chuyển, các loại vũ khí đó sẽ được gửi sang Ukraine bằng tàu thủy, mất khoảng 2 tuần đi từ các hải cảng quân sự miền đông Hoa Kỳ  sang lục địa Âu châu.

 

Khi quân cụ, vũ khí được đưa sang Âu châu, cả một hệ thống tiếp vận khác được thay thế. Lúc đó, vũ khí của các nước Âu chậu và của Hoa Kỳ được nhập vào với nhau. Khi quân cụ và vũ khí đến phi trường, hải cảng, các loại quân viện được nhiều nhà thầu địa phương đưa đi bằng xe vận tải,hay xe lửa. Việc giao hàng nhiều khi bị trì hoãn, hay gặp khó khăn vì lý do thời tiết, hay trục trặc khác không liên quan đến tình hình ngoài chiến trường. Hồi tháng Bảy vừa qua, công nhân bến cảng ở nước Đức đình công làm ảnh hưởng đến việc bốc dỡ hàng ở các bến cảng. Hồi tháng Ba, tất cả các nhà ga xe lửa ở nước Đức ngừng hoạt động vì hàng chục ngàn công nhân xe lửa đình công 24 giờ để đòi hỏi yêu sách của họ. 

 

Bà Thiếu tướng Jacqueline Van Ovost khi đó vừa mới nắm chức tư lệnh TRANSCOM  được bốn tháng, bà cho biết: “Rất may là chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi những cuộc đình công bất ngờ như vậy.”. Lộ trình chuyển hàng vào Ukraine được giữ bí mật, và thay đổi luôn để tránh sự tấn công của quân Nga. các quan chức Hoa Kỳ cho biết lộ trình cung cấp vũ khí thường phải đi ngang các nước Slovakia, Romania và Ba Lan, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của các nước đồng minh Âu châu. Bà Van Ovost nói: “Chúng tôi phải bảo đảm rằng sự phối hợp hết sức nhuần nhuyễn, êm đẹp giống như người nhảy khiêu vũ ballet.”.

 

Vận dụng thẩm quyền gọi là đặc quyền của tổng thống, Tổng thống Biden có thể chuyển giao vũ khí và quân cụ từ kho vũ khí của Hoa Kỳ đi nơi khác mà không cần sự chấp thuận của Quốc Hội, nhờ đó mà việc giao hàng được tiến hành nhanh chóng. Bà Van Ovost phối hợp làm việc với nhân viên trong bộ chỉ huy của bà với Ngũ Giác Đài và các bộ tư lệnh ở Âu châu, thiết lập danh sách các loại vũ khí, quân cụ cần thiết đệ trình lên cho Tổng thống để ông ký cho giao hàng. Bà tiết lộ: “Bây giờ tôi có thể chuẩn bị sẵn những loại vũ khí từ bốn tuần trước. Trước đây, tôi chỉ có thể chuẩn bị khoảng 12 giờ đồng trước khi giao hàng đi.”.

Phối hợp sự cộng tác của 54 nước làm việc chung với nhau trong nhóm công tác gọi là Ukraine Defense Contact Group là một công tác không dễ chút nào, khá cam go. Hàng tháng Hoa Kỳ phải triệu tập phiên họp lập kế hoạch quyết định xem mỗi nước sẽ cung cấp loại vũ khí gì. Hồi tháng 11, phía quân đội lập ra  Bộ Tư Lệnh chỉ dành riêng cho việc yểm trợ cho Ukraine, đặt tại Clay Kaserne, một tỉnh ở Wiesbaden, thuộc nước Đức. Bà Laura Cooper, Thứ trưởng Quốc Phòng phụ trách công tác vụ về Nga, Ukraine và Eurasian cho biết: “Từ nay mỗi ngày đều có những liên lạc trực tiếp giữa toán công tác Mỹ với các tướng tư lệnh Ukraine ngoài chiến trường.”. Bà Cooper trở thành nhân vật chủ yếu làm việc với một nhóm công tác nhỏ trong Ngũ Giác Đài theo dõi rất sát tình hình viện trợ quân sự cho Ukraine. 

 

Nói chuyện riêng với báo TIME bên lề cuộc họp giữa các Bộ Trưởng Quốc Phòng tại Bộ Tư Lệnh NATO ở Brussels, nước Bỉ, hồi tháng Hai, bà Cooper mô tả nhóm công tác phối hợp 54 nước làm việc chủ yếu là tìm cách yểm trợ vũ khí, quân viện cho Ukraine. Ưu tiên hàng đầu theo bà Cooper là lập danh sách “Priority list” “Những loại vũ khí ưu tiên hàng đầu” dựa theo yêu cầu của sĩ quan chỉ huy ngoài chiến trường. Thông thường trong danh sách ưu tiên này gồm có: Pháo binh đại bác, xe tăng bọc sắt, và dụng cụ phòng không. Trong mỗi khoản này đều liệt kê chi tiết những gì binh sĩ Ukraine đang rất cần ngoài mặt trận. Bà Cooper nói thêm: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng cách chiến binh ngoài tiền đồn có sẵn vũ khí để Ukraine có thể phản công trong những tháng sắp tới.”.

