Friday, 26 May 2023

ĐIỆN - MINH HỌA CHO . . . 'SÁNG SUỐT và TÀI TÌNH' (Trân Văn, VOA)

 



Điện – minh họa cho… ‘sáng suốt và tài tình’

Trân Văn

25/05/2023

https://www.voatiengviet.com/a/dien---minh-hoa-cho-sang-suot-va-tai-tinh-/7108843.html

 

Theo giải thích của EVN, tập đoàn này thua lỗ nghiêm trọng và liên tục phải đề nghị hoặc chủ động tăng giá bán điện trong phạm vi được phép tự quyết định là vì giá các loại nguyên liệu (than, dầu) để sản xuất điện tăng.

 

https://gdb.voanews.com/8263ED5B-8EA0-4C52-820D-E0F0AF451968_w1023_r1_s.jpg

Ông Nguyễn Thiện Nhân vừa đề nghị chuyển 130.000 tỉ mà năm ngoái các Đại biểu quốc hội đã nhất trí sẽ đầu tư cho các dự án phúc lợi công công nhưng chưa dùng đến cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì EVN đang... lỗ nặng.

 

Ông Nguyễn Thiện Nhân – người đang đại diện dân chúng TP.HCM tại Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam – vừa đề nghị chuyển 130.000 tỉ mà năm ngoái các Đại biểu quốc hội đã nhất trí sẽ đầu tư cho các dự án phúc lợi công công nhưng chưa dùng đến cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì EVN đang... lỗ nặng (1).

 

EVN nói riêng và thực trạng lĩnh vực điện năng tại Việt Nam nói chung chính là một trong những minh họa sống động cho nhận thức, năng lực quản trị điều hành kinh tế - xã hội của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam dưới sự lãnh đạo luôn được ca ngợi là “sáng suốt và tài tình” của đảng CSVN...

 

                                                                ***

 

Để xây dựng “nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”, chính quyền Việt Nam thành lập một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước và dồn gần như toàn bộ nội lực quốc gia vào những tập đoàn, tổng công ty, công ty này. Cho dù nhận được đủ thứ ưu đãi từ vốn đến chính sách nhưng các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước liên tục thua lỗ trầm trọng đến mức chính quyền Việt Nam chịu không xiết, phải “giải tư” (cổ phần hóa) phần lớn tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước.

 

Sau giai đoạn thành lập, cố gắng duy trì các “trụ” lẽ ra phải “đỡ” cho “nền kinh tế theo định hướng XHCN” vững vàng để phát triển nhưng chỉ rặt “phá gia chi tử” là giai đoạn “giải tư” tạo điều kiện cho nhiều cá nhân biến công sản (tài sản của các doanh nghiệp nhà nước) thành tài sản riêng, những tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước chưa được “giải tư” hoàn toàn thì tiếp tục vừa phá, vừa lũng đoạn chính sách trong lĩnh vực mà các tập đoàn, tổng công ty, công ty này được hưởng đặc quyền và EVN nằm trong nhóm này.

 

Cung cách quản trị, điều hành quốc gia dưới sự lãnh đạo “sáng suốt và tài tình” của đảng CSVN đã giúp EVN biến điện năng nói riêng và năng lượng quốc gia nói chung trở thành một thứ “con tin”. Thỉnh thoảng EVN lại... báo lỗ, dọa sẽ... thiếu điện nên sắp hoặc sẽ phải cắt điện luân phiên gây căng thẳng cho nhiều giới (đầu tư ngoại quốc, doanh nghiệp, tiêu dùng)... Hậu quả của kiểu hù dọa này tai hại tới mức hồi cuối 2018, Thủ tướng Việt Nam khi đó phải dọa lại: Anh nào nói cắt điện, tôi cách chức anh đó (2)!

 

Đáng ngạc nhiên là chưa rõ vô tình hay cố ý, những cá nhân “sáng suốt và tài tình” đã cũng như đang lãnh đạo đảng CSVN lại chấp nhận chuyện này, thành ra ngay sau khi loan báo đạt mức lãi... “kỷ lục” (khoảng 14.700 tỉ) vào năm 2021, EVN bắt đầu báo... lỗ và mức độ thua lỗ cũng là... “kỷ lục” (3). Từ năm 2022, EVN liên tục phá... “kỷ lục” thua lỗ. Thay mặt EVN, ông Nguyễn Thiện Nhân mới “cảnh báo”, EVN đã lỗ khoảng 100.000 tỉ (tương đương 50% vốn điều lệ), trong đó có 19.000 tỉ đến hạn nhưng không trả được!

 

Bởi EVN... “thua lỗ” trầm trọng nên chính quyền Việt Nam lặng thinh để EVN tăng giá bán điện thêm một lần nữa hồi đầu tháng này, bất kể hậu quả của việc tăng giá điện đối với kinh tế - xã hội trong bối cảnh ngặt nghèo như hiện nay (4) nhưng điều đó vẫn chưa phải là nghiêm trọng nhất. Trong vài tuần gần đây, EVN công bố hàng loạt thông tin cho thấy, an ninh năng lượng Việt Nam đang ở ngưỡng nguy hiểm.

 

Bên cạnh báo... “lỗ”, EVN liên tục loan báo... “thiếu điện” và để... chứng minh là... thiếu... thiệt, EVN đã tiến hành cắt điện luân phiên ở nhiều nơi, song song với việc đề nghị Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thanh toán trễ tiền mua than, cho vay than để sản xuất điện (5). EVN cũng đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ưu tiên cung cấp khí đốt cho sản xuất điện, thậm chí dừng hoạt động của hai nhà máy đạm (Cà Mau và Phú Mỹ) nhường nguồn khí đốt này cho sản xuất điện (6).

 

                                                             ***

 

Theo giải thích của EVN, tập đoàn này thua lỗ nghiêm trọng và liên tục phải đề nghị hoặc chủ động tăng giá bán điện trong phạm vi được phép tự quyết định là vì giá các loại nguyên liệu (than, dầu) để sản xuất điện tăng. Còn thiếu điện là vì thiếu hụt nguyên liệu sản xuất điện (lưu lượng nước của thủy điện giảm so với mức trung bình, việc nhập cảng than gặp khó khăn, trữ lượng của các mỏ khí đốt đã bắt đầu giảm), kế hoạch mua thêm điện từ Trung Quốc và Lào không suôn sẻ như dự tính ban đầu (7)...

 

Có một điểm đáng chú ý là cả các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lẫn EVN cùng lờ đi nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng mà EVN mô tả là từ đâu. Nơi nào đề nghị cho phép phát triển thủy điện và các nhà máy đốt than phát điện tràn lan? Nơi nào phê duyệt những đề nghị này bất chấp những khuyến cáo của các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài Việt Nam về những tác hại nghiêm trọng cho môi trường, dân sinh và an ninh năng lượng quốc gia?

 

Giờ, thay vì điểm mặt, chỉ tên những tổ chức như đảng CSVN, những cơ quan hữu trách như Quốc hội Việt Nam, chính phủ Việt Nam, truy cứu trách nhiệm của những cá nhân đề ra, biểu quyết, phê duyệt ủng hộ Quy hoạch Điện VII giai đoạn từ 2011 đến 2020 và Điều chỉnh Quy hoạch điệnVII (8) thì những thành viên là rường cột của đảng CSVN muốn ngắt thêm 130.000 tỉ đồng vốn dĩ phải dùng cho những dự án phúc lợi công cộng để trao cho EVN. Người Việt có cần sự “sáng suốt và tài tình” như thế không?..

 

(Còn tiếp)

 

-------------

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/de-xuat-nha-nuoc-chi-130000-ti-dong-de-evn-cat-lo-185230523214135141.htm

(2) https://vnexpress.net/thu-tuong-anh-nao-cat-dien-cach-chuc-anh-do-3869864.html

(3) https://markettimes.vn/tai-sao-evn-vua-lai-ky-luc-nam-2021-xong-lai-lo-ky-luc-chi-trong-nua-dau-2022-4380.html

(4) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chi-tiet-so-tien-nguoi-dan-phai-tra-sau-khi-gia-dien-tang-3-119230505094712249.htm

(5) https://tuoitre.vn/evn-xin-gian-no-tien-mua-than-de-duy-tri-san-xuat-dien-20230517062404128.htm

(6) https://plo.vn/neu-ngung-nha-may-dam-de-san-xuat-dien-luong-phan-bon-co-dam-bao-post734334.html

(7) https://tuoitre.vn/mien-bac-co-the-thieu-4-900-mw-dien-evn-phai-tinh-viec-giam-phu-tai-20230505114319207.htm

(8) https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/quy-hoach-dien-vii-nhiet-dien-than-giu-vai-tro-quan-trong2.html

.

==================================================

.

.

Điện - minh họa cho... ‘sáng suốt và tài tình’ (tiếp theo)

Trân Văn

26/05/2023

https://www.voatiengviet.com/a/dien---minh-hoa-cho-sang-suot-va-tai-tinh-(tiep-theo)-/7110481.html

 

Khó mà kể hết những gì EVN nói riêng và chính quyền Việt Nam nói chung đã biện bạch về những bất cập, bất toàn trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

 

https://gdb.voanews.com/47F923CB-A275-4AD4-949B-E0BC7112A2FB_w1023_r1_s.jpg

Trong vài thập niên gần đây, cả EVN lẫn chính phủ Việt Nam cùng thi nhau bày tỏ sự... trăn trở về vốn phát triển nguồn điện và lưới điện, đồng thời liên tục... cảnh báo về nguy cơ thiếu điện đe dọa an ninh năng lượng quốc gia.

 

Nếu chịu khó tìm kiếm những thông tin liên quan đến lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam nói chung và điện năng nói riêng ắt sẽ có cảm giác giống như lạc vào mê hồn trận và rất khó có thể tìm câu trả lời cho thắc mắc vì sao lĩnh vực này lại có những mâu thuẫn kỳ lạ đến mức như vậy.

 

Trong vài thập niên gần đây, cả EVN lẫn chính phủ Việt Nam cùng thi nhau bày tỏ sự... trăn trở về vốn phát triển nguồn điện và lưới điện, đồng thời liên tục... cảnh báo về nguy cơ thiếu điện đe dọa an ninh năng lượng quốc gia (1). Đáng lưu ý là sự... trăn trở và những... cảnh báo này lại nằm chễm chệ bên cạnh chuyện Việt Nam đã có thêm rất nhiều nhà máy phát điện từ việc khai thác ánh sáng mặt trời, gió (được gọi chung là năng lượng tái tạo hay điện xanh, hoặc điện sạch khác với điện bẩn khai thác nguyên liệu hóa thạch để phát điện theo “Quy hoạch điện VII”). Tính đến hết năm ngoái, điện sạch chiếm 26,4% tổng công suất điện ở Việt Nam. Nếu tính riêng nguồn điện từ mặt trời và gió thì tỉ lệ này là 12,8%. Do lợi thế về đặc điểm địa lý, triển vọng phát triển điện sạch tại Việt Nam rất lớn, giới đầu tư (bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp ngoại quốc) đã nhanh chóng rót tiền vào các dự án năng lượng tái tạo. Tổng vốn đầu tư vào những dự án này được ước đoán đã lên đến hàng tỉ Mỹ kim.

 

Thế thì tại sao đến giờ vẫn thiếu... vốn và thiếu... điện? Các chuyên gia và báo giới ở Việt Nam cùng gọi đó là nghịch lý. Dù đã được nhận diện từ cách nay năm, bảy năm (2) nhưng nghịch lý này vẫn mang dáng vẻ... “muôn năm” như... “đảng CSVN quang vinh”. Các dự án điện sạch hết bị hắt hủi vì “gây áp lực cho hệ thống truyền tải, có thể đe dọa sự ổn định của hệ thống điện” (3) lại bị “bóp mũi” vì những quy định liên quan đến giá mua điện – đang có ít nhất 34 dự án điện sạch trị giá 85.000 tỉ đồng “đắp chiếu” vì chủ trương về giá mua điện (4). Cứ đặt chuyện EVN thua lỗ trầm trọng vì phải mua than với giá cao, “sáng kiến” trao 130.000 tỉ lẽ ra phải dùng để đầu tư vào các dự án mang tính phúc lợi cho EVN để tập đoàn này... “cắt lỗ” bên cạnh các dự án điện sạch ngắc ngoải bởi sự khống chế giá mua điện, rồi đặt thực trạng thiếu điện phải vay than, đề nghị các nhà máy đạm ngưng hoạt động để nhường khí đốt như đã đề cập bên cạnh các dự án điện sạch “đắp chiếu” thì tự nhiên sẽ thấy nên dành gì cho “sáng suốt và tài tình”!

 

Tuần trước, báo chí Việt Nam cho biết, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã “yêu cầu xử lý chuyện những doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu Công nghiệp (KCN) Lộc Sơn cho bên thứ ba thuê mái để lắp đặt các tấm pin biến quang năng (ánh sáng mặt trời) thành điện năng khi chưa được cấp giấy phép” (5). Để... “giữ nghiêm phép nước”, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng dự tính sẽ buộc tháo dỡ toàn bộ các tấm pin (tổng diện tích hàng chục ngàn mét vuông, trị giá hàng ngàn tỉ). Tuần này, báo chí Việt Nam kể thêm, sau khi... “phát giác” Tập đoàn Trung Nam “vận hành hai nhà máy thủy điện đã bảy năm mà chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình”, Sở Công Thương Lâm Đồng thỉnh thị “không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (ngoài phạt tiền còn buộc khắc phục hậu quả bằng cách buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp từ hoạt động phát điện để sung công)” nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng mới bác đề nghị này (6). So cả hai sự kiện xảy ra ở cùng một nơi thì rõ ràng “nghiêm minh” chỉ là... tương đối.

 

                                                          ***

Khó mà kể hết những gì EVN nói riêng và chính quyền Việt Nam nói chung đã biện bạch về những bất cập, bất toàn trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Thay vì phân tích, xin nhắc lại một câu chuyện đã từng kể cách nay vài tháng: Tại một hội nghị khẩn cấp về kinh tế và dân sinh được tổ chức hồi giữa tháng 2 năm nay, Tổng thống Nam Hàn đã yêu cầu ít nhất là đến giữa năm, các cơ quan hữu trách của chính phủ phải giữ nguyên, không để những loại phí do chính phủ kiểm soát (đường bộ, đường sắt, viễn thông) gia tăng (7).

 

Giống như nhiều quốc gia khác, cả chính phủ lẫn dân chúng Nam Hàn cũng loay hoay đối phó với lạm phát. Hồi đầu năm nay, giá điện tại Nam Hàn đã tăng thêm 9,5% (tăng thêm khoảng 0,01 Mỹ kim/mỗi kWh) so với năm ngoái. Với giá điện mới, người ta ước đoán, một gia đình bốn người sẽ phải trả thêm khoảng 3,2 Mỹ kim cho việc dùng điện. Lẽ ra giá ga cũng phải tăng nhưng chính phủ Nam Hàn quyết định bù lỗ để kềm giá ga cho tới sang năm vì lo ngại những thành phần yếu thế trong xã hội không kham nổi gánh nặng khi cả giá điện lẫn giá ga (loại năng lượng không thể thiếu trong mùa Đông vì ai cũng cần sưởi ấm) cùng tăng. Để lạm phát không tạo thêm quá nhiều khó khăn cho những thành phần yếu thế, song song với việc cho phép tăng giá điện, chính phủ Nam Hàn loan báo sẽ nâng mức trợ cấp chi phí về năng lượng cho những thành phần yếu thế lên 54 Mỹ kim (từ 100 Mỹ kim thành 154 Mỹ kim) và tùy gia cảnh mà nâng mức giảm tiền ga thêm 5 Mỹ kim đến 10 Mỹ kim/tháng.

 

Bởi giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, tác động bất lợi đến kinh tế, dân sinh, chính phủ Nam Hàn cam kết cho các doanh nghiệp vay vốn để cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng. Những đại doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng lớn sẽ được hỗ trợ thay thế thiết bị có hiệu suất tiết kiệm năng lượng cao để cùng chính phủ thực hiện một dự án có quy mô quốc gia về tiết kiệm năng lượng (8). Trong hội nghị khẩn cấp vừa kể, ông Yoon Suk-yeol – Tổng thống Nam Hàn tiếp tục lập lại yêu cầu mà ông đã từng đề cập nhiều lần: Phải giảm tối đa gánh nặng giá cả cho dân chúng. Phải kềm giữ phí trong những lĩnh vực thiết yếu như giao thông, viễn thông,... là để ổn định dân sinh. Ông Yoon kêu gọi doanh giới cùng tham gia với chính phủ trong việc ổn định giá cả, san sẻ gánh nặng của dân chúng... Có thể vì không “sáng suốt, tài tình” nên giống như nhiều quốc gia khác, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Nam Hàn không biện minh mà chuyên chú vào việc tìm giải pháp bởi không tìm ra giải phái hữu hiệu thì sẽ bị dân chúng giải tán.

 

--------------

Chú thích

(1) https://nhandan.vn/lo-thieu-dien-de-phuc-hoi-kinh-te-post694825.html

(2) https://vietnamnet.vn/nghich-ly-thieu-dien-lai-lo-qua-tai-vi-du-thua-dien-mat-troi-571221.html

(3) https://laodong.vn/kinh-doanh/phat-trien-bung-no-dien-gio-dien-mat-troi-gay-qua-tai-luoi-dien-1063500.ldo

(4) https://vneconomy.vn/bao-dong-cang-thang-tai-chinh-tu-cac-du-an-nang-luong-tai-tao.htm

(5) https://plo.vn/yeu-cau-xu-ly-viec-lam-dien-mat-troi-trai-phep-trong-khu-cong-nghiep-o-lam-dong-post733842.html

(6) https://tienphong.vn/xu-phat-cty-van-hanh-2-nha-may-thuy-dien-chui-post1536434.tpo

(7) http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=57682

(8) https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=57138





No comments:

Post a Comment

View My Stats