Monday, 22 May 2023

HẬU HỘI NGHỊ G7 MỞ RỘNG : VIỆT - NHẬT "LIÊN KẾT NHẰM NGĂN CHẶN SỰ BÀNH TRƯỜNG" CỦA BẮC KINH (Quốc Phương, RFA)

 



Hậu Hội nghị G7 mở rộng: Việt-Nhật nên "liên kết nhằm ngăn chặn sự bành trướng" của Bắc Kinh

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.05.22

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-n-japan-should-join-in-order-to-prevent-beijing-s-expansion-05222023061414.html

 

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa hoàn thành chuyến công du quan trọng khi dự Hội nghị mở rộng khối bảy quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7-mở rộng) tại Hiroshima, theo lời mời của Thủ tướng Fumio Kishida của nước chủ nhà Nhật Bản đăng cai sự kiện.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-n-japan-should-join-in-order-to-prevent-beijing-s-expansion-05222023061414.html/@@images/abd55391-8f4e-41cc-aaa2-ddb7bf36a777.jpeg

Thủ tướng VN Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida hôm 21/5/2023 bên lề Hội nghị G7.   Reuters

 

Theo báo chí, truyền thông chính thống của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phái đoàn Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ, qua đó nâng cao vị thế và khả năng hợp tác, thu hút đầu tư từ quốc tế, nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, những vấn đề hữu ích, thiết thực, có tầm quan trọng cao đối với Việt Nam tại thời điểm hiện tại và trong tương lai tới đây.

 

Trước khi bước vào hội đàm vào ngày 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio chứng kiến trao đổi văn bản ký kết 3 dự án hợp tác ODA (Hỗ trợ Phát triển Chính thức) với tổng trị giá 61 tỉ yên (khoảng 500 triệu USD) gồm: chương trình hỗ trợ ngân sách ODA thế hệ mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19, dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương, dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.

 

Nhìn lại sự kiện qua chuyến thăm Nhật Bản này của Thủ tướng Việt Nam tại G7 mở rộng, từ Tokyo, nhà báo, nhà quan sát thời sự, chính trị Đỗ Thông Minh trong dịp này chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do vài điểm nhìn từ quan điểm cá nhân của mình, trong đó đặc biệt liên quan quan hệ song phương Nhật – Việt:

 

“Việt Nam có thế khá mạnh trong khối ASEAN với 100 triệu dân, chỉ đứng thứ hai sau Indonesia với 274 triệu dân. Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, vừa thân thiện (qua quan hệ liên Đảng Cộng sản), vừa bị lấn át nên thường xuyên phải cảnh giác. Với vị thế đó và trong lúc Trung Quốc đang bành trướng, hai nước Việt và Nhật tìm đến nhau, liên kết nhằm ngăn chặn sự bành trướng này.

 

Nhật Bản và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nhiều nhất là viện trợ xây dựng hạ tầng giao thông, cung cấp các tàu tuần duyên. Vì thiếu nhân lực, nay Nhật đã nhận tới 500.000 người Việt để củng cố vấn đề nhân lực bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, chỉ đứng thứ hai sau số người Việt ở Hoa Kỳ là khoảng 1,5 triệu. Còn mục tiêu chung song phương hiện nay và qua G7 mở rộng này là tăng cường hợp tác nhiều mặt, phát triển trong ổn định và cùng cảnh giác sự bành trướng của Trung Quốc.”

 

.

RFA: Theo ông, Nhật Bản nên quan tâm ưu tiên giúp đỡ cụ thể gì cho Việt Nam để được khả thi, hiệu quả, kịp thời trong tình hiện nay và tới đây?

 

Ông Đỗ Thông Minh: Nhật giúp Việt Nam củng cố, bảo đảm an ninh hàng hải trên Biển Đông, nơi cũng là đường giao thương chính của Nhật. Họ giúp về tài chính, tàu tuần duyên, hợp tác năng lượng, và hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật nói chung như giúp phóng vệ tinh nhỏ của Việt Nam vào không gian... Nhưng một điểm đáng chú ý, bên cạnh các doanh nghiệp Nhật Bản đang được mời gọi tới Việt Nam kinh doanh, đầu tư hiện nay và trong trung hạn tới đây như một làn sóng mới, thì nên chú ý là Nhật đang có ý muốn đổi luật để cho phép cung cấp một số vũ khí cho nước ngoài, như tôi đã có dịp đề cập.

 

Ngoài ra cũng về mặt hợp tác an ninh, quốc phòng, từ hàng chục năm qua, hầu như năm nào tàu chiến Nhật cũng ghé thăm Việt Nam. Hoàng Tử, rồi Thiên Hoàng Nhật cũng ghé thăm Việt Nam. Hai bên thường trao đổi, học hỏi lẫn nhau trong việc đối phó với Trung Quốc. Dù quá khứ, thời Thế Chiến Thứ II, Nhật đã chiếm đóng Việt Nam, nhưng nay trang sử quá khứ coi như đã lật qua, quan hệ giữa hai nước khá tốt đẹp, và người dân hai nước cũng có thiện cảm với nhau hơn là với Trung Quốc, việc hợp tác trên phương diện này theo tôi sau G7 mở rộng cũng sẽ được hai bên thắt chặt và làm cho sâu sắc thêm.

 

.

RFA: Nhân đây, theo ông Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay nên quan tâm học hỏi điều gì từ Nhật Bản để giúp nền quản trị quốc gia dân chủ, văn minh và tiến bộ hơn?

 

Ông Đỗ Thông Minh: Tôi chỉ xin nói riêng một điều, đó là “Dân Chủ” là thuật ngữ do chính người Nhật dùng chữ Hán đặt ra (民主), là nước Á Châu có Hiến Pháp sớm nhất và thực thi Dân Chủ kiểu Đại Nghị của Anh. Nhật Bản có một đảng lớn là đảng Tự Do Dân Chủ, là kết hợp một số đảng sau Thế Chiến Thứ II, coi như chi phối hầu hết từ hậu chiến tới nay, chỉ có hai lần chính quyền rơi vào tay liên minh đối lập trong thời gian ngắn. Nhật Bản có tất cả khoảng 10 đảng, được tự do chính trị, tôn giáo, ngôn luận, hội họp, biểu tình… Đài truyền thanh và truyền hình NHK, chẳng hạn, từ quốc doanh đổi sang tư doanh nên thông tin độc lập, không đứng theo đảng nào. Nếu quan chức nào can thiệp vào việc truyền thông của đài mà bị lộ ra là mất chức. Dân Chủ luôn là nền tảng để phát huy, người Việt Nam ai cũng biết vậy, nhưng chọn theo chủ nghĩa Cộng Sản thì đã đang khó khăn, đảng viên Cộng Sản sợ thay đổi bị mất quyền lợi vì bản thân hơn là vì dân!

 

Nhà tư tưởng duy tân lừng danh của Nhật Bản là ông Fukuzawa Yukichi, tôi xin mở ngoặc là hình in trên tiền giấy mệnh giá cao nhất 10.000 Yen, trên tiền Nhật ngày nay không in hình Thiên Hoàng hay Thủ Tướng mà in hình người thực sự có công và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển đất nước, đã chủ trương “Quốc gia muốn độc lập thì mỗi người dân phải có tinh thần độc lập.”, “Muốn độc lập phải theo đuổi khoa học, kỹ thuật.” Và ông còn nhấn mạnh “Phải theo đuổi khoa học, kỹ thuật để bảo vệ độc lập.”

 

Người Nhật có tinh thần duy lý, trừu tượng và yêu thiên nhiên, là nước thuộc Á Châu nhưng gần gũi với Âu Châu nhất, nên họ học hỏi Âu Châu rất nhanh, Trung Quốc bắt chước theo Nhật và Việt Nam theo sau cùng, nên tôi nghĩ riêng về vài khía cạnh này có thể có nhiều điều, nhất là về dân chủ và nội lực tự chủ, mà không chỉ chính quyền, nhà nước, mà nói chung là Việt Nam nên quan tâm, tham khảo,” nhà báo, nhà biên khảo và nhà quan sát thời sự, chính trị Đỗ Thông Minh chia sẻ trên quan điểm riêng từ Nhật Bản với Đài Á Châu Tự Do, nhân Thủ tướng Việt Nam ông Phạm Minh Chính tới Hiroshima tham dự Hội nghị G7 mở rộng (19-21/5/2023).

 

.

Thúc đẩy làn sóng đầu tư mới tới Việt Nam

 

Còn theo truyền thông, báo chí chính thống của Việt Nam, trong chưa đầy ba ngày, Thủ tướng Việt Nam đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động khác nhau, trong đó bên cạnh các cuộc họp chính thức trong nghị trình G7 mở rộng, tham gia và có phát biểu trong các thảo luận chính trị, chiến lược quan trọng có chủ đề mang tính toàn cầu và khu vực, bên cạnh các gặp gỡ song phương, tiếp xúc bên lề với lãnh đạo, người đứng đầu, đại diện nhiều quốc gia, tổ chức, các đoàn, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, thì riêng liên quan quan hệ hợp tác song phương Việt – Nhật, “nhiều cam kết hấp dẫn đã được đưa ra, thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam”, như báo mạng Vietnamnet thuộc Bộ Thông tin, Truyền thông đưa tin cho hay hôm 22/5/2023.

 

“Ngoài các chương trình nghị sự trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng đã có nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, thực chất với lãnh đạo Nhật Bản cũng như lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế... góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với các đối tác. Thủ tướng Chính phủ đã có 13 cuộc làm việc, bao gồm hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio; tiếp Thống đốc, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Hiroshima; tiếp các nghị sỹ Quốc hội có khu vực bầu cử tại Hiroshima; gặp các Hội hữu nghị với Việt Nam, lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn lớn của Nhật Bản, dự và phát biểu tại Tọa đàm kinh doanh Việt – Nhật... Những cuộc gặp này đều đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó phải kể đến việc hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nỗ lực đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á lên tầm cao mới, đặc biệt trong năm 2023 – dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản,” vẫn theo Vietnamnet.

 

 

Trước đó, bình luận về lý do Việt Nam được nước chủ nhà Nhật Bản mời tham dự kỳ Hội nghị G7 mở rộng lần này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yamada Takio, trả lời báo điện tử của Chính phủ Việt Nam hôm 17/5, nói:

 

“Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh (G7) mở rộng lần này là do Việt Nam là đối tác quan trọng và cần thiết trong việc thực hiện mục tiêu Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản, đồng thời Việt Nam có khả năng và quyết tâm đóng góp tích cực cho tiến trình giải quyết các vấn đề trọng tâm của cộng đồng quốc tế dự kiến được đưa ra tại Hội nghị. Trong các nước thành viên ASEAN, chỉ có Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN 2023 và Việt Nam là hai quốc gia duy nhất được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này. Ngoài Việt Nam, các quốc gia không phải là nước chủ tịch của một diễn đàn hoặc cơ chế hợp tác trong khu vực và trên thế giới cũng được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này còn có Brazil, Hàn Quốc và Australia.

 

Trên ý nghĩa đó, tôi cho rằng các bạn đã phần nào hiểu được việc Nhật Bản "vô cùng coi trọng" quan hệ hợp tác với Việt Nam. Thêm vào đó, Nhật Bản và Việt Nam đã đồng ý nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước hiện nay lên một tầm cao mới trong năm nay tại cuộc hội đàm trực tuyến cấp cao giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được tổ chức vào tháng 2 vừa qua. Do đó, việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này là dấu mốc quan trọng để nâng cấp quan hệ đối tác giữa hai nước lên một tầm cao mới, đồng thời tạo động lực thúc đẩy cho tiến trình này.”

 

 

Còn khi được đề nghị đưa ra gợi ý ‘giúp Việt Nam’ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, Đại sứ Nhật Bản, ông Yamada Takio nói:

 

“Việt Nam là quốc gia rất thành công trong việc thu hút đầu tư từ các quốc gia khác. Đặc biệt, tôi đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các khuôn khổ đối tác kinh tế, trong đó có Hiệp định CPTPP và những nỗ lực của Việt Nam trong việc xóa bỏ các rào cản khi gia nhập. Trong một cuộc khảo sát, các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất và được yêu thích trên thế giới đối với doanh nghiệp Nhật Bản, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với các vấn đề.

 

Đầu tiên là về cơ sở hạ tầng. Việc hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng sẽ khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Đặc biệt, tôi cho rằng Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển hạ tầng giao thông như đường cao tốc và đường sắt. Hơn nữa, hy vọng sẽ tiến hành thảo luận chặt chẽ với Việt Nam, một đối tác quan trọng để hiện thực hóa Sáng kiến "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở," vẫn theo Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam.

 

---------------------

Tin, bài liên quan

TIN VIỆT NAM

·        ĐCSVN không công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm là “xúc phạm Đảng viên và nhân dân”

·        Nhà quan sát: Nên ra Luật về Đảng, không cần thiết phải lấy phiếu tín nhiệm trong nội bộ!

·        Hội nghị TƯ giữa kỳ của Đảng bế mạc, ai có “tín nhiệm thấp” có thể bị xử lý ở Quốc Hội

·        Hội nghị TƯ 7 giữa kỳ: Nhà quan sát đánh giá về khả năng thay đổi trong tứ trụ

Quốc hội Việt Nam nên bổ sung ưu tiên nội dung gì vào chương trình nghị sự hiện nay và vì sao?






No comments:

Post a Comment

View My Stats