 

Không phải tất cả những viên đạn đại bác từ kho vũ khí ngoại quốc sẽ được quân đội Ukraine sử dụng trong đợt phản công sắp tới. Trong ít tháng vừa qua, lực lượng Ukraine bắn những phát đại pháo đều nằm trong chương trình huấn luyện để chuẩn bị cho cuộc phản công. Tin tình báo hồi tháng Tư của Anh quốc cho biết lực lượng Nga kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine nằm ở phía Nam và phía Đông. Bọn chúng lập ba vòng phòng thủ, và một tuyến chặn đường xe tăng dài 75 dậm xuyên ngang phần phía đông của tỉnh Zaporizhia. Lãnh đạo ở Mạc Tư Khoa hy vọng chúng sẽ tấn công vào tỉnh Melitopol, một thành phố huyết mạch nối liền lãnh thổ đất liền của Nga bằng cầu cung cấp tiếp liệu cho lực lượng Nga đang chiếm đóng vùng Donbas và Crimea.

 

Hoa Kỳ và đồng minh giữ vai trò chủ yếu trong việc chuẩn bị cho lực lượng quân sự của Ukraine. Khoảng 8,000 binh lính Ukraine đã hoàn tất chương trình huấn luyện quân sự, trong đó có hai trung đoàn được quân đội Mỹ huấn luyện để dùng các loại xe quân sự của Mỹ như xe Bradley và xe Skyer có thể bắn hỏa tiễn. Binh linh Ukraine khi ở nước Đức được huấn luyện cách sử dụng xe tăng Leopard 2, và quân đội Anh huấn luyện cách sử dụng xe tăng Challenger. Quân đội Ukraine có 9 trung đoàn với hàng ngàn binh sĩ được huấn luyện để sử dụng các loại vũ khí của phe Tây phương, gồm có 200 xe tăng, 152 khẩu pháo bắn đại bác, và 867 xe tăng chở lính, và xe vận tải chiến đấu. Tất cả các loại quân cụ này đòi hỏi binh lính Ukraine phải được huấn luyện kỹ thuật tác chiến mới. Trước đây, lính Ukraine chỉ được huấn luyện theo chiến thuật thời Nga Xô Viết, tức là ngăn chặn địch quân bằng đại pháo, sao đó đem lính bộ binh tiến vào trận địa.

 

Những đơn vị binh lính được huấn luyện chiến thuật mới sẽ phối hợp nhiều kỹ thuật khác nhau: phối hợp pháo binh, xe tăng và bộ binh một cách nhịp nhàng. Pháo binh, hỏa tiễn, máy bay không người lái và các loại vũ khí khác của phe Tây phương đã đóng vai trò quyết định  trước khi lực lượng Ukraine mở cuộc phản công vào tháng Tám năm ngoái. Lính Nga đã bị đẩy lui ra khỏi vùng đông bắc Kharkiv và một phần tỉnh Kherson ở phía nam. Thành tích này khiến người ta hy vọng quân đội Ukraine có thể đánh bại hoàn toàn lực lượng xâm lược Nga. nhưng rồi những tháng sau đó cho thấy cuộc chiến trở nên đẫm máu hơn, cả hai bên cùng có hàng ngàn binh lính bị giết, máu ướt đẫm trên chiến trường. 

 

Tháng Hai vừa rồi, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ ông Lloyd Austin đi quan sát tất cả các loại vũ khí trưng bày ở căn cứ Grafenwoehr bên Đức, và xem đợt binh lính Ukraine đầu tiên- 635 binh sĩ-  được huấn luyện dùng vũ khí Tây phương. Họ biểu diễn cách tác xạ súng đại bác và cách sử dụng xe tăng. Căn cứ này thời xưa là trường huấn luyện của Đức Quốc Xã. Khóa huấn luyện binh lính Ukraine kéo dài từ hai đến năm tuần, lính Ukraine biểu diễn cách sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau từ dàn phóng howitzer đại bác M109 Paladin bay lên trời nổ điếc tai. Binh lính Ukraine tỏ ra nhuần nhuyễn khi sử dụng chính xác các loại vũ khí mới của phe tây phương.

 

Trong những ngày sắp tới, các loại vũ khí đắt tiền, và công trình huấn luyện kỹ thuật tác chiến công phu sẽ đóng vai trò quyết định trong đợt phản công sắp tới. Khi trận chiến bắt đầu ở mặt trận phía đông, số phận của lực lượng phe Ukraine sẽ được đem ra thử thách từ lúc đó. 

 

Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 8/5/2023

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats